Nghi lễ khánh hạ (ngày Tết Nguyên đán) dưới triều Nguyễn.

  1. Lịch sử

Hiện nay, Tết Nguyên đán vẫn là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam. Từ ngày rằm tháng Chạp là không khí Tết đã rục rịch, đến ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công, ông Táo) thì Tết đã gõ cửa từng nhà rồi.

Trong phạm vi của bài viết này, mình xin phép chia sẻ về những nghi lễ trong ngày tết Nguyên đán và những quy chế về lễ Khánh hạ (trong ngày tết Nguyên đán) dưới triều Nguyễn. Còn về quy chế y phục đại triều (trong ngày tết Nguyên đán) dưới triều Nguyễn, do quá dài dòng nên xin hẹn ở một bài khác; hoặc bạn nào có nhã hứng, xin tìm đọc ở quyển 78 bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ.

1. Đại cương về nghi lễ tết Nguyên đán dưới triều Nguyễn.

           

Dưới thời phong kiến, đặc biệt là triều Nguyễn thì tết Nguyên đán là một ngày lễ cực kì quan trọng; đây là một trong những ngày lễ mà đặt nghi lễ đại triều[1]. Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 69: “Đại triều đặt ở sân điện Thái Hòa, các thân công, hoàng tử lập ban trên thềm, các quan văn vũ từ Tam phẩm trở lên lập ban thềm bệ rồng, Tứ phẩm trở xuống lập ban gần thềm rồng…”[2]. Cũng theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 69: “Phàm kính gặp 3 tiết lớn: Từ cung thánh thọ, Chánh đán, Đoan dương; trước một ngày, quan bộ Lễ mặc phẩm phục kính đưa tờ mừng, hầu vua phê điền rồi đặt án ở điện Cần Chánh, đặt tờ mừng ấy lên. Đến ngày lễ, quan coi việc sửa soạn đủ nghi trượng, tàn lọng rước đi. Hoàng đế thân đưa các bề tôi (đến Từ cung) làm lễ Khánh hạ”[3]. Điều này có nghĩa là gì? Vào ngày tết Nguyên đán, nghi lễ đại triều sẽ được đặt ở sân điện Thái Hòa; sau đó thì Hoàng đế sẽ đưa các bề tôi đến Từ cung làm lễ khánh hạ. Từ cung ở đây là nơi ở của Hoàng thái hậu (mẹ đẻ của vua) hoặc Thái hoàng thái hậu (bà nội của vua); tùy từng triều vua mà tên gọi khác nhau, đời vua Gia Long gọi là cung Trường thọ[4] còn từ đời vua Minh Mệnh về sau gọi là cung Từ thọ[5]. Thông thường, Từ cung là nơi mẹ đẻ của vua ở, riêng đời vua Thiệu Trị thì do mẹ đẻ của ông là Tá Thiên Nhân Hoàng hậu mất sớm[6] nên Từ cung là nơi ở của Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Minh Thái hoàng thái hậu (mẹ đẻ của vua Minh Mệnh)[7], bà ở cung Từ thọ từ năm 1820[8] đến khi mất (năm 1846)[9].

           

Trong ngày Tết Nguyên đán, bên cạnh việc đặt nghi lễ đại triều ở điện Thái Hòa và làm lễ khánh hạ ở Từ cung; thì Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ cũng có ghi chép về tiết Nguyên đán ở điện Khôn Đức (nơi ở của Hoàng hậu) và Thanh cung (nơi ở của Hoàng thái tử). Theo Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, quyển 70: “Năm Gia Long thứ 2 (1803), lệ định hằng năm gặp tiết mừng Vương hậu ngày Nguyên đán, bách quan văn vũ trong kinh ngoài tỉnh và các trang ở huyện Tống Sơn, họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau, đến ngày tiết dâng đủ bản kê đồ lễ, tờ mừng, làm lễ Khánh hạ”[10]; “Gia Long năm thứ 7 (1808), lệ định: hằng năm gặp tiết chánh đán của Hoàng thái tử, phủ Tôn nhân, cung tần, ban văn, vũ, các thành, doanh, trấn kính dâng lễ trầu cau. Đến ngày tiết, đều dâng tờ mừng, bản kê lễ vật để Khánh hạ”[11].

2. Quy định về lễ Khánh hạ (trong ngày Tết Nguyên đán) dưới triều Nguyễn.

           

Như trên đã trình bày, lễ Khánh hạ tại Từ cung là một trong những nghi lễ trong ngày Tết Nguyên đán dưới triều Nguyễn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt thì lễ Khánh hạ này sẽ được miễn hoặc có thêm một số quy tắc ngoài điển lệ[12]. Năm Gia Long thứ 11 (1812), do có đại tang Hiếu Khang Hoàng thái hậu nên bách quan được miễn lễ Khánh hạ; năm Gia Long thứ 14 (1815), do có tang Thừa Thiên Cao hoàng hậu nên bách quan được miễn lễ Khánh hạ;…

           

Theo quy chế ban hành năm Gia Long thứ 3 (1804), trong lễ Khánh hạ (ngày tết Nguyên đán) ở Từ cung thì phủ Tôn nhân, vương tử, vương nữ, vương tôn, cung tần tả, hữu, ban văn, vũ, mệnh phụ văn vũ cùng các nha môn quân, trấn, doanh, phủ, huyện, các xã, trang ở Tống Sơn, con cháu họ Lê, họ Trịnh đều dâng lễ trầu cau theo thứ bậc[13]. Quy chế này còn thay đổi nhiều lần, cụ thể xin xem quyển 72 bộ Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ.

           

+ Bậc 1(Phủ Tôn nhân, vương tử, vương nữ, vương tôn): Mỗi bọn 1 mâm trầu cau trị giá 10 quan.

           

+ Bậc 2 (Tả hữu cung tần, ban văn, ban võ và mệnh phụ): Mỗi bọn 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 10 quan.

           

+ Bậc 3 (Viên chức quân thần sách, bọn quan văn võ ở Gia Định, Bắc thành): Mỗi bọn 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 9 quan.

           

+ Bậc 4 (Viên chức ở Ngũ quân, Thần vũ quân, Chấn vũ quân, Trượng quan, 5 doanh Thủy quân): Mỗi quân, doanh 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 8 quan.

           

+ Bậc 5 (Viên chức và quân ở doanh Tiền phong, bọn viên mục ở Đồ gia, bọn thợ ở Bách công, doanh Quảng Đức và bọn quan văn võ ở các doanh, trấn: Quảng Nam, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Phiên Trấn, Trấn Biên, Vĩnh Trấn, Trấn Định, Nghệ An, Thanh Hóa nội, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây): Mỗi bọn 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 7 quan.

           

+ Bậc 6 (Quan ở các trấn Thuận Thành, Thanh Hóa ngoại, Thái Nguyên, Hưng Hóa, An Quảng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Cao Bằng): Mỗi trấn 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 6 quan.

           

+ Bậc 7 (Diên Tự công triều Lê và bọn viên mục đội Trường đà): Mỗi bọn 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 3 quan.

           

+ Bậc 8 (Các công tính): Mỗi ngành 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 1 quan 5 tiền.

           

+ Bậc 9 (Tri phủ ở các phủ, các chi họ công tính ở Bắc thành): Mỗi phủ, mỗi chi 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 1 quan 5 tiền.

           

+ Bậc 10 (Quan các đồn, các đạo, các huyện và các xã, trang ở huyện Tống Sơn, con cháu họ Trịnh): Mỗi bọn 1 mâm trầu cau, thay bằng tiền 1 quan.

[1] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 16.

[2] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 16.

[3] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 16.

[4] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 38.

[5] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 38, tr. 39.

[6] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 3), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 5.

[7] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 18.

[8] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 13.

[9] Quốc sử quán triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Đại Nam liệt truyện (tập 2), NXB Thuận Hóa, 2006, tr. 17.

[10] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 47.

[11] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 47.

[12] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 23.

[13] Nội các triều Nguyễn – Viện Sử học (dịch), Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ (tập 4a), NXB Thuận Hóa, 2005, tr. 71 – 74.

Từ khóa: 

tết nguyên đán

,

triều nguyễn

,

lễ nghi

,

lịch sử