Nghề dở chà ven sông
“Chất chà bắt cá rất dễ làm, vì người dân chỉ cần chọn những nhánh cây đã rụng hết lá sau đó chất xuống sông theo hình chữ nhật hoặc vuông. Tùy theo số nhánh cây nhiều hay ít, đống chà to hay nhỏ khác nhau. Nhưng trước khi chất các nhánh cây xuống sông, người dân trải lưới xuống đáy sông trước, sau đó mới chất chà lên. Xung quanh đống chà, cắm thêm những cây tre bao quanh để chà (các nhánh cây) không bị nước cuốn đi”.
vị trí đặt chà là rất quan trọng. Muốn đống chà có nhiều cá, người dân phải chọn những bãi sông êm, tránh có nhiều phương tiện qua lại. Và khi dỡ chà cũng là một nghệ thuật, vì nếu làm động chà quá, cá sẽ đi hết.
Trước tiên, người ta tìm những khúc sông gần bờ không sâu quá 10 m, nghĩ là nơi có nhiều cá tới lui mà ít ghe thuyền qua lại. Sau đó, gom những nhánh cây chắc thịt chịu nước như tràm, hoặc tre, dài khoảng 20m, vạt nhọn đầu lớn, đem cắm thật chặc đầu lớn xuống khoảng sông dự định chất chà, độ rộng 5m có nhánh um tùm đem chất xuống nước thành một đống chà rậm rạp tại vị trí 1/3 sông tính từ bờ.
Đầu to nhánh cây vạt nhọn để cắm chặt cố định xuống đáy sông, đầu kia lởm chởm cành nhỏ còn trơ lại loi ngoi chút ít khỏi mặt nước sông. Nhánh cây chất khít chặt nhau với mật độ vừa phải. Trên mặt nước phạm vi đống chà, người ta rải lục bình, rau mát để che khuất bớt ánh nắng tạo vẻ kín đáo, yên tĩnh ảo, để dụ cá tôm đến ở. Với nhiều nhánh chà khô tập trung tại dòng sông như vậy, đống chà tạo được môi trường sầm uất, hạn chế bớt tốc độ dòng nước, thuận lợi cho các loài thủy tộc đến yên thân ẩn náu.
Đợi lúc nước sông dâng đầy, nước ngập phủ gần hết mấy nhánh chà khô lỏm chởm trên mặt sông, các chiến hữu mới bắt đầu những thao tác trung tâm để giữ cá lại trong đống chà, chờ nước sông rút bớt. Trước tiên, mấy tấm đăng nan lớn thật rộng cuộn tròn sẵn trên ghe được lấy nhanh, trải ra đưa xuống nước bao quanh thật kín đống chà. Mép dưới đăng nén chặt thật sâu xuống đáy sông cho cá tôm không thể chui ra ngoài khỏi đống chà. Mấy tấm lưới dài và rộng, bên cạnh dưới treo chì hỗ trợ thêm một lớp nữa bao kín mau lẹ quanh đống chà. Muốn cho chắc ăn, các anh còn phải lặn sâu xuống đáy sông để luồn cạnh lưới sâu xuống đất bùn cho cá không thể tìm cách chui ra đào thoát. Cả khoảng không gian trên lưới và đăng bên trên phần lưới, đăng trên mặt đống chà cũng phải bao phủ kín bằng đệm bàng hay lưới, không cho cá nhảy ra ngoài trở lại thế giới sông nước tự do của chúng. Tiếp theo đó là buộc vài chiếc xuồng vào cọc cắm quanh đống chà nhằm hứng những con cá cực kỳ ngổ ngáo như cá chài, cá bông… cố tìm sinh lộ nhảy thoát ra ngoài. Trên cọc tràm hay tre cắm quanh đống chà, cách mặt nước sông chừng 1m buộc thêm vài tàu cau hay miếng vải cũ khá rộng làm như lá cờ phất phơ trước gió trên sông nhằm báo hiệu cho thuyền bè qua lại và cũng để tránh làm rách lưới của chủ chà.
Để đặt một đống chà trên sông, ngư dân thường sử dụng nhánh cây trâm bầu hoặc me nước, theo kinh nghiệm thì hai loại cây này khi ngâm nước sẽ có nhiều rong làm thức ăn cho các loại cá nên chúng sẽ tập trung nhiều, ngoài ra đống chà cũng tạo ra “độ ấm” nhất định làm nơi trú ngụ cho thủy sản. Chính nhờ vào những yếu tố đó nên những đống chà mới “thu hút” được nhiều cá, tôm. Chà chất xong thì người chủ chỉ việc chờ đợi, cứ cách tháng thì dỡ một lần.