Một lầm tưởng về thứ gọi là “tình yêu vô điều kiện”
“Anh yêu em dù có thế nào đi nữa”
“Em muốn bên anh mãi mãi”
“Anh muốn dành thời gian bên em nhiều hơn”
“Sao anh có thể đối xử với em như vậy?”
“Anh muốn có không gian riêng”
“Anh làm em thấy mệt mỏi”
Bạn từng nói hoặc nghe những lời này bao nhiêu lần trong một mối quan hệ? Bạn nghĩ điều gì khiến chúng ta khó sống cùng với những người thương yêu?
Trong tiếng Anh có cụm từ “Relational Ambivalence” – tạm dịch “Sự mâu thuẫn trong tâm tưởng của mối quan hệ”, chỉ những suy nghĩ và cảm xúc trái ngược nhau cùng tồn tại đối với người chúng ta đang có mối quan hệ. Ví dụ như vừa yêu vừa ghét, vừa hấp dẫn lại vừa ghê tởm, vừa phấn khích mà vừa sợ hãi, vừa xem thường nhưng cũng vừa ghen tị.
Chúng ta tồn tại những thứ cảm xúc mâu thuẫn ấy với bố mẹ và anh chị em của mình. Chúng ta thấy sự giằng xé khi nửa muốn quấn lấy họ mãi mãi, nửa thì lại muốn tách rời.
Chúng ta tồn tại những thứ cảm xúc mâu thuẫn ấy với bạn bè, người mà ngày thường chúng ta ghen tị với cuộc sống của họ nhưng cuối cùng vẫn phải mời họ đến dự đám cưới của mình.
Chúng ta tồn tại những thứ cảm xúc mâu thuẫn ấy trong giai đoạn đầu của cuộc hẹn hò, khi phải cam kết với người yêu nhưng lại thấy như thể mình sẽ đánh mất bản thân trong mối quan hệ này. Chúng ta muốn trải nghiệm cảm giác yêu và được yêu nhưng lại không thích nếu điều đó làm mất đi sự tự do của chúng ta.
Chúng ta tồn tại những thứ cảm xúc mâu thuẫn ấy trong các mối quan hệ lâu dài – đối mặt với hàng loạt xúc cảm từ độc hại đến buồn chán. Đến một ngày, bạn chợt đắn đo trước hai ngả rẽ “Nên tiếp tục hay dừng lại?” Bạn thấy bị mắc kẹt trong mối quan hệ, muốn buông tay nhưng lại nuối tiếc những gì cả hai đã cùng nhau xây dựng – một mái ấm, một vũ trụ nhỏ đôi khi giống thiên đường nhưng thỉnh thoảng cũng tựa như địa ngục.
Sự mâu thuẫn trong tâm tưởng tồn tại ở mọi mối quan hệ, nhưng chúng ta luôn đặt ra quá nhiều áp lực để dùng tình yêu vượt qua mâu thuẫn ấy. Ta được dạy rằng tình yêu là vô điều kiện, niềm đam mê là tuyệt đối, và việc tìm ra “Mr/Miss Right” sẽ giúp ta xóa tan mọi nghi ngờ. Nhưng các mối quan hệ không bao giờ chỉ có hai màu đen và trắng. Ta được dạy rằng đôi bên phải yêu nhau một cách tuyệt đối mà không được tồn tại sự mâu thuẫn. Nhưng sự mâu thuẫn ấy lại chính là bản chất của các mối quan hệ, có tránh cũng không được.
Có một câu mà chúng ta hay nghe trong các đám cưới phương Tây, đó là “cho đến khi cái chết chia lìa đôi ta”. Đây không chỉ là lời thề mà còn là kế hoạch của một cuộc sống có sự cam kết và ràng buộc của pháp luật. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi kế hoạch thay đổi? Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không đáp ứng được nhu cầu của nhau? Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta mắc sai lầm hoặc khi người ta yêu cư xử theo cách mà ta khó lòng khoan dung? Còn khi mối quan hệ trở nên nhuốm màu dối trá hay phản bội thì sao?
Chúng ta chợt nhận ra tình yêu vẫn có thể bị tổn thương. Và một trong những trải nghiệm đớn đau nhất về sự mâu thuẫn là khi ta thấy mình vẫn còn yêu người đã làm tổn thương ta sâu sắc.
Sự mâu thuẫn trong tâm tưởng đem đến cho chúng ta cảm giác không thoải mái. Nó khiến ta thấy hoài nghi về tình cảm và sự lựa chọn của mình. Nó có thể làm chúng ta nghĩ mình đã thất bại hoặc rằng bất kể ta đưa ra quyết định thế nào cũng đều thất bại. Sự khó chịu này khiến chúng ta khao khát có được câu trả lời dứt khoát. Và thường câu trả lời sẽ rơi vào 3 lựa chọn sau:
Lựa chọn 1: Chúng ta buông tay
+ Chúng ta kết thúc mối quan hệ có quá nhiều sóng gió
+ Chúng ta nói với bố mẹ rằng họ đừng can thiệp vào cuộc sống của cháu họ nữa
+ Chúng ta nói với anh chị em của mình rằng sẽ không dung túng cho những thói hư tật xấu của họ nữa
+ Chúng ta bắt đầu cắt liên lạc với bạn bè
+ Chúng ta tiến tới một tương lai bình đẳng và toàn toàn đối lập với hiện tại của chúng ta
Lựa chọn 2: Chúng ta chọn ở lại và bắt đầu biện hộ dù cảm thấy không ổn
Chúng ta tự đưa ra mọi lý do cho lựa chọn ở lại như ta cảm thấy mình không xứng có được tương lai tốt đẹp hơn, ta sợ ở một mình hoặc vì ta thấy mình chẳng còn sự lựa chọn nào. Tất cả những cảm giác đau đớn và phức tạp này đôi khi được che đậy bởi lời tuyên bố mỹ miều là “tình yêu vô điều kiện”.
Thật ngọt ngào khi ta nói với đối phương rằng “anh yêu em vô điều kiện”. Nhưng tình yêu đâu phải là nghĩa vụ mà là một món quà. Khi yêu thương trở thành ép buộc – người ấy nói với ta rằng “nếu anh yêu em, anh phải hoàn toàn chấp nhận em” – tình yêu đã bị biến dạng. Và đôi khi, đây cũng là những tình huống cho thấy ta không biết cách yêu bản thân và ngụy trang nó thành tình yêu vô điều kiện.
Lựa chọn 3: Chúng ta giữ lại sự mâu thuẫn
Chúng ta thường nghĩ khi gặp mâu thuẫn thì cần giải quyết triệt để. Nhưng trong hầu hết tình huống, việc giữ lại sự mâu thuẫn tự nó là một hình thức của chấp nhận: chúng ta chấp nhận mối quan hệ, cũng giống như cách chúng ta chấp nhận chính mình.
Lựa chọn này cần chúng ta bình tĩnh đối diện với những cảm xúc mâu thuẫn trong lòng. Cố gắng ngừng biện minh, ngừng đàm phán mà chỉ đối diện với nó mà thôi. Liệu chúng ta chấp nhận được chuyện mình có thể hoàn toàn yêu một người mà không cần phải yêu từng phần của người ấy không? Đây là một kỳ vọng có lẽ còn thực tế hơn nhiều dành cho tình yêu và các mối quan hệ.
Có lẽ hình thức cao nhất của tình yêu không phải là vô điều kiện mà gần giống như lòng tự trọng: đó là cách chúng ta tự thấy mình còn thiếu sót nhưng vẫn hiểu được giá trị bản thân và đánh giá cao chúng. Liệu ta có thể làm được điều này cho các mối quan hệ của mình không?
Nguồn thông tin từ: Esther Perel’s Blog – The Myth of Unconditional Love in Romantic Relationships
.Ngưn.
Sống văn hóa - Yêu văn minh - Làm tình có trách nhiệm