Nêu ưu thế của chất liệu ngôn ngữ trong việc xây dựng hình tượng văn học ?
kiến thức chung
1: Có khả năng miêu tả, biểu đạt vô hạn
Trong truyện Quý bà Bovary (tiếng Pháp: Madame Bovary) là một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Gustave Flaubert. Truyện được chuyển thể thành bộ phim cùng tên Madame Bovary năm 1976, đạo diễn Giles Cooper.
Khi thể hiện tâm trạng của nhân vật Emma trở về sau buổi khiêu vũ ở nhà hầu tước Andervilliers tại hạt Vaubyessard. Buổi khiêu vũ sa hoa, lộng lẫy, hào nhoáng bao nhiêu, thì cuộc sống hiện tại của nàng lại tẻ nhạt, nhàm chán, đơn điệu bấy nhiêu. Điều này làm nàng chán nản, luôn luôn nhớ, hồi tưởng lại buổi khiêu vũ. Sự luyến tiếc buổi khiêu vũ của Emma, trong phim thể hiện qua các chi tiết như vừa đặt chân về nhà nàng đã đuổi cô hầu Nastasie, rồi vào buồng lôi bộ váy nàng mặc hôm khiêu vũ ra vuốt ve và sụp xuống khóc. Tất cả các chi tiết được diễn ra chỉ trong một hôm ngắn ngủi ngay sau khi nàng về nhà.
Nhưng trong truyện Flaubert khắc họa chi tiết này rất kĩ, day dứt tâm trạng của Emma nhiều hôm sau. Hôm sau, ngày thực là dài. Nàng lững thững dạo bước trong vườn, đi đi lại lại trên những lối ấy, ngừng bước trước những mảnh đất trồng hoa, trước giàn cây ăn quả sát tường, trước tượng viên linh mục bằng thạch cao, ngỡ ngàng quan sát tất cả những vật xưa kia nàng hằng biết rõ. Cuộc khiêu vũ đối với nàng như đã cách xa lắm rồi! Đêm khi đi ngủ, nàng cũng trằn trọc nhớ lại buổi khiêu vũ: Emma, việc hồi tưởng lại cuộc khiêu vũ là một mối bận tâm. Cứ mỗi lần ngày thứ tư trở lại, nàng đã tự nhủ thầm khi thức giấc: “Ôi! Cách đây tám ngày... Cách đây mười lăm ngày... cách đây ba tuần, mình có mặt ở đó!” Rồi dần dần, những nét mặt lộn xộn trong trí nhớ của nàng; nàng quên mất điệu nhảy đôi; nàng không còn thấy rõ những bộ chế phục và những căn phòng; vài chi tiết đã mất hẳn đi, song nỗi luyến tiếc vẫn còn đọng lại…. Nàng mua cho mình một tấm bản đồ Paris, rồi trên đó lần theo dấu ngón tay nàng rong ruổi trong đô thành. Nàng đi ngược các đại lộ, ngừng bước ở mỗi góc phố, mỗi ngả đường, trước những ô vuông trắng hình dung các nhà cửa. Cuối cùng mỏi mắt, nàng khép hàng mi lại, và nàng thấy trong bóng tối những ngọn lửa đèn khí vặn vẹo trước gió, những bậc lên xuống của những chiếc xe ngựa bốn bánh chuyển ầm ầm trước hàng cột trụ ở cửa các rạp hát. Tác giả đi miêu tả sự tráng lệ, đông đúc, lấp lánh trong mắt Emma. Trong truyện đã dùng những chi tiết này để miêu tả sự lưu luyến trong lòng Emma
Chỉ khi đọc truyện ta mới thấy được nỗi buồn kéo dài miên man, sự khao khát, rạo rực về buổi khiêu vũ trong lòng Emma. Trong phim không miêu tả được hết những suy nghĩ nội tâm trong lòng Emma khi hồi tưởng lại buổi khiêu vũ. Nhưng trong truyện lại làm được điều này, nó day dứt, đeo đẳng tâm trạng của Emma nhiều ngày sau đó, làm nàng buồn rầu, khô héo, xoáy sâu vào tâm can người đọc. Trong phim không thể thể hiện được hết sự lạc lõng, bế tắc của Emma. Chỉ sức mạnh ngôn từ mới miêu tả được chi tiết những diễn biến tâm trạng của nhân vật.
2: Thể hiện được tổng hợp mọi sắc thái tinh vi của mọi giác quan
Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải, bức tranh thiên nhiên mùa xuân được vẽ bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh hài hòa, sống động, tràn đầy sức sống:
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Không gian mùa xuân rộng mở tươi tắn với hình ảnh một dòng sông trong xanh chảy hiền hoà với màu tím biếc của bônghoa tạo nên một nét chấm phá nhẹ nhàng mà sống động. Bức tranh không chỉ có “họa” mà còn có “nhạc” bởi tiếng chim chiền chiện cất lên với muôn vàn lời ca tiếng hót, reo mừng. Cụm từ “giọt long lanh” gợi lên những liên tưởng phong phú và đầy thi vị. Nó có thể là giọt sương lấp lánh trong buổi sớm mùa xuân tươi đẹp, có thể là giọt nắng rọi sáng bên thềm, có thể giọt mưa xuân đang rơi, cũng có thể đây là giọt âm thanh của tiếng chim ngân vang, đọng lại thành từng giọt niềm vui, rơi xuống cõi lòng rộng mở của thi sĩ. Thành Hải cảm nhận vẻ đẹp của mùaxuân bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác và cả xúc giác. Mở ra một bức tranh xứ Huế thật đẹp: có hình ảnh, có màu sắc, âm thanh đượchọa lên từ những vần thơ có nhạc…
Trong khi đó một bức tranh vẽ mùa xuân, có dòng sông xanh, có bông hoa tím biếc, có giọt sương lonh lanh, có hình ảnh con người đứng đó cũng không lột tả được hết được bức tranh xuân xứ Huế êm đềm, tràn đầy sức sống, và khát khao sống mãnh liệt, sự nâng niu, muốn ôm trọn mùa xuân của tác giả.
3: Tính đa nghĩa, phức điệu
Trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, vầng trăng mang nhiều tầng nghĩa. Vầng trăng trước hết là trăng của thiên nhiên, của đất trời, trăng vẫn tỏa ánh sáng dịu hiền khắp nhân gian.
Trăng là biểu tượng cho những gì gắn bó với con người lúc gian khổ, là người bạn tri âm tri kỉ, vẫn luôn thầm lặng dõi theo và chia sẻ mọi buồn vui.
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với biển
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỷ
Là tuổi thơ ngọt ngào: trăng còn là biểu tượng cho thời quá khứ, cái thời con người được ngụp lặn trong dòng sông tuổi thơ của cuộc đời mình.
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
Là biểu tượng cho tình nghĩa thuỷ chung. Khổ thơ cuối thể hiện tập trung nhất ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng, chiều sâu tư tưởng mang tính triết lý của tác phẩm
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi kẻ vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Khiến cho ta giật mình
Trăng chính là tiếng lòng, là những suy nghĩ thấm thía, nhắc nhở ta về thái độ sống và những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa với thiên nhiên, đất nước bình dị, hồn hậu.
Bằng chất liệu ngôn từ nhà thơ đã xây dựng được hình ảnh ánh trăng mang nhiều tầng nghĩa khác nhau.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Tiến Lam Cát