Nêu một số quan điểm về bất bình đẳng xã hội?
kiến thức chung
Bất bình đẳng xã hội là một hiện tượng xã hội phổ biến. Tuy nhiên, liệu bất bình đẳng có phải là một hiện tượng xã hội không thể nào tránh khỏi? Xung quanh vấn đề này, có nhiều quan điểm khác nhau. Chúng ta sẽ xem xét một số quan điểm tiêu biểu về bất bình đẳng xã hội.
* Quan điểm dựa vào yếu tố sinh học của cá nhân
Quan điểm này cho rằng, bất bình đẳng là một thực tế của xã hội, nó luôn hiện diện bởi sự khác biệt giữa các cá nhân. Trong một xã hội mở và nếu con người có sự khác nhau về tài năng và nhu cầu thì điều đó tất yếu dẫn đến bất bình đẳng. “Một số bất bình đẳng đến như là kết quả không thể né tránh về bất bình đẳng sinh học của kỹ năng, thể chất, khả năng tinh thần và những khía cạnh của nhân cách.”[4]
Ngay từ thời cổ đại, một số nhà triết học đã khẳng định những “khác biệt” mang tính tự nhiên giữa các cá nhân. Trong thực tế, vẫn có những khác biệt trong kiểu phân chia giới như là kết quả không thể tránh được của bất bình đẳng. Aristotle (384 – 322 TCN) cho rằng: “Đàn ông bản chất là thống trị, đàn bà là bị trị, và đó là một luật lệ.” Ngay cả đến hiện nay, quan điểm này vẫn còn tồn tại. Steven Goldberg nêu quan điểm: “Sự thống trị và sự thành đạt cao của nam giới là khả năng không thể đảo ngược, bởi có những khác biệt về sinh học giữa nam và nữ.”[5]
Thực ra những quan điểm hoàn toàn tương tự có thể được tìm thấy trong các xã hội khác. Trong không ít các gia đình Việt Nam hiện đại, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại. Người con trai luôn được dành cho những ưu tiên và cơ hội nhiều hơn người con gái và tất yếu điều này làm cho sự bất bình đẳng ngày một kéo dài và trầm trọng hơn.
* Quan điểm dựa vào yếu tố kinh tế
Trong luận văn Về nguồn gốc của sự bất bình đẳng năm 1753, Jean-Jacques Rousseau đã vạch rõ nguồn gốc của sự bất bình đẳng trong xã hội là ở chế độ tư hữu tài sản. Theo ông, bất bình đẳng không phải là một quy luật tự nhiên, mà là sản phẩm của xã hội loài người; nó tồn tại và phát triển từ khi xuất hiện chế độ tư hữu tài sản; rằng con người đã tạo ra sự bất bình đẳng thì con người cũng có thể xóa bỏ nó.[6] Những đặc điểm về kinh tế – chính trị và thị trường lao động tạo ra những khác biệt trong thu nhập và của cải. Thực chất, sự khác biệt về vị trí của các cá nhân trong cơ cấu xã hội gây ra bất bình đẳng kinh tế. Ông cũng đã phân biệt rõ hai loại bất bình đẳng giữa người với người. Đó là bất bình đẳng tự nhiên và bất bình đẳng xã hội – bất bình đẳng do cơ chế xã hội tạo nên.
Một số nhà xã hội học khác cho rằng bất bình đẳng là không thể tránh khỏi do xã hội có những nhiệm vụ này cần thiết hơn những nhiệm vụ khác và khả năng thực hiện những nhiệm vụ này khác nhau. Họ lập luận rằng bất bình đẳng xã hội về lợi ích giữa các cá nhân là cần thiết để thúc đẩy người tài nhất thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất. Chính sự bất bình đẳng thúc đẩy các cá nhân lao động, học tập để mang lại cơ hội cho chính bản thân mình. Do vậy không thể thủ tiêu bất bình đẳng, vì bình đẳng có thể nguy hiểm cho xã hội như nhà kinh tế học A. Lechevalier phân tích: “Bình đẳng chung chung thậm chí còn đi ngược lại ý niệm về sự công bằng, không chỉ là công bằng về nỗ lực cá nhân, về nhu cầu, ham muốn mà cả những thiệt thòi.”
* Quan điểm của Karl Marx
Học thuyết của Marx chủ yếu dựa trên sự nghiên cứu các học thuyết kinh tế mà ông coi là nền tảng của cơ cấu giai cấp. Mối quan hệ giai cấp là chìa khoá của mọi vấn đề trong đời sống xã hội. Marx khẳng định: “Những tư tưởng thống trị của một thời đại bao giờ cũng là những tư tưởng của giai cấp thống trị” và phục vụ cho giai cấp thống trị.
Những lý luận của Marx về hoạt động tổ chức sản xuất của cải vật chất cũng như sự phân công lao động trong xã hội cùng với những phân tích về cấu trúc xã hội đã vạch rõ tính chất giai cấp của xã hội và tính bất bình đẳng trong quan hệ xã hội. Qua những phân tích về cấu trúc xã hội này, có thể rút ra hai kết luận quan trọng. Một là, cần xóa bỏ và thay thế chế độ sở hữu tư nhân bằng chế độ sở hữu xã hội để xây dựng xã hội phát triển. Hai là, xã hội học cần tập trung phân tích cấu trúc xã hội để chỉ ra ai là người có lợi và ai là người thiệt hại từ cách tổ chức xã hội và cơ cấu xã hội hiện có. Nói cách khác, cấu trúc xã hội, phân tầng xã hội và bất bình đẳng xã hội phải là những chủ đề nghiên cứu cơ bản của xã hội học hiện đại.[7]
* Quan điểm của Max Weber
Max Weber nghiên cứu cấu trúc xã hội sau Marx hơn nửa thế kỷ. Do vậy, ông đã ghi nhận những thay đổi trong cơ cấu giai cấp xã hội để phát triển lý thuyết xã hội học về sự phân tầng xã hội. Theo đó, lĩnh vực kinh tế không còn vai trò quan trọng đối với sự phân chia giai cấp và tầng lớp xã hội trong xã hội tư bản hiện đại. Cấu trúc xã hội nói chung và sự phân tầng xã hội nói riêng chịu tác động của hai nhóm yếu tố cơ bản là các yếu tố kinh tế và các yếu tố phi kinh tế trong quá trình hình thành, biến đổi cấu trúc xã hội và sự phân tầng xã hội.
Weber không coi mọi cấu trúc xã hội đều bất bình đẳng như trong một xã hội có giai cấp. Ông nhấn mạnh rằng quyền lực kinh tế có thể là kết quả nắm giữ quyền lực dựa vào các nền tảng khác. Địa vị xã hội và uy tín xã hội có thể xuất phát từ quyền lực kinh tế, song đó không phải là tất yếu duy nhất. Ngược lại, địa vị có thể tạo nên cơ sở của quyền lực chính trị.
Weber nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường chứ không phải là tái sản xuất, như là cơ sở kinh tế của giai cấp. Ông quan niệm giai cấp là một tập hợp người có chung các cơ hội sống trong điều kiện kinh tế thị trường. Nguyên nhân đầu tiên của bất bình đẳng trong xã hội tư bản là khác biệt về khả năng thị trường.
Nội dung liên quan
Diệu Phương