Một bài thơ kỳ lạ! (Sự huyền diệu của Tiếng Việt)
Chúng ta hãy cùng thưởng lãm vẻ độc đáo của bài thơ này, để thấy một phần nào đó sự huyền diệu của Tiếng Việt:
1. Bài thơ gốc:
Ta mến cảnh xuân ánh sáng ngời
Thú vui thơ rượu chén đầy vơi
Hoa cài giậu trúc cành xanh biếc
Lá quyện hương xuân sắc thắm tươi
Qua lại khách chờ sông lặng sóng
Ngược xuôi thuyền đợi bến đông người
Xa ngân tiếng hát đàn trầm bổng
Tha thướt bóng ai mắt mỉm cười.
2. Đọc ngược bài gốc từ dưới lên:
Cười mỉm mắt ai bóng thướt tha
Bổng trầm đàn hát tiếng ngân xa
Người đông bến đợi thuyền xuôi ngược
Sóng lặng sông chờ khách lại qua
Tươi thắm sắc xuân hương quyện lá
Biếc xanh cành trúc giậu cài hoa
Vơi đầy chén rượu thơ vui thú
Ngời sáng ánh xuân cảnh mến ta.
3. Bỏ 2 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc:
(Sẽ thành một bài ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Cảnh xuân ánh sáng ngời
Thơ rượu chén đầy vơi
Giậu trúc cành xanh biếc
Hương xuân sắc thắm tươi
Khách chờ sông lặng sóng
Thuyền đợi bến đông người
Tiếng hát đàn trầm bổng
Bóng ai mắt mỉm cười.
4. Bỏ 2 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, đọc ngược từ dưới lên, ta sẽ được bài (ngũ ngôn bát cú, luật bằng vần bằng):
Mắt ai bóng thướt tha
Đàn hát tiếng ngân xa
Bến đợi thuyền xuôi ngược
Sông chờ khách lại qua
Sắc xuân hương quyện lá
Cành trúc giậu cài hoa
Chén rượu thơ vui thú
Ánh xuân cảnh mến ta.
5. Bỏ 3 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc:
Ta mến cảnh xuân
Thú vui thơ rượu
Hoa cài giậu trúc
Lá quyện hương xuân
Qua lại khách chờ
Ngược xuôi thuyền đợi
Xa ngân tiếng hát
Tha thướt bóng ai.
6. Bỏ 3 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc, ta đọc ngược từ dưới lên:
Cười mỉm mắt ai
Bổng trầm đàn hát
Người đông bến đợi
Sóng lặng sông chờ
Tươi thắm sắc xuân
Biếc xanh cành trúc
Vơi đầy chén rượu
Ngời sáng ánh xuân.
7. Bỏ 4 chữ đầu mỗi câu trong bài gốc:
Ánh sáng ngời
Chén đầy vơi
Cành xanh biếc
Sắc thắm tươi
Sông lặng sóng
Bến đông người
Đàn trầm bổng
Mắt mỉm cười.
8. Bỏ 4 chữ cuối mỗi câu trong bài gốc, ngược từ dưới lên:
Bóng thướt tha
Tiếng ngân xa
Thuyền xuôi ngược
Khách lại qua
Hương quyện lá
Giậu cài hoa
Thơ vui thú
Cảnh mến ta./.
Bài thơ được chia sẻ từ nhà nghiên cứu Dân tộc học và Việt học Đinh Trọng Hiếu từ Paris đăng trên "Khuôn Mặt Văn Nghệ".
Không biết tác giả là ai, nhưng khi đọc bài thơ này ta vô cùng khâm phục tác giả của bài thơ, cũng như càng cảm thấy sự huyền diệu của Tiếng Việt, chúng ta càng phải tự ý thức về việc yêu quý và phải giữ gìn vẻ đẹp của tiếng Việt. Vậy mà lâu nay có nhiều kẻ, bày ra đủ thứ trò cải tiến nhảm nhí và muốn phá hoại chữ nghĩa của bao thế hệ cha ông, Tổ Tiên để lại. Thật đáng trách!
tiếng việt
,văn hóa
Cảm ơn đã chia sẻ!
Việt ngu
Cảm ơn đã chia sẻ!