Nghệ thuật phê bình trong giao tiếp

  1. Kỹ năng mềm

ob_a05e75_cach-phe-binh-nhan-vien

Nếu như khen là sự biểu dương cái tốt, cái người khác đã làm được khiến họ cảm thấy vui vẻ, được ghi nhận và động viên, khích lệ thì phê bình lại thường đề cập đến điểm chưa được, điểm thiếu sót, hạn chế của người khác. Theo tâm lý chung của con người: ai cũng thích được khen và không ai muốn bị phê bình. Vì vậy lời phê bình thường khiến người đón nhận nó không cảm thấy vui, nhất là khi bạn không biết cách phê bình khéo léo, tế nhị, ý tốt của bạn sẽ bị hiểu lầm, lời phê bình trở thành lời tuyên chiến mở đầu cho một cuộc xung đột mà nếu không cẩn thận nó sẽ phá vỡ mối quan hệ bấy lâu bạn gây dựng. Nhưng trong thực tế đôi khi bạn sẽ cần phải phê bình người khác trên tinh thần giúp họ nhận ra điểm sai, điểm thiếu sót của mình để mà sửa chữa và thay đổi (phê bình tích cực). Vậy làm thế nào để lời phê bình của mình trở thành lời nói có giá trị, giúp người khác hiểu được ý tốt của mình, ý thức được sai lầm để sửa chữa. Làm được điều này có nghĩa là bạn đã thành công rồi đó. Trên cơ sở quan sát về những cách phê bình khác nhau trong thực tiễn giao tiếp, mình sẽ phân tích những ưu, nhược điểm của từng cách giúp bạn tham khảo và lựa chọn cách phê bình phù hợp trong từng tình huống, đối tượng cụ thể nhé. 

Phê bình bằng cách “Nói thẳng, nói thật”  

Đây là cách phê bình thường thấy với những người có tính cách thẳng thắn và thường là người có quyền lực nhất định đối với người bị phê bình (có thể quyền lực địa vị, tuổi tác…). Người phê bình theo xu hướng thấy gì nói vậy, không vòng vo, rào trước đón sau, đi thẳng vào vấn đề, tránh mất thời gian giúp người có lỗi nhanh chóng nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa. Tuy nhiên đôi khi sự thẳng thắn quá lại là rào cản trong các mối quan hệ bởi nói thẳng không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả như mong muốn, đôi khi gây mất lòng “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”. Bởi lẽ những người nói thẳng, nói thật sẽ thường  nhìn vào hiện tượng và vấn đề rồi nói, không nghĩ tới quan điểm, lập trường, tính cách và cảm xúc của người khác. Mặt khác, người nói thẳng, nói thật thường theo đuổi  khuynh hướng “chính nghĩa”, vì vậy lời nói có tính sát thương cao, thường bị lợi dụng để công kích. Hơn nữa, mỗi người đều có ý thức tự bảo vệ bản thân, vì vậy lời nói thẳng, nói thật đôi khi lại trở thành lời khiêu chiến. Do đó, việc nói thẳng, nói thật được ví như “con dao hai lưỡi” trong trường hợp này là tốt, với đối tượng này là tốt (với những người cầu thị, khiêm tốn, học hỏi, sẵn sàng lắng nghe để sửa chữa lỗi lầm, mong sự tiến bộ mỗi ngày) nhưng ở trường hợp khác, đối tượng khác ( với người nóng tính, có cái tôi/bản ngã cao, có tính sĩ diện) nó lại trở nên “sắc lẹm” cắt đứt đi mối quan hệ của bạn. Thế nên khi dùng cách nói thẳng, nói thật để phê bình người khác bạn phải hết sức chú ý tùy hoàn cảnh và đối tượng để có thể áp dụng nhé. 

Phê bình bằng cách  “Khen trước, chê sau”

Cách phê bình này còn được gọi một cách hài hước là “Nghệ thuật xoa kem trước khi cạo” (Hi hi, các bạn có thể liên hệ về việc bôi kem trước khi cạo râu của các bạn nam giúp giảm sự đau rát để dễ hình dung nhé). Có thể nói đây là cách phê bình chúng ta dễ thường thấy ở những người được cho là “khéo ăn khéo nói”. Ví dụ trước khi phê bình ai đó bạn sẽ thường có lời khen, ghi nhận những gì mà họ đã làm được kiểu như: Mẹ biết là con đã rất cố gắng nhưng…; Anh/chị đã rất cố gắng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao nhưng trong lần này tôi rất lấy làm tiếc…; Hoặc trong các cuộc họp nhận xét, kiểm điểm (báo cáo cuối năm, hội đồng chấm luận văn, luận án) ta thường dễ bắt gặp những lời nhận xét ưu điểm, sau đó đến nhược điểm, những cái chưa làm được cần sửa chữa…Cách phê bình này khiến người bị phê bình cảm thấy được an ủi phần nào vì dù sao trước khi nghe những lời không vui họ đã được “xoa dịu bằng những lời có cánh”. Tuy nhiên, nếu dùng cách phê bình này quá nhiều sẽ trở nên nhàm chán, xáo rỗng cho những lời khen trước đó. 

Phê bình bằng cách “Trong nụ cười có dao”

So với 2 cách phê bình nêu trên, cách phê bình này khá thú vị và đem lại nhiều hiệu quả. Phê bình bằng phương pháp “Trong nụ cười có dao” nghĩa là bạn đang phê bình mà dường như không phải là phê bình, phê bình nhưng lại sử dụng lời khen hay một nụ cười vui vẻ đó nhưng lại hàm ý chê trách. Người phê bình không trực tiếp nói ra lỗi lầm của người bị phê bình nhưng chính họ phải tự hiểu ra và nhận ra lỗi lầm của mình để mà sửa chữa. Ví dụ người sếp hoàn toàn có thể phê bình thẳng thắn hay khen chê cô thư ký của mình khi cô ấy chuẩn bị nhầm tài liệu cho một cuộc họp quan trọng của ông nhưng thay vào đó ông lại nói “Hôm nay tôi phải rất cảm ơn cô vì dù không có tài liệu chuẩn bị sẵn nhưng tôi vẫn có thể nhớ được đầy đủ, chi tiết bản báo cáo và phát huy được khả năng thuyết trình tốt của mình trước hội thảo…”. Có lẽ khi nghe lời cảm ơn này của sếp cô thư ký vừa vui (vì được sếp cảm ơn) nhưng cũng không khỏi suy nghĩ “Vì sao sếp lại nói “không có tài liệu chuẩn bị sẵn” và tự chính cô sẽ phải tìm ra lý do vì sao sếp nói thế. Rõ ràng nếu bạn áp dụng tốt cách phê bình “trong nụ cười có dao” sẽ khiến cho việc phê bình không những trở nên nhẹ nhàng mà bạn sẽ vẫn giữ được mối quan hệ tốt với người bị phê bình, thậm chí là sự nể trọng nữa. Tuy nhiên, để áp dụng được phương pháp này đòi hỏi bạn cần có khả năng hài hước một chút, biết cách nói hàm ngôn, tế nhị, đầy ẩn ý khiến cho người tiếp nhận có thể dễ dàng nhận ra được ý nghĩa thật trong lời nói của bạn. Và như vậy bạn đã thành công rồi đó. 

“Lời nói chẳng mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Mình nghĩ cùng là lời nói nếu chúng ta để tâm hơn, chú ý hơn, biết cách “lựa lời” thì cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào bạn cũng dễ dàng bày tỏ được quan điểm của mình mà không khiến người khác phật lòng. 

Từ khóa: 

kỹ năng mềm