Mình đã VƯỢT QUA ÁP LỰC, CĂNG THẲNG trong công việc như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

Stress, căng thẳng là cảm xúc gặp phải khi bạn có quá nhiều công việc phải làm, cần phải giải quyết và hoàn thành theo đúng deadline bởi nếu không bạn sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng công việc của chính bạn/đội nhóm của bạn. Bạn cảm thấy bấn loạn, không biết cần phải giải quyết vấn đề nào trước, vấn đề nào sau. Bạn cảm thấy thiếu tự tin, lo lắng, sợ hãi sẽ không thể hoàn thành được. Bạn ăn không ngon, ngủ không yên, làm việc “hùng hục” mà không hiệu quả. Nhưng bạn không dám bỏ đó, không dám đi chơi, thư giãn. Bạn chôn vùi bản thân trong mớ bòng bong mà đôi khi càng cố gắng để giải quyết mọi việc càng rối bòng bong như tơ vò…Đó chính là những biểu hiện của sự căng thẳng, stress mà bạn đang gặp phải. Vậy phải làm thế nào để vượt qua điều này?

Thời gian vừa rồi mình cũng đã từng rơi vào tình trạng như thế. Những áp lực công việc khiến cho mình cảm thấy mệt mỏi, stress vô cùng. Vòng quay công việc đã “ngốn” đi của mình tất cả thời gian mà mình có, ngay cả những giây phút thảnh thơi, thư giãn nhất mình cũng không có được. Đôi khi mình tự hỏi: đây có phải là cuộc sống mà mình mong muốn không? Giá trị, ý nghĩa cuộc sống của mình là gì? Và rồi mình đã tìm ra cách để cân bằng và vượt qua sự căng thẳng, stress đó. Bí quyết của mình là:

Thứ nhất, bạn hãy dành thời gian để viết ra tất cả những lý do vì sao bạn muốn thực hiện công việc này và những kết quả có được khi bạn hoàn thành nó. Khi viết hãy hướng về những điều tích cực, những lý do chính đáng. Tại sao mình khuyên bạn làm điều này? Bởi nó sẽ giúp bạn nhìn lại hành trình mà bạn đang đi, những khởi đầu, những mong muốn, …Điều đó sẽ tạo cho bạn tâm thế, tư duy tích cực, thúc đẩy và giúp bạn kiên trì, tiếp tục “chiến đấu” đi đến đích cuối cùng mà không bỏ cuộc hay “đứt gánh giữa đường”.

Thứ hai, hãy bình tâm suy nghĩ và sẽ thấy những khó khăn, rào cản, lo lắng sợ hãi – những cái đang là cản trở, thử thách lòng kiên trì của bạn đều là điều hết sức bình thường mà ai cũng sẽ cần/phải trải qua trong công việc và cuộc sống. Không có gì là dễ dàng, “một đập ăn quan” cả. Hãy tư duy một cách tích cực, kể cả với những điều tệ nhất như: khó khăn sẽ giúp bạn kiên cường hơn, áp lực là cơ hội để bạn thử khả năng đối diện, vượt qua nó của mình, hạn định là cách để bạn rèn luyện sự tập trung… Hơn nữa đôi khi những gì mà bạn đang nghĩ đến nó chưa hề xảy ra (mới là sự tưởng tượng của bạn trong một tâm thế tiêu cực). Đồng thời hãy trân trọng và ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của bản thân từ những thành quả nhỏ nhất.

Thứ ba, dù có mọi chuyện xảy ra thì hãy luôn tìm cách/phương án để giải quyết (tư duy giải pháp), tin vào bản thân. Bạn không nên quá lo lắng, bấn loạn, đổ lỗi, buông xuôi, trốn tránh - cái sẽ không bao giờ giúp bạn hóa giải tình hình, thậm chí là vật cản trên hành trình mà bạn đang đi.

Thứ tư, hãy nhìn nhận lại việc đang làm, lên kế hoạch, phân chia, sắp xếp lại công việc một cách hợp lý, khoa học, giải quyết từng bước công việc, có sự đo lường hiệu quả. Chú ý cần ưu tiên những công việc quan trọng, khẩn cấp ở những thời điểm nước rút cùng với đó là cancel hoặc hoãn lại những việc chưa cần thiết. Đặc biệt lúc này bạn sẽ cần kỹ năng quản lý thời gian thật tốt. Hiện mình đang áp dụng phương pháp quản lý thời gian Pomodoro và thấy nó rất hiệu quả, giúp mình tập trung tối đa khi làm việc. Bạn hãy tham khảo và thử vận dụng xem nhé.

Thứ năm, để có thể tập trung cao độ, giải quyết công việc ở thời điểm quan trọng một cách thấu đáo, đúng deadline, trong thời gian này bạn nên nhờ sự hỗ trợ từ người thân: gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Không nên ôm đồm một lúc nhiều việc càng khiến bạn thêm bấn loạn, stress.

Cuối cùng dù thế nào thì bạn vẫn cần một sức khỏe tốt, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt để giải quyết tốt mọi việc. Vì vậy, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục, đi chơi, thư giãn…Không nên vùi đầu ngày đêm vào công việc mà hiệu suất không cao. Và tất nhiên lời khuyên nữa của mình là bạn không nên thường xuyên đẩy mình vào việc “nước đến chân mới nhảy” bởi nó sẽ khiến bạn bị bấn loạn, stress, căng thẳng và như vậy thì sẽ chả việc gì ra việc gì cả.

Đó là một số những bí quyết mà mình đã thực hiện để vượt qua áp lực, stress trong thời gian vừa qua. Hy vọng sẽ có ích cho các bạn!

Từ khóa: 

kỹ năng mềm

Em cảm ơn cô đã chia sẻ. Em tin là những chia sẻ từ thực tế sẽ luôn là bài học quý giá và hữu ích với mọi người!

Trả lời

Em cảm ơn cô đã chia sẻ. Em tin là những chia sẻ từ thực tế sẽ luôn là bài học quý giá và hữu ích với mọi người!

Cảm ơn bạn. Mình rất thích đọc những bài chia sẻ của bạn, rất thực tế và ý nghĩa

Chắc phải 80% stress của mình đến từ công việc.

Cảm ơn những chia sẻ rất ý nghĩa của chị!