Nên chú trọng vào kiến thức đại học hay kinh nghiệm thực tế?
Một số ý kiến cho rằng "Kiến thức ở đại học không áp dụng được trong công việc thực tế đâu, đi học chỉ để lấy cái bằng thôi, phải đi làm nhiều, có kinh nghiệm vẫn hơn"; nhưng số khác lại nghiêng về "Kiến thức là nền tảng cho công việc. Học không sâu, không đủ thì đừng nên đi làm vội, đi làm mà không có kiến thức thì làm được gì?". Bố mình thì theo quan điểm học xong rồi mới đi làm, không cho đi làm khi còn đi học vì sợ sao nhãng học tập. Mẹ mình thì bảo nên đi làm để trải nghiệm, để biết được đồng tiền kiếm ra khó thế nào. Chính hai luồng ý kiến trái chiều này đang diễn ra trong nhà mình. Nếu là các bạn, các bạn chọn bên nào, tập trung học hay đi làm?
giáo dục
Hai ý kiến trên một bên nghiêng về việc học kiến thức, một bên nghiêng về việc đi làm để lấy kinh nghiệm. Ở đây, không có ý nào là sai hay đúng hoàn toàn, việc “đi làm lấy kinh nghiệm thực tế” hay “chú trọng vào việc học nhiều hơn là đi làm” đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó.
Việc đi học để thu nạp kiến thức là cực kỳ cần thiết bởi kiến thức ở đại học là kiến thức nền tảng, cũng là kiến thức bao quát khá toàn diện về mọi mặt, những kiến thức này sẽ giúp sinh viên có được cái nhìn đa chiều chứ không chỉ nhìn vào một mặt của vấn đề. Việc này cũng nhằm giúp cho các bạn có thêm khả năng và cơ hội đáp ứng được nhiều công việc khác nhau. Quan điểm “Kiến thức ở đại học không áp dụng được trong công việc thực tế” chỉ đúng trong trường hợp bạn học một ngành và bạn làm ở một ngành hoàn toàn trái ngược với ngành bạn đã học, lúc đó kiến thức bạn học được trên đại học sẽ khó có thể áp dụng được vào công việc thực tế. Tuy nhiên, nếu như bạn học về kinh tế, và bạn làm việc có liên quan đến tài chính, kinh tế thì chắc chắn những kiến thức bạn học, sẽ áp dụng được vào thực tế. Thế nhưng, nếu chỉ học kiến thức mà không thực hành lấy kinh nghiệm thì bạn sẽ chỉ có thể giải quyết những vấn đề trên lý thuyết. Trong thực tế, các vấn đề thường không giống trong sách vở một trăm phần trăm, nên rất có thể bạn sẽ không biết cách giải quyết được công việc sao cho hiệu quả nhất.
Còn với quan điểm trọng về việc “nên đi làm nhiều để có kinh nghiệm”, có thể thấy một cách rõ ràng lý do vì sao nhiều người ủng hộ việc đi làm qua những ưu điểm như: Việc đi làm sẽ giúp bạn có cơ hội được thực hành kiến thức đã học; đi làm giúp tích lũy được nhiều kinh nghiệm không chỉ chuyên môn mà còn nhiều khía cạnh khác, điều này sẽ giúp bạn rất nhiều trên con đường sự nghiệp sau này; bên cạnh đó, ở thời điểm hiện tại, phần lớn ở nhiều công ty yêu cầu ứng viên có kinh nghiệm, nên kinh nghiệm của bạn sẽ là lợi thế giúp bạn được nhiều nhà tuyển dụng để mắt đến hơn. Có thể thấy, việc nhiều người ưu tiên kinh nghiệm hơn kiến thức là bởi họ cho rằng kiến thức là lý thuyết suông trong khi kinh nghiệm mới là thực tế, là từ trong công việc mà có được. Tuy nhiên, việc đi làm có thể là nguyên nhân dẫn đến việc bạn không tập trung vào nhiệm vụ chính là “việc học trên lớp”. Chính vì lẽ đó mới xuất hiện tình trạng có những bạn sẵn sàng bỏ giờ, bỏ tiết, không chú tâm đến việc học để rồi dẫn đến không đủ điều kiện và kiến thức để đi thi, thi lại, học lại, mất thời gian và tốn thêm nhiều chi phí. Ngoài ra, trên thực tế, nếu bạn chỉ giải quyết công việc dựa trên kinh nghiệm mà không dựa trên lý thuyết thì khi có những vấn đề hoàn toàn mới xảy ra, bạn sẽ gặp khó khăn khi đưa ra phương án xử lý và mất rất nhiều thời gian để hoàn thành công việc.
Nói tóm lại, cả việc học và việc làm đều quan trọng, nhưng tùy thuộc vào ngành của bạn mà bạn có thể lựa chọn là thiên về bên nào nhiều hơn. Bạn không nên nghe ý kiến chung chung về việc lựa chọn học hay đi làm mà cần phải dựa vào tình hình thực tế của bản thân mình. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sắp xếp thời gian hợp lý, ví dụ bạn không học quá nhiều môn mà để thời gian đó đi làm. Như vậy, bạn vừa không lo ảnh hưởng tới học tập, vừa có thể tích lũy kinh nghiệm "thực chiến".
Về bố mẹ bạn, họ đang sợ bạn sao nhãng trong việc học và sợ bạn không biết áp dụng lý thuyết. Vậy hãy chứng minh đi bằng hành động đi. Như cá nhân mình, mình phải đi làm một khoảng thời gian rồi bố mẹ mới biết và mọi thứ không bị ảnh hưởng xấu đi thì không có lý do gì mình bị ngăn cấm mình cả.
Nội dung liên quan
Đậu Đậu
Kiều Linh
Về vấn đề này, mình nghĩ bạn có thể đọc bài viết Chuyện tấm bằng và việc làm của anh
Còn theo quan điểm của mình, vẫn nên kết hợp cả việc học và làm. Hầu hết các môi trường đại học hiện nay như mình thấy thì vẫn nặng tính lý thuyết, bạn học hết 4 năm chưa chắc đã là lợi thế. Còn nếu đi làm mà ít học lấy kinh nghiệm thì đa phần bằng cấp và điểm số đều tương đối thê thảm, mà nhà tuyển dụng cũng không thích điều này. Tuổi nào làm việc đó, bạn nên coi học là chủ yếu, làm thêm là part time. Ra trườngg rồi lại muốn đi học có khi lại hối hận đó. Cân nhắc thật kỹ để cân bằng nha.