Nên cho con học trường công lập hay dân lập/quốc tế?
Mình để ý thấy thời nay khá nhiều phụ huynh (thường là những anh chị 8x và đầu 9x) định hướng cho con theo học những trường học dân lập và nếu có điều kiện một chút thì là trường quốc tế. Ngay trong gia đình mình cũng có một anh họ và chị họ định hướng cho con cái theo học các trường quốc tế ngay từ sau mẫu giáo.
Bản thân mình trân trọng điều đó, vì nó cho thấy các phụ huynh thời @ vừa rất hiểu biết, vừa trách nhiệm với việc học của con từ khi con còn rất nhỏ. Nhưng điều đó có thực sự cần thiết? Bởi mình vẫn gặp nhiều trường hợp các em học sinh học trường xịn nhưng chỉ lo ăn chơi quậy phá, và các em học trường "làng" (công lập) nhưng thành tích học rất đáng nể, có vẻ rất có tương lai.
Nếu có con thì mọi người sẽ định hướng thế nào? (Ở đây anh chị nào đã có con có thể chia sẻ suy nghĩ không ạ)
Phan Đức Dũng
Kha Nguyen
Mình nghĩ việc đầu tiên là phân định rõ giữa các vấn đề.
Đầu tiên là chuyện học sinh xấu và tốt. Mình cho rằng chuyện này không liên quan đến trường học, mà là vấn đề xã hội. Trong trường công cũng như tư đều có những học sinh giỏi và học sinh quậy. Cho nên nếu bạn muốn tránh chuyện này cho con cái, hãy yêu cầu chính quyền có giải pháp (hoặc hiến kế cho chính quyền).
Thứ hai là chuyện chất lượng giảng dạy. Mình có niềm tin mãnh liệt rằng chất lượng giảng dạy phụ thuộc rất nhiều vào giáo viên. Tất nhiên, những yếu tố khác cũng góp phần quan trọng, nhưng chất lượng giáo viên lại ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của trường. Và để duy trì chất lượng tốt, các trường sẵn sàng bỏ nhiều tiền để thuê giáo viên giỏi hơn. Do vậy, bản chất về sự khác biệt chất lượng giữa công và tư nằm ở chỗ cách họ sử dụng tiền có hiệu quả không và có hình thành đội ngũ giáo viên giỏi/chuyên nghiệp hay không. Và không phủ nhận nhiều trường công cũng có giáo viên giỏi.
Thứ ba là chuyện trang thiết bị vật chất. Các trường tư thường cố gắng thu hút học sinh thông qua cơ sở vật chất, vì nó hữu hình mà ai nhìn vào cũng thấy. Chuyện chất lượng giảng dạy thì phải "ở trong chăn mới biết chăn có rận", nhưng chuyện trang thiết bị thì nhìn là thấy.
Thứ tư là môi trường. Nói chuyện cá nhân một xíu, mình lúc xưa học Bách khoa TPHCM, cái mình tự hào nhất không phải là những gì đã học, mà là những bạn sinh viên học chung. Lúc đó, xung quanh mình toàn những bạn ham học và học giỏi, khiến mình phải nỗ lực để theo kịp chương trình và bè bạn. Cũng vậy, các trường tư yêu cầu đóng nhiều tiền, và điều đó đồng nghĩa với việc mọi học sinh trong đó đều chấp nhận đầu tư cho giáo dục. Việc ai cũng nghiêm túc trong việc đầu tư giáo dục mới là yếu tố chính tạo ra khác biệt giữa các trường tư và công.
Tổng kết lại, rõ ràng với mô hình thu phí cao và sẵn sàng đầu tư lớn, các trường tư ngay từ đầu đã "vả vào mặt phụ huynh" rằng: chúng tôi chỉ chấp nhận những người chịu đầu tư vào giáo dục con cái mà thôi. Điều này khiến phụ huynh suy nghĩ về tương lai của con mình.