Mối hiểm họa của 5G lên sức khỏe con người
Tháng 2/2019, quang cảnh thê lương hiện ra ở một công viên tại thành phố The Hague, Hà Lan – hệt như trong một bộ phim kinh dị: 150 con chim rơi khỏi các ngọn cây và nằm chết la liệt trên mặt đất.
Đây là lần thứ hai chuyện này đã xảy ra kể từ mùa thu năm 2018, làm cho các cư dân Hà Lan không khỏi nhìn lên bầu trời và băn khoăn. Trước những chú chim đã từng rất hoạt bát, giờ nằm ngửa bất động ngay dưới chân của họ, mọi nghi ngờ về bệnh dịch, ô nhiễm hay phá hoại đều bị loại bỏ.
Thủ phạm đứng ngay trên một trạm xe lửa gần đó – một cột buồm với các ăng-ten 5G mới. Cuộc thử nghiệm hệ thống viễn thông tân kỳ này đã thất bại nhiều hơn mong đợi. Kết quả là, chính phủ Hà Lan đã trì hoãn 5G khỏi cuộc đấu giá các tần số quốc gia cho tới năm 2020.
Trong nhiều thập niên, ngành viễn thông và các chính phủ đã không đầu tư đủ tài chính vào các nghiên cứu an toàn trên điện từ trường (EMF) và tần số vô tuyến (RF), cũng như tác hại của chúng đối với sức khỏe con người.
Sự bàng quan này vẫn tiếp diễn, mặc cho thông cáo báo chí năm 2011 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cục Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) nói rằng họ phát hiện bức xạ EMF “có khả năng gây ung thư cho người.”
Tác hại của ô nhiễm sóng vô tuyến lên sức khỏe con người đã bị xem nhẹ. Không chỉ sự ra đời của mạng lưới 5G mới gây lo ngại, các tần số thấp như thiết bị phát Wifi hay điện thoại di động cũng gây hại nghiêm trọng, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
Lời hứa của kỷ nguyên số
Trong một vài năm nữa, mạng 5G sẽ là cơ sở kết nối các máy bay drone, xe tự hành, chuỗi khối, Internet của vạn vật, chuỗi cung ứng, các thiết bị thông minh…
Sức cám dỗ của tốc độ download siêu nhanh của mạng 5G sẽ làm nó lan tỏa rất nhanh và rất rộng, nhưng cũng tồn tại chi phí ẩn do truyền tải sóng vô tuyến, phóng xạ điện từ trường và các tín hiệu WiFi liên tục, dù nhiều người xem nhẹ rằng chúng vô hại.
Tiến sĩ Martin Pall, giáo sư danh dự tại ĐH bang Washington và một trong những chuyên gia hàng đầu về EMF, đã trình bày trước Viện Y tế Quốc Gia Mỹ về mối nguy hại của mạng 5G: “Mỗi tác động của EMF sẽ gây ra nguy cơ hủy diệt với sinh mạng của chúng ta… Ở chuột, EMF giảm tỷ lệ sinh sản xuống cơ bản chỉ còn 0… 5G sẽ phát ở tần số cao hơn nhiều và xung động ở mức ngang với lò vi sóng.”
Trong slide thuyết trình cuối cùng, ông Pall đã viết:
“Kế hoạch hiện tại đã được chấp thuận bởi Quốc hội Mỹ và FCC, đặt hàng chục nghìn ăng-ten 5G, phát xạ tới mỗi người và mỗi sinh vật trong cả đất nước mà lại chẳng có lấy một kiểm nghiệm an toàn sinh học cho sóng 5G… Điều này là hoàn toàn điên rồ.”
Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã thất bại trong việc nghiên cứu tác hại của EMF lên sức khỏe con người, thất bại trong việc tạo ra tiêu chuẩn an toàn, và vào năm 1979, đã dừng việc đo lường bức xạ EMF. Trên website của họ chỉ có một đường dẫn tới báo cáo cũ năm 1992 mang tên “Hỏi và đáp về điện từ trường.”
Tổ chức Y tế Thế giới thì còn thờ ơ hơn về thất bại trong việc thông báo tác hại của bức xạ EMF. Chỉ cần ghé qua website của WHO và nhìn thấy số lượng ít ỏi các tài liệu về EMF, người ta sẽ phải đặt câu hỏi về tôn chỉ của tổ chức này. Trên WHO chỉ có 6 nghiên cứu về EMF: năm 1981, 1983, 1987, 1993, 2004 và 2007.
Thật kỳ lạ khi WHO chỉ tuyên bố bức xạ EMF “có khả năng gây ung thư” vào 8 năm trước và không có động thái nào lớn để tìm hiểu hay cảnh báo tới cộng đồng.
Trong kế hoạch cải cách chính phủ của Tổng thống Trump cũng không hề nhắc tới ngành viễn thông đang ở ngưỡng cửa của một công nghệ gây tranh cãi. Do vậy, hiện tại ở Mỹ, Ủy ban Viễn thông Liên bang (FCC) sẽ vẫn nắm quyền quyết định về mức độ an toàn của bức xạ 5G, mặc dù đây không phải là nhiệm vụ chính của họ.
Khoa học nói gì về tác động của EMF?
Chỉ tới mùa thu năm 2018, người dân mới tham gia cùng các nhà khoa học và buộc các nhà lập pháp bang Michigan tổ chức buổi điều trần về EMF và gióng hồi chuông cảnh báo về 5G. Tại đó, nghị sĩ Richard Blumenthal đã thách thức ngành viễn thông “chứng minh 5G an toàn.”
“Dải sóng vô tuyến cường độ thấp có hại cho con người. Khi tiếp xúc ngoài trời, nó gây ra khối u trong não và tổn hại tế bào thần kinh tim,” tiến sĩ Fiorella Belpoggi của trung tâm nghiên cứu ung thư Cesare Maltoni, viện Ramazzini ở Italy cho biết. Cơ chế tổn hại không nằm ở lượng nhiệt gây ra khi sóng tiếp xúc với da (tương tự như tiếp xúc ánh mặt trời) mà ở mức độ tế bào – đối với tất cả sinh vật sống.
“Ở châu Âu, các nghiên cứu dịch tễ học đối với các tháp tín hiệu di động cũng tìm thấy khối u thần kinh thính giác và khối u trên mặt người,” bà nói.
“Tác hại này không thể hiện ra trong nhiều năm. Chính thời gian chờ này mới là vấn đề. Ung thư không thể hiện ra trong 20, 30 năm. Với thế hệ trẻ em lớn lên cùng các thiết bị có màn hình, chúng ta có thể thấy các vấn đề gây ung thư tác động lên chúng từ khi còn trong phôi.”
“Ở mức độ tế bào, các ty thể và sự trao đổi chất bị ảnh hưởng rất lớn bởi các xung thần kinh ion,” bà cho biết. “Các sóng milimet không được người ta biết tới nhiều, cần thêm các nghiên cứu. Tôi e rằng 5G sẽ giống như amiăng*, lan ra khắp nơi trong xã hội, để rồi người ta mới nhận ra tác hại là gì.”
(Amiăng được sử dụng chủ yếu để sản xuất tấm lợp A-C. Người tiếp xúc với amiăng thường phát bệnh sau khi tiếp xúc rất lâu từ 20-30 năm nên thường đến khi nghỉ hưu mới mắc bệnh. Hiện này amiăng bị liệt vào nhóm 1 các chất gây ung thư ở người. Nhiều nước đã cấm sản xuất, ở Việt Nam Amiăng trắng vẫn tiếp tục được sử dụng.)
Bà Belpoggi nhấn mạnh rằng các bức xạ tần số thấp cũng có tác hại như EMF: “chỉ là bước sóng ngắn hơn và tần số khác biệt, nhưng tác động tổng thể là y hệt.”
Vấn đề với 5G là các bước sóng của nó được truyền đi ở khoảng cách ngắn hơn so với 4G. Cũng có nghĩa là mạng 5G sẽ đòi hỏi phải có thêm hàng triệu ăng-ten được xây dựng trong thập kỷ tới. Các ăng-ten này sẽ xuất hiện ở khắp nơi: các cột đèn, cột điện thoại, nóc nhà người dân, các tòa nhà văn phòng… Chúng sẽ xâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.
“Các sóng EMF và RF gây hại cho DNA của người. Chúng đóng góp vào các tác hại môi trường gây bệnh tự kỷ, Parkinson, ung thư và làm giảm số tinh trùng. Chúng ta cần tái phân bổ tiền từ các ngành khác và đặt điều này thành ưu tiên số 1,” bà Belpoggi cho biết, nhận xét rằng tình trạng hiện tại là “chính sách điên rồ, nơi công nghệ còn quan trọng hơn sức khỏe con người.”
Trong năm 2019, phòng thí nghiệm của bà Belpoggi sẽ công bố nghiên cứu về tác động của EMF lên 2800 con chuột, với nhóm đối chiếu là 1000 con. Họ sẽ quan sát tất cả các cơ quan nội tạng. Nghiên cứu này được 30.000 người dân địa phương đóng góp chi phí, bởi viện Ramazzini là tổ chức phi lợi nhuận, không chịu ảnh hưởng của chính phủ hay các ngành công nghiệp. Họ đã chia sẻ các dữ liệu của mình với các viện nghiên cứu ở Mỹ từ năm 2000.
Ở Mỹ, tiến sĩ Sharon Goldberg đã gửi email cho biết 3 vấn đề sức khỏe hàng đầu mà 5G và Internet vạn vật sẽ mang đến.
1. “Đục thủy tinh thể chiếm 60% số ca phẫu thuật mắt và tốn kém chi phí 3,6 tỷ USD mỗi năm.”
2. “Kháng kháng sinh và tổn hại tới hệ miễn dịch, bởi công nghệ sóng milimet (MMW) ảnh hưởng tới độ mẫn cảm của kháng sinh (và thúc đẩy phát triển) các dòng vi khuẩn staphylococcus và E. coli. Tác động cấp kỳ của bức xạ EMF lên các tế bào/hệ thống sống thường rất khác biệt với tác động phơi nhiễm lâu dài.”
3. “Ảnh hưởng lớn và âm thầm của MMW là tác động lên khả năng trầm cảm/tự tử và cuộc khủng hoảng thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện (nhóm opioid).”
Lời chứng của Goldberg trước Ủy ban Chính sách Năng lượng Hạ viện của Michigan đã gây được sự chú ý của các nhà lập pháp và của công chúng. Video của bà đã thu hút được hơn 650.000 lượt xem.
Cho tới nay, chỉ có các nhà khoa học lên tiếng quan ngại và đăng tải các dữ liệu quý giá về phơi nhiễm EMF. Chúng sẽ thúc đẩy các tổ chức như EPA, FCC và WHO hành động, đầu tư vào nghiên cứu và đưa thông tin tới công chúng, cập nhật thông tin về một làn sóng công nghệ ảnh hưởng tới tất cả cây cối, con người và động vật.
Theo trithucvn.org
Mỹ Ngọc
Linh Lena
Nguyenphuhoang Nam
Blue Sapphire
Thật may mắn là ngày nay đã có nhiều người quan tâm đến những ảnh hưởng của sóng 5G. Hi vọng trong tương lai sẽ có nhiều giải pháp để hạn chế và khắc phục những ảnh hưởng này.