Năng lực quản lý tài chính cá nhân với chuyện tìm việc

  1. Đầu tư & Tài chính

Bạn có tin điều trên? Đã có 60bạn trả lời, b8ạn không tin, 48 bạn tin. Trong những người tin có bạn đã học về Tài chính cá nhân, có bạn đang làm hoạt động giáo dục, có sinh viên, có người đi làm, cũng đa dạng. Dù bạn tin hay không, hẳn cũng có dựa trên điều gì đó, có thể là đã có trải nghiệm trực tiếp, có thể là đã được thuyết phục khi có những chứng cứ phù hợp, có thể là cảm giác là điều đó đúng nên tin hoặc không tin, không sao cả. Với mình, mình tin.

1. Câu hỏi đầu tiên dành cho bạn là, bạn đi học để làm gì?

Ở góc nhìn đầu tư, chúng ta có 1 nguồn vốn, vốn này đến trước cả tiền, cái mà ta hay nói tới khi nói về tài chính nói chung và tài chính cá nhân nói riêng, nó là vốn bản thân (Human Capital). Khi mà bạn lột sạch sẽ đồ của mình, điều gì có thể giúp bạn duy trì được cuộc sống của mình? Là bản thân bạn, không gì khác. Để chuẩn bị cho sự phát triển, trưởng thành của mỗi người từ thể chất, trí tuệ, tâm lý, các kỹ năng nghề nghiệp, các kỹ năng để hiểu về mình và người khác, cách cư xử khéo léo, chừng mực, ... chúng ta đã được đầu tư từ lúc còn nhỏ với đủ những môn học, cách học khác nhau bằng mọi giác quan. Sự học này giúp phát triển vốn bản thân và càng được đầu tư hợp lý, vốn bản thân càng được nâng cao và khả năng tìm được việc thành công cũng càng cao. Năng lực quản lý tài chính cá nhân ở đâu trong kiểu đầu tư này?

2. Bạn đã CHI ra cái gì và THU lại cái gì?

Cái được THU vào không chỉ là tiền và giả dụ là chỉ có tiền thì tiền, nhìn chung, không đảm bảo 100% có thể tìm được việc thành công. Bộ ba thái độ - kỹ năng - kiến thức (ASK) vẫn là cái để giúp ta có cơ hội tìm được việc thành công cao nhất và đầu tư vào ASK vẫn là cách đầu tư khôn ngoan để có thể có được công việc mong muốn. Tức là cái THU vào cần được nghĩ đến cả ASK chứ không chỉ là tiền. Muốn cái THU vào là sạch, dùng được, chất lượng thì cách đầu tư cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng. Nguồn nào để CHI, hay nói cách khác, những nguồn vốn nào (bên cạnh tiền) sẽ được dùng để CHI cho bộ ASK này? Biết được các nguồn cần thiết rồi, chẳng hạn là thời gian, mối quan hệ, sức khỏe, các kỹ năng/kiến thức/kinh nghiệm trước đó, vậy thì phân bổ các nguồn này như thế nào? Hay nói cách khác, cách để CHI ra các nguồn này là gì? À, khó đây, có ai hỏi mình mấy chuyện này bao giờ đâu? Mà giờ giả dụ là có dùng tiền đi, vậy thì kênh nào để đầu tư cho ASK được hiệu quả đây? Trung tâm nào để học, người nào để hướng dẫn, kỹ năng nào nên học, kiến thức nào cần bổ sung, những cái này, kể cả trong giả sử là đang có tiền đi nữa, thì cũng cần có vốn bản thân tham gia vào, mới có được quyết định hợp lý.

THU và CHI, đầu tư để tăng thu - tìm nguồn để chi - phân bổ nguồn/cách chi, là những hoạt động rất cơ bản và không chỉ dùng cho tiền, mà còn cho cả vốn bản thân. Những kỹ năng liên quan đến các hoạt động trên không chỉ dùng trong quản lý tiền, hay quản lý chính bản thân mình, mà cũng áp dụng trong công việc. Học quản lý tài chính cá nhân mà không quản lý được thời gian của mình hiệu quả, chưa sắp xếp ưu tiên, phân bổ công việc cho hợp lý là chưa rành rẽ về quản lý tài chính cá nhân. Mấy chuyện này, như mới nói, việc nào ở nơi nào thì cũng cần.

Còn nữa, vốn bản thân còn là sự hiểu mình, hiểu người. Có ai có nhiều mối quan hệ tốt đẹp mà không có mối tương giao gần gũi và uy tín với những người, hội đoàn ấy? Giao tiếp là kỹ năng quan trọng trong tạo dựng mối liên kết chặt chẽ giữa ta với mình, giữa ta với người khác, cả sự cam kết, uy tín giữa người với người nữa. Học quản lý tài chính cá nhân mà không giao tiếp được với nhau về chuyện tiền bạc, không thông hiểu về gia đình mình, vợ chồng, con cái mình thì học cũng chưa đến nơi đến chốn. Học được rồi, giao tiếp cũng giỏi lên, và có công việc nào mà chỉ tự ta đối thoại với ta và hoàn toàn xa lạ với người khác? Kỹ năng giao tiếp, có công việc nào không đòi hỏi cần giao tiếp trôi chảy, tạo cảm tình, biểu đạt rõ ràng được ý?

Rồi nữa, nói về tiền, tiền được ta tạo ra đấy để làm gì? Hỏi "để làm gì" là hỏi về mục đích, mục tiêu, về cái muốn đạt được, cái ta hướng đến. Năng lực quản lý tài chính cá nhân luôn đi kèm với khả năng đặt mục tiêu để định hướng và thực thi kế hoạch đã định để hiện thực hóa mục tiêu ấy nữa. Có công việc nào không cần đến điều này? Có thể quản lý mục tiêu, quản lý công việc, quản lý đời sống của mình, không để nợ chẳng hạn, chẳng phải thế sẽ giúp cho yên ổn mà làm việc, không bị lo lắng về nợ quấy phá sao? Vậy thì công việc mới suôn sẻ, trôi chảy hơn chứ nhỉ?

Còn nữa, còn nữa, còn nữa. Cái biết, cách nghĩ thường thấy đã quy định với ta rằng nói tới tài chính là chỉ nói tới tiền. Nghĩ rộng lớn hơn chút thôi sẽ thấy nó hay lắm, nhân văn lắm, gần gũi lắm, lợi ích lắm, và chạm đến nhiều mặt trong đời sống và công việc. Năng lực quản lý tài chính cá nhân hoàn toàn có thể giúp tìm được việc thành công và hơn thế nữa là một đời sống thoải mái, nhiều niềm vui. Tin được thì mới làm được.

Từ khóa: 

tài chính cá nhân

,

quản lý tài chính cá nhân

,

quản lý thời gian

,

quản lý công việc

,

vốn tự thân

,

human capital

,

tìm việc

,

đầu tư & tài chính