Màu sắc của kinh nguyệt “nói” với bạn điều gì?

  1. Giới tính

Màu sắc của kinh nguyệt, chắc hẳn ai cũng sẽ nghĩ là màu đỏ. Trong các kỳ hành kinh của mình, các bạn nữ không ít lần “trải nghiệm” các màu sắc khác nhau của máu kinh. Vậy vì sao lại có những màu khác nhau ấy. Hãy cùng tìm hiểu nhé.
https://cdn.noron.vn/2022/09/05/mau-cua-mau-kinh-nguyet-1662384388.png

Vì sao máu kinh lại có nhiều màu?

Máu thay đổi màu sắc tùy thuộc vào thời gian nó tiếp xúc với oxy trong không khí. Hãy nhớ đến lúc bạn vô tình làm đứt tay của mình, máu đỏ chảy ra từ vết thương. Nếu bạn quấn băng và hôm sau kiểm tra, bạn sẽ thấy rằng máu đỏ đã chuyển sang màu nâu. Màu máu sẫm hơn vì nó đã phản ứng với oxy, và phần lớn nước trong máu đã bay hơi, tạo nên sắc tố đậm màu hơn.

Nội mạc tử cung hay còn gọi là lớp niêm mạc bên trong của tử cung, nơi trứng thụ tinh sẽ làm tổ và phát triển – được tạo thành từ các mô chứa nhiều mạch máu, đặc biệt có sự góp mặt của các động mạch xoắn. Điều này giúp trứng đã thụ tinh tiếp cận nhanh chóng và dễ dàng với nguồn cung cấp máu tươi (chứa nhiều chất dinh dưỡng và oxy), từ đó trứng có thể bắt đầu phát triển.

Ngay trước khi bạn có kinh, các động mạch xoắn chuyên biệt này co lại để hạn chế mất máu. Sau sự co thắt của các động mạch, nội mạc tử cung bắt đầu vỡ ra từng mảnh từ các lớp sâu hơn của tử cung. Nội mạc tử cung của bạn không tách rời tất cả cùng một lúc, đó là sự phân tách có kiểm soát, từ từ và cần thời gian để mô nội mạc tử cung đi xuống qua cổ tử cung và âm đạo. Máu ban đầu có thể có màu đỏ sẫm hoặc nâu, thậm chí đen vì mất nhiều thời gian để thoát ra khỏi cơ thể.

Khi mô bị vỡ ra, nó để lại các đầu đứt gãy của mạch máu và tiếp tục chảy máu. Đây là nơi xuất phát máu đỏ tươi trong kỳ kinh nguyệt. Cuối cùng các tiểu cầu (tham gia vào quá trình đông máu) được kích hoạt nhóm lại với nhau và tạo thành một nút để cầm máu, đưa kỳ hành kinh đến giai đoạn kết thúc. Khi máu chảy chậm lại vào cuối kỳ kinh, nó có thể có màu đỏ hoặc nâu sẫm hơn.

Màu của máu kinh nguyệt muốn “nói” với bạn điều gì?

Những gì diễn ra trong cơ thể bạn luôn có ý nghĩa về mặt sức khỏe, màu của máu kinh nguyệt cũng vậy. Chúng có thể cho biết bạn khỏe mạnh, bình thường hay có gì bất thường gì không. Thong thả mở mang, “lắng nghe” màu của máu kinh nguyệt muốn “nói” với bạn “câu chuyện” gì.

Máu kinh nguyệt màu đen, màu nâu sẫm, màu đỏ sẫm,

Vào đầu hoặc cuối kỳ kinh, máu có thể có màu đen, màu nâu sẫm, màu đỏ sẫm, ở dạng đặc quánh, nhưng vẫn có thể có màu đỏ tươi và lỏng hơn, điều này rất bình thường. Nếu bạn nhận thấy máu kinh màu nâu, màu đen, màu đỏ sẫm vào đầu hoặc cuối kỳ kinh, thì đó là do máu “cũ” hơn, cần nhiều thời gian để rời khỏi tử cung của bạn.

Chảy máu sau sinh

Chảy máu sau sinh cũng có màu đỏ sẫm hoặc màu nâu, nhưng điều này không có gì quá lo lắng, đây chỉ là cách cơ thể tống máu, mô dư thừa ra khỏi tử cung.

Chảy máu sau sinh thường bắt đầu với máu đỏ tươi, sau đó chuyển sang màu sẫm hơn khi lưu lượng máu giảm. Theo thời gian, dòng máu tiết ra sẽ nhạt hơn cả về màu sắc và số lượng.

Máu kinh nguyệt màu đỏ tươi

Kinh nguyệt thường ra nhiều vào ngày thứ hai hoặc thứ ba của kỳ hành kinh do niêm mạc tử cung bong ra nhanh hơn. Máu kinh nguyệt màu đỏ tươi là máu “mới”, không có thời gian để “sẫm màu” trước khi thoát ra khỏi cơ thể bạn.

Máu kinh nguyệt màu hồng

Là hiện tượng chảy máu có thể xảy ra ngoài kỳ hành kinh của bạn. Một số bạn bị ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, còn được gọi là chảy máu khi rụng trứng. Máu chảy trộn với dịch cổ tử cung nên có màu đỏ nhạt hoặc hơi hồng.

Sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố có thể làm giảm mức độ estrogen trong cơ thể, dẫn đến tình trạng kinh nguyệt ra ít hơn với màu hơi hồng.

Tiết dịch âm đạo có màu hồng, chảy dịch xảy ra bất thường (không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn) có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung và bạn cần thăm khám để đảm bảo sức khỏe chính mình. Ngoài ra còn một số nguyên nhân gây ra máu kinh màu hồng như: chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc cơ thể bị thiếu máu.

Máu kinh nguyệt màu cam

Màu cam, có lẽ là màu hiếm nhất và không phải là màu được nói đến nhiều. Cũng giống như máu có thể trộn với dịch cổ tử cung, có màu hồng, nếu bạn bị nhiễm trùng vùng kín, máu có thể trộn với dịch tiết và bạn nhìn thấy có màu cam.

Các bệnh nhiễm trùng có thể xảy ra như viêm âm đạo do vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục như chlamydia. Nếu bạn cũng nhận thấy dịch tiết có mùi hôi hoặc ngứa âm đạo cùng với máu kinh nguyệt màu cam, bạn nên gặp bác sĩ chia sẻ về các triệu chứng của mình để bảo vệ sức khỏe của mình.

Máu kinh nguyệt màu xám

Nếu bạn bị chảy máu, hoặc chảy dịch màu xám, đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Đối với phụ nữ mang thai nếu bạn bị chảy máu nhiều kèm theo các mảnh màu hơi xám, có thể là dấu hiệu của sẩy thai. Bạn rất nên đi khám để phát hiện những bất thường trong cơ thể sớm và được điều trị kịp thời.

Cục máu đông

Trong kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là gần cuối kỳ, bạn có thể nhận thấy cục máu đông ở máu kinh. Lý do là vì suốt kỳ kinh của bạn, protein fibrin sẽ kích hoạt các tiểu cầu trong máu kinh để làm đông máu. Kết quả là bạn có thể thấy các cục máu đông, đôi khi bạn còn thấy các sợi trắng ở cục máu đó, điều này không có gì phải lo lắng.

Điều đáng quan tâm là khi bạn thấy lượng cục máu đông nhiều bất thường, vì có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung, tử cung chèn ép các mạch máu.

Ý nghĩa của màu máu kinh nguyệt

Màu máu kinh nguyệt thường chưa được quan tâm nhiều thậm chí có những hiểu nhầm nghiêm trọng. Thông tin, kiến thức về kinh nguyệt rất cần thiết cho các bạn nữ để “lắng nghe, thấu hiểu” cơ thể một cách tốt nhất.

Những thay đổi về màu sắc của máu kinh không phải là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, hãy chú ý đến “dòng chảy” hàng tháng của bạn, những thay đổi về độ dài chu kỳ, cơn đau hoặc bất kỳ hiện tượng chảy máu nào bạn cảm thấy bất thường và lo lắng, để có những giải pháp điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe của mình. Bạn nhé.

Nguồn thông tin

Dựa trên bài viết của Clár McWeeney, 2019. Period blood color: brown, black, or dark. Hello Clue

Nguồn tham khảo

  1. Cunningham, F.G., Leveno, K.J., Bloom, S.L., Spong, C.Y. and Dashe, J.S., 2014. Williams obstetrics, 24e. New York, NY, USA: Mcgraw-hill.
  2. Dasharathy, S.S., Mumford, S.L., Pollack, A.Z., Perkins, N.J., Mattison, D.R., Wactawski-Wende, J. and Schisterman, E.F., 2012. Menstrual bleeding patterns among regularly menstruating women. American journal of epidemiology, 175(6), pp.536-545.
  3. Davies, J. and Kadir, R.A., 2012. Endometrial haemostasis and menstruation. Reviews in Endocrine and Metabolic Disorders, 13(4), pp.289-299.
  4. Garry, R., Hart, R., Karthigasu, K.A. and Burke, C., 2009. A re-appraisal of the morphological changes within the endometrium during menstruation: a hysteroscopic, histological and scanning electron microscopic study. Human Reproduction, 24(6), pp.1393-1401.
  5. Jones, R.E. and Lopez, K.H., 2013. Human reproductive biology. Academic Press
  6. Petignat, P. and Roy, M., 2007. Diagnosis and management of cervical cancer. Bmj, 335(7623), pp.765-768.

Nguồn ảnh: Thiết kế Canva 

Hiểu bản thân, yêu chính mình, tôn trọng đối phương và quan hệ lành mạnh

Đoan Thùy - Gioitinhtalk.com

Từ khóa: 

sức khỏe giới tính

,

sức khỏe tình dục

,

giới tính