Mình đã nói không với trầm cảm sau sinh như thế nào?

  1. Tâm lý học

Stress hay trầm cảm sau sinh là hiện tượng tâm lý mà mình nghĩ rằng đã là một người phụ nữ và có trải qua việc sinh nở, thì không ít thì nhiều sau đó cũng sẽ phải trải qua. Về mặt khoa học mà nói, thì trầm cảm được xem là một bệnh do rối loạn cảm xúc, và có liên quan đến nội tiết tố trong cơ thể, nên phụ nữ sau sinh dễ bị "tấn công" hơn những người khác. Còn về mặt xã hội hay tinh thần con người, thì mình cho rằng, trầm cảm sẽ không chừa bất cứ một ai, chỉ là nó sẽ có xu hướng "tấn công" vào những người có tâm lý yếu, dễ bị tổn thương, hay suy nghĩ và hành động bằng cảm xúc,... hơn mà thôi.

tramcam

Trầm cảm sau sinh rất đáng sợ. Ảnh: Internet

Cá nhân mình đã trải qua 2 lần sinh nở, lại rất gần nhau: 2 năm 2 đứa. Khó khăn chất chồng khó khăn, khi sau khi sinh, không có sự hỗ trợ từ bất cứ 1 ai kể cả nội, ngoại và người thân. Người lạ thì mình không có nhu cầu tìm kiếm vì không tin tưởng và cũng không thực sự muốn tìm kiếm. Chỉ có 2 vợ chồng, với 2 đứa con. Các bạn đừng quan tâm đến việc làm thế nào tụi mình đã biết khổ như vậy mà vẫn để xuất hiện đứa con thứ 2 (:D), chỉ cần chú tâm vào việc tụi mình đã "chống chọi" với 2 giặc ấy như thế nào, sau đó.

Thời gian đầu, mình đã vô cùng bế tắc. Lúc có đứa đầu tiên, thực sự mọi việc chưa có gì khó khăn. Chỉ khi có sự xuất hiện của đứa thứ 2, khi đứa đầu tiên chỉ vừa tròn 5 tháng vài ngày, thì cái viễn cảnh "đêm trường tăm tối" của mình sau đó mới bắt đầu, từ từ diễn ra, trong âm thầm lặng lẽ. :D Người ta bảo, có bầu ngay khi còn đang cho con bú thì phải cai sữa ngay, nhưng mình đã không cai sữa cho đứa thứ nhất, vì nghĩ rằng em ấy vẫn còn "có quyền" được hưởng nguồn sữa mẹ ấm áp và bổ dưỡng. Nhưng rồi những cơn nghén hành hạ mà vốn dĩ đứa đầu tiên mình chưa có cơ hội được nếm trải, cộng với việc ăn uống cẩu thả vì không có ai ngoài chồng hỗ trợ việc đi chợ và nấu ăn, mà phần thì phải cho bú, phần thì phải nuôi dưỡng bào thai bên trong bụng, nên cơ thể mình ngày càng suy nhược, sụt cân, người cứ lờ đờ đến gió thổi cũng bay. Thêm nữa, lúc sinh đứa thứ 2 thì đứa thứ nhất ở nhà (lúc này may mắn có bà ngoại vào trông cho) bị sốt do sởi, khiến tâm trí mình lúc đó chỉ muốn bỏ trốn khỏi bệnh viện mà về nhà ngay. Thành ra, tâm lý của mình hoàn toàn không thoải mái.

Tuy nhiên, rất may là mình đã không phải đối diện với căn bệnh trầm cảm khó ưa kia, mặc dù sau đó, bà ngoại trở về quê "bỏ" mình và chồng mình vật vã với 2 đứa. :D

Mình đã nói không với trầm cảm sau sinh như thế nào?

Thực ra rất đơn giản. Mình có thể liệt kê ra một vài "kinh nghiệm" của bản thân như sau:

  1. Mình là một JOMO điển hình

Sau khi đọc bài viết Bạn thuốc tuýp nào, FOMO hay JOMO? của bạn Nguyễn Minh Nhật, thì mình rút ra được rằng mình là 1 JOMO! Có thể hơi không liên quan về bản chất hay gì đó, nhưng 1 JOMO với những biểu hiện biết hài lòng với hiện trạng của bản thân như: biết mình đã bị thiếu và bỏ lỡ 1 hay nhiều cái gì đó là chuyện thường tình mà không hề có chút lo lắng hay bất an, nếu có thì cũng có những hành động phù hợp để thích nghi; không chạy theo xu hướng, không có nhu cầu ganh đua hay so sánh với bất cứ ai; hiểu rõ về bản thân cũng như thường cập nhật những thông tin về giáo dục cảm xúc; biết ơn với những gì mình đang có; biết đề ra những nguyên tắc, giới hạn cho bản thân,... thì mình nghĩ rằng, mình không thấy việc đối mặt với 2 đứa trẻ là một chuyện gì quá to tát. Do đó, từ điển cá nhân của mình đã không phải viết thêm vào từ "trầm cảm" :)

2. Hai đứa trẻ nhà mình "trộm vía" rất ngoan

Ông trời nhiều khi rất công bằng. Ổng đã đưa đến cho mình 2 đứa con trai cận nhau như thế, lấy đi của mình bao nhiêu sự hỗ trợ từ người thân như thế, nhưng cũng biết "phù hộ độ trì" cho hai đứa sự ngoan ngoãn và biết hợp tác. :D Có thể nói, đứa lớn nhà mình rất... biết điều, tuy vẫn bám mẹ và khóc nhè nhưng những lúc mẹ bên em bé thì em cũng không mè nheo. Chỉ khi mẹ đặt em bé xuống giường rồi thì em mới khóc rống lên :)) Cơ bản là mình cũng không chịu áp lực nặng nề lắm về việc phải luôn tay luôn chân một lúc phải đèo bòng cả 2 đứa. Hết đứa này thì qua đứa kia, đơn giản vậy thôi. :D Với cả mình cũng có tinh thần hơi thép một chút, không hiểu sao sinh đứa thứ 2 xong thì mình lại chẳng hề cảm thấy muốn ngủ nghỉ dưỡng sức như đứa đầu tiên. Thêm vào đó, em bé mới sinh cũng ngủ ngoan, trộm vía bú no xong là ngủ, không khóc dạ đề, tuyệt đối không gây khó khăn khi ngủ. Thành ra, mình không bị tiếng khóc của hai bạn làm cho vò đầu bứt tai hay suy kiệt tinh thần. Chưa kể, sau khi sinh đứa thứ 2 được tầm 2 tháng là đến Tết Nguyên đán, mình đã "vác" cả 2 đứa về quê ngoại ẩn thân kết hợp tìm kiếm sự chở che về tinh thần cũng như nâng đỡ về mặt thể xác :)), nên cũng không quá mức đến độ phải viết vào từ điển cá nhân từ "trầm cảm". :D

3. Chồng mình là một người biết chia sẻ và cảm thông

Xét một cách toàn diện, chồng mình là một vị cứu tinh. Chăm lo cho mình mọi mặt từ lúc vào viện cho đến lúc ra viện. Chỉ duy nhất 1 vài điều chồng mình không làm được là... bế em bé (khi chưa cứng cáp), cho em bé bú và dỗ em bé nín khóc, còn lại thì chồng mình cân tất. Như đi chợ nấu ăn; làm mọi cách có thể để mình có sữa đáp ứng cả mặt chất lượng và cả số lượng; đi làm kiếm tiền; cố gắng trong khả năng không để bất cứ vấn đề tiêu cực nào ảnh hưởng đến mình; không đòi hỏi hay yêu cầu mình bất cứ điều gì và để mình toàn quyền với 2 em bé (chỉ góp ý khi em bé có vấn đề về sức khỏe hay hỏi han lúc cần thiết);... Nhìn chung về cơ bản chồng mình rất ok, không gây áp lực lên mình. Tất nhiên cũng có những lúc hai vợ chồng bất đồng ý kiến, nhưng không đáng kể lắm.

Thành ra, mình cũng thoải mái về tinh thần.

4. Mình MUA SÁCH, MUA SÁCH và MUA SÁCH! :)

mua sach

Sách đã xoa dịu mọi cơn buồn bực của mình! Ảnh: Internet

Mình đã tìm niềm vui trong việc mua sách các bạn ạ. Tất nhiên là mua sách online. Rất nhiều bà mẹ sau khi sinh rất quan tâm và lo lắng về vấn đề nhan sắc, nhưng mình lại không - thực sự không - quan trọng lắm vấn đề này. Mình không quan tâm mình đang xấu đi hay sẽ xấu đi (mặc dù điều này đã xảy ra :D). Mình chỉ biết là mình thích mua sách. RẤT THÍCH. Mặc dù không đọc ngay. Và hành động mua sách (rất nhiều sách) trong quá trình chăm 2 đứa con của mình đã khiến mình giải tỏa mọi cơn buồn bực cũng như những cảm xúc tiêu cực vô tình thoáng qua. Đương nhiên là mình không mua sách một cách vô tội vạ, mà mình sẽ mua những cuốn có nội dung phù hợp với sở thích của mình, cũng như dựa trên các tiêu chí về tác giả, người dịch, NXB,... Nói chung là nhờ mua sách, mình đã vượt qua những lúc tinh thần bị bối rối, bế tắc, hay những lúc muốn bỏ tất cả qua một bên mà nằm xãi lai ra đó để đọc sách, tận hưởng cuộc sống.

Tóm lại, là mình đã nói không với trầm cảm sau sinh là nhờ mình MAY MẮN đó! Hihi. Và đương nhiên, là do mình đã suy nghĩ tích cực trong mọi tình huống nữa. :)

Từ khóa: 

trầm cảm sau sinh

,

bệnh trầm cảm

,

nghệ thuật trầm cảm

,

tâm lý học

Đọc bài của chị xong thì nhận ra sinh xong phụ nữ có trầm cảm hay không là nhờ người sát bên cạnh mình có thông cảm và giúp đỡ hay không. Trong những thời điểm đó mà không có ai bên cạnh, xong chồng cũng không support, bên cạnh giúp đỡ thì các mẹ trầm cảm là dễ hiểu. Em cũng biết có người sinh con xong không những không được chồng giúp đỡ, mà mẹ chồng còn chì chiết gây khó dễ, đến mức phải ôm con trốn về quê khi đứa nhỏ mới được 1 tháng. Nghe là thấy sợ rồi.

Trả lời

Đọc bài của chị xong thì nhận ra sinh xong phụ nữ có trầm cảm hay không là nhờ người sát bên cạnh mình có thông cảm và giúp đỡ hay không. Trong những thời điểm đó mà không có ai bên cạnh, xong chồng cũng không support, bên cạnh giúp đỡ thì các mẹ trầm cảm là dễ hiểu. Em cũng biết có người sinh con xong không những không được chồng giúp đỡ, mà mẹ chồng còn chì chiết gây khó dễ, đến mức phải ôm con trốn về quê khi đứa nhỏ mới được 1 tháng. Nghe là thấy sợ rồi.