Một số HOẠT ĐỘNG Ở NHÀ cho các bé
(Một bài viết chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động ở nhà cho các bé).
Kỳ nghỉ hè năm nay lại đúng vào đợt dịch Covid kéo dài khiến cho nhiều bố mẹ lo lắng, không biết sẽ cho các con học gì, chơi gì. Nếu như các kỳ nghỉ hè trước đây các con sẽ được tham gia nhiều các hoạt động trải nghiệm bên ngoài hoặc đi tham quan du lịch cùng gia đình thì năm nay phần lớn thời gian các con phải ở nhà. Điều này khiến cho nhiều bố mẹ mệt mỏi, bấn loạn, không biết phải tổ chức các hoạt động như thế nào cho các bé để có thể vừa học vừa chơi mà không dành quá nhiều thời gian ngồi trước tivi, các thiết bị nghe nhìn hoặc điện thoại smartphone khiến các bé bị mắc hội chứng “nghiện” điện thoại, ảnh hưởng đến thị lực, thể lực và cả trí lực (sức khỏe vật chất và tinh thần).
Mình đã nghe không ít những lời kêu ca, than phiền, lo lắng của một số mẹ khi các con ở nhà trong dịp nghỉ hè này. Mình cũng là một bà mẹ của 2 bé (một bé gái13 tuổi – sắp bước vào lớp 8 và một bé trai 7 tuổi – vừa học xong lớp 1) và không tránh khỏi những lo lắng. Mình không phải là một bà mẹ hoàn hảo, không phải là một chuyên gia có nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong nuôi dạy trẻ (thành thật mà nói mình còn là người mẹ đoảng nữa). Nhưng vì là người hay lọ mọ tìm hiểu và chịu khó áp dụng những gì học được, nghe được nên mình có chút kinh nghiệm “dắt lưng” trong việc tổ chức các hoạt động ở nhà cho các bạn nhỏ. Mình xin chia sẻ lại với các bố mẹ đang gặp nhiều ưu phiền, lo lắng, thậm chí là “bấn loạn” khi các con ở nhà quá lâu. Hiện nay, mình đang áp dụng một số các hoạt động ở nhà cho các bé và thấy các con khá happy, vừa có thể vừa học vừa chơi mà không quá buồn chán hay lệ thuộc vào các thiết bị nghe nhìn.
1/Cha mẹ cần nắm bắt được nhu cầu, mong muốn, sở thích của con, đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi trước khi đưa ra các hoạt động cho các bé
Đầu tiên, các bố mẹ cần biết con mình thích làm gì, mong muốn gì. Điều này khiến chúng ta không áp đặt hay bắt các bé phải làm theo ý của bố mẹ, dễ dẫn đễn việc chống đối hoặc các con sẽ làm một cách hời hợt với tư tưởng làm cho xong. Chính vì vậy, khi định tổ chức hoạt động nào đó mình sẽ suy nghĩ về nhu cầu, mong muốn, đặc điểm tâm sinh lý của các con, xem có thực sự phù hợp và là điều các con thích hay không.
Ví dụ, nhà mình có 2 bé nhưng đặc điểm tâm sinh lý rất khác nhau. Bạn lớn năm nay đã 13 tuổi là con gái và bắt đầu thể hiện cá tính, sở thích, quan điểm, mối quan tâm riêng. Bạn có sở thích đọc sách, vẽ, làm đồ handmade, sáng tạo, làm bánh…và tính tình không ồn ào, sôi nổi, thích cặm cụi làm cái mình thích, không thích áp đặt. Còn bạn bé, con trai, sôi nổi hơn, thích các hoạt động, nghịch ngợm, tính hay nói nhưng hay dỗi, thích khủng long, thích hoạt hình và rất thích chơi với chị, được làm cùng chị. Do đó, mình sẽ thường khuyến khích, gợi ý các hoạt động mà cả 2 bạn cùng thích để các bạn có thể làm cùng nhau vừa vui vẻ mà rất đoàn kết: như cùng nhau vẽ, cùng nhau làm bánh…
2/Gợi ý một số các hoạt động
Hoạt động đọc sách
Đây là thói quen mình muốn các con của mình sẽ có được ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, mình cố gắng để tạo ra không gian, môi trường để các bạn có sở thích đọc sách. Trong nhà mình luôn có tủ sách (tủ sách của bố mẹ, tủ sách của các con) và sách lúc nào cũng để trước mặt các con để tạo sự thu hút, chú ý từ các bé. Điều may mắn là các thành viên trong gia đình mình đều thích đọc sách (từ bà nội cho đến bố mẹ), vì vậy sẽ thuận lợi hơn để truyền niềm đam mê này cho các con.
Mình thường năng mua sách cho các con đọc nhưng sẽ trên cơ sở cho các bé được lựa chọn cuốn sách mà mình thích. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các bé muốn đọc sách nào cũng được, muốn mua cuốn nào cũng cho vì đôi khi các bé sẽ lựa chọn những cuốn sách có nội dung không phù hợp. Ví dụ, bạn lớn nhà mình hiện nay bắt đầu quan tâm đến truyện ngôn tình, mối quan hệ bạn bè cùng lứa tuổi, khác giới. Mình có mua cho bạn một bộ sách của Nguyễn Nhật Ánh theo đúng nhu cầu, sở thích nhưng trong giới hạn cho phép, không để bạn đọc quá nhiều những câu chuyện tình yêu tuổi học trò ướt át. Thông thường, mình sẽ có chút định hướng, lựa chọn một list các sách phù hợp với bạn (như sách văn học cổ điển, các câu chuyện ngụ ngôn, truyện kể về các nhà khoa học…) từ các nguồn sách, các review tin cậy. Sau đó, cho bạn lựa chọn cuốn sách muốn đọc nhất (ví dụ, bạn có thể lựa chọn 3 - 4 cuốn đọc trong 1 tháng hoặc hơn) và đặt mua.
Mình cũng gợi ý cho bạn lên kế hoạch đọc sách bên cạnh nhiều hoạt động khác. Mỗi tuần bạn ấy có thể 1 cuốn tùy theo số trang sách dày hay mỏng. Tuy nhiên, khi đọc xong mỗi cuốn mình khuyến khích bạn tóm tắt lại, viết review, những suy nghĩ về cuốn sách trong một cuốn sổ nhỏ. Đôi khi, hai mẹ con sẽ cùng bàn luận về nội dung của cuốn sách. Bạn ấy sẽ có cơ hội trình bày lại những cảm nhận của bản thân về cuốn sách vừa đọc trong tuần. Như vậy, không chỉ hình thành được thói quen đọc sách cho con mà còn giúp các con rèn luyện được một số kỹ năng cần có, như: kỹ năng lập kế hoạch, ý thức hoàn thành deadline, rèn luyện kỹ năng viết, cảm nhận, suy nghĩ về một thông tin đọc được, kỹ năng nói/thuyết trình…Để làm được việc này, các bố mẹ cũng cần đồng hành cùng các con (nhất là trong thời gian đầu khi thói quen chưa được hình thành) như việc nhắc thời gian đọc để hoàn thành cuốn sách, viết tóm tắt, review. Bố mẹ nên gợi ý, giúp con làm việc này một cách thoải mái, không mệnh lệnh, áp đặt. Có thể nhiều cha mẹ sẽ cho rằng công việc của mình sẽ bận, không thể làm được nhưng mình nghĩ rằng nếu chúng ta muốn thì chúng ta đều có thể làm được. Như mình, mỗi tuần chỉ cần dành một buổi tối chủ nhật (1 - 2h ) để nói chuyện cùng con về cuốn sách đó hoặc bỏ ra 10 – 15 phút là đã có thể tìm list sách cho con và xem kế hoạch đọc sách của con rồi.
Còn với bạn bé nhà mình, cu cậu vừa mới học xong lớp 1, mới biết chữ nên mình chọn mua cho bạn ấy những cuốn bạn thích ấy thích như sách về khủng long, truyện Doremon, những cuốn sách không quá nhiều chữ, với nhiều hình ảnh minh họa đầy ngộ nghĩnh, hấp dẫn mà lại phù hợp với lứa tuổi, sở thích của bạn ấy. Dịp nghỉ hè này bạn Kun đã đọc hết 45 tập Đôrêmon và nhiều cuốn truyện tranh khác.
Hoạt động nữ công gia chánh
Mình có một cô con gái khá thích các hoạt động nữ công gia chánh như làm bánh, thêu thùa, sáng tạo các đồ handmade…Do vậy, mình luôn tạo điều kiện để cho con phát huy sở thích, sở trường này. Mình cho bạn dùng Ipad để tìm kiếm các công thức làm bánh, xem về cách nấu nướng các món ăn. Thi thoảng mình sẽ tặng cho bạn ấy một cuốn sách về nấu ăn của những đầu bếp nổi tiếng với những hình ảnh minh họa đẹp mắt, hấp dẫn. Hoặc khi mẹ cháu học mót được ở đâu cách nấu một món ăn nào độc lạ cũng note lại để về gợi ý cho con làm, kiểu như: “Mẹ thích ăn món này, con thử làm nhé…”. Và tất nhiên để khuyến khích hoạt động này, mẹ sẽ luôn hào phóng mua cho con các đồ dùng và nguyên liệu cần thiết để làm. Ví dụ, nhà mình có lò nướng, máy đánh trứng, lò vi sóng, khuôn làm bánh, bột bánh các loại…Khi con làm, mẹ sẽ sẵn sàng thưởng thức (có lẽ đó là một trong những lý do mà mẹ cháu không bao giờ giảm được cân) đồng thời góp ý để sản phẩm của con được hoàn thiện hơn trong lần thử tiếp theo.
Một số các hoạt động khác
Tùy theo sở thích của con, các bố mẹ hãy khuyến khích và cho con được thử làm những gì mình thích.
Vẽ tự do: hai bé nhà mình đều thích vẽ, do đó mình cho bé thoải mái tự do sáng tạo và vẽ. Để khuyến khích hoạt động này, mình luôn sẵn sàng mua cho các bé giấy A4, giấy vẽ, bút dạ, bút màu, chì màu, bột màu, các dụng cụ cần thiết như giá vẽ, khung tranh, bảng vẽ…cùng các cuốn sách về nghệ thuật. Trước đây khi chưa có Covid ngày cuối tuần mình thường cho các bé đến các cửa hàng họa cụ để lựa chọn những đồ vẽ yêu thích. Đồng thời mình cũng “đặt hàng” cho bé các hình vẽ mình thích như nhờ gái lớn vẽ tặng mẹ một bức tranh hoa đồng nội để treo trong phòng, bé nhỏ vẽ hình mẹ khi đang giảng bài…
Trồng và chăm sóc cây: mình ở nhà tập thể nên không có không gian rộng cho các bé có một khu vườn nho nhỏ. Vì vậy, mình chỉ có thể set up một khu vườn xiu xíu (trồng trong chậu) cho bạn Kun. Mình cho bạn ấy trồng cây dễ sống như rau muống, hành…dạy bạn cách chăm sóc, không tưới quá nhiều nước khiến cây dễ úng chết và cũng không để cây khô hạn. Hàng ngày mình giao nhiệm vụ tưới và chăm sóc cây. Bạn ấy rất thích, luôn có tinh thần trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ mỗi ngày. Nếu cuối tuần đi chơi không tưới được cây, bạn ấy cũng không quên nhờ bà tưới hộ. Vui nhất là khi bạn ấy được chứng kiến cây mọc rễ, ra lá, lớn lên hàng ngày…
Dạy con làm việc nhà, cho được thử và trải nghiệm các hoạt động khác nhau: Mình luôn khuyến khích các bạn làm việc nhà như bạn lớn hiện đã có thể nấu cơm, rửa bát, chế biến một số món ăn đơn giản cho cả nhà; cậu em hỗ trợ vo gạo, cắm cơm, gọt/cắt hoa quả (dưới sự giám sát của chị/người lớn), hỗ trợ chị làm bánh, hoặc nhờ con ép nước hoa quả… Thi thoảng, sẽ có phần thưởng khi các bạn hoàn thành một nhiệm vụ, đạt được kết quả nào đó (như gói bim bim, món ăn yêu thích, cuốn sách yêu thích, thời gian xem hoạt hình…).
Nói chung, mình luôn khuyến khích cho con làm, tạo môi trường, điều kiện để con được thử các hoạt động một cách an toàn, phù hợp với lứa tuổi và sở thích của các bé và đôi khi cũng cần có kỷ luật, giao việc làm, giám sát, kiểm tra deadline và việc hoàn thành. Khi các con ở nhà và có nhiều hoạt động mình chấp nhận sự bừa bộn, nhốn nháo của các bé. Ví dụ, bạn bé nhà mình hay bạn lớn khi sáng tạo thường bày bừa lung tung, nhưng mình không quá chuẩn chỉnh, quy lát hay trách mắng làm giảm đi sự sáng tạo, muốn/dám làm ở các bé, miễn sao các con thấy vui với những hoạt động của mình.
Phải nói là trong việc tổ chức các hoạt động cho các con ở nhà, mình may mắn vì các thành viên gia đình mình đều thống nhất quan điểm trong nuôi dạy trẻ. Mình có mẹ chồng trông các con và rất tâm lý, vui vẻ, thoải mái với các cháu. Đó cũng là một trong những điều kiện vô cùng thuận lợi để mình có thể áp dụng, tổ chức các hoạt động ở nhà cho các con khi mình đi làm hàng ngày.
Trên đây là một số gợi ý các hoạt động ở nhà cho các bé trong dịp nghỉ hè mà mình đã và đang áp dụng cho các bạn nhà mình. Hy vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích cho một số các bố mẹ đang cần. Cảm ơn cả nhà!
giáo dục
Có rất nhiều hoạt động hay cho các bé phát triển, thay vì cho con ôm cái smartphone cả ngày thì những gợi ý của chị rất tuyệt vời ạ
Koanh
Có rất nhiều hoạt động hay cho các bé phát triển, thay vì cho con ôm cái smartphone cả ngày thì những gợi ý của chị rất tuyệt vời ạ
Anh Nguyen
Chưa biết nhà khác thế nào nhưng kỳ nghỉ dịch vừa rồi em trai mình mới đập có 1 cái tivi thôi
Nguyenphuhoang Nam
Những chia sẻ rất thiết thực và bổ ích dành cho các bậc cha mẹ ạ :)