Nghe và nói tiếng Anh - Những điều cơ bản cần có!

  1. Giáo dục

Ý kiến của tác giả Nguyễn Quốc Toàn rất hay về động cơ học tiếng Anh và việc cần làm để tăng khả năng tương tác. Tuy nhiên, tác giả chỉ đưa ra trải nghiệm bản thân trong môi trường tương tác đa văn hóa mà không giải thích căn cứ trên quy trình tâm lý tiếp nhận và tái tạo ngôn ngữ.

Không ai phản đối việc cứ "càng bừa" đi rồi sẽ nói "được" tiếng Anh, nhưng việc học ngoại ngữ ở Việt Nam hiện nay vẫn nặng về ngữ pháp và viết vì các con chữ cứ nằm im trên giấy. Các từ vựng nằm im đó sẽ tự động được gán âm theo "giọng địa phương". Đây là điều hết sức tự nhiên vì khi người ta không biết từ đó được dân bản xử ở Anh-Mỹ đọc như thế nào thì người học tự động đưa âm bản ngữ của họ ghép lên âm nước ngoài. Sự sai biệt về âm và sai biệt trong cách phát âm làm người Việt mất tự tin khi nghe và nói tiếng Anh hoặc bất kì ngôn ngữ nước ngoài khác. 

Khi bàn về việc học ngoại ngữ, chúng ta cần phân biệt rõ hai đối tượng: Người chưa dậy thì (độ tuổi dưới 16) và người đã dậy thì (độ tuổi sau 16). Phương pháp dạy nghe nói cho hai đối tượng này có nhiều điểm rất khác biệt. Nhưng về cơ bản, để nghe-nói được một ngoại ngữ, người học cần có các yếu tố cơ bản sau:

+ Lượng từ vựng nhất định (lexicon)

+ Âm và ngữ điệu của các từ vựng (sounds & prosody)

+ Ngữ pháp ở mức độ cơ bản (basic grammar) để vận hành lượng từ vựng trên.

Xin nhắc lại rằng, ba yếu tố trên chỉ là yếu tố cơ bản để nói được ở mức giao tiếp thông thường.

Đối với trẻ dưới 16 tuổi, khả năng cảm âm và ngữ điệu vẫn còn nên các em có thể nghe và bắt chước được các âm thanh đó nếu được học với âm chuẩn. Nếu tiếp tục học với hình mẫu phát âm sai thì đương nhiên các em sẽ ý thức sai về âm. Khi gặp phải người nói rõ theo kiểu Anh hoặc Mỹ, các em sẽ lúng túng và mất tự tin trong giao tiếp. Học sinh ở các trường tiểu học và phổ thông ở Việt Nam (không kể các trường dân lập Việt Nam và quốc tế) không có điều kiện giao tiếp tiếng Anh thì đương nhiên các em không thể nào phản xạ nhanh nhẹn trong nghe-nói với người nước ngoài được. 

Đối với người sau tuổi dậy thì, khả năng cảm âm ngoại ngữ giảm đáng kể và họ khó hình thành được những hình thái âm thanh (sound patterns) của tiếng Anh. Và lúc này, việc họ gán âm tiếng Việt sang tiếng Anh càng phổ biến hơn. Điều này làm cho họ không nghe được người thông thạo tiếng Anh (không nhất thiết là người đến từ các nước nói tiếng Anh.) 

Người Việt không có thói quen phát phụ âm cuối của từ vì phụ âm cuối trong tiếng Việt (như p, m, n, t, k, nh, ng) thường không bậc thanh. Do đó, khi người thông thạo tiếng Anh càng cố phát rõ tiếng Anh, người Việt sẽ càng rối vì các phụ âm cuối, đặc biêt là các phụ âm hoặc cặp phụ âm nổ, rít, rít xát...

Để nghe được giọng Anh, Úc, Mỹ, New Zealand, Nam Phi, và nhiều quốc gia Châu Phi nói tiếng Anh chính thống, đến các nước nói tiếng Anh như ngôn ngữ trung lập như Ấn Độ, Singapore...., người nói phải có một lượng từ vựng lớn, đã ở trong môi trường tiếng Anh lâu năm và buộc phải tương tác với chất giọng "bản địa" thì đương nhiên họ sẽ phải nghe được và "phản hồi" được theo giọng "quốc tế". 

Tác giả Nguyễn Quốc Toàn có bài viết động viên tinh thần người học trong việc rèn khả năng tương tác và giao tiếp nhưng ý kiến của tác giả Toàn dừng lại ở yếu tố cần cho việc cải thiện kỹ năng giao tiếp và tương tác nhưng không giải quyết được vấn đề người lớn không nói được và trẻ nhỏ càng nói càng sai do hệ lụy sai của người lớn truyền lại.

Chúng ta cần phải nhìn nhận lại việc đào tạo tiếng Anh ở Việt Nam như tác giả Nguyễn Quốc Toàn đã đề xuất là phải tăng thời lượng tương tác nghe-nói cho người học. Tuy nhiên, không nên xem nhẹ yếu tốt "phát âm rõ". Xin không dùng từ "chuẩn" vì giọng Anh khác rất xa giọng Mỹ, và bản thân giọng ở từng vùng ở nước Anh và Mỹ cũng khác biệt rất lớn.

Dù là học viên chưa dậy thì hay đã dậy thì, họ nên tiếp xúc, làm quen với một chất giọng nhất quán trước, tăng cường lượng từ vựng kết hợp với âm đúng theo một khu vực nhất định. Khi từ vựng họ đủ lớn và âm của từ cũng nhất quán, họ sẽ tự động nghe được da dạng giọng đến từ các vùng khác nhau. Xin đừng nghĩ "càng bừa" thì sẽ giúp học viên tự tin trong giao tiếp. Việc chuẩn hóa "cách phát âm rõ" là điều cần thiết từ học viên đến giáo viên. 

Xin đừng để cái sai dai dẳng trong phát âm làm người học nhục chí khi theo đuổi môn tiếng Anh. 

Từ khóa: 

học tiếng anh

,

phương pháp học tiếng anh

,

giáo dục