Luật sư Lê Ngọc Lam Điền: người giữ hơi ấm chốn pháp đình
Luật sư Lê Ngọc Lam Điền là Trưởng văn phòng luật sư Li và Đồng sự. Chị cũng được bạn đọc trên Báo điện tử Dân trí (dantri.com.vn) biết đến trong vai trò luật sư của tờ báo này.
Hai mươi năm tuổi nghề
Nhìn lại hành trình trở thành một luật sư của chị Lam Điền, bạn đọc có thể nhận thấy nghề đã chọn chị, nhưng chị cũng có duyên gắn bó với nghề.
Sau khi Tốt nghiệp khoa tiếng Trung, Đại học Sư Phạm TPHCM, chị Lam Điền chuyển sang học tiếp và tốt nghiệp khoa Luật học, Đại học Luật TPHCM. Trong quá trình công tác, chị tiếp tục tích lũy kinh nghiệm thực tế, đồng thời hoàn thành chương trình đào tạo để trở thành Thạc sĩ Luật học.
Nhớ lại quãng thời gian bén duyên với nghề, Chị Lam Điền chia sẻ:
Thật ra bằng Đại học đầu tiên của mình là Kỹ sư hóa công nghệ thực phẩm bạn ạ và mình không hợp với nó. Mình học chuyên Văn từ bé, nhưng khi vào Lê Hồng Phong, xu hướng mọi người đều thi khối A.
Sau khi tốt nghiệp, mình đã thi lại vào Đại học Sư Phạm khoa Trung, vì đó là ngôn ngữ mà mình thành thạo và giúp mình nghiên cứu Hán nôm tốt hơn. Vào làm ở một văn phòng luật sư thì việc đi học Luật là việc tất nhiên và nghề đã chọn mình như thế. Mình vẫn đi dạy Trung văn ở trung tâm ngoại ngữ của trường Đại học Khoa học Tự nhiên đến 2005 đấy chứ.
Ước mơ thời bé dại của mình là làm cô giáo dạy Văn. Rồi mình học Đại học Sư phạm, đi dạy. Rồi cũng vì nhiều lý do mình rời bục giảng, ngày quyết định bước hẳn sang nghề khác, mình đã buồn suốt cả năm sau đó.
Sau này có dịp được mời giảng ở chính ngôi trường cũ, tất nhiên không phải tiếng Trung ngày nào, mình đi dọc dãy hành lang ngày xưa nghe lòng bâng khuâng, nhớ những ngày thơ ngây đầy nhiệt huyết ấy biết bao...
Nếu được quay về, nếu được chọn lựa lại, mình chắc sẽ chọn bục giảng chứ không phải chốn pháp đình lạnh lẽo.
Thời gian thấm thoắt trôi qua, đã hai mươi năm kể từ ngày đầu tiên chị Lam Điền bước chân vào làm việc tại văn phòng luật sư. Giờ đây, chị đã trở thành thành viên Ban Giám Khảo các kỳ thi lấy chứng chỉ hành nghề cho các luật sư tập sự.
Chị Lam Điền còn là Trưởng văn phòng Luật sư Li và Đồng sự, được đông đảo bạn đọc biết tới trong vai trò Luật sư cho báo Dân trí.
Nhưng có lẽ, điều khiến chị tự hào và hạnh phúc nhất, là chị đã thỏa niềm mong ước theo nghề sư phạm năm nào, khi được mời giảng dạy các chuyên đề liên quan đến ngành luật cho các tân sinh viên và sinh viên năm cuối của các trường thành viên thuộc Đại học Quốc Gia.
Luật sư cần có cái đầu lạnh và trái tim nóng
Luật sư là người bảo vệ lẽ phải, nhưng họ cũng là những con người. Đứng trước sai lầm của những con người khác, họ sẽ không tránh khỏi những phút chạnh lòng, thương cảm. Chị Lam Điền gửi đến các thành viên của Mạng hỏi đáp Việt Noron hai mẩu chuyện ngắn dưới đây- từ trải nghiệm thực của chị nơi Tòa án, để bạn đọc cùng cảm nhận:
Hôm nay Tòa xử cha
Buổi sáng 27 Tết ở Tòa án êm dịu và lặng lẽ, dường như đó là một thế giới khác, khác hẳn với không khí rộn ràng cuống quýt ngoài kia, nơi mà bên kia dòng kinh Tàu Hủ tàu ghe chở hoa ngược xuôi lên xuống, chợ búa náo nhiệt đông vui, người người đang tất bật tay xách nách mang háo hức quay về quê nhà đoàn tụ gia đình….
Trước giờ tòa xử, phạm nhân tay chưa tháo còng, quýnh quáng vội vàng ôm lấy đứa con gái bé nhỏ, nước mắt cha nước mắt con quyện vội vào nhau trong cái dụi đầu của con bé con vào má người cha, cái níu tay chới với của đứa con trai chưa kịp ấm tay cha đã vội buông nhanh trong tiếng nhắc nhở nghiêm khắc của anh công an dẫn phạm.
Hôm nay Tòa xử cha.
Hai đứa bé ăn mặc sạch sẽ, mặt mũi sáng sủa và rất lễ phép, dù biết nội quy của tòa án là không được cho trẻ con vào dự, nhưng biết làm sao đây, đã mấy tháng rồi kể từ ngày cha bị bắt giam, chúng nó đã không được gặp cha. Mẹ thì đã bỏ chúng từ lâu. Tôi xin phép các anh công an cho cha con họ được ôm nhau một chút. Thoáng ngần ngừ rồi các anh quay đi, hai đứa bé lao vào ôm cha, tiếng người cha nấc lên nghẹn ngào, tôi chỉ nghe thấy tiếng anh hực lên trong lồng ngực. Tôi quay đi, chạm vào ánh mắt thông cảm của anh công an dẫn giải, chúng tôi cũng thấy nghẹn lòng.
Buổi xử kéo dài, nhiều tình tiết cần làm rõ, nhiều tình huống khó chịu từ phía bị hại đưa ra. Tôi biết thân chủ của tôi phạm tội, nhưng tôi không thấy sự côn đồ trong con người anh, tôi chỉ thấy một người cha, một người đàn ông cô đơn nuôi dạy hai đứa con chít chiu kể từ ngày vợ bỏ, và sự cô đơn đã đưa anh đến với một phụ nữ không xứng đáng, để rồi hôm nay anh phải đứng trước vành móng ngựa bởi nguyên nhân đến từ chính người phụ nữ này.
Buổi xử đã không có một bản án hay hình phạt nào đưa ra. Vị thẩm phán chủ tọa đã ngừng phiên tòa. Có thể với ai đó thì là nợ nần còn để qua năm, nhưng với tôi, tôi lại thấy nhẹ nhõm dù biết khó khăn chồng chất khó khăn. Tôi không muốn hai đứa bé con tha thẩn ngoài cửa phòng xử án kia phải nghe tòa tuyên cha chúng phải thụ án bao lâu, và tôi thật lòng không muốn nghe tuyên một bản án nào trong buổi sáng cuối năm này.
Xe chở phạm nhân đã chạy về hướng Bà Lài trong ánh mắt ngơ ngác trông theo của bọn trẻ…
Bên kia giòng kinh Tàu Hủ, Tết đã thực sự đến và dường như đã bước qua cái gia đình nheo nhóc kia, với bà mẹ già chỉ có thể lết mà không thể đi, với hai đứa trẻ bơ vơ và người chị gái thương em chạy theo tất bật để giúi gửi em đòn bánh tét….
Tôi ứa nước mắt.
Ai có lỗi?
Sáng nay tôi bào chữa cho một bị cáo chưa thành niên phạm tội. Vụ án có cái tên rất kêu: "Trộm cắp tài sản" và em lĩnh án tù giam 5 tháng cho tội lấy cắp 7.500.000 đồng. Vâng, bảy triệu năm trăm ngàn đồng.
Có thể số tiền này chưa mua được một cái túi xách hàng hiệu, một đôi giày xinh, hoặc không đủ để trả cho một chầu nhậu, một bữa liên hoan nhẹ. Nhưng nó lại là một số tiền lớn đối với em và gia đình, là số tiền oan nghiệt khiến em vướng vòng lao lý.... Đến đây, hẳn đám đông sẽ nói ngay là ăn cắp dù một đồng cũng xấu! Vâng, ăn cắp là xấu xa, khi ta lấy đi tài sản hay công sức của người khác. Nhưng trong vụ án này, em bị chủ cho nghỉ việc và thông báo không có lương hay thưởng gì cho em, dù em đã làm 1 năm, dù khi vào làm, chủ có hứa thưởng cho em 1 tháng lương nếu em làm đủ 1 năm. Và em đã lấy cắp tiền, đúng bằng với số tiền em tự tính toán là lương + thưởng!!! Em bị truy tố và xét xử tội trộm cắp tài sản, ở 2 cấp xét xử đều xử em 5 tháng tù giam.
Về pháp luật, đúng người đúng tội. Tôi không thấy Tòa án xử sai chỗ nào đối với em, là luật sư, tôi phải công nhận rằng em đã phạm tội và mức án em nhận là không oan, pháp luật công minh.
Nhưng ở góc độ khác, tôi lại băn khoăn vì suy nghĩ đơn giản đến đáng thương của đám trẻ con kia. Chúng không được biết rằng không thể "thay trời hành đạo" và không thể tự xử để đòi công bằng cho mình như vậy. Nếu vào những năm 45, khẩu hiệu "Lấy của nhà giàu chia cho người nghèo" được xem như một kim chỉ nam để hành động, thì bây giờ, áp dụng tư tưởng này thì sẽ phạm tội hình sự chứ chẳng đùa.
Vậy thì, ai có lỗi trong chuyện mà đám trẻ không hề biết tí gì về cái gọi là pháp luật cơ bản? Giá mà nhà trường hay xã hội bớt đi vài tiết học cao siêu để dạy các em về pháp luật, giá như cái loa phóng thanh ra rả mỗi sáng thay vì đọc các tin gà vịt thì hãy nói đơn giản rằng lấy tiền của người khác là phạm tội. Giá mà truyền thông bớt đưa tin ầm ĩ về các scandal tình tiền của người nổi tiếng để có một mục nhỏ giáo dục về pháp luật cho mọi người. Và giá mà các em được giáo dục rằng làm người lương thiện còn cao quý hơn rất nhiều so với làm ca sĩ nổi tiếng hay là người có địa vị cao sang....
Tôi chỉ ước giá mà thời gian quay trở lại, tôi sẽ cầm tay em dắt đến người chủ cửa hàng để nói với họ rằng họ sẽ bị kiện do vi phạm Luật lao động. Giá mà tôi có thể có mặt trong thời gian đó với em để nói rằng: Bé ơi, con đừng làm Lục Vân Tiên, đừng nhé....
Xót xa và hoảng sợ, vì các đứa trẻ nghèo nghỉ học giữa chừng kia, rồi ngày mai sẽ lớn...
Nhiều năm làm nghề, dù ngày ngày mài dũa lý trí sắc sảo nhưng chị Lam Điền dường như chưa bao giờ để trái tim mình nguội lạnh. Để kết lại bài viết, xin được trích dẫn lại tâm tư với nghề của chị:
Mình cho rằng mình có xu hướng thiên về giáo dục, và khi bước vào con đường trở thành một luật sư chuyên nghiệp, mình vẫn nghĩ việc tuyên truyền kiến thức pháp luật cho người dân là cần thiết, là quan trọng. Trở thành một luật sư đã khó, làm một luật sư tử tế còn khó hơn, và lời nhắc từ tâm rằng mình là một giáo viên, sẽ giúp rất nhiều cho mình giữ được tâm trong sạch và hướng thiện khi hành nghề.
Luật sư Lê Ngọc Lam Điền sẽ tham gia tư vấn trong Sự kiện Hỏi - đáp Chuyên gia trên Noron - Mạng hỏi đáp Việt từ ngày 10.04.2022 đến ngày 20.04.2022.
*Bài viết có tham khảo & trích dẫn tư liệu do Chuyên gia cung cấp.