Mở lòng đi, bởi thế giới không có gì đáng sợ!
Có cả nghìn lý do để ai đó quyết định làm bạn với nỗi cô đơn. Lẩn tránh không phải là cách hay để đối phó với sự sợ hãi, hãy đối mặt với nó như một chiến binh quả cảm.
Bên cạnh những cái tên đã khá quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như John Green hay Matthew Quick, John Corey Whaley là một tác giả trẻ với nhiều tiểu thuyết viết về thanh thiếu niên gây được tiếng vang tại Mỹ.
Nhân vật trung tâm trong các tác phẩm của anh là những cô cậu thanh niên gặp bế tắc trong cuộc sống và không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ. Những người trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa trưởng thành và phải tập làm người lớn luôn cảm thấy hoang mang trước cuộc sống đầy rẫy khó khăn.
Và họ làm gì để vượt qua “bài sát hạch đầu đời” ? Câu trả lời thỏa đáng, đầy hài hước sẽ có trong Hành vi phi logic, cuốn tiểu thuyết thú vị của John Corey Whaley.
Solomon Reed là một chàng trai 16 tuổi có vẻ ngoài ưa nhìn với mái tóc nâu dày bồng bềnh và vóc dáng cao lớn của một vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp. Nhưng thay vì đến trường, chơi thể thao và tán gẫu với bạn bè như bao cậu bạn cùng tuổi thì Solomon lại tự nhốt mình trong nhà và không hề ra ngoài trong suốt 3 năm trời.
Anh chàng bị mắc hội chứng sợ đám đông. Ở nhà một mình cho Solomon cảm giác an toàn. Nhưng mọi chuyện thay đổi hoàn toàn từ khi Lisa Praytor xuất hiện. Cuộc chạm trán giữa một cô nàng luôn chủ động cùng anh chàng chỉ thích ở lì trong nhà sẽ có điều gì thú vị?
Từ khi còn là học sinh tiểu học, Lisa lúc nào cũng có thành tích đáng nể. Cô nàng muốn trở thành bác sĩ tâm lý ở trường đại học Woodlawn danh tiếng. Và hành trình kéo một anh chàng mắc hội chứng sợ đám đông như Solomon bước ra thế giới bên ngoài sẽ làm “đẹp” thêm hồ sơ của cô nàng.
Lisa quyết tâm dấn thân vào thử thách và may mắn dường như mỉm cười khi “bác sĩ tâm lý tương lai” được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thành viên trong gia đình Solomon.
Và sau nỗ lực xây dựng tình bạn với Solomon, Lisa đã tìm ra nguyên nhân khiến cậu bạn giam mình trong nhà. Solomon là gay. Chàng trai tội nghiệp sợ cả thế giới sẽ biết điều này và sẽ bị đem ra làm trò mua vui cho lũ bạn láu cá.
Thậm chí có thể cậu sẽ bị kì thị, hắt hủi vì thuộc một nhóm thiểu số khác người. Sự căng thẳng khiến cho những cơn hoảng loạn và mất kiểm soát của Solomon tăng lên. Trốn biệt trong nhà là cách tốt nhất mà anh chàng nghĩ ra để giải quyết vấn đề.
Lisa đã đến và giải thoát cho thể xác và cả tinh thần của Solomon. Cậu ra ngoài và học cách đối mặt với những khó khăn của mình. Nhưng những rắc rối lại nảy sinh khi cô nàng Lisa lôi cả bạn trai của mình là Clark vào cuộc. Mọi chuyện rồi sẽ đi tới đâu?
Hành vi phi logic là một cuốn tiểu thuyết mang đậm hơi thở hiện đại mà John Corey Whaley dành tặng cho những độc giả tuổi 20 của mình. Với văn phong linh hoạt, gần gũi và cách kể đa chiều, mang hơi hướm điện ảnh tác phẩm là cuốn sách thú vị để giải trí.
Bên cạnh đó, câu chuyện của bộ ba Solomon, Lisa và Clark cũng mang tới cho bạn đọc trẻ nhiều bài học thú vị trong cuộc sống.
Những vấn đề mà giới trẻ đang phải đối mặt như áp lực chọn ngành nghề, các dự định cho tương lai hay việc theo đuổi hoài bão, đặc biệt là sự kì thị đối với người đồng tính được nhà văn khai thác một cách sâu sắc bằng một giọng văn hài hước và không hề bi lụy. John Corey Whaley luôn thể hiện các nhân vật một cách thật gần gũi với cuộc sống để người đọc dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm.
Cuộc sống lúc nào cũng đầy rẫy khó khăn. Để trưởng thành một cách thực thụ, chúng ta phải học cách đương đầu với chúng và không được lẩn tránh. Trước khi muốn một ai đó yêu thương bạn, quan trọng nhất bạn phải học cách yêu thương chính mình.
John Corey Whaley là một nhà văn trẻ sinh năm 1984 và sớm khẳng định được tên tuổi của mình ở địa hạt tiểu thuyết. Năm 2012, tác phẩm đầu tay của anh Where Things Come Back (Nơi mọi thứ trở lại) đã đạt cú đúp với giải Printz và giải Morris.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai của John Corey Whaley là Noggin được đề cử giải Sách Quốc gia Mỹ vào năm 2014. Riêng Hành vi phi logic cũng đạt giải thưởng Printz và được đề cử giải Sách Quốc gia Mỹ vào năm 2016.
_Nguồn: Zing_