Lựa chọn từ XƯNG HÔ trong giao tiếp
Có thể nói, giao tiếp là một hoạt động cơ bản và cần thiết, một trong những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống con người, gắn liền với sự tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Chúng ta không thể sống mà không giao tiếp bởi “con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội” (Mac).
Tuy nhiên, để giao tiếp trở thành cầu nối giữa con người với con người, phát huy tối đa vai trò của nó chúng ta cần tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực giao tiếp như lịch sự, lễ phép, đúng mục, đúng vai giao tiếp, đúng hoàn cảnh và tuân theo những ước định, chế định của xã hội và có tính khuôn mẫu trong văn hóa. Trong đó, xưng hô được coi là điểm khởi đầu cho một quá trình giao tiếp. Nếu ngay từ đầu bạn xưng hô đúng bạn sẽ có được ấn tượng tốt với người giao tiếp với mình, đem lại hiệu quả nhất định cho cuộc giao tiếp (tạo sự thân mật, kéo gần khoảng cách giao tiếp). Ngược lại nếu bạn xưng hô sai sẽ khiến cho người giao tiếp với bạn cảm thấy không hài lòng và như vậy dù bạn giao tiếp có tốt như thế nào trong toàn bộ quá trình giao tiếp cũng sẽ giảm đi những thiện cảm nhất định từ phía đối phương.
Ngoài ra, theo lý thuyết giao tiếp, một hoạt động đối thoại chỉ thực hiện được một cách có hiệu quả khi các đối tượng tham gia giao tiếp đã thực hiện đúng vai giao tiếp của mình. Do vậy, xưng hô đúng, thích hợp: tạo sự thân mật và đạt hiệu quả giao tiếp; thể hiện trình độ văn hoá của người tham gia giao tiếp. Vậy làm thế nào để có thể lựa chọn từ xưng hô đúng trong giao tiếp?
Có một bạn đã từng hỏi mình “Là nhân viên mới đi làm, trong ngày đầu tiên đến công sở em sẽ phải xưng hô như thế nào với sếp của mình? (Gọi theo chức vụ: sếp/trưởng phòng/lãnh đạo…hay gọi bằng các danh từ họ hàng như gọi bác/chú xưng cháu hay xưng hô anh – em cho trẻ trung). Sẽ thật là khó để đưa ra một lời khuyên cụ thể cho bạn nên xưng hô như thế nào. Bởi trên thực tế không có tính thuần nhất về cách sử dụng từ xưng hô trong giao tiếp mà luôn có sự chuyển hóa năng động tùy theo vị thế giao tiếp, hoàn cảnh đối tượng giao tiếp và đôi khi còn tùy thuộc vào thái độ chủ quan của người nói khi thực hiện các chiến lược giao tiếp khác nhau. Bởi xưng hô luôn có tính linh hoạt, uyển chuyển, năng động, không cứng nhắc, dập khuôn theo một mô thức có sẵn. Vì vậy, trong mỗi tình huống, hoàn cảnh giao tiếp khác nhau bạn phải là người tinh tế, nhanh trí và biết lựa cho mình một cách xưng hô thích hợp. Ở đây mình chỉ đưa ra một số lưu ý cho bạn khi lựa chọn từ ngữ xưng hô trên cơ sở những nét đặc trưng trong văn hóa, thói quen giao tiếp ứng xử của người Việt.
Hệ thống từ xưng hô của người Việt
Trước hết bạn cần biết được hệ thống các từ xưng hô thường được sử dụng trong giao tiếp của người Việt cũng như đặc điểm của chúng.
Có thể nói, hệ thống từ ngữ xưng hô trong tiếng Việt rất phong phú, đa dạng và có phần phức tạp.Trong khi các ngôn ngữ khác chỉ sử dụng các đại từ nhân xưng là chủ yếu như tiếng Anh ta biết đến 6 đại từ nhân xưng tương ứng với 3 ngôi: I, we – tôi (ngôi 1), you (ngôi 2)She, he, it, they (ngôi 3) thì trong Tiếng Việt có rất nhiều từ xưng hô khác nhau:
Thứ nhất, người Việt có thể dùng đại từ nhân xưng để xưng hô. Tuy nhiên, đại từ nhân xưng của người Việt lại mang nhiều sắc thái ý nghĩa biểu cảm. Ví dụ cùng là chỉ ngôi thứ nhất bạn có thể lựa chọn nhiều từ xưng hô khác nhau: tôi, tao, tớ, mày, mình, ta, ông…(tiếng Anh ngôi 1 số ít chỉ có từ I) hay ở ngôi số nhiều: chúng tôi, chúng tao, chúng tớ, chúng mình, chúng ta, bọn ông…(tiếng Anh chỉ có từ We)
Thứ hai, khi xưng hô người Việt hay dùng các danh từ chỉ quan hệ họ hàng: anh, chị - em, ông, bà, chú, bác, cô…Với truyền thống văn hóa trọng cộng đồng, trọng tình người Việt thường sử dụng hệ thống từ xưng hô này khá nhiều trong giao tiếp nhằm tạo được sự thân mật, gần gũi và kéo gần khoảng cách với đối tượng giao tiếp, tạo sự tương đồng trong giao tiếp.
Ngoài ra, chúng ta có thể dùng các danh từ chỉ nghề nghiệp, chức vụ để xưng hô như: thầy, cô, bác sĩ, đồng chí, sếp, thủ trưởng…dùng tên riêng hoặc gọi chức vụ đi kèm với tên: Dạ thưa giáo sư Châu, thưa thầy An…
Một số lưu ý khi lựa chọn từ xưng hô:
Để có thể lựa chọn từ xưng hô đúng, bạn cần biết những yếu tố tác động đến việc lựa chọn từ xưng hô: quan hệ vị thế (có thể do địa vị, tuổi tác, giới tính tạo nên), quan hệ thân hữu/quan hệ liên nhân cách (mối quan hệ giữa bạn với người giao tiếp: gần gũi/thân mật hay khoảng cách), hoàn cảnh giao tiếp, thái độ của người tham gia giao tiếp. Một người có thể sắm nhiều vai trong những hoàn cảnh khác nhau.
Ví dụ: Cùng là một cặp đối thoại lúc ở trường học thì người này gọi người kia là thầy xưng em, nhưng khi về nhà lại gọi là bố - con (khi thầy là bố/cha của con); cùng là hai người nam nữ: lúc nhỏ gọi là tao – mày, lớn là cậu – tớ, lấy nhau gọi là anh – em, nhà nó, có con gọi là mẹ nó – bố nó, có cháu gọi là ông nó – bà nó…(không gian, thời gian giao tiếp khác nhau); cùng là vợ chồng khi thân mật, yêu thương gọi nhau là anh – em, mình – em nhưng khi mâu thuẫn xảy ra có thể là ông/bà – tôi và khi đỉnh điểm của sự xung đột có thể là mày – tao…(thái độ của người giao tiếp). Và chắc hẳn nhiều bạn vẫn nhớ đoạn trích “Tức nước vỡ bờ” trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố khi đối đáp với người nhà lý trưởng: “- Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho!...- Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ…- Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!”
Ở đây sẽ luôn có sự chuyển hóa năng động tùy theo vị thế giao tiếp và thái độ chủ quan của người nói khi thực hiện các chiến lược giao tiếp khác nhau. Vì vậy, muốn xưng hô đúng phải nắm được các mối quan hệ quy chiếu theo địa vị xã hội hay tuổi tác và hiểu các kiểu văn hoá ứng xử trong giao tiếp. Điều đó cũng cho thấy tính đa nghĩa trong xưng hô: thể hiện quan hệ, sự cách biệt về tuổi tác, vai vế, quan hệ thân mật hay khách sáo…Và việc sử dụng từ xưng hô cũng luôn là một chiến lược giao tiếp.
Trong văn hóa giao tiếp người Việt luôn đề cao tính tôn ti trật tự. Vì vậy bạn cần xưng hô lễ phép thể hiện sự tôn kính những người có tuổi tác cao, những người có vị thế lớn, những người có uy tín trong mối quan hệ tương giao với người nói… như các bậc cao niên, cha mẹ, thủ trưởng…
Một trong những số nguyên tắc trong xưng hô đồng thời cũng là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Việt là “Xưng khiêm hô tôn”. Có nghĩa là khi giao tiếp người tự xưng thì khiêm nhường, còn gọi đối tượng giao tiếp với mình thì tôn kính. Điều này bạn đặc biệt chú ý khi lựa chọn từ xưng hô khi giao tiếp bởi đôi khi xưng hô bạn có thể bị “hớ” thì cũng không sao vì nó vẫn thể hiện sự khiêm nhường ở bạn. Ngược lại khi bạn xưng hô không khiêm nhường dễ bị đánh giá là thiếu lễ độ, làm mất đi thiện cảm từ phía người đối thoại.
Một kinh nghiệm của mình trong lựa chọn từ xưng hô là hãy quy chiếu tuổi của người đó với một người trong quan hệ thân tộc để thiết lập nên các cặp từ xưng gọi sao cho phù hợp. Ví dụ: Nếu người đối thoại là đàn ông, có tuổi ngang với anh mình thì gọi bằng anh xưng em, ít tuổi hơn bố mình thì gọi bằng chú xưng cháu. Một người phụ nữ ngang tuổi với chị mình thì gọi bằng chị xưng em, ít tuổi hơn mẹ mình thì gọi bằng cô xưng cháu.
Ngoài ra, khi xưng hô bạn cũng phải chú ý tính đến yếu tố văn hoá vùng miền, dân tộc: thể hiện qua cách dùng từ xưng gọi ở các miền, dân tộc khác nhau. Ví dụ, người H’Mông cặp xưng hô thường thấy: mày – tao cho các mối quan hệ tương tự như đại từ nhân xưng trong tiếng Việt (trong khi với người Việt mày tao có thể là tín hiệu cho mối quan hệ thân mật nhưng cũng có thể là biểu hiện của một sự xung đột), người Trung Bộ: gọi cậu (anh em bên mẹ), miền Bắc: nếu là anh trai của mẹ gọi bác, em trai của mẹ gọi là cậu.
Trên thực tế, khi giao tiếp, mỗi người Việt Nam dù muốn hay không muốn đều chịu sự chi phối của các mối quan hệ thân tộc hay quan hệ xã hội xung quanh mình. Sự chi phối này được củng cố về mặt lịch sử và hình thành ra tập quán, thói quen ứng xử trong giao tiếp. Vì vậy, trong bất cứ hoàn cảnh giao tiếp nào bạn cũng nên có sự “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” nhé. Văn hóa giao tiếp được thể hiện trong việc sử dụng từ xưng hô lịch sự, đúng vai giao tiếp, lễ phép, đúng mực, khéo léo, khiêm nhường, đúng hoàn cảnh nói năng, đúng mối quan hệ thân – sơ giữa người nói và người đối thoại.
Việc xưng hô đúng, lễ phép, có chừng mực sẽ tạo được tính lịch sự tôn trọng trong giao tiếp, tạo ra tình thân hữu, rút ngắn khoảng cách giữa người nói và người nghe. Điều đó sẽ đem đến cho bạn một cuộc giao tiếp hiệu quả !