[ngày này năm xu7a0: Ngày 08 tháng 3 năm 974: Ngày sinh Thái tổ Lý Công Uẩn - Người khai sinh ra triều nhà Lý và thực hiện dời đô lịch sử
Lý Thái Tổ (chữ Hán: 李太祖 8 tháng 3 năm 974 – 31 tháng 3 năm 1028) tên thật là Lý Công Uẩn (李公蘊), là vị hoàng đế sáng lập nhà Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028.
Lý Thái Tổ tên húy là Lý Công Uẩn (974 – 1028), là vị Hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lý trong lịch sử Việt Nam, trị vì 20 năm, từ năm 1009 đến khi qua đời năm 1028.
Ông sinh năm 974, là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chính sử chép, mẹ ông người họ Phạm mà theo truyền thuyết ở làng Dương Lôi (Tiên Sơn, Bắc Ninh) là Phạm Thị Ngà. Chính sử chép, khi mẹ ông "đi chơi chùa Tiêu Sơn, cùng với người thần giao hợp rồi có chửa". Ðó là sự mang thai thần kỳ mà người con sinh ra chỉ biết mẹ, không biết cha.
Khi lên ba tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi (vì thế ông mang họ Lý) và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn đi tu từ đó.
Theo sử sách, ông là người khoan thứ nhân từ, có lượng đế vương. Ông đã được sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ (còn gọi là chùa Cổ Pháp) khen: "Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ".
Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh (anh trai sư Lý Khánh Văn), ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê (Lê Đại Hành), thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ, là một chức quan võ chỉ huy quân đội bảo vệ kinh đô. Ông nổi tiếng là người liêm khiết và được giới Phật giáo ủng hộ. Năm 1005, sau khi Lê Đại Hành mất, các hoàng tử tranh ngôi, Thái tử Long Việt lên ngôi chỉ mới ba ngày thì bị Lê Long Đĩnh giết.
Sau một thời gian trị vì tàn bạo, Lê Long Đĩnh (Ngọa Triều ) chết vào năm 1009. Lúc bấy giờ, giới Phật giáo với các vị cao tăng danh tiếng như sư Vạn Hạnh đang có uy tín trong xã hội và trong triều đình cùng quan đại thần là Đào Cam Mộc đưa Lý Công Uẩn lên làm vua.
Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt Sử ký Toàn thư viết: “Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai! Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương....”
Điềm lành mà Ngô Sĩ Liên nhắc đến là những truyền thuyết, sấm ký... như chó trắng ở hương Cổ Pháp trên lưng có chữ "Thiên tử" lông đen ứng với điềm vua sinh năm Giáp Tuất (974), lên ngôi vua đặt niên hiệu cũng vào năm Canh Tuất (1010); cây gạo ở hương Diên Uẩn (tên cổ của Cổ Pháp) bị sét đánh để lại vết thành bài sấm báo hiệu nhà Lý thay nhà Lê; cây đa chùa Song Lâm có vết sâu ăn hình chữ "Quốc"; quanh mộ cha Lý Công Uẩn ban đêm có tiếng tụng kinh và ngâm thơ báo trước việc họ Lý làm vua ... Tất cả những điềm lạ và lời sấm đó đều được sư Vạn Hạnh giải thích là báo hiệu nhà Lý sẽ thay thế nhà Lê.
Lý Công Uẩn lên ngôi ngày 2/11 năm Kỷ Dậu, tức ngày 21/11/1009 tại kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình). Ông là người sáng lập vương triều Nhà Lý, lấy hiệu là Lý Thái Tổ, đặt niên hiệu là Thuận Thiên.
Sau khi lên ngôi vua, cuối năm 1009, ông đã truy phong mẹ làm Minh Ðức Thái hậu, cha làm Hiển Khánh Vương cùng với anh làm Vũ Uy Vương, em làm Dực Thánh Vương, chú làm Vũ Ðạo Vương và năm 1018 truy phong bà nội làm hậu và đặt tên thụy. Đại Việt sử ký toàn thư cũng ghi nhận các sự kiện này. Năm 1026 nhà vua sai làm Ngọc Điệp, tiếc rằng gia phả hoàng tộc nhà Lý hiện không còn.
Lý Thái Tổ là một vị vua hiền từ, rất lo cho dân. Với cương vị Hoàng đế sáng lập vương triều, nhà vua trước hết lo xây dựng vương triều, củng cố chính quyền trung ương.
Bộ máy hành chính được xây dựng có quy củ, cả nước chia làm 24 lộ, các thế lực cát cứ địa phương bị dẹp yên. Nhà vua đặc biệt chăm lo xây dựng cơ sở xã hội, chính trị, tư tưởng cho vương triều.
Lý Công Uẩn thi hành chính sách "thân dân", năm 1013 định lại các lệ thuế, từ thuế ruộng đất, ao hồ đến thuế bãi dâu, các thuế sản vật... ông nhiều năm xá thuế cho dân như năm 1016 xá tô thuế 3 năm, năm sau, năm 1017 lại xá tô ruộng.... Dưới triều ông, triều đình trung ương được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh tan.
Trong lịch sử dân tộc, Lý Thái Tổ đã làm nên một việc lớn , tạo dựng một mốc son lịch sử- đó là quyết định dời đô về Thăng Long.
Lúc bấy giờ, thấy đất Hoa Lư, cố đô của Đại Cồ Việt chật hẹp, không thể mở mang ra làm chỗ đô hội nên ông có ý định dời đô về thành Đại La (hay La Thành - Hà Nội ngày nay). Quyết định rời bỏ hẳn một kinh đô từ vùng núi non hiểm trở ra vùng đồng bằng có thể cho thấy bản lĩnh và tầm nhìn của vị hoàng đế khai sáng ra triều Lý.
Trong Chiếu dời đô (Thiên đô chiếu), Lý Thái Tổ khẳng định làm thế không phải theo ý riêng mà để mưu việc lớn, thấy thuận tiện thì thay đổi.
Cũng trong Chiếu dời đô, ông còn viết, Thăng Long là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận: Bề tôi đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo". Vua cả mừng.
Tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) thì khởi sự dời đô. Khi ra đến La Thành, ông lấy cớ có điềm trông thấy rồng vàng bay lên trời nên đổi tên Đại La thành sang Thăng Long thành, và cải Hoa Lư làm Trường An phủ và Cổ Pháp làm Thiên Đức phủ.
Việc định đô ở Thăng Long vào năm 1010 của Lý Thái Tổ là cột mốc lớn mở đầu lịch sử Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu bước ngoặt của lịch sử đất nước.
Vua Lý Thái Tổ được chính sử đánh giá là "khoan thứ, nhân từ, tinh tế, hoà nhã, có lượng đế vương". Nhà vua vốn xuất thân Phật giáo, nhờ thế lực giới Phật giáo mà lên ngôi vua nên rất tôn sùng Ðạo Phật và lấy tôn giáo này làm chỗ dựa tinh thần cho vương triều. Trong 20 năm trị vì, Lý Thái Tổ cho xây dựng và tu sửa nhiều chùa, đúc nhiều chuông ở kinh thành và các nơi, một lúc độ hàng nghìn người làm tăng đạo. Lý Thái Tổ đã đặt cơ sở và định hướng ban đầu nhưng rất căn bản cho sự tồn tại của vương triều và sự phát triển của đất nước.
Theo Đại Việt sử lược, năm Mậu Thìn 1028 (tức năm Thuận Thiên thứ 9), sức khỏe nhà vua không được tốt. Ông qua đời ở điện Long An vào ngày Mậu Tuất, hưởng thọ 55 tuổi. Ông được táng ở Thọ Lăng, Thiên Đức phủ, miếu hiệu là Thái Tổ, thụy hiệu là Thần Vũ Hoàng đế.
Sau Lý Thái Tổ, triều Lý truyền được 8 đời cho đến Lý Chiêu Hoàng và kết thúc năm 1226 để nhường chỗ cho vương triều Trần (1226-1400). So với triều Ngô (939- 965) 27 năm, triều Ðinh (968- 980) 13 năm, Tiền Lê (980-1009) 30 năm, thì triều Lý là vương triều tồn tại lâu dài đầu tiên sau khi giành lại độc lập. Trong thời thịnh đạt của vương triều, nhà Lý có nhiều cống hiến lớn lao đối với đất nước, tạo nên vị thế quan trọng trong lịch sử dân tộc./.
Linh CK