Nam Phương hoàng Hậu tên thật là gì?
Nam Phương Hoàng hậu (chữ Hán: 南芳皇后; 14 tháng 12 năm 1914 - 16 tháng 9 năm 1963), là Hoàng hậu của Hoàng đế Bảo Đại thuộc triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Bà cùng với Thừa Thiên Cao Hoàng hậu, chính thất của Gia Long và Lệ Thiên Anh Hoàng hậu, chính thất của Tự Đức, là 3 vị Hoàng hậu trong hoàng tộc nhà Nguyễn mang tước vị Hoàng hậu (皇后) khi còn sống. Bà cũng là Hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn nói riêng và chế độ quân chủ Việt Nam nói chung. Bà đã có công đề xướng việc thành lập và mở các trường thuộc dòng Đức Bà (Congrégation Notre-Dame) tại Việt Nam vào năm 1935.
Thân thế
Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào có tên thánh là Marie-Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan sinh ra tại Gò Công (nay thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có bậc nhất miền Nam thời bấy giờ. Cô là con gái của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê Thị Bình (bà Bình lại là con gái của Lê Phát Đạt, tục gọi là Huyện Sỹ) ở Nam Kỳ, một trong bốn người giàu nhất nước Việt Nam những năm đầu của thế kỷ XX.[1]
Vợ chồng ông Pierre Nguyễn Hữu Hào chỉ sinh được hai con gái. Người con gái đầu là Marie-Agnès Nguyễn Hữu Hào sinh năm 1903; con gái thứ hai là Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào, nhưng sau này ghi trong giấy khai sinh quốc tịch Việt Nam là Nguyễn Hữu Thị Lan, còn tên theo Pháp tịch phải ghi thêm là Jeanne Mariette Thérèse. Năm 1928, khi 25 tuổi, cô chị gái Agnès kết hôn với bá tước Pierre Jules François Didelot[2] (người này sinh ngày 7 tháng 8 năm 1898 tại Saint-Rémy en Bouzemont, 51 Marne, Grand Est, Pháp).[3] Hai người sinh được một con gái là Marie-Agnes Elisabeth Didelot vào năm 1930.[4]
Cuộc sống của hai chị em cứ khách quan mà nói là sung sướng, đầy đủ, được cưng chiều. Họ đã sống tuổi thanh xuân êm đềm và mơ mộng, và có lẽ đó là giai đoạn hạnh phúc nhất đời của người thiếu nữ sau này làm hoàng hậu. Theo những bức hình chụp trong tờ Indochine thì cả hai chị em đều cao lớn hơn hẳn những người phụ nữ Việt Nam bình thường. Hai chị em đến ở trong căn nhà của gia đình tại Sài Gòn để đi học chứ không ở quê hương Gò Công. Các tiểu thư ở đường Nguyễn Du, mỗi sáng đi nhà thờ thì băng qua đường Lê Văn Duyệt, tới đường Bùi Thị Xuân chừng nửa cây số là tới nhà thờ Chợ Đũi. Nhà thờ này do ông Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt (ông ngoại Nam Phương) hiến nhiều tiền của để xây dựng nên về sau gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ.[5].
Năm 12 tuổi, Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan được gửi sang Pháp theo học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris. Tháng 9 năm 1932, sau khi thi đậu tú tài toàn phần (tương đương với tốt nghiệp trung học), Nguyễn Hữu Thị Lan về nước trên con tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại hồi loan cũng đi cùng chuyến tàu đó nhưng hai người không gặp nhau[6].
Theo cụ Phạm Khắc Hoè, cựu Đổng lý Ngự tiền Văn phòng của Bảo Đại, năm 1983 đã viết trong hồi ký Từ Triều đình Huế đến Chiến khu Việt Bắc, trong đó cũng có đoạn nói về cuộc hôn nhân của Bảo Đại:
“… Trong cuộc kết hôn giữa Bảo Đại với Nguyễn Hữu Thị Lan lý trí nặng hơn tình cảm nhiều. Cô Lan lấy Bảo Đại chủ yếu là để lên ngôi Hoàng hậu. Bảo Đại lấy cô Lan chủ yếu là để đào mỏ. Về mặt tình cảm nếu có thì cũng chỉ là bề ngoài: hai người đều khoẻ mạnh, yêu thể thao và quen sống lối phương Tây. Còn về tính tình, tâm tư thì hầu như trái ngược nhau. Bảo Đại nông cạn, ngây thơ, nhu nhược, thích ăn chơi hơn là quyền bính. Ông ta có thể phục thiện nhưng rất dễ bị bọn cơ hội lợi dụng. Trái lại, Nam Phương là người kín đáo, trầm tĩnh, sâu sắc, có cá tính, có đầu óc suy nghĩ, thích đọc sách, nghiên cứu hơn là ăn chơi … thích uy quyền và có nhiều tham vọng chính trị”.
Tham vọng của Nam Phương là khi có con trai sẽ phong làm Thái tử để nối ngôi và quyền bính sẽ do bà Thái hậu Nam Phương nắm giữ. Sau này, có người hỏi bà Nam Phương tại sao bà lại lấy một ông vua không có đạo, lại ăn chơi trác táng, rồi sau đó còn năm thê bảy thiếp, không kém gì các vị tiên đế. Bà Nam Phương trả lời là: "Việc này do Chúa định, tôi biết nói làm sao được".