Mỗi ngày có 7 phụ nữ Việt chết vì Ung thư cổ tử cung.
Ước tính vào năm 2018, thế giới có 18,1 triệu lượt mắc và 9,6 triệu lượt tử vong vì bệnh ung thư.
Với số liệu toàn cầu: 3 loại đầu bảng là ung thư phổi, ung thư vú ở phụ nữ, và ung thư trực tràng, tiếp đến là ung thư cổ tử cung và ung thư dạ dày.
Nguồn: Globocan 2018
Đáng buồn thay, hàng năm, ở Việt Nam có hơn 5.000 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung tương ứng với 7 phụ nữ chết và 14 trường hợp mắc mới mỗi ngày. Trong đó, khoảng 4.000 phụ nữ chết bởi căn bệnh này vì không có kiến thức và sự hay biết về loại ung thư này nên không phát hiện những triệu chứng bệnh ở giai đoạn đầu và điều trị kịp thời.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ trung niên từ 35- 40 tuổi, song gần đây, tỷ lệ phát bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Một số trường hợp được chẩn đoán bệnh lý ở độ tuổi 40, nhưng khi làm các xét nghiệm, thì phát hiện thấy mầm mống virus HPV đã âm thầm tồn tại trong cơ thể từ trước đó.
Tuy có tác hại lớn nhưng ung thư cổ tử cung là một trong những căn bệnh hiếm hoi có thể phòng ngừa bằng việc tiêm vắc xin.
Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?
Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới. UTCTC do các tế bào ở cổ tử cung (phần dưới của tử cung) bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển quá nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Những nguyên nhân nào gây ra bệnh ?
Hầu hết tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là do virus HPV gây ra thông qua quan hệ tình dục.
Có hơn 100 loại virus HPV, nhưng hầu hết đều vô hại. Thực tế, hầu hết mọi người đều nhiễm HPV ở một thời điểm nào đó trong đời. Một số loại HPV có thể không gây triệu chứng gì cả, một số có thể gây ra mụn cóc sinh dục và một số có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Hai chủng virus HPV (HPV 16 và HPV 18) chiếm 70% tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung. Hai loại virus HPV này không gây ra bất kì triệu chứng nào nên bạn không thể biết mình có đang bị nhiễm virus hay không.
Bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện virus HPV thông qua xét nghiệm Pap, đây là lý do tại sao xét nghiệm Pap rất quan trọng trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm Pap có thể xác định các tế bào bất thường trước khi chúng trở thành ung thư. Nếu bác sĩ chữa lành hoặc cắt bỏ các tế bào bị tổn thương, bạn sẽ thoát khỏi bệnh ung thư.
Những ai thường mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên thế giới và xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Bạn có thể phát hiện bệnh ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu khi thấy một số dấu hiệu sau hoặc phòng ngừa bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ hoặc tiêm vắc xin.
5 dấu hiệu cần biết để phát hiện bệnh từ sớm
Theo Imagination, bạn hãy đi khám bác sĩ nếu thấy những biểu hiện sau:
1. Đau hoặc chảy máu
Chảy máu bất thường ở âm đạo là dấu hiệu đầu tiên cần nhắc tới. Theo số liệu thống kê có tới gần 90% phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung đều có biểu hiện này và ngày càng rõ ràng hơn khi bệnh chuyển sang giai đoạn muộn. Bởi vậy nếu bỗng nhiên bạn thấy âm đạo ra máu bất thường không trong chu kỳ kinh nguyệt thì phải cảnh giác.
2. Thiếu máu
Nếu thói quen ăn uống không thay đổi nhưng bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi hoặc tim đập nhanh sau các hoạt động bình thường, bạn có thể bị thiếu máu. Thiếu máu cũng có thể là hậu quả do việc chảy máu bất thường, đa số do ung thư cổ tử cung.
3. Vấn đề tiết niệu
Khi tử cung sưng lên, bàng quang và thận bị sức ép cản trở đường đi của nước tiểu. Vì thế, bạn không thể làm rỗng hoàn toàn bàng quang, gây đau hoặc dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu.
4. Đau chân, hông hoặc lưng mãi không khỏi
Khi khối u ung thư phát triển sẽ chèn ép vào các cơ quan nội tạng. Các mạch máu cũng có thể chịu sức ép, khiến máu khó đến được vùng chân và xương chậu, gây đau và sưng ở chân, mắt cá chân.
5. Giảm cân
Hầu hết bệnh ung thư đều khiến người bệnh giảm cảm giác thèm ăn. Tử cung sưng đau có thể chèn ép vào dạ dày, dẫn đến giảm cảm giác thèm ăn và giảm cân.
Cần nhớ rằng có những biểu hiện này không có nghĩa là bạn bị ung thư cổ tử cung. Đây là những chỉ báo bạn cần biết để đi khám bác sĩ.
Nguồn: Công bố của Globocan 2018