Nghệ thuật là gì ?
kiến thức chung
Thời Cổ đại, người ta chia nghệ thuật ra làm bảy loại hình nghệ thuật tự do (artes liberales) là: trivium (3 con đường) bao gồm: Văn phạm, Logic, Hùng biện; và quadrivium (4 con đường) bao gồm: Số học (lý thuyết về các con số), Hình học (các con số trong không gian), Âm nhạc (các con số trong thời gian), và Thiên văn học (các con số trong không gian và thời gian). Mẹ của cả 7 nghệ thuật đó là Triết học. Các nghệ thuật mang tính kỹ thuật như kiến trúc, nông nghiệp, hội họa, điêu khắc, và các nghề thủ công khác được xếp ở hàng thấp hơn.
Thời Trung cổ, nghệ thuật được coi là đứa con của tự nhiên. Dần dần nghệ thuật chỉ còn là những gì mà người xưa coi là nghề thủ công. Từ “nghệ thuật” đòi hỏi một cái gì đó được tạo nên một cách khéo léo bởi người nghệ sĩ. Có điều chính các nghệ sĩ đã phá bỏ các hạn chế do các định nghĩa loại đó tạo ra, thách thức các định kiến của chúng ta, và vượt xa các triết gia, các nhà tâm lý học và phê bình, chứ đừng nói chi đến đại chúng.
Ngày nay, thật khó định nghĩa được nghệ thuật. Đã qua rồi cái thời có thể chỉ ra được cái gì là nghệ thuật, cái gì không phải là nghệ thuật. Sau khi Marcel Duchamp [4] triển lãm chậu đi tiểu vào năm 1917 tại New York, hay Andy Warhol [5] bày ra các tranh in lưới hàng loạt các đồ hộp giống nhau như đúc vào những năm 1962 - 1964, thì bất cứ cái gì cũng có thể là nghệ thuật. Quan niệm này có vẻ phù hợp với nghệ thuật đương đại.
Vậy cái gì làm cho một bức họa trở thành một tác phẩm nghệ thuật? Có khá nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Dưới đây chỉ liệt kê và bình luận một số quan điểm tạm gọi là tiêu biểu nhất.
Có quan điểm cho rằng họa sĩ vẽ tranh, nhưng cần sự giám định của ít nhất một đại diện của thế giới hội họa để khiến bức tranh trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Như vậy một người bình thường không thể trả lời được nghệ thuật là gì. Chúng ta cần người “định hướng nghệ thuật” như tín đồ cần vị cố đạo để nói cho biết chân lý ở đâu. Nếu quan niệm này đúng, nó loại trừ sự huyền bí trong nghệ thuật, sẽ được nói đến bên dưới.
Trái với quan điểm mang tính ngoại suy kể trên, những người theo quan điểm nội suy cho rằng tiêu chuẩn của nghệ thuật nằm trong tính trực cảm của bức họa, rằng hành động vẽ phải có chủ đích, có nghĩa là họa sĩ phải chủ tâm tạo ra nghệ thuật. Hành động vẽ phải được diễn ra theo một cách đặc biệt nhằm tạo ra nghệ thuật. Như vậy người xem sẽ phải học cách làm sao nhận ra được tính trực cảm đó. Ngoài ra, nếu nghệ thuật là cái do nghệ sĩ chủ tâm tạo ra, thì câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Vậy thì nghệ sĩ là ai?”
Quan điểm dựa trên lý thuyết về nguồn gốc của nghệ thuật lại cho rằng nghệ thuật là các đồ vật hoặc hình ảnh do con người tạo ra với một ý nghĩa tượng trưng như một phương thức giao tiếp. Tuy nhiên, không phải tất cả các hình ảnh đó đều là nghệ thuật, mà một số chỉ đơn thuần là các ký hiệu mà thôi.
Gần với quan điểm nguồn gốc nghệ thuật kể trên là phát biểu của nhà vật lý thiên tài Albert Einstein: “Cái đẹp nhất mà chúng ta có thể trải nghiệm là sự huyền bí.” Như vậy sự huyền bí là nguồn gốc của mọi nghệ thuật đích thực. Chính vì lý do đó chúng ta không có hy vọng có được một định nghĩa rõ ràng về nghệ thuật. Nghệ thuật là cái gì đó chúng ta chỉ có thể cảm thấy mà không tài nào diễn giải được bằng lời. Nó giống như một trải nghiệm huyền bí vậy.
Ngày nay các nghệ sĩ một mặt tiếp tục truyền thống chọc tức xã hội tư sản, xã hội tiêu thụ, mặt khác đã mở rộng vai trò của mình. Thay vì vẽ tranh hay nặn tượng, họ trưng bày xác các con vật ngâm trong formaldehyde, các vật thể đa dạng kể cả sỏi đá, cành cây, và dây thừng. Nghệ thuật môi trường đã giải phóng các triển lãm khỏi 4 bức tường của viện bảo tàng. Các hình thức nghệ thuật mới như trình diễn, sắp đặt, cơ thể, v.v. đã và đang thách thức các quan niệm về ranh giới giữa các loại hình nghệ thuật. Kể cả trình diễn thời trang, trò chơi điện tử video, phun sơn lên tường, và các trang nhà trên internet cũng bắt đầu được coi là nghệ thuật.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa nghệ thuật, quan niệm nghệ thuật của phương Đông và phương Tây cũng xích lại gần nhau hơn, chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Nghệ thuật bonsai của Nhật Bản trở nên thời thượng ở phương Tây. Nhiều nhạc sĩ phương Tây sử dụng nhiều yếu tố âm nhạc phương Đông trong các tác phẩm của mình.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Nguyễn Quang Hưng