"Mình không phải là người có THÓI QUEN ĐỌC SÁCH từ nhỏ"
Oh, nhiều bạn sẽ ngạc nhiên? Bởi nếu như những gì bạn biết về mình, có thể bạn sẽ nghĩ rằng mình là một “con mọt sách chính hiệu”, người luôn nói nhiều/chia sẻ, tôn sùng sách? Nhưng sự thật là “Mình không phải là người có thói quen đọc sách từ nhỏ”!
Thói quen đọc sách của mình mới thực sự được hình thành trong thời gian gần đây khi mình nhận ra giá trị vô cùng lớn của sách đối với hành trình phát triển bản thân và thay đổi tư duy ở mình. Đặc biệt khi mình có cơ hội được tham gia cùng với các dự án về đọc sách (Happy Reading – CCD, GCA, The learners…). Việc tham gia sâu vào các hoạt động đọc cùng cộng đồng, lắng nghe và học hỏi những kinh nghiệm được chia sẻ từ các anh/chị trong đội nhóm, những cuộc thảo luận, phân tích đã giúp mình dần hiểu được rõ hơn lợi ích của thói quen đọc sách cũng như cách đọc sách. Happy Reading đã truyền cho mình cảm hứng đọc sách, muốn đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc tới bạn bè, đồng nghiệp và các bạn trẻ - những người mà mình đang có cơ hội được tiếp xúc và làm việc hàng ngày. Bài viết này mình sẽ kể lại cho các bạn nghe về tuổi thơ không đọc sách của mình và những lợi ích mà sách đã đem lại cho mình trong cuộc sống và công việc hiện nay.
Trước đây, mình không phải là người biết đọc sách và không có thói quen đọc sách. Như các bạn biết, mình sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi Tây Bắc xa xôi – nơi mà cách đây hơn 20 năm điều kiện còn khá nhiều khó khăn và thiếu thốn. Nhà nghèo, bố mẹ mình thường phải làm thêm kiếm tiền để đủ trang trải cuộc sống và nuôi chị em mình ăn học. Vì vậy, được đi học đã là một niềm hạnh phúc lớn lao đối với chị em mình huống chi nghĩ đến việc nhà phải có một tủ sách. Ngày bé mình chỉ có duy nhất những cuốn sách giáo khoa gối đầu giường được bố mẹ mua cho từ những ngày đầu tiên của năm học mới. Muốn đọc thêm sách mình sẽ phải lặn lội lên tận thư viện tỉnh cách xa nhà vài cây số làm thẻ để được mượn, được đọc. Ngày đó, thư viện cũng chỉ có vài dăm ba cuốn sách mỏng mà đến vài năm mới được cập nhật một lần. Dần dần mình cũng không mấy mặn mà với việc đọc sách, rồi tự hài lòng với những gì mà mình có. Mình không có thói quen đọc từ đó.
Đến những năm cấp III, khi kỳ thi đại học cận kề, với nhu cầu học thêm, mở rộng kiến thức mình cố gắng để nhờ anh/chị họ hàng mua cho một số cuốn sách ở Hà Nội gửi lên hoặc chui vào hiệu sách “lậu” nào đó ở tỉnh để kiếm những cuốn sách mình cần. May mắn thì có, còn nếu không thì ngậm ngùi trở về gặm nhấm vài ba cuốn thông dụng mua được từ trong hiệu sách duy nhất của Sở giáo dục như Để học tốt Văn, Để học tốt Toán…Mình nhớ, ngày đó có được cuốn “99 bài văn hay” của Bùi Hiền đã là cả một gia tài đối với mình rồi.
Thế rồi, khi học đại học và có điều kiện để đọc sách mình cũng chỉ nhăm nhăm đọc sách phục vụ cho nhu cầu học tập, theo yêu cầu của thầy cô với mong muốn nhanh vượt qua các kỳ thi với điểm số tốt. Vì vậy, mình thường chỉ đọc sách chuyên ngành, những cuốn sách phục vụ cho thi cử và chỉ khi cần mới đọc. Mình đến với sách một cách bản năng theo kiểu thấy chữ thì đọc mà không hề có bất cứ một phương pháp hay kỹ năng đọc nào. Điều mà mãi sau này mình mới nhận ra có rất nhiều cách đọc sách và nếu bản thân có phương pháp đọc tốt, phù hợp với dòng sách lựa chọn thì việc đọc sách sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.
Về sau, khi càng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người bạn, những người giỏi giang, thành đạt mình mới nhận ra rằng thói quen đọc sách chính là chìa khóa quan trọng đem lại sự thành công trong công việc và một cuộc sống hạnh phúc. Mỗi cuốn sách đều được viết ra từ những trải nghiệm, đúc kết và quá trình tích lũy kiến thức của nhiều người. Sách là kho tàng tri thức khổng lồ được tích lũy qua nhiều thế hệ. Và do đó đọc sách là một cách tự học – cách học rẻ tiền nhất nhưng lại được nhiều nhất. Sách mở ra cho mỗi người những thế giới mới, chân trời mới mà lâu nay chính mình đã đánh mất. Càng đọc mình càng nhận ra được nhiều giá trị, lợi ích mà sách đem lại. Đó không chỉ là những kiến thức, thông tin cần cho công việc mà sách thực sự là những người bạn của mình trong việc cân bằng cuộc sống, giúp nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ cho chính mình.
Tuy nhiên, để thực sự trở thành người đọc thông minh và trưởng thành từ những cuốn sách, mỗi người cần biết rõ mục đích đọc, biết lựa chọn những cuốn sách hay, đúc kết những điều đọc được, ghi lại hành trình đọc sách và những thay đổi trong nhận thức của bản thân từ quá trình đọc, biết sắp xếp và lên kế hoạch cho việc đọc, suy ngẫm, phân tích, phản biện về những thông tin đọc được…Có như vậy các bạn mới thực sự tiếp nhận được những thông tin hữu ích và thấy được lợi ích, giá trị to lớn của việc đọc sách. Việc đọc luôn cần sự kiên trì, nhẫn nại, nhân ái với bản thân đề dần dần mở ra sự hiểu và đôi khi chấp nhận cả sự không hiểu của chính mình.
Điều cuối cùng mình muốn nói là: sẽ không có gì là quá sớm và không có gì là quá muộn! Nếu ngày hôm nay bạn chưa phải là người có thói quen đọc sách, còn thờ ơ với sách thì hãy bắt đầu nhé. Bởi chỉ khi hành động, thì chúng ta mới thấy được giá trị và lợi ích của nó. Hãy nuôi dưỡng tình yêu đọc sách bên trong con người mình, để đến một ngày bạn nhận ra rằng đọc sách đã trở thành món ăn tinh thần, người bạn không thể thiếu trong cuộc sống của mình. Chúc các bạn luôn hạnh phúc và tìm kiếm được niềm vui trên hành trình đọc sách của bản thân như những gì mình đã có được từ việc đọc mỗi ngày.
Xin chia sẻ với các bạn một số câu nói về việc tại sao chúng ta nên đọc sách. Các bạn hãy đọc và cùng mình suy ngẫm nhé!
“Cuộc đời thay đổi theo hai cách: Qua những người ta gặp và qua những quyển sách ta đọc” (Harvey MacKay)
“Đọc sách rất quan trọng, nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn” (Barack Obama)
“Sách không chỉ là nguồn cung cấp tri thức nhân loại mà còn giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn về vạn vật, giúp chúng ta mài sắc khả năng giao tiếp, và đặc biệt còn khiến chúng ta có một cuộc đời thú vị hơn”
“Để trở thành người sâu sắc thì không có gì thích hợp hơn đọc sách. Bằng việc đọc sách, con người có thể làm sâu sắc tri thức, làm sâu sắc tư duy và làm sâu sắc cả nhân cách”
“Đọc sách giúp phát triển tư duy, làm phong phú năng lực tưởng tượng và tiếp thêm sức mạnh giúp ta tiến liên phía trước những lúc khốn cùng”(Nơi chỉ người đọc sách mới có thể chạm tới, Takashi Saito, Nguyễn Quốc Vương dịch)
Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi k hỏi những rắc rối của cuộc đời" (Victor Hugo).
kỹ năng mềm
,sách
,tâm sự cuộc sống
Em cũng nhận được nhiều giá trị tích cực từ sách, nên em cảm thấy rất trân trọng sách và các tác giả đã viết nên những cuốn sách hay ạ.
Nguyenphuhoang Nam
Em cũng nhận được nhiều giá trị tích cực từ sách, nên em cảm thấy rất trân trọng sách và các tác giả đã viết nên những cuốn sách hay ạ.