Mô hình chợ thương mại điện tử nông sản
4 hình thức giao dịch mua bán phổ biến, đó là
(1) Mua bán tự do thông qua mạng lưới thương nhân nhỏ (người thu gom, thương lái);
(2) Mua bán theo hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với hộ nông dân;
(3) Mua bán thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã, tổ, nhóm, chủ hợp đồng là tổ chức và cá nhân đại diện cho nông dân;
(4) Mua bán giao dịch tại các chợ đầu mối bán buôn nông sản.
Mua bán theo hình thức tự do không có hợp đồng được đánh giá là có nhiều điểm mạnh, phù hợp với thói quen và tập quán mua bán truyền thống của nông dân, nên nó được áp dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên giao dịch mua bán theo hình thức này có một số điểm hạn chế. Phân tích sâu theo chuỗi tiếp thị và chuỗi giá trị, trong hình thức giao dịch này chứa đựng một số khâu trung gian không làm thay đổi hình thái hiện vật, không nâng cao chất lượng sản phẩm, nhưng vẫn gia tăng giá chủ yếu do để đảm bảo lợi nhuận của các nhóm tác nhân trung gian. Giao dịch theo hình thức này người sản xuất chưa tiếp cận sát với nhà chế biến, nhà xuất khẩu. Các nhà chế biến, xuất khẩu không quản lý được chất lượng sản phẩm, nên thông thường sản phẩm làm ra có chất lượng không cao.
Giao dịch theo hình thức hợp đồng bằng văn bản (kể cả hợp đồng trực tiếp giữa doanh nghiệp với từng hộ và hợp đồng với HTX, tổ nhóm hộ nông dân) có nhiều ưu thế, có thể khái quát trên "4 ổn định": ổn định vùng nguyên liệu; ổn định và đồng đều về chất lượng sản phẩm; ổn định khách hàng; từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất -kinh doanh. Nhưng hình thức này trong thực tế còn nhiều hạn chế như: Qui mô sản xuất của hộ nông dân quá nhỏ, phân tán gây khó khăn cho giao dịch của doanh nghiệp; doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật để phát huy lợi thế về năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt.
Giao dịch mua bán tại các chợ đầu mối bước đầu hình thành, một số chợ đã phát huy tác dụng của một trung tâm thương mại, giao dịch ở chợ đầu mối có nhiều lợi thế. Tuy nhiên hiện nay ở nước ta, các chợ đầu mối mới xây dựng, hoạt động giao dịch chỉ giới hạn mua bán buôn giữa các doanh nghiệp và thương gia trong nước, giao dịch theo hình thức giao ngay, chưa có giao dịch thứ cấp và thị trường giao sau. Các hoạt động giao dịch mua bán hàng hóa đều do thương nhân đảm nhận. Các công ty kinh doanh chợ (một số chợ còn là Ban quản lý) chưa tham gia giao dịch, chỉ thực hiện một số hoạt động dịch vụ như cho thuê mặt bằng, bốc dỡ hàng hóa, bảo vệ an ninh.
Nông hộ (hộ gia đình nông dân) là đơn vị xã hội làm cơ sở cho phân tích kinh tế; các nguồn lực (đất đai, tư liệu sản xuất, vốn sản xuất, sức lao động…) được góp thành vốn chung, cùng chung một ngân sách; cùng chung sống dưới một mái nhà, ăn chung, mọi người đều hưởng phần thu nhập và mọi quyết định đều dựa trên ý kiến chung của các thành viên là người lớn trong hộ gia đình (Mai Văn Xuân, 2015).
Theo báo cáo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản 2011, số nông hộ cả nước tại thời điểm 01/7/2011 là 15,35 triệu hộ
- Kinh tế hộ gia đình phần lớn sản xuất với qui mô nhỏ, tự cấp, tự túc, do ruộng đất giao cho các hộ manh mún, bình quân ruộng đất trên đầu người thấp.
-Trình độ học vấn, trình độ tay nghề của người lao động thấp, việc tổ chức sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên chất lượng sản xuất, kinh doanh chưa cao và thiếu bền vững.
- Chất lượng sản phẩm hàng hoá của các hộ gia đình chưa cao, chủ yếu dưới dạng thô, tiêu thụ khó khăn, chưa nắm bắt được thị trường, nên còn thụ động, hiệu quả thấp. - Khó khăn và thách thức lớn đối với nông dân nước ta nói chung và kinh tế hộ nói riêng trong tiến trình hội nhập ngày một sâu vào kinh tế thế giới là chênh lệch lớn về năng suất lao động giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Đây là một trong số các nguyên nhân chính đang khoét sâu thêm khoảng cách cả thu nhập lẫn mức chi tiêu giữa nông thôn và thành thị. Điểm xuất phát thấp, tốc độ phát triển chậm, rủi ro lớn, thì khoảng cách khó có thể rút ngắn nếu không có những giải pháp mang tính đột phá.
- Hộ nông dân thường rất dễ bị tổn thương trước sự chi phối khắc nghiệt của quy luật thị trường. Cơ hội kiếm tiền sẽ đến với người có vốn, có điều kiện về thông tin, và kể cả điểm xuất phát cao, sẽ nhiều hơn rất đáng kể so với các đối tượng khác, nhất là người nghèo. Về nguyên lý, thị trường dường như mang lại cơ hội cho tất cả mọi người, nhưng không phải mọi người đều có đủ khả năng như nhau để tận dụng cơ hội đó. Người nắm thông tin, người nhiều vốn, người lanh lợi và phải có chút “tinh quái” mới tận dụng cơ hội tốt hơn và do đó giàu lên nhanh hơn. Không ít người lợi dụng quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây nắm giữ nhiều cổ phiếu; hay những người biết trước thông tin về quy hoạch nên đầu cơ được những khu đất đắc địa... từ đó càng có điều kiện thu vén những nguồn lợi từ các cơ hội tốt, lại càng có điều kiện tích lũy làm giàu – giàu sẽ dễ giàu thêm hơn, nghèo thì thua thiệt và dễ nghèo đi. - Nhiều hộ nông dân đang rơi vào cảnh thua thiệt đó trước vòng xoáy của các quy luật thị trường, nhất là ở những nơi hợp tác xã không còn tồn tại, chính quyền cơ sở lại yếu kém, thì không biết dựa vào đâu? Bởi vậy, sự nghiệt ngã của tình cảnh “nghèo thì nghèo thêm, giàu thì giàu nhanh hơn” đang là tác nhân chính khoét sâu thêm hố ngăn cách giàu nghèo giữa người giàu và người nghèo, giữa nông thôn và thành thị. Đây là nguyên nhân chính của hiện tượng số người tự do di cư ra thành thị kiếm việc làm đang tăng lên hàng ngày. Người nông dân bị thu hồi đất cho công nghiệp hóa, hay đô thị hóa cũng rơi vào tình trạng tương tự. Tư liệu sản xuất bị mất hoặc giảm đi, trong lúc chưa chuẩn bị kịp các điều kiện để chuyển đổi nghề nghiệp. Phần đông nông dân có tiền (ý nói tiền đền bù do bị thu hồi đất) cũng khó tìm phương án nào cho hiệu quả để sử dụng lượng tiền dành dụm được cho sản xuất, kinh doanh. Họ luôn trong tâm lý lo sợ rủi ro, bởi vậy, tư duy “ăn chắc, mặc bền” vẫn là phổ biến, có đồng nào đổ vào “xây nhà xây cửa” chắp vá, cơi nới một cách manh mún rất tốn kém.
- Trong kinh tế thị trường, việc tìm ra cây gì, con gì để cho sản xuất hàng hóa lớn đã khó, thì việc tiếp cận đầu vào và đầu ra cho sản xuất nông nghiệp mấy năm gần đây cũng đang khó khăn không kém. Đã thế, thị trường đầu vào của sản xuất nông nghiệp biến động rất bất lợi cho các hộ nông dân, giá lên cao liên tục, giao thông khó khăn, vốn ít nên khó khăn trong việc mua giá thấp với khối lượng lớn (mua buôn), mua lẻ thì giá lại rất cao, thiếu những nhà cung cấp tin cậy và ổn định, và còn thiếu cả thông tin để có cơ hội lựa chọn phương án tối ưu.
- Khó khăn trong khâu sơ chế và chế biến sau thu hoạch cũng là một cản trở lớn đối với kinh tế hộ nông dân. Phần lớn các hộ nông dân đều thiếu kỹ thuật và khả năng sơ chế nông sản sau thu hoạch, thiếu thông tin thị trường, chi phí giao dịch cao... Nên phần lớn nông sản chưa nâng được thêm giá trị kinh tế đáng kể trong các khâu tiếp theo của quy trình sản xuất đến tay người tiêu dùng, kể cả mẫu mã, tiếp thị và tiêu thụ, xuất khẩu.
- Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt đối với quá trình sản xuất nông nghiệp. Nhưng khó khăn lớn hiện nay là diện tích đất nông nghiệp đang mất vào các khu công nghiệp, khu đô thị và giao thông với tốc độ quá nhanh. Đất trồng lúa nước năm 2005 đã giảm trên 302 ngàn hécta so với năm 2000 (Mai Văn Xuân, 2015). Trong khi đó, nhiều hộ khác tuy đã năng động chuyển đổi ngành nghề, nhưng vẫn không đủ “can đảm” (tính chắc chắn của nghề mới chưa bảo đảm cho các hộ chuyển nghề yên tâm) để nhượng ruộng cho người khác canh tác hay thuê người làm.
Phần lớn là giữ đất hay có chăng cũng là cho con cháu làm để vừa đủ mức nộp thuế sử dụng đất.Bởi vậy, tốc độ tích tụ, hoặc dồn điền, đổi thửa diễn ra quá chậm so với nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, tình trạng lãng phí sử dụng đất diễn ra khá phổ biến. Tại Nam Định, có địa phương người nông dân muốn trả ruộng thì chính quyền xã không nhận, vì thời hạn giao đất vẫn còn hiệu lực, nếu nhận thì xã không thu được lệ phí. Trong khi đó người dân nơi khác đến canh tác thì khó khăn do chính sách cư trú...
- Lề lối làm ăn còn nặng về sản xuất nhỏ, manh mún, chưa thích ứng với kinh tế thị trường. Chữ tín trong làm ăn là rất quan trọng, thế nhưng một số địa phương nông dân sẵn sàng “phá hợp đồng” để được lợi trước mắt do giá thị trường đột ngột lên cao so với hợp đồng, như trong hợp đồng bán hoa hồi cho đối tác Bắc Âu tại Lạng Sơn hay giã tâm, bất chấp độc hại, phun thuốc kích thích sinh trưởng để nhanh chóng có rau phục vụ đồng bào mình ở đô thị ở các vùng lân cận đô thị. Chuyện giá cả lên xuống thất thường là quy luật cung - cầu của thị trường. Đối với sản xuất nông nghiệp, tính chất mùa vụ và sự lệ thuộc vào đất đai, khí hậu rất chặt chẽ, nên khó có thể thành công nếu cứ chạy theo cái “lên - xuống” của thị trường. Thế mà, một số nông dân ở huyện Đông Triều, Quảng Ninh, khi giá vải xuống, thì chặt vải trồng cây sưa (cây lấy gỗ phải mất 50 năm mới cho thu hoạch, mà giá lúc đó chưa ai có thể nói rõ là sẽ như thế nào); ở một số địa phương phía Nam cũng vậy, thấy giá một số cây trồng khác đang sốt lên, thì vội chặt cây điều đang kỳ cho thu hoạch...
- Hội nhập càng sâu, nền kinh tế càng sớm hòa vào dòng chảy chung của thế giới, rõ rệt nhất là sự san bằng mặt giá các vật phẩm tiêu dùng do giá xuất nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và năng lượng rất nhanh chóng bị “quốc tế hóa về giá”, bởi vậy các hộ gia định nông dân phần lớn là nghèo và dưới trung bình của xã hội 19 về mức sống sẽ dễ bị tốn thương khi giá cả leo thang. Thực tế vừa qua cho thấy tình trạng nhập khẩu lạm phát (do giá thế giới lên cao, nhất là xăng dầu...), đan xen với xuất khẩu lạm phát (xuất được gạo giá cao thì giá gạo trong nước cũng sốt lên, xuất được giấy giá cao thì giá giấy trong nước cũng tăng lên, thậm chí thiếu giấy..).
- Công nghiệp của đất nước phát triển chưa đủ mạnh để thu hút một lượng lớn lao động nông thôn. Và dù có xuất hiện một nhu cầu lớn lao động thì trình độ đào tạo của một lượng lớn lao động nông thôn cũng chưa thế đáp ứng kịp. Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động đang hiện hữu. Bởi vậy, thách thức rất lớn đối với lao động nông thôn là chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị. Theo ước tính, nếu năng suất lao động tăng như vừa qua, thì để sự chênh lệch thu nhập không quá cách biệt giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa nông thôn và thành thị, một hộ gia định nông nghiệp (trung bình có 2 lao động chính) phải được canh tác trên một diện tích là 1 - 2 héc-ta.
- Các mặt hàng nông sản thường là những hàng hóa thiết yếu đối với đời sống và sản xuất của mỗi quốc gia. Nó là một trong những mặt hàng có tính chiến lược bởi vì đại bộ phận việc mua bán hàng nông sản quốc tế được thực hiện thông qua hiệp định giữa các Chính phủ, mang tính dài hạn. Cho nên đa số các nước trên thế giới đều trực tiếp hoạch định các chính sách can thiệp vào sản xuất, xuất khẩu lương thực và nước nào cũng quý trọng chính sách dự trữ quốc gia và bảo hộ nông nghiệp, coi an ninh lương thực là vấn đề cấp bách.
- Quá trình sản xuất, thu hoạch, buôn bán hàng nông sản mang tính thời vụ bởi vì các loại cây trồng sinh trưởng và phát triển theo quy luật sinh vật nhất định. Mặt khác, do sự biến thiên về điều kiện thời tiết - khí hậu, mỗi loại cây trồng có sự thích ứng nhất định với điều kiện đó, dẫn đến những mùa vụ khác nhau. Vào những lúc chính vụ, hàng nông sản dồi dào, phong phú về chủng loại, chất lượng khá đồng đều và giá bán rẻ. Ngược lại, lúc trái vụ, hàng nông sản khan hiếm, chất lượng không đồng đều và giá bán thường cao.
- Mặt hàng nông sản chịu tác động và ảnh hưởng lớn của các điều kiện tự nhiên, đặc biệt là các điều kiện về đất đai, khí hậu, thời tiết. Chúng rất nhạy cảm với các yếu tố ngoại cảnh. Mọi sự thay đổi về điều kiện tự nhiên đều tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Nếu điều kiện tự nhiên thuận lợi thì cây trồng sinh trưởng và phát triển bình thường, cho sản lượng thu hoạch cao, chất lượng tốt. Ngược lại, nếu điều kiện tự nhiên không thuận lợi như: nắng nóng hoặc giá rét kéo dài gây hạn hán hoặc bão lụt… sẽ gây sụt giảm sản lượng và chất lượng cây trồng.
- Chất lượng hàng nông sản sẽ tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nó luôn là yếu tố đầu tiên được người tiêu dùng quan tâm. Tại các quốc gia phát triển nhập khẩu hàng nông sản, ngày càng có nhiều yêu cầu được đặt ra đối với hàng nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch, xuất xứ… Vì vậy, để xâm nhập vào các thị trường khó tính này buộc doanh nghiệp phải đáp ứng được những yêu cầu mà họ đặt ra.
- Mặt hàng nông sản có đặc tính tươi sống nên khó bảo quản được trong thời gian dài. Ngoài ra, yếu tố thời vụ của hàng nông sản dẫn đến tính không phù hợp giữa sản xuất và tiêu dùng, do đó phải quan tâm đến khâu chế biến và bảo quản cho tốt. Đó là một khâu quyết định đến chất lượng hàng nông sản xuất khẩu. Hàng nông sản thêm vào đó dễ bị hư hỏng, ẩm mốc, biến chất; chỉ cần để một thời gian ngắn trong môi trường không bảo đảm về độ ẩm, nhiệt độ... thì mặt hàng nông sản sẽ bị hư hỏng ngay.
- Chủng loại hàng nông sản hết sức phong phú đa dạng, chất lượng của một mặt hàng cũng rất phong phú. Hàng nông sản được sản xuất ra từ các địa phương khác nhau, với các yếu tố về địa lý, tự nhiên khác nhau, mỗi vùng, mỗi hộ, mỗi trang trại có phương thức sản xuất khác nhau với các giống nông sản khác nhau. Vì vậy, chất lượng hàng nông sản không có tính đồng đều, hàng loạt như sản phẩm công nghiệp, do đó vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm phải được quan tâm trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu hàng nông sản.