[Ngày này năm xưa]: Ngày 17-4-1975, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị đánh chiếm các sân bay

  1. Lịch sử

17.4


Lực lượng Không quân của quân đội ngụy quyền Sài Gòn có 282 sân bay lớn nhỏ (9 sân bay cấp I, 81 sân bay cấp II, 12 sân bay cấp III và 180 bãi hạ cất cánh); 1.193 máy bay các loại (118 chiếc A.37, 126 chiếc F.5, 594 chiếc UH.1, 32 chiếc C.130…), tổ chức thành 6 sư đoàn không quân. Thực hiện chủ trương của Quân ủy Trung ương về việc đánh chiếm các sân bay, tiếp quản, thu hồi máy bay, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vật chất kỹ thuật của không quân địch trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo lực lượng không quân tham gia các chiến dịch, đồng thời tổ chức thu hồi chiến lợi phẩm, sử dụng nhân viên kỹ thuật của chế độ cũ, huấn luyện chuyển loại máy bay, khôi phục hoạt động tại các sân bay và đưa máy bay của địch vào chiến đấu.

Ngày 17-4-1975, Bộ Tổng tư lệnh chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh (điện mật số 58B/DK) tổ chức lực lượng không quân tiến công các sân bay của địch. Chỉ thị nêu: “Nhiệm vụ đánh phá sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ có tác dụng rất lớn, làm tê liệt không quân địch và nhanh chóng làm giảm sút tinh thần và khả năng chiến đấu của chúng”.

16 giờ 25 phút ngày 28-4, từ sân bay Thành Sơn, phi đội Quyết Thắng gồm 5 chiếc A-37 (thu được của địch) do các phi công Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Nguyễn Văn Lục, Mai Văn Vượng, Hán Văn Quảng điều khiển xuất kích, tiến công sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Tân Sơn Nhất bị tấn công đúng lúc tại Dinh Độc Lập, Trần Văn Hương từ chức và trao ghế tổng thống ngụy quyền cho Dương Văn Minh, một trong những nỗ lực cứu vãn cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa.

Nguồn: sggp.org.vn (số ngày 17 tháng 4 năm 2015)

Từ khóa: 

khoa lịch sử hcmue

,

ngày này năm xưa

,

học sử online

,

tinh hoa việt nam

,

lịch sử

Viiwet
Trả lời
Viiwet