Muốn sự nghiệp thành công và cuộc sống hạnh phúc, trước hết hãy "tu khẩu" đã!
Kỷ nguyên mạng xã hội, người ta kết nối với nhau tiện lợi hơn, nhanh chóng hơn, nhưng tác hại cũng đủ đường. Chỉ đơn giản với một tài khoản ảo, hoặc chức năng ẩn danh, bạn có thể tha hồ ''lên mạng'' và trở thành anh hùng bàn phím, tha hồ xỉa xói, công kích những người khác mà không lo sợ bất cứ hình phạt nào.
Không riêng gì thế giới online, mà ngay trong chính thế giới thực, có vẻ như chuẩn mực đạo đức nói chuyện con người ta đang ngày càng sa sút thảm hại. "Khẩu nghiệp" thậm chí còn trở thành một khái niệm rất hot và hay được sử dụng bởi các bạn trẻ ngày nay.
Thế nhưng chỉ có một bộ phận nho nhỏ là ý thức được tác hại và lên án nó (khẩu nghiệp), phần còn lại thì vẫn cứ ung dung tạo nghiệp bằng miệng lưỡi hoặc bàn phím, cho rằng đó là cá tính, là đẳng cấp, là thẳng tính, hoặc là "sống thật với bản thân mình" (1 cách nguỵ biện thường thấy).
Bạn đã từng là nạn nhân hoặc thủ phạm tạo "khẩu nghiệp" chưa?
Mình thì đã từng rất nhiều lần, vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng (là cả thủ phạm nữa, nhưng ít hơn nhiều, vì mình bình sinh vốn là đứa khá kiệm lời).
Mình trước đây đã từng vì cái thứ gọi là khẩu nghiệp mà tình bạn tan vỡ, tình đồng nghiệp rạn nứt, chuyện tình yêu cũng lục đục, lận đận. Khẩu nghiệp là con sâu độc giết chết dần mòn các mối quan hệ giữa người với người. Bạn đọc chắc chắn không xa lạ gì với những dòng này của mình.
Cổ nhân vẫn nói "Miệng không nên nói lời xấu, tai không lưu lời độc địa, đây là điều chúng ta nên biết để tu dưỡng. Một lời nói vô ý, tứ mã nan truy, hại người hại mình, vận thế nhất định càng ngày càng kém".
Ý thức được rằng việc tu khẩu là vô cùng quan trọng, có thể nói là không kém việc lập nghiệp hay tu nhân tích đức, trong bài viết này mình đã sưu tầm và cóp nhặt lại 10 cách nói chuyện KHÔNG tốt mà một người cần phải bỏ, nếu không muốn mất thời vận tốt.
(Nguồn: Internet)
1. Nói nhiều
Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra. Nói chuyện không cần nhiều lời, nói nhiều tất sẽ nói sai. Trong “Mặc Tử” có ghi chép lại việc học trò hỏi Mặc Tử như sau: “Nói nhiều có chỗ tốt hay không?”.
Mặc Tử trả lời: “Cóc, ếch ngày đêm kêu không ngừng, kêu đến miệng khô lưỡi mỏi nhưng không ai thèm nghe chúng. Nhưng sáng nay thấy con gà trống kia, trời vừa hửng sáng nó gáy lên làm cho thiên hạ chấn động. Nói nhiều thì có gì tốt? Chỉ có cất lời đúng lúc, đúng thời điểm thì mới có tác dụng”.
Mặc Tử cho chúng ta biết rằng, nói không cần nhiều, người hiểu biết sẽ luôn nói lời cần nói vào những lúc thích hợp.
2. Lời nói dễ dãi
Nói không thể nói lời dễ dãi, nếu lời nói thường thay đổi chi bằng không nói; nói cũng không thể dễ nói lời đồng ý, nếu đồng ý rồi mà thay đổi chi bằng không đồng ý. Không nên bất cẩn trong lời nói, nếu không sẽ làm cho người khác trách móc và xấu hổ. Không nên dễ dàng nhận lời với người khác, nhận lời người khác một cách dễ dàng sẽ mất uy tín.
3. Nói lời ngông cuồng
Nói chuyện cần biết nặng nhẹ, đừng ăn nói hồ đồ tám chuyện lung tung. Những người ăn nói hồ đồ tám chuyện lung tung thường sẽ hối hận.
Sơn Âm Kim tiên sinh vào đời nhà Thanh từng nói: “Làm người khi hành sự chớ nói lời ngông cuồng, họa phúc tiềm ẩn trong đó tự mà gánh lấy”.
Nói lời ngông cuồng mà vẫn khiêm nhường, đây là quan hệ họa phúc trực tiếp của mỗi người. Ngôn ngữ là trực tiếp nhất, cho nên nói chuyện cần tránh cuồng ngôn. Ngông cuồng dễ làm người khác chú ý, cũng dễ khiến người khác căm ghét, dễ dẫn đến tai họa.
(Nguồn: Internet)
4. Nói thẳng
Đừng nên nói lời mà không nghĩ đến hậu quả, nếu không sẽ dẫn đến phiền toái. Lời nói quá thẳng thì cần chuyển sang nói uyển chuyển chút, nếu lời nói lạnh lẽo thì nên chuyển thành ấm áp chút, cần phải để ý tự tôn của người khác, nên đặt tự tôn của người khác lên hàng đầu.
5. Nói hết lời
Nói chuyện cần hàm súc, không nên nói hết lời. Biết người cũng không cần nói hết, lưu ba phần mặt mũi cho người khác, đó là lưu chút khẩu đức cho mình. Mắng người cũng không cần mắng tuyệt tận, lưu ba phần lại cho người, đó cũng là lưu chút độ lượng với chính mình.
6. Nói để lộ thông tin
Không nên tiết lộ thông tin cơ mật. Sự việc lấy bí mật mà thành, nói chuyện vì để lộ thông tin mà bại. Đối với quan hệ của một số người hoặc tổ chức bí mật, thì khi nói chuyện phải tránh né không thể tiết lộ, đây là vấn đề hành vi và nhân phẩm con người, nếu không sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nếu sự tình chưa được xác định, thì không thể nói lời xác định để tránh tạo thành ảnh hưởng không tốt, khiến cho người khác cảm thấy khinh thường và khó chịu.
7. Nói lời xấu xa, điêu ác
Không nên nói lời vô lễ tổn hại người khác, không nên nói lời ác để tổn thương người. Cổ ngữ có nói: “Đao sang dịch một, ác ngữ nan tiêu”, ý rằng dao đâm dễ hết, lời xấu khó quên. Lời nói xấu dễ làm tổn thương tâm lý người khác hơn so với làm tổn thương thân thể.
(Nguồn: Internet)
8. Nói lời kiêu căng
Kiêu căng chính là tự đại, tự cho là đúng. Lão Tử từng nói: “Tự khoe là kẻ vô công, tự kiêu là kẻ bất tài”. Người tự mình khen mình hay thì chính là tự làm hư sự nghiệp của mình, người tự cao tự đại thì sẽ không tiến triển được.
Người nói lời kiêu căng không phải là kiêu ngạo thì chính là thiếu hiểu biết, bất luận là thuộc loại nào thì đều bất lợi cho sự trưởng thành của bản thân, cũng sẽ khiến cho người khác ghét bỏ.
Thân Hàm Quang ở cuối thời Minh đầu thời nhà Thanh đã từng nói: “Tự mình khiêm tốn sẽ làm người phục, tự mình khoe khoang khiến người nghi ngờ”. Khi nói chuyện không cần kiêu ngạo tự mãn, tự cho là đúng. Khoe khoang kiêu ngạo là biểu hiện chưa đủ hàm dưỡng.
9. Nói lời gièm pha
Nói lời gièm pha chính là nói xấu sau lưng, thêu dệt ly gián hoặc là ác ý phỉ báng, hạ thấp cùng sỉ nhục người khác. Những người hay nói lời gièm pha đều là dạng tiểu nhân.
Triết học gia Vương Sung thời Đông Hán có nói: “Lời gièm pha làm hại điều hay, như ruồi nhặng làm bẩn sự trong sạch”. Không nên nói xấu sau lưng người khác, nếu không sẽ khiến cho thiên hạ không thái bình.
10. Nói lời giận dữ
Khi đang tức giận không nên nói chuyện, bởi vì lời nói ra trong lúc giận sẽ làm tổn thương người tổn thương mình. Lời nói ra như bát nước đổ đi không thể thu lại được. Nói, không thể nói lung tung, nói khi tức giận là lời nói không suy nghĩ, cho nên trước khi nói cần phải suy nghĩ.
Khi tức giận, lấy một tờ giấy trắng tùy ý viết, vẽ những ý tưởng trong đầu, những quyết định của mình, sau khi đã viết hết lên tờ giấy những điều đó rồi đem tờ giấy cất đi, ngày hôm sau lấy ra xem, nếu thấy những ý tưởng và quyết định đó vẫn không thay đổi, như vậy hãy đi thực hiện nó. Còn nếu cảm thấy đó là những điều nghĩ nhất thời trong lúc tức giận thì hãy xếp tờ giấy thành máy bay và ném nó bay đi.