Mâu thuẫn Mỹ-NATO?
kiến thức chung
Đức-Mỹ ngày càng mâu thuẫn về kinh tế và địa chiến lược.
Về mặt chính thức, các nước thành viên đã đạt được những đồng thuận tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vừa qua. Theo đó, các nước thành viên tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP và cho phép NATO tham gia với tư cách thành viên đầy đủ vào liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, thực chất những mâu thuẫn giữa các cường quốc của khối quân sự này, đặc biệt giữa Mỹ và Đức, đã ngày càng bộc lộ rõ. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thẳng thừng “trách mắng” các nhà lãnh đạo châu Âu khi tuyên bố rằng “23/28 quốc gia thành viên vẫn không chi trả đúng những gì các quốc gia này phải có nghĩa vụ đóng góp” và điều này thật sự không công bằng đối với Mỹ. Ông Trump cũng hối thúc các quốc gia này tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 2% GDP như đúng cam kết đã được đưa ra vào năm 2014, đồng thời kêu gọi các nước đồng minh NATO phải tăng cường cùng nhau chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố.
Ngay trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, Berlin đã tăng theo đúng dự kiến mức chi tiêu quốc phòng. Bà cho biết NATO tái khẳng định thỏa thuận đạt được năm 2014 về việc tăng chi tiêu quốc phòng nhưng không đi xa hơn. Rõ ràng, những tuyên bố trên của ông Trump trước hết là nhằm vào Berlin.
Ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Merkel đến Washington vào tháng 3/2017, trên trang Twitter, ông Trump viết “Nước Đức phải trả những khoản tiền lớn cho NATO và nước Mỹ phải được trả nhiều hơn cho việc bảo vệ mạnh mẽ và tốn kém mà nước này dành cho Đức”. Kể từ đó, những xung đột về kinh tế và địa chiến lược giữa Washington và Berlin ngày càng gia tăng. Trong bài phát biểu tại Riyadh, ông Trump đã đánh gia Iran là “quốc gia đỡ đầu lớn nhất cho chủ nghĩa khủng bố”. Tuy nhiên, Berlin không tìm kiếm cuộc chiến tranh với Iran mà ngược lại, chính thông qua mở cửa của Teheran nước Đức có thể tìm kiếm những hợp đồng mới về cung cấp năng lượng và xuất khẩu hàng hóa sang Iran. Berlin cũng phản đối sự đối đầu giữa Mỹ với Trung Quốc nhất là sau khi ông Trump lên nắm quyền, bởi Trung Quốc chính là nguồn lợi nhuận quan trọng đối với ngành công nghiệp xe hơi của Đức.
Ông Martin Schulz, cựu Chủ tịch Quốc hội châu Âu và là ứng cử viên chức thủ tướng của đảng Dân chủ xã hội (SPD), đã từng dự báo “cuộc tranh luận của NATO về chủ đề tăng 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng” đã bộc lộ “một khuynh hướng nguy hiểm”. Ông mong muốn chính sách quốc phòng của Đức là tăng cường lực lượng vũ trang cho quân đội Đức và châu Âu để có thể hành động độc lập với Mỹ.
Nội dung liên quan
Thảo Hương