[Ngày này năm xưa ]: 28/3/1976 NGÀY THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG THANH NIÊN XUNG PHONG TP. HỒ CHÍ MINH
1. Nhớ những ngày tháng lịch sử ấy.
Chiến thắng ngày 30/4/1975 đã kết thúc thời kỳ chiến tranh vệ quốc của nhân dân ta và mở ra một kỷ nguyên phát triển trong hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Ngày 30/4 đã đem lại cho Nhân dân cả nước một niềm vui lớn, một sự xúc động sâu xa từ trong tim, khiến bao người phải rơi nước mắt vì sung sướng. Nhưng hậu quả chiến tranh để lại cho một thành phố vừa được giải phóng là vô cùng nặng nề: những vùng đất bị hoang hóa; thiếu thốn lương thực, thực phẩm và nguyên, nhiên liệu; thất nghiệp tràn lan; an ninh, trật tự xã hội chưa ổn định.
Thực hiện chủ trương của Thành phố, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố Hồ Chí Minh (Thành Đoàn) đã thành lập các Đội Thanh niên xung phong (TNXP) đi khai hoang, phục hóa, làm thủy lợi ở các huyện ngoại thành Thành phố; Ban Vận động khai hoang và Xây dựng Kinh tế mới Trung ương thành lập 2 Đội TNXP đi xây dựng các khu kinh tế mới ở Tây Ninh và Sông Bé. Các Đội TNXP đầu tiên này là tiền thân, là cơ sở để hình thành 2 Tổng đội TNXP: Tổng đội TNXP Thành Đoàn và Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế mới.
Ngày 28/3/1976, hơn một vạn TNXP trong đội hình của 2 Tổng đội đã cùng đồng loạt ra quân đến vùng nông thôn ngoại thành Thành phố, đến những nơi núi rừng đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới, để làm giàu cho quê hương, đất nước.
- Tổng đội TNXP Thành Đoàn đến các huyện ngoại thành làm nhiệm vụ đào kênh, rửa phèn, chống úng, đắp đường. Tháng 11 năm 1976, thực hiện yêu cầu phải nhanh chóng ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, TNXP Thành Đoàn đã thành lập Trường Thanh niên Xây dựng cuộc sống mới tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Đồng Nai (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, quản lý và giáo dục thanh niên tệ nạn xã hội.
- Tổng đội TNXP Xây dựng Kinh tế mới là lực lượng chính đi đầu trong khai hoang, phục hóa và xây dựng nhiều khu kinh tế mới ở miền Đông Nam bộ và Nam Tây nguyên. Sau khi ổn định chỗ ở, TNXP tiếp tục phát hoang, dựng nhà, làm đường, làm cầu, xây đập nước, đào mương tưới đồng, giúp bà con nghèo đi xây dựng kinh tế mới ổn định cuộc sống.
Ngày 06 tháng 9 năm 1977, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định thành lập Lực lượng TNXP Thành phố Hồ Chí Minh (Lực lượng TNXP) trên cơ sở sáp nhập 2 Tổng đội TNXP (Thành Đoàn và Kinh tế mới). Đồng chí Nguyễn Tấn Diệp, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh thành phố được cử làm Chỉ huy trưởng.
2. "Trường Đại học lớn" của thanh niên Thành phố.
Sau ngày 28/3/1976, hơn một vạn thanh niên xung phong trong đội hình của 2 Tổng đội đã cùng đồng loạt ra quân đến cùng nông thôn ngoại thành Thành phố, đến những nơi núi rừng đầy gian khổ và vô cùng khó khăn để khai hoang, phục hóa, xây dựng những khu kinh tế mới, để làm giàu cho quê hương đất nước. Thời khắc thiêng liêng và vinh quang ấy là một dấu ấn đẹp đẽ trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người trẻ của Thành phố khi khoác lên mình chiếc áo thanh niên xung phong, tham gia thực hiện nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, là chất xúc tác, là chất men gắn bó bao thế hệ thanh niên xung phong trong suốt chặng đường 40 năm qua. Thông qua các hoạt động thực tiễn luôn mới mẻ và phong phú trong mỗi giai đoạn xây dựng và phát triển, Thanh niên xung phong đã trở thành “trường học lớn” cho thanh niên trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc, nhất là trong thời kỳ đổi mới.
“Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người có trái tim nồng cháy, biết yêu tha thiết đất nước quê hương, biết biến đau thương thành hành động. Nhiều thanh niên xung phong đã viết đơn tình nguyện, có những lá đơn viết bằng máu, để xin được ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Các liên đội Trung Kiên, Thống Nhất và Dũng Chí là những đơn vị đầu tiên của Thanh niên xung phong được ra chiến trường phục vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam.
“Trường học lớn” ấy đã giáo dục, rèn uyện và đào tạo một lớp thanh niên sống có lý tưởng, hoài bão và giàu mơ ước, góp phần hình thành nên một đội ngũ lao động mới, có văn hóa, có năng lực tổ chức quản lý, kiến thức chuyên môn trên mọi lĩnh vực.Thanh niên xung phong đã biến “vành đai trắng” ở ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh thành “vành đai xanh” trồng hoa màu, lương thực. Thanh niên xung phong đã đào những con kênh tháo phèn, chống úng, tưới tiêu, đắp đê… Hệ thống kênh ở Củ Chi được hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng sau những ngày làm việc quên mình, những đêm đào kênh dưới ánh đuốc của Thanh niên xung phong.
“Trường học lớn” ấy đã giáo dục, rèn luyện thanh niên thành con người mới, có ích cho xã hội; xung kích giải quyết những vấn đề bức xúc của xã hội. Hoàn cảnh, thành phần xã hội của đội viên thanh niên xung phong lúc ban đầu không giống nhau - có những người là những thanh niên đang khao khát cống hiến, làm việc, nhưng đội viên thanh niên xung phong cũng có thể là những thanh niên thị dân ở các khu dân cư ở các quận, huyện ngoại thành, là những học sinh, sinh viên, những thanh niên bị “địch bắt lính”; nhưng, thực hiện thông điệp của đồng chí Võ Văn Kiệt “hòa hợp dân tộc và không phân biệt đối xử với những ai có lý lịch xấu” vì “không ai chọn cửa mà sinh ra”, tất cả những người trẻ ấy được tập hợp trong một tổ chức đoàn kết và thống nhất về ý chí, hành động, có lý tưởng, lối sống đẹp. Họ đã trở thành những thanh niên mới, trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hăng hái nhận lấy những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ. Như nhận xét của đồng chí Võ Văn Kiệt tại Đại hội Thanh niên tiên tiến xây dựng vùng kinh tế mới, ngày 03/3/1977: “Nhiều đồng chí lúc mới ra đi chưa xác định rõ nhiệm vụ, nay đã nhận thức sâu sắc vai trò và nhiệm vụ, thấy được tiền đồ tương lai của mình nằm trong tiền đồ tương lai của đất nước, dân tộc… Từ chỗ tổ chức kỷ luật, sinh hoạt nội quy lúc ban đầu còn lỏng lẻo, tác phong sinh hoạt của nhiều người còn mang nặng lối sống cũ, riêng lẻ, cá nhân, ích kỷ, chỉ biết sống cho mình và vì mình thì nay tổ chức cơ bản đã ổn định, nội quy sinh hoạt, kỷ luật chặt chẽ hơn, nhiều đồng chí tha thiết gắn bó với tập thể, coi tập thể là nhà, và có nhiều thay đổi, tiến bộ lớn cả trong tác phong sinh hoạt, nếp nghĩ, nếp sống, gạt bỏ dần hoặc từ bỏ hẳn những thói hư, tật xấu. Quan hệ giữa người và người, tình bạn và tình đồng chí rất đẹp và rất cao quý đã thể hiện và chi phối trong tư tưởng và tình cảm của các đồng chí”.
Không chỉ giáo dục cho những người cùng chung đội ngũ, Thanh niên xung phong còn giáo dục những thanh niên bị xem là tệ nạn xã hội, khiếm khuyết nhân cách, giúp đỡ để họ trở thành công dân lương thiện, thành người có ích. Lực lượng TNXP thành phố là “trường học làm lại con người”, thực hiện hiện nhiệm vụ là vừa cải tạo, giáo dục đối tượng quản lý vừa tự cải tạo, rèn luyện mình để làm gương cho học viên noi theo.Từ đó đến nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo và giải quyết việc làm cho thanh niên tệ nạn xã hội là một trọng tâm công tác của Lực lượng TNXP, được thực hiện với phương châm “tình thương và trách nhiệm” và “người đi trước rước người đi sau”.
“Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên những con người luôn năng động, sáng tạo, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ, kể cả những công việc chưa có tiền lệ. Vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, vừa xin chủ trương, cơ chế trước những vấn đề mới phát sinh, không chỉ trong các hoạt động xã hội mà cả trong các hoạt đông kinh tế. Không phụ lòng tin của lãnh đạo Thành phố, Lực lượng TNXP đã sắp xếp lại bộ máy tổ chức; thay đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc cho phù hợp. Về nhiệm vụ xây dựng vùng kinh tế mới kết hợp với nhiệm vụ giáo dục thanh niên chậm tiến và tệ nạn xã hội, Lực lượng TNXP thực hiện mô hình trường Giáo dục Lao động công - nông nghiệp gắn với nông trường để vừa giải quyết nhu cầu lao động cho các nông trường, vừa nâng cao thu nhập và đời sống cho người lao động và học viên; đồng thời cũng là đầu ra cho học viên tiến bộ của các trường trở thành nông trường viên.
“Trường học lớn” ấy đã đào tạo nên một tập thể xung kích, tham gia tích cực và hiệu quả trong việc tham gia những vấn đề bức xúc của xã hội, tạo nên hình ảnh, thương hiệu Thanh niên xung phong trên lĩnh vực công ích nội thị. Đó là việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 7.507,12ha đất rừng và rừng phòng hộ (từ Tổng đội 1 TNXP) rải rác trên địa bàn các xã thuộc huyện Cần Giờ, góp phần bảo vệ Rừng Sác, lá phổi xanh của Thành phố và là một trong những Khu dự trữ sinh quyển của thế giới do UNESCO xác lập. Phối hợp tốt với Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ và Ban An toàn giao thông giữ gìn trật tự giao thông trên địa bàn Thành phố. Ngoài các hoạt động trên, Công ty còn thí điểm tuyến xe buýt đưa đón học sinh trường Lê Quý Đôn, đảm bảo an ninh trật tự trên tuyến xe buýt số 152; nhận và hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất do Thành phố giao như giữ gìn an ninh trật tự tại các sự kiện, lễ, hội của Thành phố; tham gia cùng các lực lượng chức năng vận động người dân tụ tập khiếu kiện đông người trở về địa phương, chống đình công trái pháp luật …
“Trường học lớn” ấy đã góp phần hình thành môi trường văn hóa lành mạnh mang đậm chất nhân văn. Trong những ngày đầu mới thành lập, mặc dù còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng Thanh niên xung phong đã phát động phong trào thi đua và tổ chức học văn hóa sôi nổi ở các đơn vị, cho ra đời Tập san Tuyến đầu, thành lập đội văn công, các nhóm ca khúc chính trị, tổ chức sáng tác văn, thơ, nhạc, viết báo tường, hình thành các nhóm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật. Nhờ có phong trào văn hóa văn nghệ, học tập văn hóa lan rộng trong các đơn vị Thanh niên xung phong mà từng bước hình thành nên những dòng nhạc, lời ca, bài thơ, vở kịch, bộ phim mang sắc thái riêng phản ánh đời sống hiện thực của thanh niên xung phong.
Linh CK