[Ngày này năm xưa]: Ngày 10 tháng 3 năm 1988: Ngày mất của đồng chí Phạm Hùng - Người anh cả của cách mạng miền Nam

  1. Lịch sử

Đồng chí Phạm Hùng, tên khai sinh là Phạm Văn Thiện; sinh ngày 11-6-1912, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, xã Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long). Quê hương ông là một vùng đất nông nghiệp màu mỡ ở miền châu thổ sông Cửu Long và cũng là quê hương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

images749408_pham_hung


Cuộc đời cách mạng sôi nổi và những đóng to lớn

Đồng chí Phạm Hùng tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng từ sớm, khi mới 16 tuổi, trong phong trào thanh niên và học sinh; năm 1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và làm Bí thư Chi bộ trường học; năm 1931 làm Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho. Thời gian này, ông lăn lộn gây dựng phong trào cách mạng ở Mỹ Tho và các vùng lân cận, kết nạp được một số quần chúng ưu tú vào Đảng và phát triển mạnh các tổ chức cơ sở đảng ở vùng Mỹ Tho và lân cận.

Tháng 6-1931, Phạm Hùng bị nhà cầm quyền Đông Pháp bắt và bị tòa án thực dân kết án tử hình, cùng với các nhà cách mạng Lê Quang Sung, Lý Tự Trọng, Lê Văn Lương… trong “vụ án những người cộng sản lúc bấy giờ” ở Sài Gòn.

Sống nơi tù ngục tối tăm, nhưng anh Hai Hùng (tên gọi thân mật của đồng chí Phạm Hùng) không hề nao núng tinh thần, trái lại, càng kiên trì chịu đựng, kiên trì học chính trị, học văn hóa, học ngoại ngữ… Anh hoàn toàn đặt niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, mà anh rất ngưỡng mộ và cũng đã được đọc và nghiên cứu những tác phẩm của Người. Do phong trào đấu tranh của nhân dân ta lúc bấy giờ, cùng sự ủng hộ của Mặt trận Bình dân Pháp và các lực lượng tiến bộ ở Pháp, anh được giảm án tử hình xuống chung thân khổ sai và bị đày đi giam tại Nhà tù Côn Đảo. Trong suốt 15 năm bị giam cầm, Phạm Hùng luôn tỏ rõ bản lĩnh một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, không bao giờ chịu đầu hàng địch. Đến khi Cách mạng Tháng Tám-1945 thành công, Côn Đảo giải phóng, Phạm Hùng được tổ chức đón về đất liền, tiếp tục hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Nam Bộ và được cử giữ chức Bí thư Xứ ủy lâm thời Nam Bộ.

Tháng 2-1951, tại Đại hội II của Đảng, đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Năm 1952, Trung ương Cục miền Nam được thành lập thay cho Xứ ủy Nam Bộ, ông được chỉ định làm Ủy viên, sau đó làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Phân liên khu miền Đông Nam Bộ. Tại Hội nghị Trung ương 10, khóa II, năm 1956, ông được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Thống nhất Trung ương; sau đó, được giao giữ chức Bộ trưởng Phủ Thủ tướng, Chủ nhiệm Văn phòng Nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng ban Tài mậu của Trung ương Đảng...

Từ năm 1958 đến năm 1960, ông là Bí thư Trung ương Đảng và năm 1958, là Phó thủ tướng Chính phủ. Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương và được Trung ương nhất trí bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ. Năm 1967, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra ác liệt nhất, ông được Bộ Chính trị cử vào công tác tại chiến trường miền Nam, làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy các lực lượng vũ trang (LLVT) giải phóng miền Nam Việt Nam, thay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, do bị bệnh hiểm nghèo, đột ngột qua đời.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông lăn lộn với chiến trường miền Nam, cùng ăn, cùng ở với các chiến sĩ Quân giải phóng; cùng với Trung ương Cục miền Nam và các LLVT giải phóng miền Nam nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”; gian nan không lùi bước, càng nguy hiểm càng xông thẳng vào cuộc chiến một mất một còn, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đánh thắng "Chiến tranh cục bộ", chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh", buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ ta tại Hội nghị Pa-ri, dẫn đến hòa bình ở Việt Nam.

Năm 1975, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, được Bộ Chính trị chỉ định làm Chính ủy Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng và đồng bào nổi dậy, tiến vào Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kháng chiến thắng lợi, cả nước tiếp tục công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại các Đại hội IV, V, VI của Đảng (giai đoạn 1976-1986), ông tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương và Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng Chính phủ (từ năm 1981, đổi thành Hội đồng Bộ trưởng); kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, VI, VII, VIII, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII (tháng 6-1987), đồng chí Phạm Hùng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ông là vị Thủ tướng thứ ba (sau lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Phạm Văn Đồng) của Nhà nước ta; đồng thời là vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đầu tiên của thời kỳ đổi mới.

Làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (tức Thủ tướng Chính phủ), đồng chí Phạm Hùng tỏ rõ là một người chỉ đạo công tác của Hội đồng Bộ trưởng chắc chắn, thận trọng, dân chủ và quyết đoán sau khi đã bàn bạc dân chủ tập thể. Ông không thích ồn ào, làm việc có chiều sâu và có khả năng lan tỏa rộng; trọn vẹn trong chính sách đối nội và đối ngoại, có những đóng góp lớn trong công tác của Chính phủ.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng rất quan tâm đến đổi mới hoạt động hành pháp của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước. Ông quan niệm rằng, đổi mới hoạt động hành pháp của Chính phủ, đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước là bộ phận quan trọng trong đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, đồng thời, là một trong những giải pháp hàng đầu nhằm thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Theo đồng chí Phạm Hùng, Chính phủ có vị trí, vai trò rất quan trọng trong bộ máy nhà nước, vì vậy, phải từng bước đổi mới hoạt động hành pháp của Chính phủ, nhằm xây dựng một Chính phủ năng động, vững mạnh, phù hợp với thời kỳ đổi mới ở nước ta và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, với tư cách người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất đã cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp thành các chính sách, nghị quyết, quy định của Chính phủ và tổ chức thực hiện trong cả nước; đặc biệt nhấn mạnh việc Chính phủ và chính quyền các cấp phải thật sự đổi mới tư duy, nhận thức về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền địa phương; coi trọng sự lãnh đạo của Đảng đối với Chính phủ và mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Tuy nhiên, đồng chí Phạm Hùng giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng trong thời gian quá ngắn (chưa đầy một năm) nên những dự định, kế hoạch của ông để phát triển Chính phủ và nâng Chính phủ lên tầm cao mới chưa thực thi được nhiều. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng mất ngày 10-3-1988 (thọ 76 tuổi), sau một cơn đau tim nặng, khi đang công tác tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Nhà chiến lược của cách mạng, nhà lãnh đạo của nhân dân   

images423870_j1c

   

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Phạm Hùng với 60 năm liên tục cống hiến. Trong bất cứ hoàn cảnh, môi trường hoạt động chính trị nào, kể cả khi bị tù đày, cũng như khi giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, ông luôn vững vàng, có sức chịu đựng lớn. Ông là một trong những nhà chiến lược của cách mạng Việt Nam, là học trò trung thành với sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có tư duy độc lập, tự chủ trong công vụ và rất tôn trọng ý kiến đóng góp của tập thể; có tác phong làm việc khoa học, sâu sắc, tỷ mỷ, có tầm khái quát, bám sát đường lối của Đảng, giữ vững nguyên tắc, nhưng linh hoạt trong giải quyết công việc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng rất coi trọng đoàn kết nội bộ. Quan điểm của ông là đoàn kết phải lành mạnh, chứ không phải đoàn kết theo kiểu lấy lòng nhau. Muốn đoàn kết tốt, phải có thái độ tự phê bình và phê bình đúng mực, chân thành, như Bác Hồ đã dạy trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” và các tác phẩm khác của Người; đồng thời, anh, chị em trong cơ quan, đơn vị, phải thật sự đối xử chân thành với nhau, không được kèn cựa, địa vị, bè phái… Muốn đoàn kết tốt, thì người đứng đầu phải luôn gương mẫu cả trong việc công và việc tư; ưu tiên cho việc công, không để việc tư chen vào việc công.

Đồng chí Phạm Hùng bất khuất, hiên ngang trước kẻ thù và cũng rất chân tình với đồng bào, bạn bè, đồng chí. Với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, đời tư của ông thật trong sáng, cuộc sống giản dị. Ông chăm lo đến công việc của đất nước và cũng chăm lo đến gia đình và đời sống của nhân dân. Có lần, tổ chức bố trí cho ông được gặp thân mẫu sau hơn 20 năm xa cách. Ông cảm động lắm, đêm đã khuya, ông vẫn ngồi làm việc bên giường mẹ ngủ; thi thoảng lại kiểm tra giường, màn để muỗi không vào, bởi nơi gặp gỡ giữa hai mẹ con lúc bấy giờ là một khu rừng (ở thời điểm sau khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954), nên rất lắm muỗi, dễ bị sốt rét. Đồng chí là người chồng, người cha mẫu mực, thủy chung.

Phu nhân đồng chí Phạm Hùng là bà Huỳnh Ngọc Nỉ, sinh ra trong một gia đình giàu có ở Châu Thành, Cần Thơ. Bà sớm được giác ngộ và tham gia cách mạng. Noi gương nhà cách mạng, nữ chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất Nguyễn Thị Minh Khai, bà đổi tên là Hoàng Thị Mai Khanh. Khi ra miền Bắc, bà từng là cán bộ của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Trong công tác, bà chủ động, không ỷ lại, không lợi dụng chức vụ của chồng. Trong chiến tranh ác liệt phải đi sơ tán, một mình bà nuôi dạy 4 người con (2 trai, 2 gái) đều học giỏi và chăm ngoan. Ông bà còn đỡ đầu nuôi 4 cháu khác là con cán bộ miền Nam và tự hào rằng, mình có 8 đứa con ngoan. Những người con của ông, bà cũng rất tự hào về ba, má của mình.

Đồng chí Phạm Hùng là một trong những nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc thời bình. Ông được Đảng và nhân dân tín nhiệm, giao nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc tái thiết đất nước. Trên bất cứ cương vị nào, lĩnh vực nào, ông cũng mang hết sức mình để hoàn thành. Đó là phẩm chất của một nhà hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.

Là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nhưng đồng chí Phạm Hùng vẫn áo vải, dân dã, lăn lộn trong phong trào quần chúng, luôn gần dân, thân dân, trung thực, cởi mở với nhân dân; chịu khó tiếp thu ý kiến do nhân dân đóng góp, luôn chăm lo củng cố khối đoàn kết toàn dân. Ông rộng lượng với mọi người và nghiêm khắc với mình. Nhiều lần, ông tâm sự, ông sợ nhất bệnh quan liêu, tham ô, hời hợt, bè phái, xa dân, thiếu lễ phép và kính trọng nhân dân...

Con người Phạm Hùng-“Anh Hai Nam Bộ” là như vậy! Ông đã đi vào lịch sử của cách mạng Việt Nam!

Linh CK

Từ khóa: 

lịch sử

,

ngày này năm xưa

,

khoa lịch sử hcmue

,

tinh hoa việt nam

,

lịch sử