Lý thuyết về “tiếng lóng” ?
kiến thức chung
1. Định nghĩa tiếng lóng
1. 1 Định nghĩa trong từ điển
- Tiếng lóng: Cách nói một ngôn ngữ riêng trong một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, cốt chỉ để cho trong nội bộ hiểu nhau mà thôi (Đại từ điển tiếng Việt, 1999)
- Li yu (lí ngữ): Những từ phương ngôn thô tục hoặc lưu hành hạn hẹp (Hiện đại Hán ngữ từ điển, 1998)
- Slang: Những từ, cụm từ rất thân mật, không nghi thức, thường dùng trong lời nói nhất là giữa những người cùng nhóm xã hội, làm việc cùng với nhau và không được coi là thích hợp cho những bối cảnh nghi thức và không được sử dụng lâu dài (Advanced learner’s English Dictionary, 1993)
- Slang: Từ ngữ lóng là những thông tin không chính thức, chúng có thể là những từ mới hoặc có thể là từ ngữ vốn có được dùng với nghĩa và văn cảnh mới (Oxford, Guide to British and American Culture, 1999)
1.2. Định nghĩa của các nhà nghiên cứu
- Tiếng lóng bao gồm các đơn vị từ vựng thuộc loại thứ hai trong các biệt ngữ tức là những tên gọi “chồng lên” trên những tên gọi chính thức (Đỗ Hữu Châu, 1981, tr.227) - Tiếng lóng là những từ ngữ được dùng hạn chế về mặt xã hội, tức là những từ ngữ không phải toàn dân sử dụng mà chỉ một tầng lớp xã hội nào đó sử dụng mà thôi (Nguyễn Thiện Giáp, 1985, tr.288-289)
- Tiếng lóng là loại ngôn ngữ chỉ cốt nói cho một nhóm người biết mà thôi, những người khác không thể biết được. Vì mục đích của biệt ngữ và tiếng lóng là che đậy việc làm không cho ngoài nhóm khác biết, cho nên tất cả những từ gì có thể khiến người ta phỏng đoán được nội dung của công việc đều bị thay thế nhất trong đám người làm những nghề bất lương, bị xã hội ngăn cấm như bọn cờ bạc bịp, bọn ăn cắp, bọn buôn lậu (Hoàng Thị Châu, 1989, tr.56)
- Tiếng lóng là một thứ tiếng ước lễ có tính chất bí mật, một lối kín của bọn nhà nghề dùng để giấu những ý nghĩ, việc làm của mình cho người khác khỏi biết. Nó thường có trong những hạng người làm nghề bất lương, tầng lớp lưu manh hoặc tầng lớp con buôn trong xã hội còn có giai cấp (Lưu Vân Lăng, 1960, tr.75)
- Tiếng lóng là ngôn ngữ riêng của nhóm xã hội hoặc nghề nghiệp có tổ chức gồm các yếu tố của một hoặc một số các ngôn ngữ tự nhiên đã được chọn lọc và biến đổi đi nhằm tạo sự cách biệt ngôn ngữ với những người không liên đới. Khác biệt ngữ, tiếng lóng có nghĩa xấu. Thông thường, tiếng lóng được sử dụng nhằm mục đích che giấu đối tượng giao tiếp, đồng thời là phương tiện tách biệt của 1 nhóm người ra khỏi phần còn lại của xã hội (Đái Xuân Ninh – Nguyễn Đức Dân – Nguyễn Quang – Vương Toàn, 1986, tr. 277)
→ Về quan điểm của nhóm, nhóm kết hợp 2 quan điểm của Nguyễn Thiện Giáp và Đỗ Hữu Châu : “Tiếng lóng là những từ được hình thành trên cơ sở của vốn từ toàn dân, dùng hạn chế về mặt xã hội, tức là những từ ngữ không phải toàn dân sử dụng mà chỉ một tầng lớp xã hội nào đó sử dụng mà thôi”. Định nghĩa này vẫn giữ được nét chung khi định nghĩa tiếng lóng của một số tác giả “tiếng lóng là loại ngôn ngữ chỉ cốt nói cho một nhóm người biết mà thôi, những người khác không thể biết được”, cũng như khắc phục được “tính cập nhật” của một số quan điểm tác giả khác khi cho rằng “tiếng lóng có nghĩa xấu”, đối tượng hay sử dụng là “trong đám người làm những nghề bất lương, bị xã hội ngăn cấm như bọn cờ bạc bịp, bọn ăn cắp, bọn buôn lậu” nhưng hiện nay có những tiếng lóng không mang nghĩa xấu cũng như đối tượng sử dụng được mở rộng hơn.
2. Đặc điểm của tiếng lóng
Tiếng lóng thay đổi thường xuyên, phụ thuộc vào 2 nhân tố:
- Sự thay đổi của môi trường, hoàn cảnh xã hội và tầng lớp sản sinh ra nó.
- Bản chất của tiếng lóng là muốn bí mật, che giấu mục đích nào đó nên khi các bí mật bị phát hiện thì cơ sở tồn tại của tiếng lóng cũng bị mất.
3. Cấu tạo tiếng lóng: tiếng lóng thường được cấu tạo như sau:
- Số lớn là dùng từ ngữ toàn dân với nghĩa khác. VD: Đổ “bằng lòng”, cưa “Tán gái”
- Sử dụng những từ không độc lập, trong ngôn ngữ toàn dân nghĩa của chúng bị lu mờ. VD: nhẩu “nhanh”, nghếch “ngốc” …
- Dùng các từ Hán Việt sử dụng hạn chế trong ngôn ngữ toàn dân. VD: Bách “trăm”, thiên “nghìn” …
- Biến đổi vỏ ngữ âm của các từ toàn dân VD: xế “xe” …
- Mượn từ nước ngoài. VD: phe “buôn bán”, sin “tiền” …
- Phục hồi 1 số tiếng lóng cũ. VD: mồng “gái điếm” …
Nội dung liên quan
Nội dung sắp xếp theo thời gian
Ngô Thu Hiền