[Ngày Này Năm Xưa] Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và những đóng góp quan trọng cho nền văn hoá và chính trị Việt Nam
Bạn có biết, hôm nay, ngày 19-10-2019 chính là kỷ niệm tròn 44 năm ngày mất của giáo sư Nguyễn Văn Huyên (1905-1975) nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá-lịch sử, dân tộc học, nhà hoạt động chính trị, giáo sư, tiến sỹ và từng là Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam trong suốt 28 năm và 350 ngày. Ông là người có nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn hoá và chính trị nước ta giai đoạn 1946-1975.
Xuất thân
Giáo sư Nguyễn Văn Huyên sinh ngày 16-11-1905 tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, nhiều nguồn ghi nhận rằng quê ông còn là ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, chính là khu vực ngoại thành Hà Nội ngày nay. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình viên chức nhỏ, tuy mồ côi cha từ năm 8 tuổi. Từ nhỏ, ông đã được mẹ cho đi học chữ Hán, với hy vọng sau này sẽ nối nghiệp ông nội ông là làm thầy thuốc đông y.
Đến tháng 12-1926, ông cùng em trai là Nguyễn Văn Hưởng được mẹ cho đi du học tại Pháp. Tại đây, ông tiếp tục được thừa hưởng nền giáo dục tiên tiến phương tây.
Giáo sư- cố Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên cùng vợ.
Sự nghiệp nghiên cứu văn học, văn hoá-lịch sử
Chính nền tảng kiến thức về chữ Hán này, cùng sự thừa hưởng tư tưởng giáo dục phương tây đã giúp ông trở thành một trong những nhà nghiên cứu văn hoá-lịch sử có đóng góp quan trọng của Việt Nam, vượt trội hơn nhiều nhà nghiên cứu người Pháp.
Tại Pháp, ông theo học Đại học Sorbonne, Paris, và vào ngày 17-2-1934, ông vinh quang trở thành sinh viên Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ văn khoa tại Đại học Sorbonne. Luận án chính của ông là Hát đối của nam nữ thanh niên tại Việt Nam, và luận án phụ là Nhập môn nghiên cứu nhà sàn ở Đông Nam Á.
Trong suốt những năm nghiên cứu của mình, ông đã để lại một số công trình, bài nghiên cứu văn hoá, mà cụ thể là văn hoá Việt Nam, đơn cử là:
- Sự thờ phụng thần thánh ở nước Nam (1944).
- Văn minh nước Nam (1944).
- Toàn tập Nguyễn Văn Huyên (2000).
Lối sống thanh liêm, cần kiệm
Mặc dù xuất thân từ một gia đình viên chức, và làm đến chức Bộ trưởng, nhưng Nguyễn Văn Huyên được nhiều người biết đến là có lối sống rất thanh liêm, cần kiệm. Khi còn sống tại Pháp, để tiết kiệm tiền, 2 anh em ông từng có một khoảng thời gian dài chỉ ăn đúng một món ăn tại một quán ăn nhỏ gần nhà, khiến cô chủ quán rất đỗi ngạc nhiên.
Do suốt khoảng thời gian du học tại Pháp, ông thường đến trường bằng xe đạp, nên về sau khi trở lại sinh sống và công tác tại Việt Nam, ông nổi tiếng là vị Bộ trưởng có tài đạp xe đường đèo giữa Tuyên Quang-Thanh Hoá với nhiều đèo dốc, ổ gà.
Phòng trưng bày tư liệu về GS Nguyễn Văn Huyên giai đoạn 1946-1975.
Hoạt động chính trị
Ngoài sự nghiệp nghiên cứu văn học thành công, ông còn là một nhà hoạt động chính trị khá đặc biệt. Cụ thể, tuy đã công tác với cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục trong suốt gần 30 năm, và tham gia rất nhiều sinh hoạt của Đảng, chi bộ, Đảng uỷ Bộ, Đảng Đoàn, nhưng Nguyễn Văn Huyên thực chất không phải một Đảng Viên. Việc này thực chất rất có lợi cho cuộc cách mạng thời điểm bấy giờ, vì nó giúp khích lệ những người trong và ngoài Đảng cùng tham gia cứu nước, như Bác Hồ đã từng nhận xét.
Bên cạnh đó, ông còn là một trong "nhóm 4 người đánh điện", là một nhóm gồm 4 trí thức đến từ 3 miền của tổ quốc, đã gửi điện cho vua Bảo Đại và khuyên ông thoái vị, trao chính quyền cho Việt Minh. Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng trong cuộc cách mạng.