Nghệ thuật sử dụng màu sắc trong phim ảnh
Kể từ trước khi có kỹ thuật phim màu thì các nhà làm phim đã sử dụng màu sắc để phác họa câu chuyện, tạo nên những ý đồ điện ảnh. Mỗi bộ phim mang một sắc thái riêng dựa theo phổ màu khác nhau. Việc chọn lựa màu sắc lại ảnh hưởng bởi thời kì, thể loại và phong cách làm phim của từng đạo diễn.
Khoa học đã chỉ ra màu sắc có tác dụng chi phối cảm xúc của con người, điều mà đôi khi chính bản thân chúng ta cũng không nhận ra. Tông màu ấm cho phim tình cảm lãng mạn, sắc xanh lạnh với thể loại tâm lí linh dị. Xanh neon được áp dụng cho khoa học viễn tưởng, màu vàng bổ trợ cho hài kịch và phim độc lập. Ngoài ra còn có những dụng ý kết hợp màu sắc để mang lại hiệu ứng nghệ thuật đặc biệt. Sau đây là ba ví dụ về ứng dụng màu sắc trong điện ảnh
1, Wes Anderson:
Wes Anderson có thể được coi là bậc thầy ở lĩnh vực này. Khán giả không thể nào quên được The Grand Budapest Hotel đã làm mưa làm gió trong năm 2015 với tông hồng tím, hay như The limited Dajeeling và Moonlight Kingdom với gam vàng pastel. Có một sự phức tạp khó nói trong việc lựa chọn sắc phim của Anderson, không bao giờ nghiêng về một cực màu hoàn toàn. Chúng rất khó để chỉ ra, nhưng có thể tạm gọi chung là những gam màu pastel. Chính yếu tố trung tính này đã tạo nên một bầu không khí hipster và hơi hướm “cổ tích người lớn”. Việc sử dụng và kết hợp các dải màu phù hợp với phong cách giúp Anderson có vị trí nổi bật trong giới làm phim, một trường phái khác biệt được nhìn nhận rộng rãi.
Cảnh trong phim The Grand Budapest
Moonlight Kingdom
2, Vương Gia Vệ
Đối với Vương Gia Vệ chúng ta có thể lấy một ví dụ điển hình là “In the mood for love”. Màu sắc trong phim không quá tương phản, không quá cứng nhắc và thiên về một màu đỏ mà chúng ta thường hay gọi là “ màu đỏ Vương Gia Vệ”. Ở In the mood for love màu sắc được dùng như một chất xúc tác để dẫn dắt người xem tới cảm xúc, suy nghĩ của nhân vật. Có thể nói đạo diễn họ Vương đã vận dụng những gam màu này một cách hoàn hảo để điều khiển mạch phim cũng như bầu không khí của câu chuyện mà ông đang kể, điều đã góp phần làm nên thành công lớn cho tác phẩm.
Vương Mạn Ngọc trong In the mood for love
Một cảnh kinh điển giữa hai nhân vật chính
3, Tim Burton
Tim Burton nổi tiếng với phong cách phim hiện thực kì ảo, gothic. Hầu hết những bộ phim của ông đều có kiến trúc góc cạnh, sử dụng tông màu lạnh hoặc đen trắng. Tuy nhiên cách xử lí màu của ông cũng rất linh hoạt, bằng chứng là trong Edward Scissorhand, Tim đã sử dụng phổ màu đối lập: Quần áo đen trắng của Edward cùng với màu pastel của những căn nhà ngoại ô năm 1960s. Những gam màu này vẽ nên khung cảnh cuộc sống bình yên và vui vẻ của người dân trong thị trấn, hoàn toàn tương phản với màu sắc u tối và ảm đạm mà Edward mang lại, chỉ ra một cách ẩn ý rằng Edward không thuộc về nơi này. Đối với những phim có bối cảnh siêu thực như Charlie and The Chocolate Factory hay Alice in the Wonderland thì đạo diễn lại dùng màu sắc đa dạng hơn để thể hiện sự sinh động của nhân vật.
Khu nhà ngoại ô trong phim
Trang phục của Edward tương phản với các nhân vật xung quanh
Cảnh phim Charlie and the Chocolate Factory
Sau cùng, ngôn ngữ màu sắc trong điện ảnh là một yếu tố vô cùng quan trọng mà các nhà làm phim không thể bỏ qua. Mỗi một dải màu mang đến chất liệu riêng, đem lại những hiệu quả nghệ thuật khác nhau. Một bộ phim khoác lên mình màu sắc chủ đạo, thể hiện được sắc thái, tinh thần và cảm xúc của bộ phim đó. Để có được những thước phim đẹp, đạo diễn cần phải xử lí chất liệu hình ảnh, ánh sáng cũng như màu sắc một cách tỉ mỉ và tinh tế. Đổ màu đúng cách không chỉ mang lại hiệu quả nghệ thuật thị giác cao mà còn có thể thể hiện được ý đồ điện ảnh của nhà làm phim.
phim ảnh
Màu sắc thật vi diệu 😍💛
Shunthy Phan
Màu sắc thật vi diệu 😍💛