Luật An Ninh Mạng - Hiểu thế nào? Tranh cãi ra sao? Rèn luyện tư duy phản biện.
Ảnh: toptincongnghe.com
Vậy nên để tránh dài dòng, tôi sẽ diễn đạt bằng cách chọn một góc nhìn cụ thể, sau đó trả lời một số câu hỏi (mà tôi cho là) từ tổng quan đến chi tiết về Luật An Ninh Mạng. Chốt lại, đối tượng (khán giả) mà tôi hướng đến trong bài viết này là các “thường dân” (như tôi và đa các bạn ở đây), mục đích là giúp chúng ta có những kiến thức cơ bản về Luật An Ninh Mạng, từ đó có cái nhìn khách quan về luật. Đồng thời là nêu và giải thích một số tranh luận phổ biến của cộng đồng xung quanh bộ luật gây khá nhiều tranh cãi này.
Đầu tiên, Luật An Ninh Mạng (ANM) là gì?
Tổng quan thì đây là một bộ luật thuộc lĩnh vực Quốc Phòng & An Ninh, do Bộ Công An (BCA) soạn thảo, được Quốc Hội thông qua vào kỳ họp thứ 5 - khóa XIV.
(Theo nguồn duthaoonline.quochoi.vn) Luật An Ninh Mạng được ban hành bao gồm 7 chương với 43 điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh Quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên Internet; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Như vậy mỗi cá nhân, tổ chức, cơ quan đều có trách nhiệm trong việc thực hiện quy định này, nôm na là:
- Với các cá nhân (hoặc cơ quan, tổ chức sử dụng Internet), đây tạm hiểu đây là một bộ “quy tắc ứng xử trên internet”.
- Với các doanh nghiệp (chủ thể cung cấp thiết bị số, dịch vụ mạng, ứng dụng mạng trong và ngoài nước), đây được hiểu là trách nhiệm bảo vệ an ninh mạng, bằng các hành động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng.
- Với các Bộ, Ban ngành (bao gồm: Bộ Công An, Bộ Quốc Phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, và các bộ, ngành, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), đây là trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an ninh mạng.
Tiếp theo, thế nào là “Quy tắc ứng xử trên internet”?
Nôm na được hiểu là, khi bạn tham gia vào một Group (nhóm) Facebook nào đó chẳng hạn, bạn sẽ phải tuân thủ theo nội quy của Group đấy, khi này môi trường của group đấy được xem là một cộng đồng thu nhỏ, bao gồm các thành viên sinh hoạt với nhau. Mở rộng ra, đối với cá nhân hoặc tổ chức sử dụng internet, thì luật An Ninh Mạng đóng vai trò là một “nội quy” quy định chuẩn mực và nguyên tắc ứng xử của xã hội trên môi trường Internet. Như vậy, từng hành vi của các cá nhân, tổ chức sử dụng Internet đều được giám sát để đảm bảo không vi phạm những điều sau:
Nghĩa là về bản chất, những quy định này không mới, vì nó đã được quy định trong các bộ luật khác rồi, thay vì trước khi chỉ áp dụng cho cuộc sống thực, thì bây giờ đã có văn bản pháp luật quy định cụ thể trên Internet.
Sau đây là một chút về quan điểm cá nhân về luật ANM:
Hiện tại, tôi chưa khẳng định ngay là ủng hộ hay không ủng hộ bộ luật này. Quan điểm cá nhân của tôi là: Dù muốn hay không thì Luật An Ninh Mạng chắc chắn là nó một xu thế mà Việt Nam phải theo đuổi. Không phải vì đã có 138 nước khác cũng ban hành những bộ luật tương tự, mà vì Việt Nam đã thực sự bước vào thời đại “Kỷ nguyên số”. Theo VOV.vn trích lời ông Ravi Kant - Thứ trưởng bộ Truyền thông Ấn Độ phát biểu tại triển lãm công nghệ thông tin Ấn Độ - ASEAN 2018: Công nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin và điện tử đang trở thành ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam, với tổng doanh thu của 40.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này năm 2017 lên tới 110 tỷ USD, tương đương 1/2 tổng quy mô cả nền kinh tế. Và đương nhiên, với Quốc gia nào cũng vậy, muốn phát triển kinh tế thì đầu tiên phải đảm bảo và giữ vững trật tự an ninh, như vậy muốn phát triển nền kinh tế số thì tôi không có lý do gì để phản đối luật An Ninh Mạng cả.
Vậy điều gì gây tranh cãi xung quanh luật An Ninh Mạng?
Tại đây, tôi sẽ liệt kê ra một số chủ đề mà tôi thấy nhiều người đang thảo luận và cả tranh cãi rất gay gắt (kèm theo đó là một chút quan điểm cá nhân)
1. Tại khoản 3, điều 26, quy định dữ liệu thông tin người dùng phải được lưu trữ ở Việt Nam bao gồm thông tin cá nhân: họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, nghề nghiệp, chức danh, nơi cư trú, địa chỉ liên lệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, mã số định danh cá nhân, số căn cước công dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng, tình trạng sức khỏe, hồ sơ y tế, sinh trắc học; Dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra, gồm: thông tin chọn tải lên, đồng bộ hoặc nhập từ các thiết bị; Dữ liệu về mối quan hệ người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, gồm: bạn bè, nhóm mà người sử dụng kết nối hoặc tương tác. Và tất cả dữ liệu này được cung cấp cho Bộ Công An khi có yêu cầu bằng văn bản để điều tra xử lý vi phạm luật An Ninh Mạng (quy định tại mục c, khoản 2, điều 26)Tranh cãi phổ biến xung quanh quy định này là liệu như thế có phải là hành động “Quốc hữu hóa thông tin người dùng không?”, và thứ được mang ra so sánh nhiều nhất với điều luật này là GDPR của EU.
Theo tôi, đây căn bản là quy định với mục đích bóc bỏ tính ẩn danh trên internet của người dùng. Và nếu thực sự việc thu thập dữ liệu chỉ với mục đích là để “đảm bảo an ninh, trật tự” trên Internet thôi, thì tôi ủng hộ. Chỉ sợ rằng nếu không quản lý chặt chẽ sẽ sinh ra “lạm quyền”, và nếu lạm quyền xảy ra thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Đồng thời có nhiều ý kiến lo lắng khi cho rằng các mạng xã hội lớn như Facebook hay Google sẽ “bỏ đi” vì quy định bắt buộc phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Theo tôi, điều này rất khó xảy ra, vì quy định này không phải là một yêu cầu quá khó, và về bản chất khi bất cứ doanh nghiệp có ý định hoạt động kinh doanh lâu dài ở Quốc gia sở tại nào đó thì cũng nên có văn phòng đại diện là tốt nhất, tôi thấy rất nhiều trường hợp các đối tác của Facebook ở Việt Nam mỗi khi có khúc mắc thì phải liên lạc hoặc bay sang tận Singapore để giải quyết - như vậy không hợp lý và thật sự phiền phức. Việc bắt buộc đặt trụ sở, hay ít nhất là văn phòng đại diện tại Việt Nam là hợp lý, tốt cho cả Quốc phòng an ninh, và tốt cho cả người dùng và tối tác của Facebook tại Việt Nam.
2. Một số khác nghi ngờ về khả năng, năng lực đáp ứng cơ sở hạ tầng và kỹ thuật của phía Việt Nam trong việc sao chép và lưu trữ dữ liệu người dùng từ các doanh nghiệp cung cấp.
Như chúng ta biết, dữ liệu người dùng bây giờ được xem như một loại tài sản, và thuộc dạng tài sản có giá trị. Facebook (FB) hay Google (GG) đang nắm một lượng rất lớn dữ liệu này của người dùng Việt Nam, và dữ liệu đó đương nhiên cũng bị rất nhiều đối thủ cạnh tranh của họ “nhòm ngó”. Câu hỏi đặt ra là nếu, FB và GG chấp hành luật ANM thì năng lực, cũng như cơ sở hạ tầng lưu trữ dữ liệu của VN có tương đồng với họ để đảm bảo tính an toàn cho nguồn dữ liệu đó hay không? Vì trong trường hợp xấu nhất, doanh nghiệp sẽ là phía chịu nhiều thiệt thòi đầu tiên, sau đó là đến người dùng.
Câu hỏi này tôi không bình luận thêm (vì không có kiến thức), phải trông chờ ý kiến từ chuyên gia thôi.
3. Vấn đề mà tôi bắt gặp nhiều người tranh cãi nhất là việc Bộ Công An (BCA) có toàn quyền thẩm định và yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên internet xóa bỏ bất cứ nội dung nào vi phạm quy định (như video phía trên).
Thông tin phía trên là đúng, nhưng chưa đủ. Chính xác, đây là điều luật được quy định tại mục a, khoản 4, điều 11 về việc BCA sẽ có lực lượng chuyên trách để thẩm định nội dung, nhưng việc xác định vi phạm phải dựa vào các quy định pháp luật (bao gồm: Luật An ninh quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan). Nghĩa là về bản chất, các quy định này đã có từ trước, lực lượng chuyên trách của BCA chỉ có nhiệm vụ thực thi nó trên môi trường Internet. Nghĩa là đối với mỗi cá nhân (người dân), việc tuân thủ pháp luật và các chuẩn mực xã hội bây giờ sẽ phải áp dụng trên cả Internet.
Một số các nghi vấn được đặt ra tại đây xoay quanh việc cơ chế quản lý nhà nước để tránh “lạm quyền”, nghĩa là phải phải có quy định tường minh để phân loại các ý kiến trái chiều: về việc đâu là góp ý thẳng thắn - đâu là đả kích cá nhân; đâu là những ý kiến xây dựng - đâu là những tuyên truyền chống phá;... chỉ khi có những tiêu chí rõ ràng, tường minh về những vấn đề này thì các quyết định đưa ra mới mang tính khách quan, từ đó xây dựng cơ chế lắng nghe, đóng góp từ người dân, tránh cái bẫy “độc tài” - kéo lùi sự phát triển của xã hội.
----------
Như vậy, về căn bản tôi không phản đối luật An Ninh Mạng, nhưng vấn đề tôi quan tâm là các Bộ, Cơ quan, Ban ngành thực hiện nó như thế nào?! Và trong quá trình thực hiện thì có cơ chế tối ưu hóa nó ra sao?!
Đây là ý kiến cá nhân của tôi, không biết các bạn ở đây có suy nghĩ như thế nào?
luật an ninh mạng
,an ninh mạng
,cập nhật kiến thức
,khai dân trí
,an ninh mạng
,luật pháp
Luật thì khá nghiêm nhưng thi hành luật thì...
Nguyễn Việt Anh
Luật thì khá nghiêm nhưng thi hành luật thì...