Me30 số 2 - Tìm hiểu luật, tuân thủ luật và tham gia vào hoạt động góp ý dự thảo luật.

  1. Kỹ năng mềm

Bên cạnh tài chính với mấy hiểu biết có vẻ khó nhằn về thuế má, ghi chép chi tiêu thì có một lĩnh vực mà chúng ta cũng hay né tránh là LUẬT. Từ những luật chúng ta hay gặp, hay đụng tới như Luật giao thông, Luật dân sự đến mấy luật tới lúc đi làm thể nào cũng dính tới như Luật lao động, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật bảo hiểm xã hội, ... chúng ta đều không biết và có thể dẫn đến hệ quả là:

  • Chúng ta chạy chọt, nhét phong bì đầu này đầu kia dù có đang phạm luật hay không và kết quả là chúng ta vi phạm luật với hành động chạy chọt này;
  • Chúng ta không biết được các quyền và các lợi ích mà hiển nhiên chúng ta được nhận;
  • Chúng ta sa vào trách móc đủ thứ, đủ bên từ trách nhà nước đến trách nhà tuyển dụng, rồi trách nhà trường, trách bản thân. Cứ hoài than trách mà chẳng làm gì.
  • Chúng ta không biết đòi hỏi các quyền lợi mà chúng ta cần được nhận đầy đủ;
  • Chúng ta không dám lên tiếng vì lúc nào cũng sợ mình sai, vì có biết luật đâu;
  • Chúng ta dung túng cho những hành động trái pháp luật; ...

Có thể có bạn sẽ bảo biết làm gì vì cũng có làm gì được đâu. Theo mình, nói vậy là ngay từ đầu đã từ chối quyền và từ chối luôn trách nhiệm với chính mình. Sẽ không nói đâu xa, bạn có nhu cầu tìm việc và mong muốn được nhận nhiều phúc lợi từ nhà tuyển dụng. Thế nhưng, bạn có biết các phúc lợi ấy đang được quy định ra sao trong Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, hay Luật Thuế thu nhập cá nhân? Bạn có biết rằng, khi nắm vững những Luật này, bạn sẽ có thể:

  • Tự tin trao đổi lương bổng, phúc lợi với nhà tuyển dụng và đỡ cảm giác "bị hớ";
  • Có thêm căn cứ để trao đổi về lương bổng và phúc lợi, và có thể có những yêu cầu hợp lý cho bản thân;
  • Có thể giúp cho nhà tuyển dụng có được những chính sách phúc lợi tốt hơn để vừa tốt cho họ và vừa tốt cho bạn;
  • Có thể tham gia góp ý, phản biện các dự thảo luật nếu nó động đến các quyền lợi của bạn. Ví dụ, nếu Luật bảo hiểm xã hội thay đổi có thể ảnh hưởng đến quyền lợi hưu trí, bệnh tật, thai sản, tử tuất của không chỉ bạn mà cả bố mẹ bạn nữa.

Bạn không đòi hỏi những quyền lợi này thì ai đòi hỏi giúp bạn đây?


Ở trên mới chỉ nói tới ứng dụng của những Luật gần với chúng ta, còn nhiều những Luật khác nữa tác động rất lớn đến đời sống chúng ta mà chúng ta ít để ý như Luật phòng chống tham nhũng, Luật an ninh mạng, hay kể cả Hiến pháp. Nếu ai cũng không biết luật và người biết luật chỉ là những người học và làm luật thôi thử nghĩ xem, chuyện gì có thể xảy ra?


Hiểu, tuân thủ, áp dụng luật và góp ý, phản biện dự thảo luật chính để chúng ta thực hiện các quyền công dân của mình, để tối ưu được các quyền lợi của mình, và cũng để thực hành nghĩa vụ của chúng ta với chính mình, với xã hội nói chung. Học luật càng sớm càng tốt bạn nhé. Mình thì đang bắt đầu với Hiến pháp và những luật liên quan đến công việc và đời sống trước, còn những luật khác, dần dần mình cũng sẽ tìm hiểu.

Từ khóa: 

luật pháp

,

phát triển bản thân

,

kỹ năng sống

,

luật lao động

,

thuế thu nhập cá nhân

,

kỹ năng mềm