Mùa Tôm - Khi tôm đã vào mùa vẫn chưa mua được cá

  1. Sách

Tôm đã vào mùa vẫn chưa mua được Cá – có lẽ đó chính là lối nói ẩn dụ mô tả chính xác cho câu chuyện tình yêu đầy bi kịch giữa Karuthamma và Parikutti mà mình đã được đọc trong tác phẩm Mùa Tôm của tác giả người Ấn Độ Thakazhi Sivasankara Pillai.
Chẳng nhớ lần cuối cùng đọc một tác phẩm văn học về bi kịch tình yêu là khi nào, chỉ biết rằng bản thân không hề muốn tiếp cận những chuyện tình bi thương đẫm lệ với cái kết đã được định sẵn. Cầm trên tay cuốn Mùa Tôm, với lời giới thiệu “ Một bi kịch tình yêu thời hiện đại” của nhà văn Nhật Chiêu, lúc đó mình lại càng cảm thấy như đây là một tác phẩm không dành cho mình. Ấy vậy nhưng cuối cùng mình vẫn lựa chọn đọc nó. Chắc có lẽ đó là do… tiếng gọi tình yêu giữa lòng đại dương – nơi có cá, có tôm và cả những sinh vật biển đáng yêu khác nữa (cũng có khi là do mình hy vọng như thế). Hoặc đôi khi đó cũng là một cái duyên nào đó bất chợt đến đúng lúc đúng thời điểm mà mình không được biết trước. Có những cuốn sách nhất định phải đến với ta, dù là với bất cứ hình thức nào.
Mùa Tôm, cái tên làm mình liên tưởng ngay đến một làng chài ven biển Việt Nam, nơi có những ngư dân hiền lành chất phác ngày đêm lam lũ vật lộn với biển cả để mang về những mẻ cá, mẻ tôm đặng có cái ăn, cái mặc. Tuy nhiên, làng chài xuất hiện trong Mùa Tôm lại không phải ở Việt Nam, mà là một làng chài phương Nam Ấn Độ, gần làng Thakazhi của tác giả. Đối với mình mà nói, tác phẩm văn học từng đoạt giải thưởng của Viện Hàn lâm Ấn Độ vào năm 1957 và được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới như Mùa Tôm quả thật không phải là yếu tố quan trọng để mình lựa chọn đọc nó, bởi thứ mà mình quan tâm đến cuối cùng rốt cuộc cũng chỉ là câu chuyện tình yêu được nhắc đến trong tác phẩm mà thôi. Bi kịch dù buồn đến thế nào đi chăng nữa thì vốn dĩ nó vẫn là một cái gì đó rất quyến rũ, nhất là khi đó là bi kịch tình yêu. Sống trên đời mà chỉ toàn hài kịch thì có khi chỉ biết khóc trong lòng.

Bi kịch tình yêu trong Mùa Tôm . Ảnh: Thomas M Ouseph
Như đã nói, câu chuyện trong Mùa Tôm là một câu chuyện tình yêu đầy bi kịch, còn cụ thể bi kịch như thế nào thì các bạn hãy đọc đi rồi biết :D. Thực ra, chuyện tình yêu thì muôn đời vẫn thế, vẫn là hai người yêu nhau tha thiết, nếu kết thúc viên mãn thì cả hai đến được với nhau còn bằng ngược lại thì với đủ mọi rào cản, đủ mọi lý do, cả hai phải chịu rời xa mãi mãi. Hoặc giả như cố vượt qua mọi định kiến mọi hàng rào ngăn cách thì phải chịu trả giá đắt. Tất nhiên, ngoài việc tình yêu muôn đời vẫn thế thì tình yêu còn muôn đời vẫn đẹp. Như tình yêu giữa Karuthamma và Parikutti, một tình yêu giữa hai người trẻ tuổi trái tim nhiệt huyết thanh xuân, tràn đầy nhựa sống. Karuthamma đã không thể không rung động trước một Pairkutti với tiếng hát ru hồn rung động chơi vơi hàng ngày vẫn thánh thót rót vào tai nàng. Dù sinh ra dưới thời nào, chịu ảnh hưởng bởi bất cứ định kiến xã hội nào, thì họ vẫn là những con người bằng xương băng thịt, có những rung động cảm xúc riêng của bản thân mà không có bất cứ ngôn từ nào có thể mô tả hay định nghĩa, cũng như không có bất cứ lý trí nào có thể ngăn cản. Chẳng ai bắt ép được trái tim mình phải không yêu người này hay phải yêu thương người nọ được cả. Bởi vậy cho nên tình yêu không có lỗi, những người yêu nhau lại càng không có lỗi, nhất là khi tình yêu chính là điều tuyệt vời nhất mà Thượng Đế ban phát cho loài người.
Có lỗi chăng, thì đó chính là tình yêu của cả hai đã nảy sinh trong một hoàn cảnh khi mà đẳng cấp và tín ngưỡng tôn giáo tác động lên tất cả. Đặc biệt là khi hàng rào ngăn cách ấy lại xảy ra ở một làng Thakagi, bang Kerala – một trong những bang nghèo bậc nhất ở Ấn Độ, nhưng lại có truyền thống lâu đời về văn hóa – nền văn hóa Malayalam, nơi có một bối cảnh xã hội còn chịu ảnh hưởng nặng nề của đời sống đẳng cấp. Chính hàng rào tôn giáo và sự phân biệt đẳng cấp ấy đã không cho phép hai người yêu nhau đến được với nhau, thậm chí còn tạo ra bi kịch mang tên tình yêu vì những toan tính vụ lợi. Bằng bút pháp trữ tình uyển chuyển kết hợp với chủ nghĩa hiện thực phê phán, Mùa Tôm của Pillai đã khắc họa vô cùng rõ nét tình yêu bi kịch “đạt đến tầm u huyền bi thiết nhất” giữa Karuthamma, cô con gái của một ngư phủ Hindu đầy tham vọng và Parikutti, con trai của một thương buôn tôm cá Hồi Giáo. Một tình yêu đẹp nhưng vô cùng oan nghiệt.

Làng Kerala . Ảnh: Mithran Viswanath 
Chính vì oan nghiệt, nên tình yêu mãnh liệt giữa hai người đã bị giam cầm trong một pháo đài nền nếp gia phong không gì công phá nổi – một “pháo đài không cửa”. Những con người với những ước mơ mà họ xứng đáng nhận được đã chết ngay từ trong trứng nước. Họ vẫn yêu nhau, vẫn nghĩ về nhau, vẫn hàng ngày cầu nguyện cho nhau trong tâm tưởng, nhưng vẫn không quên thực hiện sứ mệnh của mình: sứ mệnh của những người dân biển nghèo, sống, gắn bó với biển cả bao la và chịu sự che chở, bảo vệ của Nữ thần Biển khỏi mọi tai họa.
Chi tiết đắt nhất tác phẩm có lẽ là khi Karuthamma nhận ra rằng bản thân mình không còn gì để mất và quyết định đi theo tiếng gọi của trái tim để đến với người yêu Parikutti, thông qua tiếng hát ru hồn chơi vơi của anh. Đó là khi Palani – người chồng “môn đăng hộ đối” với Karuthamma biết rõ ngọn nguồn mối tình của họ, biết rõ “quá khứ nhơ nhớp” của Karuthamma. Nàng nhận ra rằng đã đến lúc không thể trì hoãn, và đó là lý do Karuthamma và Parikutti đã gặp nhau trên bờ biển, trong giông tố cuồng nộ để hoàn tất bi kịch của cuộc đời mình.
Văng vẳng bên bờ biển nghe như vẫn là tiếng hát chơi vơi của Parikutti cùng câu hỏi ngàn đời không đổi: “ Gia đình em có chịu bán Cá cho anh không?”
Vẫn biết rằng chỉ có cái chết mới chấm dứt được toàn bộ tấn bi kịch đau thương ấy, nhưng kết thúc của Mùa Tôm vẫn khiến trái tim mình chùng xuống. Bởi không ai có thể lựa chọn được thời điểm mình sinh ra, cũng như không thể quyết định trái tim mình nên đặt ở nơi nào. Chỉ là họ đã sinh ra nhầm thời, không thể đạt được điều họ mơ ước, mà lẽ ra họ xứng đáng nhận được.
Từ khóa: 

mùa tôm

,

review sách

,

ấn độ

,

sách