Mình đã rèn luyện tính kiên trì - bền bỉ như thế nào?

  1. Kỹ năng mềm

Mình thường được khen là người kiên trì, bền bỉ và nghiêm túc!!!.Uhm, cũng có thể vì mình đã duy trì được việc tập thể dục đều đặn 60 phút mỗi ngày trong suốt hơn một năm qua, kiên trì tạo lập thói quen đi ngủ sớmvà dậy sớm hàng ngày, kiên trì khổ luyện âm Ơ trong tiếng Anh gần 5 tuần để có thể đọc đúng, kiên trì chăm sóc da mặt để có làn da khoẻ đẹp… Như vậy mình đã có thể được coi là người kiên trì? Nếu hiểu kiên trì là sự kiên định thực hiện một hành động nào đó được lặp đi lặp lại nhiều lần từng bước một, không nản chí, không bỏ cuộc và quyết tâm đi đến cùng thì mình tự nhận mình là người kiên trì.

Có lẽ nhiều bạn sẽ hỏi làm sao mình có thể kiên trì? Làm thế nào để rèn luyện sự kiên trì? Vì sao nhiều người không thể kiên trì được?...Mình nhận thấy kiên trì đúng là một yếu tố, phẩm chất cần có nếu bạn thực sự muốn đạt được một điều gì có trong công việc và cuộc sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này. Có nhiều người nhận thức rất rõ sự cần thiết của lòng kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại nhưng khi bước vào hành động dễ bị rơi vào trạng thái “đầu voi đuôi chuột”, khi gặp khó khăn, thử thách dễ nản chí, bỏ cuộc. Thế nên sự kiên trì luôn cần được rèn luyện, đòi hỏi bạn cần có ý chí sắt đá để vượt qua những cám dỗ, thử thách, chướng ngại vật trên cuộc hành trình mà bạn đang đi. Để rèn luyện được tính cách này mình chia sẻ với các bạn một số bí quyết/kinh nghiệm của mình nhé.

Đầu tiên bạn cần xây dựng cho mình quan điểm, nhìn nhận về sự thành công. Mình thường thích đọc, kết nối, quan sát hay lắng nghe câu chuyện chia sẻ của những người thành công, người giỏi, người mà mình ngưỡng mộ kể về quá trình học tập, lao động, cống hiến của họ: sự lăn lội vượt qua khó khăn, thử thách như thế nào, những bài học, kinh nghiệm…Qua đó mình nhận thấy tất cả những người thành công họ đều đã phải kiên trì và nỗ lực như thế nào. Trong nghề của mình, mình đã từng biết đến nhiều bậc tiền bối, các chuyên gia rất giỏi, có những công trình nghiên cứu chuyên sâu, để đời. Mình đã nhiều lần từng hỏi bí quyết của họ. Câu trả lời thật đơn giản “Chả có bí quyết gì cả ngoài việc đọc nhiều thì hiểu hoặc có thể là sự không hiểu, đọc chán thì nghỉ, hết chán thì lại đọc…Thế nên hơn nhau ở quả này thôi…” (TS. Nguyễn Thu Giang – một người mà mình rất ngưỡng mộ trong ngành truyền thông). Mình biết đến bạn Đào Thị Hằng – chủ thương hiệu Mắm Thuyền Nan và là một trong những người đang dạy tiếng Anh khá hay ở Việt Nam. Trong cuốn “Lên núi học tiếng Anh” Hằng từng chia sẻ để có thể nói và dạy tiếng Anh chuẩn như hiện nay Hằng đã mất đến 20 năm “vật lộn”, nỗ lực và ý chí mạnh mẽ như thế nào… Mình rút ra một điều là không có gì tự nhiên mà có, không có cái gì tự trên trời rơi xuống nếu bạn không nỗ lực, kiên trì. Do đó, nếu nhưbạn đang có ý nghĩ rằng vận may sẽ đến với mình, rồi một ngày nào đó mình sẽ giỏi,mình sẽ trở thành “siu nhân” mà không có sự nỗ lực thì không bao giờ có đâu nhé.

Làm thế nào để kiên trì, bền bỉ, không nản chí, bỏ cuộc?

Khi bước vào làm việc gì mình thường xác định rất rõ vì sao mình làm? Mục tiêu để làm gì? Xác định việc mình đang làm có ý nghĩa gì với mình? Kinh nghiệm của mình là nên ghi ra các lý do mình thực hiện điều này.Ví dụ khi quyết định đăng kí hành trình một năm học tiếng Anh mình đã ghi lại tất cả những lý do mình quyết tâm học tiếng Anh lần này, xác định những khó khăn, trở ngại có thể gặp phải, những tính xấu cần khắc phục để không bỏ cuộc (tất cả được ghi lại trong “Nhật ký học tiếng Anh 2020” của mình). Mỗi khi mệt mỏi, nản chí mình lại mở ra xem và nghĩ đến câu hỏi “Vì sao mình bắt đầu?” như một cách để lấy lại tinh thần và quyết tâm đi tiếp. Ngoài ra, khi bước vào làm việc gì mình thường hình thành cho mình tâm thế thoải mái, việc mình làm có thể được, không được (có thể do hên xui) là hết sức bình thường. Mình không học được cái này thì học được cái khác (tư duy tích cực), thua keo này ta bày keo khác, mọi thứ là vô thường (thế nên mình khá là AQ và lạc quan với mọi thứ đến với mình).

Quan sát nhiều người xung quanh, mình nhận thấy họ dễ nản chí hay bỏ cuộc do tâm lý nóng vội, mong sớm có kết quả. Khi làm mãi không được, không nhìn thấy kết quả là dễ buông xuôi, bỏ cuộc. Bạn nên nhớ “dục tất bất đạt”, không có cái gì là dễ dàng theo kiểu “một đập ăn quan”, là có kết quả ngay được. Mọi kết quả đều đến từ sự tích luỹ (kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm, kỹ năng…) từng bước một để đến một ngày bạn nhận ra mình đã tiến bộ vượt bậc như thế nào trong nhận thức, tư duy, hành động so với chính bạn của ngày hôm qua. Đó đã là một sự thành công rất đáng tự hào về chính bản thân mình rồi. Mình thường động viên các bạn trong nhóm học tiếng Anh mỗi khi tinh thần của ai đó down xuống là chúng ta hãy nhìn lại mình cách đây 2 tháng, từ âm lực còn yếu giờ đã có thể đọc to, rõ ràng; từ lúc còn u, ơ, i, é ì, ú ì, ó ì…vậy mà giờ đã có thể đọc từ, đọc câu lại còn diễn tả được cả ngữ điệu theo thông điệp người nói nữa chứ…

Ngoài ra, những người hay bỏ cuộc thường hay thoả hiệp với bản thân, không chiến thắng, vượt qua được chính mình, theo đuổi sự hoàn hảo, đặt cái Tôi quá cao khiến những bước tiến trong công việc ít được nhìn thấy dễ nảy sinh tâm lý chán nản và dần buông xuôi. Trong nhiều việc và nhất là trong việc học mình luôn quan niệm chậm nhưng mà chắc còn hơn là nhanh mà ẩu. Thế nên làm việc gì mình thường nghiên cứu rất kỹ, chi tiết, nghiêm túc và tìm phương pháp thực hiện sao cho đúng, phù hợp với bản thân. Mình xác định việc học là cho chính mình, mình học được, sử dụng được kiến thức đó vào cho công việc và cuộc sống của mình chứ không phải là cuộc chạy đua với ai cả. Tuy nhiên, điều này có hạn chế là bạn sẽ đi sau, đi lâu và nhiều khi không bắt kịp được với các deadline hay yêu cầu đòi hỏi của công việc, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Niềm tin cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự kiên trì, bền bỉ. Hãy tin vào bản thân! Cách bạn nghĩ, cách bạn làm sẽ quyết định đến kết quả mà bạn đạt được. Nếu ngay từ đầu bạn đã nghĩ rằng: “Làm sao mà mình làm được”, “Mình không làm được đâu”, “Tôi không làm được”, “Tôi sợ là…”…chỉ như vậy thôi là bạn đã nhụt chí và đương nhiên thất bại là điều không tránh khỏi. Thế cho nên đầu tiên là các bạn phải tin rằng mình “sẽ làm được” nếu mình quyết tâm, cố gắng, nỗ lực…Nếu bạn có tư duy tích cực, sự tự tin ở bản thân “Tôi tin, tôi có thể…” là bạn đã vượt qua nỗi sợ hãi, chiến thắng được chính mình rồi đấy.

Tin vào hoa thơm trái ngọt, kết quả sẽ đạt được sau những ngày học tập, làm việc nghiêm túc, nỗ lực. Thay bằng việc tưởng tượng về những điều không tốt sẽ xảy ra bằng những cảm xúc tiêu cực, bạn hãy tưởng tượng và hình dung về một “viễn cảnh huy hoàng”, về những điều tốt đẹp sẽ đến nếu bạn làm. Đó sẽ trở thành nguồn động lực mạnh mẽ thúc đẩy bạn cố gắng, kiên trì, nỗ lực, bền bỉ tiến lên mỗi ngày. Ví dụ bạn hãy hình dung sau vài tháng học tiếng Anh bạn có thể nghe, đọc được tiếng Anh (không còn “mù chữ” như trước nữa), tự tin thuyết trình một bài chia sẻ bằng tiếng Anh trước nhiều người một cách đầy tự tin. Tất cả sẽ cùng trầm trồ kinh ngạc về khả năng tiếng Anh của bạn, lắng nghe bạn, nuốt từng lời bạn nói và kết thúc bài thuyết trình là những tràng pháo tay không ngớt tiếp thêm năng lượng cho bạn…Hi hi!

Một yếu tố cũng cực quan trọng nữa là cần có đội nhóm để duy trì sự kiên trì. “Muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì đi cùng nhau”, không ai có thể “là một, là riêng, là thứ nhất” nên dù làm gì và ở đâu bạn luôn cần có bạn bè, đội nhóm (peer group) – nơi bạn sẽ gặp gỡ nhiều người có tư duy tích cực, lối sống năng động, lành mạnh và cùng chí hướng. Họ chính là những người sẽ luôn đồng hành với bạn, truyền cảm hứng cho bạn, chia sẻ với bạn những thông tin hữu ích, bạn sẽ có thêm nhiều mối quan hệ và những cuộc gặp online, offline cực kỳ thú vị. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ở chính bạn, ở sự kiên trì, nỗ lực tự thân (đội nhóm chỉ hỗ trợ, động viên, khích lệ bạn).

Điều cuối cùng mình muốn nói là kiên trì là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công trong công việc và cuộc sống. Nhưng kiên trì không có nghĩa là bạn cứ cắm đầu cắm cổ làm mà cần có sự học hỏi, lắng nghe, phân chia, đặt mục tiêu trong từng giai đoạn, luôn có sự do lường để điều chỉnh phương pháp, con đường đi đúng. Và kiên trì, nỗ lực không có nghĩa là lúc nào cũng gồng mình, buộc mình phải làm. Nếu mệt bạn có thể nghỉ ngơi, thư giãn, tự thưởng cho bản thân những giờ phút relax để tái tạo năng lượng duy trì sự kiên trì, bền bỉ nhé.

Chúc các bạn thành công nha!

Từ khóa: 

kiên trì bền bỉ

,

kỹ năng mềm

,

kỹ năng mềm

em là người cực kỳ thiếu sự kiên nhẫn mà k biết rèn luyện bản thân thế nào. Đọc bài viết của chị em có thêm hướng đi cho mình, cám ơn chị rất nhiều ạ.

Trả lời

em là người cực kỳ thiếu sự kiên nhẫn mà k biết rèn luyện bản thân thế nào. Đọc bài viết của chị em có thêm hướng đi cho mình, cám ơn chị rất nhiều ạ.