Luân lý học: Cuốn sách rung chuyển thế giới của tôi

  1. Sách

  2. Thinking Hub

  3. Triết học

Lưu ý: Các khái niệm then chốt được nhắc tới trong bài như Phẩm hạnh, Tương giao, Tiết chế,… sẽ được làm rõ hơn trong cuốn sách Luân lý học

Thế giới của những cuốn sách thật là sâu sắc và kì diệu. Thật tuyệt khi những cuốn sách được viết từ nhiều thế kỷ trước vẫn có thể rọi lên một tia sáng trong tâm trí hiện đại của chúng ta. C.S. Lewis đã từng nói, “Một quy tắc tốt sau khi đọc một cuốn sách mới là không bao giờ cho phép mình đọc một cuốn sách mới khác cho đến khi bạn đọc một cuốn sách cũ xen giữa hai cuốn sách mới đó”. Gần đây, chúng tôi đã yêu cầu nhóm viết của chúng tôi đánh giá xem cuốn sách nào, không được xuất bản trong thế kỷ trước, có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cuộc đời họ. Đây là bài đầu tiên trong loạt bài đó.

Hôm nay, Cha Damian Ference nghiên cứu cách mà Aristotle để lại ấn tượng lâu dài trên cái nhìn của ông đối với Phẩm Hạnh, Tương Giao và chính chức linh mục của mình.

Khi lần đầu tiên những người bạn ở Word On Fire đề nghị tôi viết một bài luận về một cuốn sách trên một trăm năm tuổi ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của tôi, ban đầu tôi nghĩ đến Confessions của Augustine. Tuy nhiên, tôi đoán rằng Confessions sẽ đứng đầu trong danh sách của hầu hết mọi người, vì vậy tôi đã dành thời gian suy nghĩ nghiêm túc về cuộc đời mình và những cuốn sách đã ảnh hưởng đến nó. Hầu hết các tiểu thuyết ghi dấu trong cuộc đời tôi đều được viết vào thế kỷ trước, vì vậy Flannery O’Connor, Graham Greene và John Kennedy Toole đều bị loại. Thế là, tôi bắt đầu suy nghĩ về các lớp học tôi dạy ở đây tại chủng viện và về những cuốn sách tôi thích đọc nhất với các chủng sinh của tôi. Tôi cũng bắt đầu suy nghĩ về cách tôi nhìn thế giới, con người và hành động của con người nói chung. Sau đó, mọi sự trở nên rõ ràng. Cuốn sách hơn một trăm năm tuổi có ảnh hưởng lớn nhất đến tôi là

Luân Lý Học
của Aristotle.

https://cdn.noron.vn/2021/10/14/100749201354565-1634186768_1024.jpg

Bây giờ trước khi bạn chạy ra mua một cuốn của Luân lý học của Aristotle, có một vài điều mà bạn cần biết. Đầu tiên, đây không phải là một cuốn sách dễ đọc. Các học giả tin rằng Luân lý học về cơ bản là một tập hợp các ghi chú khi nghe giảng viết bởi các sinh viên của Aristotle, hiện được chia thành mười Quyển ngắn, vì vậy, nói về văn phong, tác phẩm Cộng hòa (Republic) của Plato, được viết dưới dạng đối thoại, đọc sẽ thú vị hơn. Thứ hai, chỉ đọc và nghiên cứu Luân lý học (Nicomachean’ Ethics – đặt theo tên của Nicomachus, tên của bố Aristotle và con trai ông) không thể khiến bạn trở nên tốt đẹp hay đạo đức hơn. Theo Aristotle, và không giống như người thầy Plato của ông, chỉ biết về điều tốt thôi là chưa đủ để làm cho chúng ta tốt; mà chúng ta cần phải hành động. Thứ ba, tốt nhất là bạn nên đọc Luân lý học với một người bạn, hoặc một nhóm bạn, đặc biệt là khi một trong số họ đã đọc hết cuốn sách này từ trước. Nói cách khác, nội dung sách rất phong phú, nhưng có một ai đó hướng dẫn bạn xuyên suốt cuốn sách, điều mà chúng ta sẽ sớm thấy, là một nguyên tắc rất Aristotle.

Aristotle mở đầu khảo luận của mình bằng cách tuyên bố rằng tất cả mọi người hành động vì những gì họ nghĩ sẽ khiến họ hạnh phúc. Khó có thể tranh luận về luận điểm này. Bất kể đưa ra lựa chọn gì trong cuộc sống, tất cả chúng ta đều muốn được hạnh phúc, và tất cả chúng ta đều đưa ra lựa chọn dựa trên nguyên tắc này. Một vị thánh sẽ chọn một cuộc sống từ thiện, hy sinh, phục vụ người nghèo, khiết tịnh và hào phóng vì ngài ấy muốn được hạnh phúc và tin rằng những hành động như vậy sẽ mang đến hạnh phúc. (Nói về các vị thánh khi thảo luận về một cuốn sách được viết bốn trăm năm trước khi Chúa Ki-tô ra đời là một việc khó khăn vì người ta phải ở mức độ tự nhiên, nhưng hy vọng các bạn hiểu ý tôi.) Người nghiện heroin, mặt khác, có thể lựa chọn ăn cắp, nói dối, gian lận, và liên tục chích thuốc vào tay anh ta, bởi vì, ở một mức độ nào đó, anh tin rằng hành động như vậy sẽ khiến anh hạnh phúc. Vì vậy, mặc dù tất cả chúng ta hành động vì những gì chúng ta nghĩ sẽ làm cho chúng ta hạnh phúc, Aristotle lập luận rằng chỉ có một loại đời sống thực sự sẽ mang lại hạnh phúc. Và đời sống đó là đời sống có phẩm hạnh.

Vậy theo Aristotle, Phẩm Hạnh là gì? Phẩm Hạnh là một thói quen ưu tú được rèn luyện về một cái gì đó. Hãy nghĩ về bất kỳ hoạt động nào của con người và nghĩ về một người ưu tú trong hoạt động đó, đó chính là Phẩm Hạnh, ít nhất là trong lĩnh vực đó. Ví dụ, tôi sống ở Cleveland. LeBron James được cho là cầu thủ bóng rổ giỏi nhất thế giới. Anh ta là một hình mẫu của phẩm hạnh về bóng rổ. Bạn muốn hình dung môn bóng rổ trông ra sao khi chơi ở cấp độ cao nhất? Hãy xem LeBron James. Một cầu thủ bóng rổ giỏi chơi bóng rổ rất cừ, một nông dân giỏi làm nông tốt, một họa sĩ giỏi vẽ đẹp, một ca sĩ giỏi hát hay, v.v… Cũng vậy, lưu ý rằng khi hiểu được việc giỏi một nghề là như thế nào, Aristotle muốn chúng ta trải nghiệm các ví dụ thực tế; ông không bằng lòng với các lý thuyết trừu tượng. Người ta không học bơi hay đi xe đạp tốt nhất bằng cách đọc sách về bơi hoặc đạp xe; họ học hiệu quả nhất bằng cách thực sự xuống nước hoặc nhảy lên một chiếc xe đạp và thực sự thực hiện hoạt động. Sách và một số hướng dẫn trong lớp học có thể giúp ích, nhưng chỉ khi nào bắt tay vào làm, người ta mới học được tốt nhất. Hãy suy nghĩ một chút về cách trẻ em học. Chúng quan sát và sau đó làm. Đôi khi, chúng thậm chí không nhận ra tất cả những ảnh hưởng xung quanh mình, đó là lý do tại sao việc của bố mẹ là đảm bảo con cái họ được bao quanh bởi những tấm gương tốt và được bảo vệ khỏi những tấm gương xấu.

Trọng tâm của Luân lý học là vấn đề định nghĩa xem một người ưu tú (hay Phẩm Hạnh) có những đặc điểm gì. Chúng ta biết một giáo viên ưu tú, hoặc một vận động viên bóng chuyền ưu tú, hoặc một nhiếp ảnh gia ưu tú có những đặc điểm gì, nhưng còn một con người ưu tú thì sao? Aristotle lập luận rằng một con người ưu tú là một người có phẩm hạnh, đó là một người biết điều tốt, muốn điều tốt và hành động vì điều tốt. Người có phẩm hạnh hành động đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ, đúng lý do và đúng người. Người phẩm hạnh là thứ mà Aristotle gọi là spoudaios, hay người ưu tú, trở thành hình mẫu cho phần còn lại của chúng ta.

Vậy người ưu tú làm điều gì mẫu mực? Người ưu tú biết điều gì là tốt và đúng và lựa chọn nó trên cơ sở nhất quán, tránh hoạt động không phù hợp với phẩm hạnh và thích hành động một cách có phẩm hạnh. Câu chuyện về Goldilocks và Ba Chú Gấu thực sự là một câu chuyện nhỏ ý nghĩa về phẩm hạnh đạo đức, luôn luôn nằm ở vị trí Trung Đạo, giữa sự thiếu hụt và sự dư thừa. Goldilocks (Trung Đạo vàng) là người tránh những gì quá nóng hoặc quá lạnh, quá lớn hoặc quá nhỏ, quá mềm hoặc quá cứng, để trở nên “đúng đắn” hoặc phẩm hạnh. Nói cách khác, Goldilocks có khả năng nhận biết điều gì là tốt và lựa chọn nó. (Vâng, tôi công nhận rằng việc vào nhà ngay từ đầu mà không được phép là không có phẩm hạnh, nhưng đó không phải là trọng tâm.) Người phẩm hạnh, sau đó, sẽ không ăn quá nhiều hoặc quá ít, sẽ không ngủ quá nhiều hoặc quá ít, sẽ không nói quá nhiều hoặc quá ít, sẽ không tập thể dục quá nhiều hoặc quá ít. Người phẩm hạnh biết phải làm gì trong mọi tình huống và làm điều đó. Aristotle phân tích rất cụ thể về các phẩm hạnh căn bản (cardinal virtue) của Ki-tô giáo – sự can đảm, ôn hòa, công chính và thận trọng – nhưng tôi không có điều kiện để bàn về tất cả trong khuôn khổ bài viết này.

Có lẽ một trong những phần hay nhất của Luân lý học là cách Aristotle phân tích bốn loại nhân vật cơ bản của con người trong Quyển VII: Phẩm Hạnh, Tự Chủ, Thiếu Tự Chủ và Đồi Bại. Tôi thường dạy các chủng sinh của mình về các loại đức tính này theo những ví dụ sau: Người Phẩm Hạnh biết rằng văn hóa phẩm khiêu dâm là xấu, anh ta không muốn xem, và không xem chúng. Người Tự Chủ biết rằng văn hóa phẩm khiêu dâm là xấu, anh ta có một sự thèm muốn xem, nhưng anh ta quyết không xem chúng. (Lưu ý mâu thuẫn giữa hiểu biết và thèm muốn ở người tự chủ.) Người Thiếu Tự Chủ biết rằng văn hóa phẩm khiêu dâm là xấu, thèm muốn được xem và xem chúng. Cuối cùng, người Đồi Bại nghĩ rằng văn hóa phẩm khiêu dâm là tốt, thèm muốn được xem và xem chúng. Những gì Aristotle trình bày ở đây thật đúng đắn. Hầu hết chúng ta hoặc tự chủ hoặc thiếu tự chủ, nhưng trong sâu thẳm chúng ta đều khát khao trở nên phẩm hạnh.

Hai Quyển yêu thích của tôi trong Luân lý học là những Quyển mà Aristotle đề cập đến Tương Giao, đó là Quyển VIII và IX. Aristotle tin rằng bạn bè tiết lộ nhiều điều về tính cách của bạn. Hãy cho tôi xem bạn bè của bạn và tôi sẽ chỉ ra bạn thuộc loại người nào. Một lần nữa, ông lại chính xác. Khi tôi phỏng vấn tuyển sinh cho chủng viện, tôi đã dành rất nhiều thời gian để hỏi về bạn bè của họ, bởi vì tôi có thể hiểu rất nhiều về một chủng sinh tiềm năng qua những gì cậu ta nói với tôi về bạn bè của cậu. Aristotle nghĩ rằng có ba loại Tương Giao cơ bản: Tương Giao dựa trên vui thú, Tương Giao dựa trên lợi ích và Tương Giao đích thực. Ông lập luận rằng một người bạn đích thực yêu mến đối phương không phải vì những gì người kia có thể làm, hay những vui thú đến từ việc dành thời gian cho người kia, mà một người bạn đích thực yêu mến đối phương vì chính người ấy. Theo Aristotle, Tương Giao đích thực rất khó tìm. Hãy quên đi hàng trăm hoặc hàng ngàn bạn bè trên Facebook hoặc những người theo dõi Instagram mà bạn đang có; nếu bạn có ba hoặc bốn người bạn thực sự, hãy xem như bạn là người may mắn. Cuối cùng, Aristotle đưa ra một số quan sát kịp thời trong phẩn khảo luận về Tương Giao của ổng. Ông lưu ý rằng những người thực sự tốt tận hưởng thời gian bên bạn bè của họ nhưng cũng tận hưởng thời gian sống đơn độc, trong khi những người không thể chịu được cô đơn thì cũng không thể là những người bạn tốt, vì họ thậm chí còn không yêu mến chính bản thân họ.

Ở phần cuối của Luân lý học, Aristotle cho rằng cuộc đời tốt đẹp nhất, cuộc đời phẩm hạnh nhất là cuộc đời chiêm nghiệm, cuộc đời suy tư triết học. Tất nhiên, là Kitô hữu, chúng ta cũng sẽ nói rằng cuộc đời tốt đẹp nhất là cuộc đời suy niệm. Nhưng chúng ta không thể trở nên con người suy niệm chỉ sau một đêm. Cuộc đời tốt đẹp bao gồm một ham muốn mãnh liệu làm điều tốt, tiết chế, những hình mẫu tốt đẹp, và rất nhiều nỗ lực từ phía chúng ta. Chúng ta cũng cần những tấm gương tốt về phẩm hạnh trong cuộc sống để cho chúng ta thấy phẩm hạnh có những đặc điểm gì, và chúng ta cần những người bạn tốt để hỗ trợ và đồng hành với chúng ta trên hành trình ấy. (Tất nhiên, tất cả chúng ta cũng cần ân sủng, vì chúng ta không thể tự cứu rỗi chính mình. Nhưng Aristotle là một người ngoại đạo, vì vậy ông không biết được sự thật đó, nên chúng ta không thể đổ lỗi cho ông được.)

Trong những năm qua, Aristotle đã trở thành một người bạn tốt của tôi, và cuốn Luân lý học của ông đã giúp tôi trở thành một người tốt hơn, và, tôi hy vọng, trở thành một môn đệ tốt hơn và một linh mục tốt hơn. Nếu bạn đã đọc các bài tiểu luận của tôi hoặc bạn đã từng nghe tôi giảng hoặc dạy học, thì bạn có lẽ đã hiểu được ảnh hưởng của ông đối với tôi. (Về vấn đề này, tôi cũng giống với Thomas Aquinas!) Có lẽ Aristotle cũng có thể trở thành một người bạn của các bạn, và việc đọc khảo luận nổi tiếng nhất của ông là một điểm khởi đầu không tồi cho tình bạn đó. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!

Fr. Damian Ference

Nguồn:

Blog on Fire

Dịch bởi The Angry Fox

Từ khóa: 

sách

,

sách

,

thinking hub

,

triết học

Aristotle có phải là thầy của Alexander Đại Đế không nhỉ?

Trả lời

Aristotle có phải là thầy của Alexander Đại Đế không nhỉ?