Nét đẹp văn hóa xứ Hà Thành qua tranh Hàng Trống

  1. Văn hóa

Nhắc đến văn hóa dân gian xứ Hà thành, có lẽ chúng ta không thể không nhắc đến tranh Hàng Trống - một nét đẹp tinh thần của người Hà Nội xưa.

1211hangtrong2

Bộ Tứ Bình của tranh Hàng Trống (Nguồn: Vietnam+)

Nguồn gốc của tranh Hàng Trống

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời tại Việt Nam vào khoảng thế kỷ thứ XVI nhưng thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này đó là vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 và thời cao điểm lên tới mấy trăm bản khắc mẫu.

Sở dĩ gọi là “ Tranh Hàng Trống” là vì loại tranh này được sản xuất tập trung ở phố Hàng Trống, Hà Nội. Tuy vậy, tranh Hàng Trống trước kia cũng được làm ở các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt, đồng thời bày bán ở các phố ấy. Các phố làm tranh này, trước kia đều thuộc tổng Tiên Túc huyện Thọ Xương của kinh thành Thăng Long cũ và Phố Hàng Trống thuộc phần đất thôn Tự Tháp xưa kia.

Đặc điểm tranh Hàng Trống

Lynguvongnguyet

Bức "Lý Ngư Vọng Nguyệt" nổi tiếng của tranh Hàng Trống (Nguồn: Vietnam+)

Xuất xứ tranh Hàng Trống là kết quả giữa Phật giáo và Nho giáo, và mang đậm tính thẩm mỹ cũng như kỹ làm tranh. Tranh Hàng Trống mang nét đẹp tinh thần cả về ý nghĩa tranh lẫn hình thức của tranh.

Tranh Hàng Trống có kỹ thuật và phong cách khác biệt Tranh Đông Hồ ở việc in tranh. Ở tranh Đông Hồ, in viền nét và in màu đều dùng bản khắc gỗ còn tranh Hàng Trống chỉ dùng ván khắc gỗ in nét tranh trên chất liệu giấy dó. Các ván khắc in tranh đều phải theo mẫu tranh, các mẫu tranh do các nghệ nhân đảm nhiệm, gọi là “ra mẫu.”

Tranh Hàng Trống thường có hai loại là tranh thờ và tranh Tết, trong đó, số lượng tranh thờ chiếm khoảng 80%. Tranh Tết có thể còn nhiều đặc điểm liên quan tới tranh Trung Quốc với những chúc phúc, tứ quý, tứ bình, tam đa, tố nữ, công, cá… thì tranh thờ đã có nhiều nét đặc trưng của văn hóa Việt. Chính vì vậy, tranh Hàng Trống là một sự tiếp nối và dịch chuyển cũng như thay đổi để mang bản sắc của vùng miền quê chứ không phải giữ nguyên thể như xuất xứ.

Tranh Hàng Trống ngày nay

Ngày xưa, Tranh Hàng Trống được làm và bán quanh năm nhưng tập trung nhiều vào dịp Tết và bán nhiều trong các cửa hiệu tranh. Vào dịp cuối năm Lễ tết, các đồ thủ công mỹ nghệ cũng như các loại tranh khác cũng được bày bán nhiều ở vỉa hè hay các khu phố bán đồ thờ cúng, trang trí Tết.

Ngày nay, có lẽ chúng ta vẫn có thể tìm thấy những dấu ấn của tranh Hàng Trống ở trong các đền, miếu, điện thờ hay trong các bộ sưu tập tranh quý của các viện bảo tàng. Tuy nhiên biết đâu được trên những góc phố nhỏ của Phố cổ Hà Nội kia, bạn có thể tìm được một nơi bán tranh Hàng Trống vào một ngày cận Tết.

Từ khóa: 

tranh hàng trống

,

hà nội

,

văn hóa

,

dân gian

,

tinh hoa việt nam

,

văn hóa