[Ngày này năm xưa] 09/01 là ngày học sinh, sinh viên Việt Nam
Người ta nói, (không phải Ưng Hoàng Phúc nói), phàm những ai đã đang và sẽ cắp sách đến trường thì đều không thể quên ngày 09/01. Ngày này cách đây 69 năm, là một ngày vô cùng đặc biệt với các học sinh, sinh viên. Đó không chỉ là ngày truyền thống của các bạn, mà còn là ngày đánh dấu sự trưởng thành cả về nhận thức, hành động của tuổi trẻ với Tổ quốc.
Vì sao lại có ngày này, với tinh thần hào hùng như thế?
Lại quay ngược thời gian, trở về quá khứ phút giây chạnh lòng... 🎶🎶🎶
Năm đó, tức năm 1950, vào ngày 09/01, Đoàn Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn – Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình trước dinh thủ hiến Nam phần (bây giờ là Bảo tàng TP.HCM), đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man.
Chính cuộc đàn áp đẫm máu ngày 09/01/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn (hy sinh khi chưa tròn 19 tuổi) đã làm dấy lên trong học sinh, sinh viên và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn lòng căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai.
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 02 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 09 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống của học sinh, sinh viên Việt Nam.
Ảnh: Internet
Trần Văn Ơn là ai?
“Ai chết vinh buồn chăng?
Ai sống nhục thẹn chăng?”
Hai câu hỏi trong bài điếu văn tại Lễ tang anh Trần Văn Ơn nghe thật nhức nhối...
Với xuất thân bình thường như bao người, liệt sĩ Trần Văn Ơn cũng chỉ là con cháu trong một gia đình nông dân ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, Bến Tre. Cũng trải qua quãng đời đi học mẫu giáo, tiểu học tại quê nhà, rồi mới lên Sài Gòn học tại Trường Pétrus Ký. Với tinh thần hăng hái thanh niên sục sôi, như chúng ta bây giờ tham gia các hoạt động đoàn thể, anh năm đó cũng tham gia vào phong trào học sinh yêu nước, rồi gia nhập cả Hội học sinh Việt Nam-Nam bộ...
Chính lòng nhiệt tình sôi nổi của anh đã lôi kéo được hàng ngàn học sinh tham gia biểu tình chống thực dân Pháp xâm lược và bọn tay sai trong sự kiện lịch sử năm đó. Và sự dũng cảm hy sinh của anh đã cứu thoát nhiều bạn học cũng như sự anh dũng hy sinh của anh đã để lại bao nỗi tiếc thương và tự hào cho các thế hệ tuổi trẻ Việt Nam.
Trần Văn Ơn trở thành biểu tượng đẹp của tuổi trẻ Việt Nam và được cả nước tôn vinh “Chết nghĩa danh thơm muôn thuở”.
Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta...
Hôm nay, nhớ lại sự kiện lịch sử năm xưa, tự hỏi các thế hệ học sinh, sinh viên bây giờ đã làm được những gì, có đóng góp gì cho xã hội và đất nước? Cha anh chúng ta, các thế hệ đi trước và cả những nhà lãnh đạo bây giờ, các bậc phụ huynh bây giờ... ai ai cũng đều cho rằng Đất nước có phát triển nhanh và mạnh trong quá trình toàn cầu hóa được hay không đều phụ thuộc vào trí tuệ và sinh khí của người trẻ. Như câu nói "kinh điển" của Thân Nhân Trung: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia", ai cũng hiểu rằng, chỉ cần trong tim ta có Tổ quốc, trong tâm ta thấm đẫm tình yêu với đất nước thì việc gì cũng thành công.
Thực tế vẫn luôn tiềm ẩn những khó khăn và thách thức, có thể hạ gục bất cứ một trái tim sục sôi nào. Tuy nhiên, nếu như chúng ta luôn thường trực trên môi câu hát “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay?”, thì thiết nghĩ mọi việc cũng không đến nỗi quá khó khăn.
Hãy nhìn mà xem, biết bao thế hệ học sinh, sinh viên đã không chỉ biết học tập không, mà còn biết quan tâm đến những vấn đề hệ trọng của quốc gia. Các bạn sẵn sàng chia sẻ và gánh vác phần việc của mình, bằng hết khả năng của mình trên tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu có có thanh niên". Chưa kể, các bạn còn có cả những suy tư trăn trở với những giải pháp và hoạch định vì tương lai đất nước, về các vấn đề còn tồn tại trong xã hội,... chứ không làm ngơ làm kẻ đứng ngoài cuộc.
Xét một cách toàn diện thì các bạn học sinh sinh viên của chúng ta có hơi "thua" các bạn học sinh sinh viên các nước bạn về nhiều mặt, như trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và đâu đó còn có cả ý thức chấp hành pháp luật,... Chưa kể, nhận thức về học nghề, chọn nghề, định hướng nghề nghiệp, mục tiêu lý tưởng sống của các bạn vẫn còn nhiều lệch lạc, cộng với công việc, mức thu nhập còn thấp so với mặt bằng chung khiến tồn tại nhiều bức xúc,... Nhưng trên hết, vẫn còn nhiều gương các bạn học sinh, sinh viên vẫn nhận biết rõ vị trí cũng như vai trò của mình đối với sự phát triển của đất nước để có những hành động thật phù hợp và tiến bộ.
Theo quan sát của bạn, các bạn học sinh sinh viên của chúng ta đã làm được những gì và có những hành động nào đáng tự hào?
Cá nhân mình thì thấy, chỉ riêng với những bất cập trong giáo dục như những năm tháng vừa qua, mà cụ thể là những vụ "đơn giản" như giáo viên tát học sinh, cũng không thể có một lực lượng học sinh sinh viên nào có đủ dũng cảm, dũng khí để đứng lên làm một cuộc biểu tình đòi công bằng cho học sinh, sinh viên như lịch sử đã từng làm, dù là cuộc biểu tình đó rất có thể cũng sẽ bị đàn áp dã man như lịch sử đã trải qua.
ngày học sinh sinh viên
,sinh viên
,ngày này năm xưa
,lịch sử
Luật an ninh mạng có rồi, có ai muốn làm gì cũng không dám làm nữa ý chứ :D
Huỳnh Hiểu
Luật an ninh mạng có rồi, có ai muốn làm gì cũng không dám làm nữa ý chứ :D