Mùa nhãn về: “Dù ai buôn Bắc bán Đông / Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”

  1. Ẩm thực

Trái nhãn từ lâu đã đi vào những câu ca, những vần thơ, những bài hát về đất và người Hưng Yên như một điều không thể thiếu. Người ta ví Hưng Yên như “thủ đô” của cây nhãn, và nhãn lồng Hưng Yên là “vua” của loài nhãn.

 

N1



Chẳng thế mà nhắc đến Hưng Yên là người ta nhớ ngay đến nhãn lồng. Cây nhãn bao đời nay đã đi vào tuổi thơ của những đứa trẻ, in hằn trong tâm thức của những kẻ xa quê và trở thành một phần cuộc sống của người Hưng Yên.

Mùa nhãn về. Những trái nhãn lúc lỉu trên cây đã chín mọng, trĩu xuống như chờ đợi những bàn tay người tới hái. Về Hưng Yên vào mùa này đâu đâu người ta cũng thấy nhãn, nhãn trên cây, nhãn trong những sọt hàng hay trên những chiếc xe, nhãn trong nhà, ngoài chợ. Tinh hoa của đất trời ưu ái cho mảnh đất này được gói trọn trong từng trái nhãn. Cây nhãn có thể trồng được ở khắp ba miền trên đất nước nhưng chẳng ở đâu nhãn ngon và ngọt cái ngọt đậm đà như nhãn được trồng trên đất Hưng Yên. Những quả nhãn cứ căng mọng, hương thơm dịu nhẹ như mời gọi các du khách thưởng thức. Nhãn lồng Hưng Yên đặc biệt ngon, quả to, tròn, da láng, cùi nhãn giòn, trong như hổ phách, nước ngọt lịm, mát và thơm đến lạ. Bóc lớp vỏ mỏng láng, màu vàng nâu nhạt, để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà hấp dẫn với hương thơm nhè nhàng. Bóc lớp cùi ấy ra, bỏ vào miệng “ thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho” (Lê Quý Đôn). Trong cùng là hạt nhỏ màu đen nhánh, thường được ví von với đôi mắt của người con gái Hưng Yên: “Con gái Hưng Yên mắt đen hạt nhãn – Con gái Hưng Yên thắt đáy lưng ong” (Thơ vui con gái Hưng Yên – Nguyễn Thị Hồng Ngát)

N2


 

Đến Hưng Yên vào mùa nhãn mới cảm nhận được hết cái sự gắn kết máu thịt giữa cây nhãn với đời sống tinh thần và tâm linh của người dân nơi đây. Nhãn được trồng ở khắp nơi. Trong các vườn nhãn, người ta chăm bón, che chắn và lo lắng cho một mùa nhãn sắp tới chẳng khác gì những bà mẹ luôn dõi theo từng bước đi của đứa trẻ. Và dù năm ấy có được mùa hay không thì bao giờ người ta cũng những lựa ra những chũm nhãn to đẹp nhất từ những trái nhãn đầu tiên được trảy về để dâng lên gia tiên, tiền tổ. Đó như một món quà tâm linh, một nét văn hóa đậm đà bản sắc.

Mùa nhãn chín thường vào tháng 6 Âm lịch. Ca dao có câu “Tháng sáu buôn nhãn bán trăm”. Cây nhãn không chỉ mang đến cho vùng đất Hưng Yên văn hiến những nguồn lợi không nhỏ về kinh tế mà nó còn tiềm ẩn trong mình những giá trị không nhỏ về du lịch. Đến Hưng Yên vào mùa nhãn du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cái bạt ngàn của nhãn. Nhãn ở khắp nơi, đủ loại và đủ vị để lựa chọn. Nếu muốn tự mình mua về những trái nhãn chín mọng, to tròn mà ngọt đậm đà từ tận các vườn nhãn du khách sẽ được đến thăm vườn nhãn của các ông chủ thân thiện ở Phố Hiến hay Khoái Châu… Không chỉ được mang về những chùm nhãn ngon nhất, du khách thậm chí còn được tham gia vào những công việc thu hoạch nhãn như những người thợ thực thụ, được tự chọn và thưởng thức những trái nhãn chín mọng ngay tại vườn. Những chùm nhãn mang về từ sự trải nghiệm chắc chắc sẽ là những món quà vô cùng ý nghĩa gửi đến người thân, bè bạn.

N3


Nhãn là quà tặng của trời cho đất Phố Hiến. Đó là thứ cây hiến cho trời đất tất cả những gì mình có. Ngoài quả nhãn với nhiều giá trị, gỗ nhãn rắn chắc, đỏ hồng đóng đồ gia dụng rất bền. Đặc biệt người dân còn nghĩ ra cách chế biến long nhãn. Long nhãn là vị thuốc bổ âm, ăn trực tiếp hoặc ngâm với rượu, mỗi ngày uống một vài chén, ăn sẽ ngon hơn, ngủ sâu hơn, tính tình điềm đạm hơn. Chế biến long nhãn cần qua nhiều công đoạn. Quả nhãn tươi bóc vỏ, tách riêng lấy phần cùi nhãn đem phơi khô thành những múi dẻo quánh, màu nâu sẫm, vẫn còn nguyên hương thơm và vị ngọt sắc như đường phèn. Khách xa mỗi lần ghé Hưng Yên thường không quên tìm đến những cửa hàng hay lò sản xuất long nhãn để mua về những túi long nhãn vàng đượm làm quà.

Tháng 6 (ÂL) về trong cái nắng oi ả và những cơn mưa bất chợt. Đi dưới một vùng đất bạt ngàn nhãn, ngắm từng chùm nhãn trĩu quả trên cây, nếm những quả nhãn chín mọng, tự mình trảy nhãn, xoáy long và hòa vào những ánh cười lấp lánh cùa người trồng nhãn ta như bẵng quên đi cái gay gắt của thời tiết oi nồng, cái quay quắt của cuộc sống thường nhật. “Ở nơi ấy có thuyền ngược xuôi khắp nơi, nhãn quê tôi thơm ngọt tiếng cười” (Vườn nhãn quê hương – Vĩnh Cát).


Nguồn: hungyentourism.com.vn

Từ khóa: 

nhãn lồng hưng yên

,

ẩm thực