Nét đặc sắc trong tranh dân gian Đông Hồ là gì?
kiến thức chung
Tranh dân gian Việt Nam góp phần không nhỏ vào việc lưu giữ các nét văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần của người Việt Nam thêm phong phú và đa dạng. Bấy lâu nay chúng ta đều biết tranh dân gian Việt Nam với rất nhiều dòng tranh chính như: Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây), tranh làng Sình (Huế)… Trong đó, được biết đến nhiều hơn cả là làng tranh Đông Hồ.
Dòng tranh Đông Hồ, hay tên đầy đủ là tranh khắc gỗ dân gian Đông Hồ, là một dòng tranh dân gian Việt Nam với xuất xứ từ làng Đông Hồ (xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Làng Đông Hồ xưa còn gọi là làng Mái, là một làng nằm ngay sát bờ sông Đuống, ngày xưa chỉ cách sông một con đê nhưng ngày nay do sự bồi lấp của dòng sông nên từ đê ra đến mép nước khá xa. Làng Đông Hồ ruộng đất ít, sống chủ yếu bằng nghề làm tranh. Nghề làm tranh trong làng rất được trọng vọng. Ai có hoa tay, có thú chơi cầm, kỳ, thi, họa đều được mọi người vị nể. Dòng tranh này ra đời từ khoảng thế kỷ XVI. Trong các dòng tranh dân gian, Tranh Đông Hồ khá gần gũi với đại đa số dân chúng Việt Nam. Tranh gần gũi vì nó gắn liền với làng quê, ngõ xóm, với cuộc sống lao động của người dân bình dị, chất phác và hình ảnh của nó đã đi vào thơ, văn. Tranh Đông Hồ còn mang trong mình những nét tinh túy riêng với những giá trị văn hóa to lớn. Trước kia tranh được bán ra chủ yếu phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thơ Tú Xương về tranh Đông Hồ ngày Tết có câu:
“Đì đoẹt ngoài sân tràng pháo chuột
Om sòm trên vách bức tranh gà”
Trong bài thơ " Bên kia sông Đuống" của nhà thơ Hoàng Cầm cũng nhắc đến đầy tự hào và kiêu hãnh về tranh Đông Hồ như một niềm kiêu hãnh của vùng quê Kinh Bắc.
“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Không phải tự nhiên mà nhà thơ miêu tả như vậy. Cái làm nên nét đặc sắc độc đáo của tranh Đông Hồ chính là ở chất liệu làm tranh, được chế biến thủ công từ các nguyên liệu có sẵn trong thiên nhiên. Giấy in tranh Đông Hồ được làm từ cây dó phủ lên một lớp phấn điệp. Người ta nghiền nát vỏ con điệp, một loại sò vỏ mỏng ở biển, trộn với hồ rồi dùng chổi lá thông để quét lên mặt giấy dó. Chổi lá thông tạo nên những đường chạy theo chiều đường quét và vỏ điệp tự nhiên cho màu trắng với ánh lấp lánh những mảnh điệp dưới ánh sáng, có thể pha thêm màu khác vào trong quá trình làm giấy điệp. Màu sắc sử dụng trong tranh là màu tự nhiên từ cây cỏ như: Màu hồng lấy từ gạch non; màu đỏ lấy từ son, vỏ gỗ cây vang; màu vàng từ hoa điệp vàng, hoa hòe; màu đen từ lá tre đốt, than rơm đốt; màu trắng được nghiền từ vỏ sò, ốc; màu xanh lấy từ vỏ lá cây chàm… Đây là kinh nghiệm, sự sáng tạo, thậm chí còn là bí quyết gia truyền của mỗi nghệ nhân. Chính nhờ sự cầu kỳ, cẩn thận trong cách chế màu mà tranh Đông Hồ luôn tươi sáng, rực rỡ và không bị bay màu. Với 3 màu nền: trắng điệp, vàng hòe và đỏ hòa quyện với bảng màu, tranh dân gian Đông Hồ được bổ sung thêm các màu đen than lá tre, nâu sỏi, xanh chàm, cộng với màu gỉ đồng, đỏ gấc, vàng thỏ tía... kết hợp cùng kỹ thuật pha trộn, đặc hay loãng; kỹ thuật in chồng màu những màu đó được chắt lọc, khi đưa vào tranh tạo các hòa sắc rất đẹp. Màu tự nhiên làm cho các màu tạo nên sắc tố có tính thuận mắt, phù hợp với đời sống nông nghiệp của người nông dân Việt Nam. Chính sự tương phản của các sắc tố, sự độc đáo trong sử dụng chất liệu đã làm cho tranh đạt đến được một giá trị thẩm mỹ độc đáo và khác biệt với các dòng tranh khác. Cách sử dụng màu sắc của tranh dân gian Đông Hồ còn chứa đựng giá trị biểu trưng mang tính triết lý của học thuyết ngũ hành: như màu trắng ứng với hành kim, màu xanh ứng với hành mộc, màu đen ứng với hành thủy, màu đỏ ứng với hành hỏa, màu vàng ứng với hành thổ. Theo quan niệm của nghệ nhân Đông Hồ, tiếp thu quan niệm triết học phương Đông: "màu xanh tượng trưng cho sự sống, sinh sôi, là màu của mùa xuân, màu hợp với ánh mắt nhìn"; "màu đỏ tượng trưng cho lửa, nhiệt nóng, màu của mùa hạ". Màu vàng thuộc hành thổ, là màu của đất, tượng trưng cho mẹ của thiên nhiên... Cho nên, trong các tranh Đông Hồ thường thấy xử lý màu vàng làm nền cho mặt tranh, có ý nghĩa quan trọng trong tổng hòa quan hệ của bức tranh. Màu trắng trong tranh Đông Hồ thường được các nghệ nhân khai thác từ độ lấp lánh của vỏ sò trộn với bột hồ tạo nên trên mặt tranh, tạo hiệu quả đặc biệt, mang tính đặc trưng của dòng tranh. Tranh dân gian Việt Nam khác với tranh của Nhật Bản bởi lối dùng mảng màu nguyên mang tính đối lập in trên giấy điệp, giấy in tranh đồng thời là màu nền của tranh, với những màu tươi vui rực rỡ làm nên một dòng tranh Đông Hồ vừa đằm thắm vừa có được cái hồn của dân tộc. Một nhà văn đã miêu tả như sau: "tranh gà, tranh lợn đỏ như xôi gấc, vàng như màu lúa chín, xanh như lá mạ hay vàng như nghệ kho cá, xanh như cốm non, đỏ như ngô già, nâu như đất cày, toàn những màu sắc thân quen từ bao đời nay, những màu sắc ấy đã in vào tâm trí người nông dân từ thế hệ này đến thế hệ khác thành những màu sắc dân tộc". Thông thường tranh Đông Hồ chỉ sử dụng tối đa 5 màu. Để hoàn thành một sản phẩm, không kể khâu khắc tranh trên bản gỗ, có sẵn giấy và màu, người làm tranh phải rất công phu, cẩn thận trong từng giai đoạn: sơn hồ lên giấy, phơi giấy cho khô hồ, quét điệp rồi lại phơi giấy cho khô lớp điệp, khi in tranh phải in từng màu lần lượt, nếu có 5 màu thì 5 lần in, mỗi lần in là một lần phơi. Mọi giai đoạn đều thật công phu nên đòi hỏi người làm tranh luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, chú ý đến từng chi tiết nhỏ để có được một bức tranh đẹp. Ngoài ra tranh được in hoàn toàn bằng tay với các bản màu; mỗi màu dùng một bản, và bản nét màu đen in sau cùng. Nhờ cách in này, tranh được sản xuất với số lượng lớn.
Nói đến tranh Đông Hồ không thể không nói tới bố cục, đường nét của tranh. Nếu phối cảnh không gian xa gần của hội họa phương Tây đã tạo ra lối bố cục tuân thủ quy luật thị giác thì ở tranh dân gian Đông Hồ các nghệ nhân đã dùng phối cảnh ước lệ phương Đông làm cơ sở để tạo ra lối bố cục không gian tượng trưng và khái quát, chắt lọc về đường nét, về màu sắc. Bố cục của tranh thường được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn theo lối vẽ đơn tuyến bình đồ, do đó xem tranh dân gian Đông Hồ ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô, đơn giản nhưng hợp lý hợp tình. Một nét độc đáo nữa trong tranh dân gian Đông Hồ, đó là bên cạnh các hình thể, trong tranh thường có chữ đề thơ, mảng chữ là một phần tạo nên sự chặt chẽ và hoàn chỉnh trong bố cục không gian của tranh bên cạnh việc thể hiện rõ ý tưởng về nội dung. Nét chữ cũng là nét vẽ trong tranh, hài hòa, ăn ý với nét vẽ ở các hình thể khác. Bởi vậy trong tranh dân gian Đông Hồ, với chỉ vài nhân vật được tạo hình một cách đơn giản, không gian mang tính ước lệ cùng những chữ đề thơ nhưng người xem vẫn cảm nhận thấy hết ý vị của tranh, dễ dàng nắm bắt được ý nghĩa cũng như tư tưởng mà người nghệ nhân muốn truyền đạt. Ta có thể thấy, trong tranh Đánh ghen, nghệ nhân sử dụng phối cảnh ước lệ "đơn tuyến bình đồ" tạo ra bố cục không gian tượng trưng và khái quát, cách tạo hình nhân vật mang yếu tố biếm họa, thể hiện ở sự cường điệu hóa các hình thể và đường nét trong tranh, tạo nên sự sôi động, nhưng không kém phần hài hước, vui nhộn trước một tình huống bi kịch gia đình. Các hình ảnh được khắc họa một cách chắt lọc về đường nét; tỉ lệ hình ước lệ theo một sự hợp lý của bản năng nghệ thuật và cảm thức trong sáng, hồn hậu, dí dỏm. Trong tranh là hình ảnh người vợ cả dữ tợn, cầm kéo xông vào cô vợ trẻ đang thách thức chìa tóc ra, vênh váo, còn anh chồng lấy thân hình của mình che chắn cho người vợ bé trước đường tiến của vợ cả, tay trái ôm lấy bờ vai trần, lòng bàn tay vẫn không rời khỏi bầu ngực của nàng, tay phải đưa ra phía trước nửa như chống đỡ, nửa như phân trần, vừa như van nài được thể hiện rõ ý qua 2 câu thơ đề phía trên: “Thôi thôi bớt giận làm lành - Chi đừng sinh sự, hại mình nhục ta”. Bên cạnh hình tượng các nhân vật và không gian ước lệ được hình tượng hóa gia cảnh của các nhân vật bằng các mảng tường hoa, bình phong... khiến người xem cảm nhận được cái dư vị bi hài muôn thuở của đời sống "chồng chung vợ chạ” thường xảy ra trong các gia đình giàu, có của ăn của để. Thưởng thức bức tranh Đàn lợn âm dương nhìn một cách tổng thể, đây là một bố cục hình chữ nhật được đặt trong khung hình chữ nhật. Bức tranh diễn tả lợn mẹ và đàn lợn con trông thật sinh động, các nét cong của mông, lưng và đầu lợn con trông mềm mại và nhịp nhàng song không làm mất đi hình mảng cơ bản của nó. Để tăng thêm sự hài hòa, cân bằng của đường nét, trên mình lợn được điểm xuyết bởi các vòng xoáy âm dương, vừa khiến các mảng đỡ đặc, vừa thể hiện tính hài hòa trong trang trí. Những con lợn trong tranh không giống lợn thực, những đặc điểm của mắt, mũi, miệng, tai, lưng được nghệ nhân khai thác triệt để và cường điệu hóa trong cách nhìn trang trí. Đặc biệt sự sắp xếp các con lợn quây quần bên nhau, giữa đàn lợn con và lợn mẹ hoà vào nhau tạo ra một bố cục chặt chẽ, thể hiện rõ chủ đề "chúc tụng" của tranh, chúc cho sự sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn. Về mảng, nét: Trong tranh dân gian Đông Hồ, nét là một phần cực kỳ quan trọng, quyết định đến vẻ đẹp cũng như nội dung của tranh, đó là nét thực, nét tạo nên hình mảng trong tranh. Nét khoanh lấy các mảng màu giữ cho màu đằm trên giấy, nét tạo nên sự nhất quán giữa hình và mảng, diễn tả được tình cảm, tính cách nhân vật bằng những nét viền to nhỏ đậm đà, dứt khoát. Nét trong tranh dân gian Đông Hồ khỏe khoắn nhưng không thô cứng, chắc chắn nhưng mềm mại, uyển chuyển, thanh thoát, tạo nên vẻ đẹp riêng của mình. Dưới bàn tay của các nghệ nhân, nét rất được chú trọng. Nét và mảng trong tranh rất phong phú, không những nêu bật được nội dung, chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, mà còn gợi khối, tả chất rất giỏi. Chú trọng lột tả giá trị nội dung hơn là hình thức của tác phẩm. Trên tinh thần đó, tranh dân gian Đông Hồ thoát ra yếu tố tả thực. Vai trò của thủ pháp ước lệ trong tạo hình được đề cao và khai thác. Chính nhờ thủ pháp đó, người nghệ nhân khi làm tranh đã bỏ qua các yếu tố đúng sai, đẹp xấu về mặt hình thức; chú trọng biểu cảm về mặt nội dung, sao cho tác phẩm mang được tiếng nói riêng, tình cảm của người sáng tác. Các nghệ nhân đã quy các hình tượng nhân vật trong tranh vào các dạng hình học cơ bản: như hình tam giác, hình thang, hình tròn. Trên cơ sở đó, nghệ nhân kết hợp các thủ pháp nhấn mạnh và lược bỏ. Tập trung chú trọng vào những nhân vật, đối tượng chính, quan tâm những nhận vật trung tâm để xử lí hình, mảng hay biểu cảm nội tâm nhân vật qua đó, chuyển tải nội dung của tác phẩm đến người xem với hiệu quả trực cảm mạnh mẽ. Tiêu biểu là bức tranh Đấu vật. Đây là một trong những bức tranh nổi tiếng của tranh dân gian Đông Hồ, vẽ về cảnh đấu vật của nam giới trong ngày xuân. Bức tranh chỉ tập trung diễn tả các đô vật (trong tranh không có cảnh cờ hoa, mái đình, người xem...) cùng màu sắc cực kỳ đơn giản chỉ có 3 mầu bao gồm cả màu nền, nhưng với cách sử dụng nét, mảng tài tình, nghệ nhân đã tạo nên hình cân xứng, khoáng đạt trong tranh. Hình ảnh các đô vật với vóc dáng lực lưỡng đang đấu trí, đấu sức, quyết tìm các thế vật khác để quật ngã đối phương, dành phần thắng về mình. Trên màu tươi thắm của nền tranh, chất óng ả của vỏ điệp, trên thân hình các đô vật được viền bằng những nét đen chắc, khỏe, làm tôn vẻ đẹp của tinh thần thượng võ và gợi nên không gian trong ngày hội. Trong tranh với 3 đôi vật tạo thành mảng tam giác ở giữa tranh tạo nên một bố cục cho người xem cảm giác vững chắc, các mảng rất phong phú và ăn nhập với nhau và tạo nên thế cân bằng. Kết hợp với nét đen chắc, khỏe, nghệ nhân đã tạo nên hình cân xứng, khoáng đạt trong tranh. Mảng chữ nhật hai bên với cách diễn tả nét cho thấy 2 đô vật đang ngồi ôm đùi, thu chân trước ngực, như nói lên cái không khí se lạnh của tiết trời cũng như thể hiện sự nôn nóng đợi đến lượt mình lên sới. Phía trên là 2 mảng hình chữ nhật, nhìn vào ta có cảm giác như hai xâu pháo đang được treo nơi sân đình. Chỉ với những hình ảnh đơn giản đó nhưng người thưởng ngoạn như vẫn cảm nhận hết cái gay cấn của cuộc thi, cái se lạnh của tiết xuân, không khí rộn ràng, vui tươi của lễ hội dân tộc. Giá trị thẩm mĩ trong tranh dân gian Đông Hồ nằm ở vẻ đẹp hài hòa, cân bằng, nét luôn đạt giá trị cân bằng cần thiết trong tranh. Nét trong tranh dân gian Đông Hồ mang tính chất phóng khoáng của người nông dân thuần hậu, nét to, chắc, khỏe, dứt khoát khiến cho người xem có những tình cảm gần gũi với cuộc sống ruộng đồng và đầy màu sắc quê hương. Trong hội họa, mảng nét và hình khối rất cần thiết, trong tranh dân dân Đông Hồ mảng nét góp phần hình thành khối. Ví như bức tranh Đàn gà mẹ con, với cách sử dụng mảng nét không những nêu được đặc điểm mà còn gợi được khối và cảm giác về chất. Bằng cách dùng mảng nét để tả khối hình, các nghệ nhân đã tạo nên bức tranh có sức hút đặc biệt với người xem tranh, mỗi chú gà trong tranh đều có những nét mảng chuyển động khác nhau, có con trèo lên lưng mẹ, có con quay đi quay lại, tạo nên sự liên kết giữa gà mẹ và gà con. So sánh bức tranh Đánh ghen với bức tranh Hứng dừa chúng ta đều thấy hai bức tranh đều giống nhau về cách tạo hình, không gian, màu sắc, mang yếu tố hài hước dí dỏm nghịch ngợm. Các nghệ nhân Đông Hồ luôn chú ý đến sự hài hòa giữa đường nét, mảng và màu sắc cũng như sự hài hòa về hình thể và khoảng trống sao cho giữa chúng có một tỉ lệ hợp lý, các mảng màu tươi được đặt cạnh nhau, được làm dịu bởi nét đen thông qua tác dụng tương phản. Tất cả những màu sắc, giấy dó và bàn tay tài hoa của người nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm có giá trị lớn mang tính nghệ thuật. Có thể nói, cách sử dụng mảng nét và màu sắc tạo nên vẻ đẹp của tranh dân gian Đông Hồ, nét xác định hình, nét giữ cho mảng màu đằm trên giấy, tạo ra hòa sắc, tăng thêm vẻ đẹp của bức tranh, nét còn tạo sự nhất quán của hình và các mảng màu, diễn tả được tình cảm, tính cách nhân vật bằng những nét, to nhỏ đậm nhạt, mạnh mẽ khác nhau nhưng không làm cho bức tranh khô cứng, chắc nhưng uyển chuyển thanh thoát, có thể nói mảng nét trong sự phối hợp với màu sắc đã đạt đến một tầm cao của nghệ thuật. Tranh dân gian Đông Hồ với ngôn ngữ tạo hình đơn giản, dễ hiểu, hình tượng rõ ràng, đã đáp ứng được những nhu cầu về tâm lý, tư tưởng, tình cảm và mong ước của người dân lao động, vì vậy tranh dân gian Đông Hồ dễ đi vào lòng người với những ấn tượng sâu sắc, phản ánh các đề tài gần gũi với đời sống sinh hoạt của người dân, phản ánh ước mơ, khát vọng sống của con người về một cuộc sống no đủ, hạnh phúc. Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh với những cách thể hiện rất riêng, độc đáo, tinh tế và giàu chất biểu cảm.
Vào thế kỷ XVI, tranh Đông Hồ xuất hiện nhưng không ai thống kê hết có bao nhiêu mẫu tranh mà chỉ biết gồm có 5 loại là: Tranh tâm linh như: Bộ ngũ sự, Thần tài, Tử vi- Trấn trạch; Tranh lịch sử như: Phù Đổng Thiên Vương, Hai Bà Trưng, Bà Triệu,…; Truyện tranh như: Truyện Kiều, Thạch Sanh, Lục Vân Tiên, …; Tranh chúc tụng là loại tranh phổ biến nhất, ví như bộ tranh tứ quý Vinh hoa - Phú quý - Nhân nghĩa - Lễ trí, cặp tranh Tiến tài- Tiến lộc, Nghinh xuân, Gà đàn …; Tranh sinh hoạt như: Đánh ghen, Chăn trâu thổi sáo, Nhà nông, Đám cưới chuột, Hứng dừa, … Tranh Đông Hồ có đặc điểm thường là những hình ảnh sung túc như Đám cưới chuột, cảnh trai gái cùng nhau hái dừa, cánh cá chép nhiều màu vẫy đuôi…thể hiện mong muốn về sự sung túc.
Từ cuối thế kỷ XIX đến 1944 là thời kì cực thịnh của làng tranh. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp…. Không khí trong làng rộn ràng từ sáng đến tối suốt mấy tháng liền như thế. Mỗi năm, chợ tranh chỉ nhộn nhịp và tấp nập nhất vào tháng Chạp, họp 5 phiên vào các ngày 6, 11,16, 21 và 26. Bà con, du khách thập phương đổ về mua tranh đông vui, tấp nập. Hàng nghìn, hàng triệu bức tranh các loại được mang ra xếp gọn lại bán cho những lái buôn, hoặc bán lẻ cho các gia đình mua về làm tranh treo tết để mang phú quý, vinh hoa cho nhà mình. Sau phiên chợ tranh cuối cùng những gia đình nào còn lại tranh đều bọc kín đem cất đi chờ đến mùa tranh năm sau lại mang ra chợ tranh bán. Đến chợ tranh làng Hồ không chỉ có khách buôn và mua tranh, mà có cả những người hâm mộ nghệ thuật tranh dân gian thích thăm thú, xem tranh và đi trảy hội mùa xuân. Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã giải thích về ý nghĩa của việc dùng màu sắc sao cho phù hợp với mỗi đề tài khác nhau: nền màu đỏ cho tranh đánh ghen để lột tả được cái nóng giận bực bội ngột ngạt của không khí lúc đó, nền màu vàng cho cảnh vui tươi tràn ngập sắc xuân trên các bức tranh ngày tết, nền màu hồng nhạt cho tranh làng quê yên bình … Đôi khi những bức tranh Đông Hồ còn được những nghệ nhân trang trí kèm theo những từ chỉ dẫn hoặc những tứ thơ tình tứ, lãng mạn. Các nghệ nhân Đông Hồ đã chuyển hóa những lời hay - ý đẹp, những kinh nghiệm đúc rút trong cuộc sống từ ngàn đời để lại vào tranh dân gian với những cách thể hiện rất riêng.
Trải qua nhiều thăng trầm, lệ mua tranh Đông Hồ treo ngày Tết đã mai một, làng tranh cũng thay đổi nhiều: Trong những năm kháng chiến chống pháp, khi cả nước điêu linh, Đông Hồ cũng rơi vào cảnh đạn bom lay lắt, làng tranh bị giặc đốt phá tan hoang, người dân trong làng lo chạy loạn khắp nơi, các bản khắc tranh cũng bị thiêu cháy rụi. Nghề tranh từ đó cũng bị gián đoạn. Hoà bình lập lại (1954) làng tranh được khôi phục. Nhiều tổ hợp tác sản xuất tranh Đông Hồ được thành lập, đây cũng là thời điểm tranh Đông Hồ được xuất khẩu sang các nước XHCN. Nhưng từ năm 1985- 1990, do tác động của nền kinh tế thị trường, nhu cầu thẩm mỹ của người dân thay đổi, việc xuất khẩu tranh gặp nhiều khó khăn. Người dân làng tranh chuyển dần sang làm hàng mã. Nghề làm tranh tồn tại yếu ớt, chỉ còn lẻ tẻ một vài gia đình bám trụ với nghề. Đến nay, nhờ công gìn giữ của một số nghệ nhân mà tranh dân gian này được khôi phục lại. Cùng với nhiều sáng tạo mới mẻ, tranh dân gian Đông Hồ lại chiếm được cảm tình của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến mảnh đất Bắc Ninh. Tranh Đông Hồ có được sức sống lâu bền và có sức cuốn hút đặc biệt với nhiều thế hệ con người Việt Nam cũng như du khách nước ngoài như vậy cũng bởi những đề tài trên tranh phản ánh đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị, gần gũi gắn liền với văn hoá người Việt. Đó là con gà, con trâu, con cóc, con chuột; cảnh chăn trâu, đi bừa; các trò chơi vui ngày xuân như bịt mắt bắt dê, đánh đu, đấu vật…Mong rằng tranh dân gian Đông Hồ sẽ mãi "tồn tại, phát triển", lưu giữ và phát huy những giá trị vốn có của mình, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của nhân dân Việt Nam cũng như du khách từ các quốc gia trên thế giới khi đến với Việt Nam. Hi vọng trong tương lai gần, cùng với các làng nghề truyền thống khác trên cả nước, làng tranh Đông Hồ sẽ tìm lại được vị trí vốn có của mình và ngày càng phát triển, làm giàu thêm cho nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam, đóng vai trò như một di sản văn hóa, một dòng tranh dân gian không thể thiếu.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Tấn Tâm Nghi