Nét đẹp văn hóa vùng đất Nam Bộ thể hiện ra sao qua Lễ Kỳ Yên?
Nhắc đến vùng đất Nam Bộ, có lẽ không thể không nhắc đến nét đẹp văn hóa thờ thần ở mỗi vùng địa phương tại đây. Văn hóa này thường được thể hiện thông qua các lễ hội, dịp để các người dân tôn thờ những người có công với làng xã, tổ chức lễ cầu an, tế thần. Đặc biệt nhất là lễ Kỳ Yên, một lễ hội được tổ chức trong ngày nhất định của năm tuỳ theo từng địa phương và được nhân dân trong vùng tổ chức lễ cúng với nghi thức linh thiêng, trang trọng tại đình làng.
Trong tháng 11 này (cũng là tháng 10 Âm Lịch), Lễ Kỳ Yên được tổ chức tại đền Nguyễn Tri Phương, Đồng Nai vào ngày 16-17 Tháng 10 Âm lịch. Trước khi hành lễ, các vị hương chức lớn nhỏ đều hội tại đền để yết kiến thần thánh. Đến tối lễ bắt đầu từ lúc trăng lên cũng là khi con nước bắt đầu lớn. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt. Dân trong làng, các nơi xa gần cùng các ban quí tế đình, đền trong vùng đến dự.
Ngoài Đồng Nai, Lễ Kỳ Yên còn được tổ chức phổ biến ở một số vùng địa phương khác ở Nam Bộ như Bình Dương, An Giang, Cần Thơ,... với thời điểm khác nhau. Lễ thường được tổ chức trong 3 ngày, gồm nhiều lễ tế, nhằm cầu trời thêm thanh bình, đất thêm tươi tốt, con người được sống lâu, quỹ dữ bị tiêu diệt. Ở lễ Kỳ yên, phần lễ chiếm phần quan trọng hơn phần hội. Các đối tượng cúng lễ là một tập hợp thần linh đông đảo không chỉ riêng có thần Thành hoàng Bổn cảnh.
Lễ Kỳ Yên mở ra không chỉ dành cho những người dân nơi miền quê Nam Bộ mà còn thu hút đông đảo người du lịch đến tham quan và khám phá về các nét đẹp văn hóa truyền thống nơi đây. Lễ Kỳ yên mang 2 ý nghĩa, vừa tưởng nhớ những vị tiền nhân có công khai phá vùng đất Nam bộ vừa cầu mong có một cuộc sống no đủ. Vì vậy cho đến thời điểm hiện tại, đây là một trong những Lễ hội đặc trưng vẫn luôn được duy trì, phát triển qua các năm tại các vùng địa phương Nam Bộ.