Năng lực thông tin và sự cần thiết của công tác đào tạo kiến thức thông tin?
kiến thức chung
Năng lực thông tin và sự cần thiết của công tác đào tạo kiến thức thông tin?
Việc tiếp cận thông tin trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và truyền thông ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Trước đây nguồn tri thức cung cấp cho con người chỉ đơn thuần là những tài liệu dưới dạng in ấn như sách, báo, tạp chí,…
Ngày nay, với sự tấn công như vũ bão của mạng truyền thông Internet, lượng thông tin khổng lồ với tốc độ tăng trưởng phi mã, có mặt ở mọi lúc mọi nơi, với loại hình đa dạng mà bạn đọc có thể đọc, nghe, nhìn, xem, ngửi. Theo kết quả một nghiên cứu do Công ty IBM thực hiện năm 2010, lượng thông tin số trên mạng toàn cầu tăng gấp 2 lần chỉ sau mỗi 11 tiếng. Tuy nhiên vấn đề ở đây không nằm ở việc thông tin có được cung cấp đầy đủ hay không mà nằm ở chỗ thông tin hiện đang được cung cấp quá nhiều, quá ồ ạt và hỗn tạp. Việc kiểm định chất lượng và độ tin cậy của thông tin dường như bị phó mặc cho người sử dụng. Điều này đòi hỏi mỗi người phải có năng lực sàng lọc và phản hồi thích hợp đối với các nguồn thông tin không phù hợp, có chất lượng kém và không đáng tin cậy. Khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin, gọi tắt là năng lực thông tin, là năng lực hay kĩ năng của mỗi người trong việc đáp ứng nhu cầu thông tin của bản thân. Năng lực thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao trình độ chuyên môn và giúp con người trở phát triển năng lực tư duy độc lập và sáng tạo (Rockman, 2004). Đó chính là nền tảng của khả năng học tập suốt đời và là năng lực cần thiết trong mọi lĩnh vực, môi trường học tập (ALA, 2000).
Theo Hiệp hội các thư viện Đại học và thư viên nghiên cứu Mỹ (ACRL) thuộc Hiệp hội thư viện Hoa Kỳ (ALA), năng lực thông tin của các sinh viên đại học cần phát triển bao gồm 06 khả năng sau: Khả năng xác định được phạm vi thông tin mà mình cần, khả năng tìm kiếm và truy cập thông tin hiệu quả, khả năng thẩm định chất lượng, độ tin cậy của thông tin và nguồn thông tin, năng lực kết nối thông tin mới tiếp nhận làm giàu vốn kiến thức sẵn có, khả năng sử dụng thông tin một cách hiệu quả để đạt được các mục tiêu đã đề ra, khả năng truy cập và sử dụng thông tin một cách hợp pháp và có đạo đức (ALA, 2000). Hầu hết các trường đại học ở Mĩ đã xây dựng chương trình phát triển năng lực thông tin cho sinh viên dựa theo các tiêu chuẩn nói trên của ARCL. Nhiều trường đại học ở Anh, Ôtxtrâylia, Niu-zilân ,…cũng đã đề ra các tiêu chuẩn về năng lực thông tin để đào tạo cho sinh viên của mình. Nhìn chung các trường đại học ở khắp nơi trên thế giới rất chú trọng đến việc phát triển năng lực thông tin cho sinh viên. Năm 2009, bộ Giáo dục Thái Lan đã xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học trong đó nhấn mạnh 6 yếu tố quyết định của chất lượng giáo dục đại học, đó là: đạo đức và sự tuân thủ pháp luật, kiến thức, kĩ năng tư duy, kĩ năng xây dựng quan hệ và tinh thần trách nhiệm, kĩ năng phân tích số học, giao tiếp và kĩ năng công nghệ thông tin. Theo Kulthida (2013), bộ tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học này rất chú trọng đến năng lực thông tin của sinh viên bậc đại học trong đó bao gồm:
- Năng lực tìm kiếm thông tin, hiểu và truy cập được các dữ liệu, khái niệm và các minh chứng mới từ nhiều nguồn thông tin khác nhau; sử dụng hiệu quả các thông tin tìm được để giải quyết vấn đề và tự hoàn thành các bài tập được giao.
- Năng lực sử dụng công nghệ thông tin một cách thường xuyên để thu thập dữ liệu, để tính toán, làm sáng tỏ và trình bày thông tin.
- Năng lực giao tiếp bằng ngôn ngữ nói và viết hiệu quả, năng lực lựa chọn phương thức trình bày thông tin phù hợp với đối tượng người tiếp nhận.
- Năng lực tự học tập tiếp tục nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn và tự hoàn thiện bản thân để vững vàng hơn trong cuộc sống.
Như vậy rõ ràng rằng phát triển năng lực thông tin cho sinh viên không chỉ là công việc của các cán bộ thư viện hay của các thư viện đại học. Đây là công việc đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức của các cấp lãnh đạo ở các trường đại học, cao đẳng và của ngành giáo dục đào tạo.
Ở Việt Nam hiện nay, trong quá trình chuyển từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục bậc đại học đòi hỏi người học phải có năng lực thông tin để phục vụ yêu cầu học tập của bản thân. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã khẳng định: “Đổi mới mạnh mẽ phương pháp giáo dục đào tạo… bảo đảm điều kiện và thời gian tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, nhất là sinh viên đại học; phát triển mạnh mẽ phong trào tự học, tự đào tạo thường xuyên và rộng khắp trong toàn dân, nhất là thanh niên”. Theo Crebert và các đồng tác giả (2011), một sinh viên được trang bị kĩ năng và kiến thức thông tin tốt sẽ đọc nhiều hơn, biết tranh luận bằng cách sử dụng thông tin từ nhiều nguồn và ở nhiều góc độ khác nhau, biết sử dụng dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình, có thể kết nối các ý tưởng và các khái niệm, biết phân tích và tổng hợp thông tin, có thể trích dẫn thông tin một cách thống nhất và chính xác, đánh giá được mức độ tin cậy và giá trị của thông tin, quản lí và tổ chức được thông tin… Như vậy giáo dục kiến thức thông tin cho sinh viên là một việc làm vô cùng quan trọng đối với quá trình tín chỉ hóa chương trình đào tạo của các trường đại học ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế mà nói lãnh đạo các trường đại học/cao đẳng ở Việt Nam chưa thực sự hiểu rõ được tầm quan trọng của việc trang bị cho sinh viên kiến thức thông tin, nên tạm thời công việc này vẫn được giao phó cho các cán bộ thư viện đại học.
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Miên Minh