Mượn chuyện nói chuyện

  1. Phim ảnh

https://cdn.noron.vn/2022/05/14/846601082215894836-1652503276.jpg

Iran luôn thuộc nhóm các quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe, ngặt nghèo nhất, thậm chí theo xếp loại Chỉ số Tự do báo chí Thế giới năm 2020 của Tổ chức nhà báo không biên giới, Iran xếp thứ 173/180 về tự do báo chí. Pháp luật Iran chứa đựng nhiều quy định mở cho phép nhà cầm quyền nước này được quyền ngăn chặn và ngăn cản các biểu đạt mà họ cho rằng gây hại cho nhà nước. Tuy nhiên, bối cảnh chính trị chật chội và nhiều cấm cản về tư tưởng như vậy vẫn không thể thể ngăn cản được sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật Iran – vốn có cội nguồn từ nền văn hóa Ba Tư phong phú, hàm chứa nền nghệ thuật độc đáo và đặc sắc đã góp phần làm rực rỡ nền văn minh nhân loại. Điện ảnh Iran trong sự kiểm duyệt khắt khe ấy vẫn sản sinh cho thế giới điện ảnh những tên tuổi lẫy lừng như Abbas Kiarostami, Asghar Farhadi, Samira Makhmalbaf,… hay Majid Majidi với Children of Heaven (1997).

Children of Heaven (1997) thoạt tiên là câu chuyện về cậu bé Ali, sinh ra trong một gia đình nghèo, người mẹ sau khi sinh đứa em út thì đau ốm liên miên, người bố là lao động chính trong gia đình nhưng ông cũng không có công việc ổn định, gia đình lâm vào cảnh thiếu thốn liên miên. Một lần, Ali được mẹ giao cho đi chợ và đi lấy đôi giày cho em gái đang được vá ở cửa hàng giày, tuy nhiên vì chút ham vui con trẻ nên Ali đã đánh mất giày của cô em gái Zahra. Vì gia đình quá nghèo nên cả hai anh em đều không dám nói với cha mẹ là Ali đã đánh mất đôi giày, bởi người bố có thể cho Ali một trận đòn nên thân và họ cũng không có tiền mua đôi giày mới. Vậy là cuộc hành trình hai anh em phải chia nhau dùng chung đôi giày của Ali và dấm dúi chuyện mất giày, đồng thời phải tìm cách tìm lại đôi giày cho Zahra. Một câu chuyện tưởng như đơn giản nhưng qua “bàn tay” chỉ đạo của Majid Majidi đã biến thành một trong những tác phẩm điện ảnh nên thơ nhất, trong sáng nhất về trẻ em.

Trước tiên, Children of Heaven (1997) là một tác phẩm tôn vinh trẻ em, từ chính tiêu đề của bộ phim ta đã thấy điều đó. Dù nhân vật chính chỉ có Ali, nhưng tựa đề lại là những đứa trẻ (children), như vậy, ta hiểu rằng Ali không phải là một nhân vật bình thường, một đứa trẻ bình thường mà cậu là một nhân vật đại diện. Ali đại diện trước hết cho trẻ em ở những gia đình nghèo, chiếm phần lớn trong xã hội Iran, tiếp theo đó là trẻ em Iran, và sâu xa là trẻ em ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ở Ali, ta thấy phẩm chất trác tuyệt của một đứa trẻ - trong sáng, tràn đầy tình yêu thương nhưng cũng đòi hỏi tình yêu thương, sự cho đi vô điều kiện, sự ích kỷ trẻ con, sự vô tư, lơ đãng của trẻ con, sự ý thức và tự ý thức về thân phận nhưng không bao giờ sa đà vào bi quan, sự lạc quan và niềm tin luôn lấp lánh trong sâu thẳm tâm hồn, và trên tất cả, là niềm hy vọng. Chuyện một câu bé 7 tuổi có thể sa đà vào những cuộc vui bên đường và quên lời mẹ dặn là điều bình thường. Và cũng làm gì có cậu bé 7 tuổi nào lại không tức giận khi cô em gái đi giày của mình mà lại chạy về muộn khiến cho mình ngày nào cũng muộn học. Tuy nhiên, cậu bé 7 tuổi ấy đủ nhạy cảm để biết rằng gia đình mình không thể mua thêm đôi giày khác cho em gái. Khi cha cậu nhận được một món tiền lớn và hỏi rằng cậu muốn gì, cậu đã nói rằng ông hãy mua cho em gái một đôi giày vì đôi giày của cô bé đã quá cũ rồi. Và, cậu bé 7 tuổi ấy đã chạy đến chảy máu chân và rách bươm đôi giày cũ kỹ của mình trong giải chạy giữa các trường, nhưng lại cố tình từ bỏ vị trí dẫn đầu để tụt xuống vị trí thứ ba vì phần thưởng cho người về thứ ba là một đôi giày.

Sự trong sáng và hướng thiện trong tâm hồn con trẻ còn nằm ở cô em gái Zahra của Ali, đây là một tuyến nhân vật đối trọng cực kỳ quan trọng cho vai chính của Ali và là một khẳng định ngầm của tác giả về đề tài của bộ phim. Cô bé dù tức giận vì anh trai đã làm mất đôi giày của mình nhưng vẫn quyết định im lặng, không nói với bố mẹ vì biết rằng bố sẽ đánh anh nếu ông biết anh làm mất đôi giày. Cô bé dù yêu quý đôi giày của mình đến nỗi mơ về ngày tìm được nó, lại quyết định im lặng lùi lại và không đòi lại đôi giày đó dù cô đã biết người mua lại đôi giày của mình là ai, chỉ bởi cô đã thấy cô bạn ấy có một người cha mù và nhìn thấy tình yêu thương của ông với cô con gái. Có lẽ, Zahra đã hiểu rằng, nếu cô bước đến và đòi lại đôi giày ấy, cô sẽ khiến người bạn của mình ngại ngùng, và khiến một người cha yêu con phải xấu hổ vì trót mua phải đôi giày của người khác mà ông không hề hay biết.

Trong bộ phim của Majid Majidi, sự ích kỷ phải nhường chỗ cho sự lương thiện, nỗi đau khổ phải nhường chỗ cho niềm vui thơ trẻ. Không có một khoảng cách hay ranh giới giàu nghèo nào có thể xen giữa những đứa trẻ khi Ali gặp được cậu bé ở khu nhà giàu và cậu bé ấy đã xin ông cho Ali vào chơi chung. Khi người bố còn đang ấp úng mãi không nói được chuyện mình muốn xin làm việc ở gia đình giàu có, Ali đã nhanh nhẹn hơn để thuyết phục ông chủ nhà, đó là sự khác biệt giữa người cha ít học và đứa con được học hành, nhưng trên tất cả đó là lời của tác giả muốn nhắn nhủ rằng hễ nơi nào có trẻ em và trẻ em được nuôi dạy tử tế thì đó sẽ là hy vọng của nhân loại. Bất chấp đói nghèo, nghịch cảnh, đến cuối cùng ta vẫn nhìn thấy nụ cười trên môi những đứa trẻ, sự lạc quan tuyệt đối, tình yêu vô điều kiện và sự hy sinh không đòi hỏi đền đáp.

Năm 1999, Children of Heaven (1997) của Majid Majidi ra mắt khán giả điện ảnh toàn cầu và ngay lập tức đã gây rúng động cho bất cứ ai từng được xem qua. Các nhà phê bình danh tiếng đã so sánh nó với Bicycle Thieves (1948) của Vittorio de Sica, gọi nó là “bộ phim hoàn hảo dành cho trẻ em”. Cho đến ngày nay, Children of Heaven (1997) vẫn vinh quang đứng trong danh sách những tác phẩm điện ảnh xuất chúng nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Bấy nhiêu điều đó không phải chỉ là những tôn vinh hào nhoáng, mà đó là sự ghi nhận cho một tác phẩm điện ảnh có sức lay động nhất, gây xúc động nhất, và trong sáng nhất từng được làm ra. Với Children of Heavn (1997), Majid Majidi không chỉ khẳng định được tài năng của mình mà còn thế giới thấy không có sự kiểm duyệt nào có thể ngăn cản tài năng con người hay nghệ thuật chạm đến công chúng. Children of Heaven (1997) là một bộ phim mẫu mực về nghệ thuật tự sự điện ảnh, cuốn sách giáo khoa về nghệ thuật tự sự. Bộ phim cũng cho ta thấy rằng dù có biết bao ngặt nghèo, trắc trở cũng không thể ngăn cản được sự phát lộ của tài năng con người. Có lẽ, điều mà một nền điện ảnh như đất nước chúng ta thiếu không chỉ có một phía là sự kiểm duyệt, mà ở phía còn lại, chúng ta cũng thiếu những con người xuất chúng có thể sản sinh ra những tác phẩm xuất chúng, đủ sức lay động trái tim con người.

Từ khóa: 

câu chuyện nghệ thuật

,

mượn chuyện nói chuyện

,

children of heaven 1997

,

điện ảnh iran

,

phim ảnh