Mối quan hệ giữa các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ?
Những bất cập/khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay?
kiến thức chung
1. Mối quan hệ giữa các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là quá trình thi hành các quy định về sở hữu trí tuệ. Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), Chủ thể quyền có thể thực hiện quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu các cơ quan thực thi xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, hoặc yêu cầu áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu (kiểm soát qua biên giới) để phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi xuất, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền.
Ở Việt Nam hiện nay có những biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ sau:
- Biện pháp dân sự:
- Biện pháp hành chính
- Biện pháp hình sự
- Biện pháp kiểm soát qua biên giới.
Mối quan hệ giữa biện pháp dân sự với hành chính, hình sự và biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ:
- Trong trường hợp bên xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính, hình sự thì chủ thể quyền hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại có thể khởi kiện người có hành vi xâm phạm tại Toà án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
- Khi áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan phát hiện có hàng hoá xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan thực hiện việc thông báo để chủ thể thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Toà án hoặc có đơn yêu cầu cơ quan xử lý bằng biện pháp hành chính (trong trường hợp này, chủ thể quyền vẫn có quyền khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại).
Mối quan hệ giữa biện pháp hành chính với hình sự và biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất, nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ:
- Trong quá trình xử lý hành vi xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính, nếu có dấu hiệu tội phạm về xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ thì cơ quan thực thi bằng biện pháp hành chính phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý.
- Trong trường hợp người xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ đã bị khởi tố, truy tố hoặc đã có quyết định đưa ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự, nhưng sau đó lại quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, nếu hành vi xâm phạm quyền đó có dấu hiệu vi phạm hành chính thì cơ quan tiến hành tố tụng phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm và đề nghị cơ quan thực thi bằng biện pháp hành chính xử phạt vi phạm hành chính.
- Khi áp dụng biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ, trong trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện có hàng hoá xâm phạm Sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan sẽ thông báo tới chủ thể quyền để chủ thể quyền thực hiện việc đề nghị cơ quan Hải quan xử lý hành chính đối hành vi xuất, nhập khẩu hàng hoá xâm phạm quyền (trong trường hợp phát hiện hàng hóa giả mạo về Sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan có quyền áp dụng biện pháp hành chính để xử lý ngay).
Mối quan hệ giữa biện pháp kiểm soát hàng hóa, xuất nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ và biện pháp hình sự:
Quy định pháp luật hiện nay không nêu rõ mối liên hệ trực tiếp giữa biện pháp kiếm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ và biện pháp hình sự. Biện pháp kiếm soát hàng hoá xuất, nhập khẩu liên quan đến Sở hữu trí tuệ được thực hiện theo yêu cầu của chủ thể quyền, khi phát hiện có hàng hoá xâm phạm, cơ quan Hải quan sẽ áp dụng biện pháp hành chính để xử lý (nếu được chủ thể quyền yêu cầu, trừ trường hợp phát hiện hàng hóa giả mạo về Sở hữu trí tuệ, cơ quan Hải quan có quyền áp dụng biện pháp hành chính để xử lý ngay). Trong quá trình xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt, nếu xét thấy có dấu hiệu tội phạm xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ, cơ quan hải quan có trách nhiệm chuyển hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để xử lý bằng biện pháp hình sự.
2. Những bất cập/khó khăn trong việc thực hiện các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay.
Hiện nay, trong các tranh chấp liên quan đến Sở hữu trí tuệ thì biện pháp hành chính vẫn là lựa chon phổ biến, các biện pháp dân sự và hình sự được sử dụng hạn chế. Bởi vì, các biện pháp hình sự hay dân sự đều tốn kém thời gian, chi phí vì thủ tục phức tạp và chủ sở hữu quyền Sở hữu trí tuệ có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh. Các biện pháp hành chính mức phạt chưa đủ mạnh, năng lực của cơ quan thực thi quyền Sở hữu trí tuệ còn hạn chế. Khi áp dụng biện pháp hành chính, biện pháp xử lý chính là cảnh cáo và phạt tiền, hai mức xử phạt này còn nhẹ chưa có tính răn đe vì vậy các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Các khoản tiền phạt được nộp vào ngân sách nhà nước, chủ thể quyền SHTT không được hưởng. Do đó, nếu chủ thể quyền hướng tới việc đòi bồi thường thiệt hại thì biện pháp hành chính sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu này.
Liên quan đến thẩm quyền, thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính được trao cho nhiều cơ quan chức năng khác nhau, trên thực tế các cơ quan này chưa có sự kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng nên còn có tình trạng không rõ ràng về trách nhiệm, chồng chéo về thẩm quyền. Hiện nay, có đến 5 cơ quan thực thi quyền SHTT gồm: Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp dẫn đến lúng túng trong công tác thực thi.
Một bất cập khác trong việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam là sự hạn chế về năng lực của các Thẩm phán về kiến thức Sở hữu trí tuệ. Việc kiện ra tòa cũng đang được quan tâm trong thời gian hiện nay, tuy nhiên kiến thức của các thẩm phán trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn hạn chế dẫn đến những quyết định chưa nhận được sự đồng thuận của các bên dẫn đến khiếu kiện kéo dài, gây tốn kém thời gian và chi phí.
Các quy định trong luật vẫn còn những quy định gây hiểu nhầm và có kẽ hở. Ví dụ, khoản 4 Điều 19 Luật SHTT quy định tác giả có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Quy định này dễ gây hiểu nhầm, mà theo đó, tác giả chỉ có quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào khi hành vi đó gây phương hại đến danh dự và uy tín tác giả, còn nếu không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả thì “vô tư”, vì vậy, nên tình trạng cắt xén nội dung tác phẩm của tác giả này, tác giả kia để “hô biến” thành sản phẩm “trí tuệ” của chính mình đang diễn ra tương đối nhiều, mà không ít lần buộc báo chí phải lên tiếng.
Một trong những thiếu sót của Luật sở hữu trí tuệ là không đề cập đến sáng chế về công nghệ sinh học. Một trong những nét đặc trưng của công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại (agribiotech) là sự gia tăng tính sở hữu của nó. Không giống như các ngành khoa học nông nghiệp trong quá khứ xuất phát từ các phòng thí nghiệm có quỹ hoạt động từ Nhà nước, hiện nay ngành công nghệ sinh học được bảo vệ bởi các bằng sáng chế và các quyền về SHTT (Intellectual Property Rights - IPRs). Chức năng của IPRs định hướng thúc đẩy nghiên cứu và phát triển bằng cách sáng tạo động cơ đầu tư cho sự sáng tạo và khuyến khích các sáng chế được đưa vào ứng dụng.
Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, về bảo quản hàng hóa XNK nghi ngờ vi phạm quyền SHTT trong thời gian chờ xác định tình trạng pháp lý của hàng hóa hoặc khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra: Điều 53.2 Hiệp định TRIPs cho phép, tạm giải phóng hàng có lưu mẫu tại cơ quan Hải quan nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo quản chất lượng hàng hóa, giảm thiểu các chi phí lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa XNK trong thời gian chờ kết luận có hay không dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT. Trên thực tế Hải quan các địa phương cũng đã phải mất nhiều thời gian, để gửi hồ sơ giám định hoặc/và tham gia ý kiến chuyên môn để xác định có hay không dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT làm căn cứ ra quyết định giải quyết vụ việc, theo đó hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm quyền SHTT đã phải lưu bãi dài ngày, có khi đến gần cả năm. Điều này gây thiệt hại cho doanh nghiệp có hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền.
Nội dung liên quan
Dương Xuân