Lòng nhiệt huyết của cô giáo trẻ
Tờ mờ sáng, con tàu nhỏ mang tên AH37360 đã tiến gần đến bến Côn Đảo. Tiếng còi tàu vang lên, lan mãi vào trong cái khoảng không gian tĩnh lặng thường thấy vào mỗi sớm mai. Hành khách trên tàu ai nấy đều mệt lả vì chuyến đi dài, duy chỉ có Linh Lan vẫn luôn mỉm cười ngắm nhìn từng con sóng nước vỗ vào mạn tàu. Các em học sinh tình nguyện viên đi cùng đều mới đến đây lần đầu. Thấy lạ chúng cũng lân la hỏi chuyện:
- Linh Lan! Sóng biển hôm nay bộ có in hình anh Thắng của chế hay sao mà vui thế, chế?
Một chút buồn thoáng gợn trên mặt Linh Lan: Thắng – đứa con trai duy nhất của cụ giáo Tứ, thầy giáo Linh Lan – người bạn, người anh thương mến nhất của chị – người mà chị luôn nghĩ đã hi sinh trong trận giải phóng Côn Đảo từ hai năm trước, mùa xuân năm 1975. Và chị vẫn nhớ rõ như in cái lần cụ giáo Tứ nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ của chị đặt vào trong tay con trai mình. Chị hơi đỏ mặt. Và anh cũng vậy…
- Ơ kìa, sao thế chế Lan? – Lại một câu hỏi nữa, cắt ngang dòng suy nghĩ của Linh Lan – Thôi! Tụi em biết cả rồi. Chế đang nhớ anh Thắng chứ gì?
- Ô hay! Mấy cái đứa quỷ này! Suốt ngày không có việc gì làm cứ đi chọc chế không hà! Anh Thắng mà có ở đây thì mỗi đứa ăn một cái cốc đầu rồi đấy nhá!
Bọn trẻ cười ầm lên, phá vỡ cái không khí tĩnh mịch trên boong tàu lúc ấy. Bỗng nhiên một đứa chỉ tay về phía bến cảng, reo lên:
- Ơ? Chế Lan! Hình như… ở dưới bến… mọi người đang vẫy tay chào chúng ta thì phải?
Linh Lan giật mình, bất giác quay đầu nhìn. Ừ! Đúng rồi nhỉ! Mọi người đang ở đó. Mọi người đang chờ Linh Lan về. Kia có phải là bà cụ Mấn, chị Hai, cô Ba, thím Sáu với cả – tính luôn cái bụng bầu ỏn ỏn nữa là sáu đứa con của thím ấy – cũng ra đón Linh Lan. Tàu cập bến. Chị hạnh phúc chạy ùa ra như đứa con chạy ra đón má nó đi chợ về. Những bước chân lập cập nhưng thật sành sõi với sỏi đá Côn Đảo như líu ríu lại với nhau. Linh Lan chạy. Lòng bỗng bồi hồi xao xuyến, chị nhớ về những ngày xưa – những ngày đầu tiên mới đến đây với bao nhiêu bỡ ngỡ, lạ lùng…
*
- Ô ô! Tàu cập bến rồi bà con ơi! Nhanh chân xuống đi nào… Coi chừng trơn té đó các cô gái… – Anh Long – đội trưởng đội tình nguyện viên hô lớn ra chiều đắc ý lắm.
Linh Lan từ từ bước xuống. Đưa mắt nhìn xung quanh, chị thấy có mấy người từ trong làng đi ra. Chị lạ lẫm, và họ cũng lạ lẫm. Bà cụ Mấn tuy đã gần tám mươi nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Bà bước lại gần anh Long, khều khều vai áo anh rồi móm mém hỏi:
- Nầy cậu Long! Lần trước đã cậu hứa với tôi là sẽ đem “cô giáo” đến để dạy chữ. Nay cậu có nhớ đem theo hông?
- Dạ con chỉ là tình nguyện viên mang lương thực, thuốc men đến cho dân làng mình thôi chứ con không dạy chữ. Việc dạy chữ đã có bạn của con lo. À đúng rồi! Đây là Linh Lan – bạn của con. Từ nay cô ấy sẽ là cô giáo dạy chữ cho làng mình. Ô kìa Linh Lan! Em qua đây chào hỏi mọi người đi chứ!
Cô giáo bước ra, mọi người vây quanh hỏi thăm. Người nắm tay, người vuốt tóc. Họ kéo nhau về nhà chị Hai xem cái chữ của cô giáo.
Chị Hai là người phụ nữ chịu thương, chịu khó nhất ở đây. Hơn mười năm trước, chồng chị đi lính đến nay vẫn biệt tăm không thấy về. Mình chị ở vậy nuôi bà mẹ chồng lẫn thẫn được dăm ba năm thì bà mất. Nay Linh Lan về đây mọi người để chị ở cùng nhà với chị Hai để chị em tiện chăm sóc lẫn nhau.
- Cô giáo ạ, cô tên gì vậy nhỉ?
Sau khi mọi người ra về hết, bà cụ Mấn đến bên Linh Lan, nhẹ nhàng cầm tay hỏi khẽ. Cúi thấp người một cách kính cẩn, chị cố gắng nói thật chậm từng từ để bà cụ nghe cho rõ:
- Dạ, con tên là Linh Lan ạ!
- Ồ! Cái tên cô giáo đẹp nhỉ. Cô đã có ai bầu bạn tâm giao cùng hay chưa? Hay… bà giới thiệu cô với con nuôi của bà, Tư Bền, nghen?
- Dạ thưa rồi, bà ạ. Bạn con – anh Thắng là bộ đội du kích. Hôm đó, ảnh là một trong những người lính tình nguyện ra đi, giải phóng Côn Đảo. Nhưng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây trong khi chẳng còn bao nhiêu phút nữa là ta giành được độc lập… Giờ con chẳng còn mong điều gì hơn là nước ta được ấm no, dân ta được hạnh phúc, và bọn trẻ được học hành đến nơi đến chốn. Thế là đủ lắm rồi.
- Vậy cũng tốt rồi. Cô cứ là cô giáo dạy học như bây giờ là dân làng chúng tôi đủ hạnh phúc rồi.
Nói đến đây, mắt cụ Mấn đã rưng rưng. Cụ nhẹ nhàng cho tay vào túi áo, lấy ra một chiếc khăn tay đã cũ rồi trao cho Linh Lan như một một món quà thiêng liêng vô giá mà chỉ những người vợ, người bạn lính mới có thể hiểu hết ý nghĩa. Và chiếc khăn tay ấy chính là kỉ vật mà chồng bà – một liệt sỹ vô danh – đã trao cho bà ngày ra đi… Tới đây bà Mấn cũng lẳng lặng quay ra cửa, rảo bước bỏ lại sau lưng con đường đầy cát trắng trải dài đến vô cùng, vô tận.
*
Thế mà đã năm ngày trôi qua kể từ khi Linh Lan đến đây. Và đêm nay vẫn như mọi đêm, Linh Lan vẫn không sao chợp mắt được. Chị cố nghĩ về ngày mai: “Ngày mai, bọn trẻ chắc sẽ vui lắm đây. Vì tối nay chính các anh tình nguyện viên sẽ bí mật lên đảo, chuẩn bị quà mừng nhân một năm ngày giải phóng cho tụi nó mà. Thế nào thì thế, những ngày này trẻ con vẫn phải có quà”. Linh Lan tự nghĩ như thế rồi tự mỉm cười rằng tụi nhỏ sẽ rất bất ngờ. Đang mông lung suy nghĩ thì đột nhiên bàn tay của chế Hai khẽ đặt lên vai Linh Lan khiến chị tỉnh dậy:
- Sao vậy? Vẫn chưa quen chỗ ngủ mới hả cô giáo?
- Dạ không! Em chỉ đang băn khoăn hổng biết là bữa tiệc liên hoan ngày mai có được chuẩn bị chu đáo hay không thôi hà!
Trên con thuyền nhỏ cứ chao đảo luôn, hai chị em cùng nhắm mắt lại để tận hưởng cái không khí mát lành, tịch mịch của ban đêm và cảnh vật nơi đây. Ôi! Đêm nay sao mà yên tĩnh quá! Từng đợt sóng vẫn cứ va đập vào thuyền lăn tăn, đều đều, mang theo cả mùi gió muối nồng nàn lan tỏa trong không gian. Bầu trời tối đen như mực bỗng chốc lập lòe “ánh đèn đom đóm” cứ sáng rồi lại tắt. Cảnh vật đó khiến cho hai chị em tưởng như được lạc vào khu vườn cổ tích đầy phép nhiệm màu. Hai chị em vừa chợp mắt được một lúc thì bầu trời bắt đầu ửng hồng. Rồi, bất chợt từ đâu đó những tiếng gà chuệch choạc vang lên. Đã tờ mờ sáng. Chị Hai đánh thức Linh Lan dậy trong khi cô còn đang chìm đắm trong cái giấc mơ đẹp đẽ kia:
- Này! Cô giáo à, hôm nay là ngày tổ chức liên hoan cho bọn trẻ đấy! Em không tính đến trường sao?
- Ô! Trễ thế rồi ạ? Thế chế đợi em chút nhá. Em vô nhà soạn bài đến lớp cái đã.
Đến lớp, Linh Lan đã bắt gặp ngay hình ảnh các em nhỏ đứng xếp thành hai hàng dọc ngay ngắn. Chúng vòng tay, lễ phép thưa một cách đồng thanh:
- Chúng con chào cô giáo ạ!
Sau đó đến lượt các anh tình nguyện viên mở bao quà ra và phát cho mỗi em nhỏ một phần quà là hai cây bút và một cuốn tập. Chúng thích thú reo lên rồi cám ơn các anh rối rít. Đoạn, cô giáo mới cùng một vài người trong làng vui chơi với mấy đứa trẻ ấy.
Nhìn đám học trò nhỏ, Linh Lan bỗng chốc xúc động. Chị quay ra phía cửa để tránh không cho ai nhìn thấy mình đang khóc. Đột nhiên, chị dừng khóc và phát hiện ra một em nhỏ khoác trên người bộ quần áo cũ kĩ, rách bươm; với cái đầu hói và đôi tai to quá khổ so với thân hình gầy còm, thiếu ăn. Em đứng lấp ló ngoài cửa. Linh Lan mỉm cười nhìn và gọi em vào chơi cùng. Nhưng em vẫn im lặng không đáp. Các bạn trong lớp nhìn em với một ánh mắt khinh khi và chúng đã gọi em bằng một cái tên rất miệt thị: Hói -Tai Voi.
À! Thì ra là em bị tật bẩm sinh. Cha mẹ em phải nuôi một lúc năm, sáu đứa con nên đã bán bớt một đứa cho chú Chín là người cùng xóm nuôi. Rồi sau ngày đó cha mẹ em cũng bỏ đi biệt xứ.
Đứa bé khốn khổ ấy vẫn đứng nép vào một góc nhìn các bạn vui chơi cho đến khi cô giáo kéo tay em lại tham gia cùng bạn bè.
Sang hôm sau, rồi hôm sau nữa Linh Lan vẫn thường xin cho thằng Hói sang chơi nhà chị. Chị thương yêu Hói như chính em ruột của mình vậy. Chị dạy cho em biết mặt từng con chữ, dạy cách yêu thương mọi người, dạy cách ứng xử. Nhưng nào ngờ, Hói lại có những hành động “ngựa quen đường cũ” khiến mọi người chẳng còn mấy ai có thiện cảm với em.
Hôm đó, Linh Lan còn đang ở trường dạy học chưa về, chị Hai lại đến lúc phải đi mò cua nên chỉ có mình Hói ở nhà. Em bắt đầu lục lọi giỏ đồ của cô giáo và những thứ ở trong đó. Mê mẩn với một chiếc cài tóc hình bươm bướm, trên có làm giả màu kim loại bạc.
Vì thấy có ánh kim sáng bóng lên, Hói thầm nghĩ: "Không nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là bạc thật rồi. Hay là ta gói vào rồi đem vào đất liền bán nhỉ? Chắc cũng kiếm được nhiều tiền. Rồi sau đó, ta sẽ ở đó luôn. Đằng nào người dân nơi này cũng chẳng ai thèm quan tâm khi mất đi một tên trộm đâu."
Nghĩ sao làm vậy, Hói lấy chiếc kẹp, gói vào trong chiếc áo mà cô giáo em đã vá lại cho em rồi chạy ra ngoài bến. Vừa đúng lúc ấy chị Hai và cả Linh Lan cùng về tới nơi thì thấy em chạy tất tưởi theo hướng ngược lại nên Linh Lan vội gọi với:
- Nầy! Em đi đâu thế? Muộn rồi, về nhanh hai chế chờ cơm!
Quay đầu lại rồi vẫn cái mặt khinh khỉnh như lúc đầu, Hói vẫn im lặng không đáp. Em chạy ra bến, bắt gặp chiếc tàu đánh cá của ai đó đang neo đậu. Đoán biết tàu sắp vào đất liền buôn cá, em muốn leo vào khoang dưới hầm. Em sẽ trốn đi, đi khỏi cái mảnh đất này, cái mảnh đất đã sinh ra em, là nơi chôn nhau cắt rốn của em, nhưng lại khiến cho tương lai của em ở đây đầy tối tăm và bất hạnh.
Đến đây, Hói lại nghĩ đến những cay độc trong từng lời nói của mọi người trong làng. Em đã khóc. Em đã làm cái điều mà chưa một người nào thấy em làm kể từ sau ngày ba má em bỏ em đi. Nay, tiếng khóc ấy lại bật ra trong sự buồn bã, cùng cực khi em nghĩ đến cái tên mà họ đã đặt cho: Hói, Hói – Tai Voi. Họ đã tình cờ quên mất em có tên, một cái tên thật đẹp mà má đã đặt cho em ngày em chào đời: Minh Nhật – nghĩa là "trời sáng".
Chính vì những con người như thế mà hôm nay – mới có một đứa như em – sống ở cái làng này, sống giữa cuộc đời này. Em chán nản cái cảnh sống ở một nơi mà dường mọi người đều mang trong mình những căn bệnh của thế kỷ: tối tăm, nghèo đói, ngu dốt và vô tâm hay lạnh lùng với những mảnh đời bất hạnh như em.
Em thực sự muốn đi. Em thực sự muốn thoát khỏi cái nơi nghèo nàn và thiếu thốn tình cảm này. Nhưng đôi chân không chịu nghe lời của em lại cứ chết dí một chỗ không nhúc nhích được. Trong thâm tâm em hiện lên hình ảnh dịu hiền của má, của chú Chín, anh Tư Bền, chị Hai, cô giáo mới và nhiều người khác nữa. Em không ghét họ vì em vẫn biết người dân nơi đây không xấu. Chỉ vì họ nghèo đói và khổ sở quá thôi. Nhật lại nhìn ra biển. Em lỡ tay để hồn mình bay theo cơn gió độc địa. Nó đã cuốn phăng hồn em xuống biển. Em thấy biển hôm nay sóng thật hiền hòa nhưng nỗi buồn cứ mãi dâng lên, dậy sóng trong lòng em.
Nhật nhớ má.
Ở nhà chị Hai lo lắng đi đi lại lại không yên. Thấy thế Linh Lan cười nói:
- Kìa, chế Hai. Sao chế cứ phải lo lắng thế không biết. Thằng bé cũng là trẻ con mà, cứ để nó chạy chơi cho thỏa thích đi chế.
- Em không hiểu được đâu. Nhìn nó đói rách thế thôi chớ hổng phải vậy đâu. Nó hay đi trộm đồ của dân làng lắm. Ban đầu người dân họ cũng thương bỏ qua cho vài lần. Lâu dần họ không chịu được nên cũng có mắng nó. Nhưng mà cái thằng ấy lỗ tai cây: Nó có nghe ai bao giờ đâu. Cứ nghe chế đi. Không quản nó chặt thì thế nào nó cũng đi trộm đồ nữa cho coi!
- Vậy chế ở lại nhà em ra bến tìm nó về nghen?
Linh Lan chạy. Lẫn trên con đường cát trắng nối dài thẳng tắp là bao nhiêu đá sỏi, rong biển khô, vỏ sò vỏ ốc và cả rác rưởi nữa. Mùi rác với mùi biển nương theo gió mà bốc lên, ngây ngấy. Nhưng Linh Lan quen rồi. Bây giờ, nó như là một phần trong cuộc sống của chị, một phần trong con người chị vậy.
Trong khi ấy, ở bên bụi cây phi lao ngoài bến, một người thanh niên cao lớn với vết sẹo chạy dài trên một khôn mặt đen rám vì cháy nắng xuất hiện. Anh bước lại gần em bé Hói:
- A! Anh Tư Bền!
- Là bé Minh Nhật của anh đấy ư? Em không sợ anh à?
- Dạ không! Tuy lỗ tai em to hơn người nhưng em còn có tai, còn anh thì lại bị mảnh bom cắt mất rồi. Anh đã không sợ em thì làm sao em sợ anh được. Hai anh em mình giống nhau mà, anh ha!
- Ừ! Đúng rồi, nhỉ? Sao chúng ta phải sợ nhau. À, thế em đang cầm gì thế, cho anh xem được không?
Nhật rụt rè mở áo và lấy ra chiếc cài tóc. Anh Tư cầm lên ngắm nghía một lúc lâu. Khuôn mặt anh bỗng nở ra, vết sẹo chai sần do bom đạn cũng nở ra, to hơn mọi ngày. Trong đôi mắt sâu hoắm của người chiến sĩ đã từng nhiều lần nhìn vào cái chết, rất mơ hồ, rất xa xăm kia bỗng ngập tràn màu của hy vọng và hạnh phúc. Với nhịp thở dồn và nhịp đập gấp gáp của con tim dường như đã chết gần một nửa, anh Tư lắp bắp hỏi :
- Hói!... Em… em… lấy cái nầy… ở đâu ra…?
Thằng bé tội nghiệp ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra. Hói giật mình vì câu hỏi gấp nên nó đã khai rằng cái cài lấy ở nhà cô giáo mới. Anh Tư đứng dậy, nhoẻn miệng cười tươi :
- Mau! Dẫn anh đến gặp cô giáo của em nào.
Nhật đồng ý dẫn anh Tư về nhà cô giáo. Anh Tư chạy. Linh Lan cũng chạy. Giữa đường hai người vì tình cờ chạy nhanh mà đụng phải nhau. Chiếc cài rơi ra khỏi tay anh Tư. Anh lượm lên. Chị bối rối khi nhận ra đây là cài tóc của mình :
- Ô hay! Anh gì gì đó ơi, chiếc cài nầy hình như là của tui thì phải. Anh cho tui xin lại.
Không một ai có thể biết lòng anh Tư lúc này vui mừng đến mức nào. Anh hạnh phúc nắm lấy đôi bàn tay bé nhỏ của cô giáo rồi nói một mạch:
- Linh Lan! Có phải là em không? Em nhận ra anh chứ? Chính anh là anh Thắng đây. Anh Thắng của em đã về rồi đây. Anh kể cho nghe, số anh hên lắm nhá. Hôm đó, trước khi bom nổ, đồng đội anh đã kịp thời báo cho anh biết mà trốn xuống hầm. Khi anh chuẩn bị đậy nắp hầm lại thì bom nổ nên anh chỉ bị mảnh bom chém mất tai thôi chứ chưa mất mạng. Sau đó, anh bất tỉnh và được người dân nơi này đem về chữa trị. Anh đã nhận cụ Mấn làm má nuôi đó.
Anh Tư nói xong rồi nhưng hình như Linh Lan vẫn chưa hiểu, chưa tin lắm. Biết vậy, anh lấy trong túi áo ra một chiếc cài nữa, cũng hình con bướm, giống y hệt như cái mà anh đang cầm rồi nhẹ nhàng nói:
- Em còn nhớ không, có lần anh đã hứa với em khi nào anh về anh sẽ cài lên mái tóc mượt mà của em chú bướm còn lại…
Anh vừa nói vừa cài hai chú bướm xinh lên mái tóc người thương. Anh Tư nói đến đây thì ở khóe mắt Linh Lan bỗng rưng rưng. Bao nhiêu cảm xúc dồn nén trong chị bấy lâu nay bỗng vỡ ra, hòa theo những giọt nước mắt của hạnh phúc. Chị nghẹn ngào trong niềm vui sướng vô bờ bến. Thì ra... người con trai đó là anh. Người con trai nuôi mà bà cụ Mấn muốn chị làm bạn cùng... thật là anh sao?
*
Ngoài kia, bầu trời dường như xanh hơn mọi ngày. Những sợi mây bàng bạc bỗng tụ lại thành một đám, ánh hồng rực rỡ phía chân trời – nơi mà ở đó có Linh Lan, có anh Thắng và có cả cái khát khao mãnh liệt của biết bao nhiêu con người ở cái đất Côn Đảo này…
*
- Linh Lan! Hôm nay em sao thế? Em có phải là người mới đến đây lân đầu đâu mà mặt mày trông “say sóng” thế kia?
Chị Hai mừng rỡ chạy nhanh ra đón Linh Lan với một tâm trạng mừng rỡ khôn tả. Linh Lan lúc này mới quay về hiện tại, hòa chung với mọi người trong ngày vui khi có đoàn tàu từ đất liền ra.
- A, chế Hai! Mọi người có khỏe cả không? Thằng Nhật sao rồi chị? Nó có còn nhớ em hông?...
- Nào, từ từ đã nào. Mọi người đều khỏe cả. Thằng Nhật cũng nhớ em lắm. Từ ngày em vào đất liền thì nó biết nghe lời hơn, không đi trộm đồ nữa. Cứ về nhà đi rồi từ từ chế sẽ kể cho em nghe tình hình của mọi người. Nhưng mà em vô lại đất liền có nhớ đem theo quà cho mọi người không?
- À! Cái đó dĩ nhiên là có chứ chế! Em còn đem về đây bằng khen nhà giáo Việt Nam nữa này. Từ nay em sẽ chính thức là một giáo viên.
Nghe thấy thế, Thắng đi ra khỏi chỗ nấp và đến chúc mừng cho thành công đầu đời mà cô học trò nhỏ của ba mình đã đạt được.
Chiều hôm đó, tất cả mọi người đều ở lại bến tàu để cùng nhau nhìn lại cả một chặng đường gian khổ đã đi qua là hai năm sau ngày giải phóng và cũng là để cùng đón chờ bình minh của một ngày mai tươi sáng. Họ khoác vai nhau cùng nhìn về phía chân trời nơi hoàng hôn đang vẽ trên nền trời xanh những quầng sáng hồng hào…
-.- Hết -.-