Ngày này năm xưa: 210 năm ngày Chúa Nguyễn Ánh tái chiếm Phú Xuân

  1. Lịch sử

Sau trận Thị Nại tháng 2 năm 1801, chiến cuộc Nguyễn-Tây Sơn thay đổi hoàn toàn. Tuy trên đất liền quân Tây Sơn vẫn còn một lực lượng lớn (ước chừng 12-15 vạn bộ binh và là toàn bộ căn cơ của TS) đang vây hãm thành Quy Nhơn, nhưng phần lớn hạm đội mặt nước của họ đã bị hủy diệt, đưa cán cân trên biển nghiêng hẳn về phía quân Nguyễn. Nhân lúc Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng còn đang chật vật với khúc xương Quy Nhơn, thủy quân Nguyễn do Nguyễn Văn Trương chỉ huy vượt biển đánh ra bắc, lần lượt công hạ Hội An, Thanh Chiêm và Đà Nẵng. Với việc vùng Quảng Nam đã nằm trong tay, Nguyễn Ánh quyết định tung đòn quyết định vào Phú Xuân, cố hương của ông và nơi triều đình của vua Cảnh Thịnh đang đóng đô.

Ngày 3/6, Nguyễn Ánh đem thủy quân rời cửa biển Thị Nại, giong buồm bắc tiến. Hạm đội này cập bến Đà Nẵng vào ngày 7 để hội binh với Nguyễn Văn Trương. Lực lượng của phía Nguyễn gồm tổng cộng 4 frigate kiểu Âu, 18 tàu, 45 galley, 330 sloop pháo, và 15.000 lính (chưa kể đến thủy thủ trên các tàu). Ngày 9, quân Nguyễn áp sát bờ biển Thuận Hóa. Nguyễn Ánh chia quân làm hai cánh: trong khi Nguyễn Văn Trương đem quân bản bộ phong tỏa cửa Eo (tức cửa biển Thuận An) ở phía bắc để làm nghi binh, Nguyễn Ánh đích thân cầm số còn lại đánh vào cửa Ông (tức cửa Tư Hiền) ở phía nam.

Ở phía bên kia, vì không địch nổi ưu thế tàu thuyền của đối phương nên quân Tây Sơn tránh dàn trận đối đầu mà giữ hạm đội bên trong cửa sông, nơi chúng được che chắn bởi dải cồn cát hướng biển. Các công sự pháo xây dựng trên cồn cát này, cùng với hệ thống cọc gỗ cắm tại các luồng lạch chính sẽ đóng vai trò ngăn chặn bước tiến kẻ địch. Nhiệm vụ trấn giữ khu vực cửa Ông được giao cho Phò mã Phạm Văn Trị và Đại đô đốc Trần Văn Tạ, đóng quân trên pháo đài núi Quy (tức núi Linh Thái).

Khoảng 5 giờ sáng ngày 12 tháng 6, quân Nguyễn bắt đầu tấn công. Nguyễn Ánh bố trí các tàu lớn thành ba tuyến song song vuông góc với bờ biển, với các thuyền pháo nhỏ ở giữa, rồi tiến về phía cửa Ông. Lê Văn Duyệt và Lê Chất được sai cầm quân tiên phong. Thủy quân Nguyễn băng qua màn hỏa lực trút xuống từ ba pháo đài trên bờ và tiếp cận được cửa biển, nhưng tại đây một số thuyền chèo lớn của họ lại vướng cọc và không tiến tiếp được. Trước tình thế ấy, Nguyễn Ánh lệnh cho bộ phận này bỏ thuyền để lội nước lên bờ. Phạm Văn Trị không bỏ qua cơ hội này mà lập tức xuất quân rời pháo đài hòng quét sạch lực lượng ít ỏi mới đổ bộ của đối phương. Tuy nhiên sự chủ quan đã khiến ông phải trả giá. Bất chấp tình thế bất lợi, lính Nguyễn vẫn đánh lá cà quyết liệt bằng lưỡi lê và cầm chân quân Tây Sơn bên ngoài pháo đài. Trong lúc đó các tàu khác trong hạm đội Nguyễn cũng cập vào cồn cát, đổ quân lên bờ để đánh vào sườn và phía sau quân Tây Sơn. Đến lúc Phạm Văn Trị nhận ra mình bị vây kín bốn bề và không còn đường thoát thì đã quá muộn, và ông rốt cuộc bị quân Nguyễn bắt sống. Giành quyền kiểm soát khu vực cửa Ông, Nguyễn Ánh đưa toàn hạm đội vào trong, đi theo các đầm Thủy Tú và Hà Trung để tiến đến cửa Eo.

Sáng ngày 13, cả hai cánh quân Nguyễn cùng tấn công vào khu vực cửa Eo. Hạm đội Tây Sơn xếp thành hình trăng lưỡi liềm để chặn đánh, và được hỗ trợ bởi các công sự pháo hai bên bờ. Do bấy giờ là mùa nước cạn nên các thuyền Nguyễn phải di chuyển chậm rãi để thăm dò luồng lạch. Phía Tây Sơn vì vậy quyết định tung đòn tấn công trước, đưa tàu xông lên giao chiến. Tướng Nguyễn là Tống Phước Lương thay vì đấu pháo quyết định áp sát tàu chỉ huy Tây Sơn, đổ quân sang đánh giáp lá cà, và chỉ sau 5 phút lá cờ đỏ trên tàu này đã bị thay bằng cờ vàng của quân Nguyễn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến nhuệ khí của quân Tây Sơn. Hạm đội Nguyễn nhân đó dốc toàn lực tấn công, áp sát để đánh chiếm tàu thuyền đối phương cũng như đổ quân lên bờ và công hãm các pháo đài. Trận chiến kéo dài đến trưa thì ngã ngũ, với việc toàn bộ chiến thuyền Tây Sơn bị bắt hoặc tiêu diệt. Vua Cảnh Thịnh được tin thất trận, sợ hãi tột độ, bỏ măc gia quyến vội bỏ kinh thành chạy tụt quần ra bắc.

Ngày 15, Nguyễn Ánh chính thức vào Phú Xuân làm lễ khải hoàn, trở lại nơi mà ông đã rời bỏ 26 năm trước. Trừ các dinh thự của quan lại Tây Sơn bị bỏ mặc cho quân sĩ cướp phá thì phần còn lại trong đô thành không bị xâm phạm đến. Nhiều con trai, con gái của vua Quang Trung, gia thuộc của Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng, cùng khoảng 13.700 tướng sĩ Tây Sơn bị bắt làm tù binh. Nguyễn Ánh cũng ra lệnh cho các tướng cầm quân tiến ra bắc đuổi theo Cảnh Thịnh, nhưng vì không bắt kịp nên họ chỉ đóng lại sông Gianh để phòng ngự. Tại nơi đây, vào năm sau sẽ diễn ra trận đánh lớn cuối cùng giữa hai bên, đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực cứu vãn tình thế của nhà Tây Sơn.

Nguồn: Tổng hợp từ thư của Laurent Barisy và Đại Nam thực lục (diễn biến trận đánh trong hai nguồn có một chỗ khác biệt nhau, nhưng vì Barisy là nhân chứng có mặt trực tiếp nên nội dung trong bài hầu hết dựa theo tường thuật của ông này).

Ảnh: Lược đồ trận Phú Xuân 1801

https://cdn.noron.vn/2021/06/13/880281587010862178-1623554498.jpg
https://cdn.noron.vn/2021/06/13/555395911431057-1623554498.jpg
https://cdn.noron.vn/2021/06/13/555395911431058-1623554499.jpg
Từ khóa: 

bất ngờ

,

chạy tụt quần

,

nguyễn ánhh

,

con trai quang trung

,

lịch sử