Lợi ích không ngờ của Stress?

  1. Tâm lý học

Stress là một trong những trạng thái bệnh lý phổ biến nhất trong xã hội hiện nay. Đa phần chúng ta khi nghe nhắc đến stress, đều sẽ nghĩ ngay đến việc phòng tránh hoặc chữa trị nó. Nhưng bạn có biết, ngoài những tác hại, stress còn mang trong nó một số những lợi ích nhất định cho con người.

Những lợi ích đó là gì, và làm thế nào để chúng ta có thể khai thác và tận dụng chúng? Hãy cùng nhau tìm hiểu qua bài viết này nhé!

stressed-blurry

Nguồn: WordPress.com

Stress là gì?

Trước khi tìm hiểu về những lợi ích và tác hại của stress, chúng ta cần phải nắm được khái niệm stress là gì?

Stress có thể được định nghĩa là những cảm xúc căng thẳng mà não bộ chúng ta tạo ra, thường đi kèm với các phản ứng tinh thần và thể chất khác, mỗi khi phải đối mặt với một tình huống mà chúng ta cho là nguy hiểm và cần phải phòng tránh hoặc kiểm soát. Stress, vì vậy, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chúng ta thoát ra khỏi, hoặc thay đổi tình huống nguy cấp đang hiện diện.

Một trong những ví dụ điển hình nhất của stress, mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng trải qua, đó là khi chúng ta có bài kiểm tra quan trọng, hoặc bài thi học kỳ sắp đến. Thường thì trước kỳ kiểm tra, chúng ta sẽ có những phản ứng như cảm thấy bồn chồn, ăn không ngon ngủ không yên, có cảm giác lo lắng triền miên, thậm chí là cảm giác sợ hãi ở một số người. Khi ngồi trong phòng thi, chúng ta có thể sẽ toát mồ hôi, cả mồ hôi trán lẫn mồ hôi tay, hoặc cảm thấy đau bụng và muốn đi toilet liên tục, cảm thấy khó tập trung suy nghĩ...những cảm giác này càng được khuếch đại khi thời hạn nộp bài thi đến gần. Tất cả những điều này là biểu hiện rất đặc trưng của stress.

110701HDsokiemtra01

Nguồn: Kênh 14

Lợi ích của Stress

Như đã đề cập ở trên, mục đích sau cùng của stress chính là để giúp chúng ta phòng tránh hoặc kiểm soát được các tình huống mà chúng ta xem là nguy hiểm hoặc rủi ro. Như vậy, cũng có thể nói rằng, nếu không bao giờ cảm thấy stress, chúng ta sẽ không có bất cứ động lực nào để giải quyết bất cứ vấn đề nào.

Quay trở lại với ví dụ những bài thi học kỳ, nếu như một học sinh không có khả năng cảm thấy stress, không có cảm giác sợ bị thầy cô hoặc ba mẹ la rầy, không cảm thấy bất cứ một áp lực tâm lý nào...thì học sinh này sẽ không cảm thấy rằng việc tập trung học tập để thực hiện bài thi thật tốt là một điều cần thiết. Kết quả là, nhiều khả năng em ấy sẽ không đạt điểm tốt, thậm chí phải thi lại.

overview-stress---rocks_v1_wide-2c8623c21fa8ccca27ac719a2c122ba1715d53a4-s800-c85

Nguồn: NPR

Một trường hợp tương tự là khi cần phải hoàn thành một bản báo cáo trước thời hạn, nếu như các nhân viên không có khả năng cảm thấy áp lực tâm lý từ việc bị sếp phê bình, hoặc từ việc bị trừ điểm thành tích, thì nhiều khả năng họ sẽ không bao giờ có thể hoàn thành bất kỳ bản báo cáo nào đúng thời hạn.

Phân biệt 2 loại stress khác nhau

Hình thức stress được đề cập đến trong các ví dụ trên đều có thể được xếp vào loại stress có lợi (còn gọi là Eustress trong tiếng Anh). Nhìn chung, đây là hình thức stress không kéo dài và thường hiện diện khi chúng ta:

  • Đi phỏng vấn xin việc ở một công ty mới.
  • Lần đầu hẹn hò với người yêu.
  • Lần đầu tiên tập lái xe.
  • Chuẩn bị kết hôn.
  • Chuẩn bị có em bé.
  • Trước các kỳ kiểm tra quan trọng.
  • v.v...

Hình thức stress thứ hai là stress có hại (còn gọi là Distress). Điểm khác biệt chủ yếu giữa hình thức stress có hại và stress có lợi là: distress thường có khuynh hướng kéo dài triền miên. Distress thường được gây ra bởi các tác nhân như tính thế khó khăn, eo hẹp về tài chính, có một mối quan hệ không tốt, bị bệnh kinh niên, bị chèn ép quá đáng (ví dụ như tại môi trường làm việc...), chịu ảnh hưởng lâu dài của một sang chấn tâm lý, v.v...Distress cũng là một trong các nguyên nhân gây ra những căn bệnh nguy hiểm như trầm cảm.

Như vậy, ngoại trừ một số trường hợp căng thẳng quá mức và kéo dài, nhìn chung stress vẫn đóng một vai trò cần thiết trong việc giúp chúng ta vượt qua được những thách thức trong cuộc sống thường ngày.

doi-pho-voi-cang-thang-khi-benh-tieu-duong

Nguồn: Thong tam lac

Giải pháp và lời kết

Vậy, chính xác thì chúng ta có thể khai thác và tận dụng những lợi ích của stress như thế nào?

1/ Giữ tinh thần tích cực

Một trong những phương pháp đơn giản nhất để đối mặt với stress có lẽ là việc cố gắng giữ cho mình một tâm lý và suy nghĩ tích cực. Cụ thể, mỗi khi chúng ta gặp một khó khăn nào đó (ví dụ như khó khăn về tài chính hoặc trong công việc), hãy cố gắng lấy các mục tiêu và kế hoạch của bản thân (ví dụ như đi du lịch) làm động lực và giúp chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn về tình huống căng thẳng hiện tại.

2/ Đặt ra các mục tiêu có thể đạt được

Trong các tình huống quá khẩn cấp và căng thẳng, một trong những điều chúng ta nên làm là không đặt ra các chỉ tiêu quá cao. Việc cố gắng hoàn tất những chỉ tiêu quá khó khăn sẽ chỉ càng làm chúng ta thêm stress. Ngoài ra, việc theo đuổi những mục tiêu quá cao cũng có thể giúp tạo ra cho chúng ta cảm giác hưng phấn và tích cực, bởi chúng ta biết rằng nhiều khả năng mình sẽ hoàn thành nó.

dc-Cover-t6fv8c4e8je6hejqjh6udjf2h0-20180104214825.Medi

Nguồn: Deccan Chronicle

3/ Lập kế hoạch

Việc lập kế hoạch và thực hiện theo kế hoạch giúp chúng ta nhìn trước được thời hạn và stress và phòng tránh chúng. Nếu bạn có kỹ năng lập kế hoạch tốt, bạn cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và có thể đẩy nhanh quá trình giải quyết các vấn đề của bạn.

Thất bại trong việc lập kế hoạch chính là lập kế hoạch cho việc thất bại.

Benjamin Franklin.

4/ Chăm sóc bản thân

Cuối cùng, việc bảo đảm cho sức khỏe, cả tinh thần và thể chất, của bản thân luôn trong trạng thái ổn định là một trong những điều quan trọng nhất mà mỗi chúng ta cần phải thực hiện. Tập thể dục thể thao đều đặn, nghỉ ngơi khi cần thiết, ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ và đúng cách, thiền định...tất cả những hoạt động này đều có thể giúp chúng ta luôn giữ được một tinh thần vui vẻ, phấn chấn. Và trong tình trạng tích cực như vậy, chúng ta có thể vượt qua stress một cách dễ dàng hơn.

masssage-yoga-or-listening-to-music-can-help-destress-or-prevent-stress-from-building-up

Nguồn: Medical News Today


Nguồn:

Wynn Medical Center (2018) Stress makes you live longer?. PowerPoint Slides. VietMD.net, Inc. and Wynn Medical Center, Los Angeles, USA.

Từ khóa: 

stress

,

stress management

,

lợi ích của stress

,

các loại stress

,

tâm lý học

Ui em không biết cảm giác căng thẳng khi lần đầu hẹn hò với người yêu cũng là stress đấy ạ :))
Trả lời
Ui em không biết cảm giác căng thẳng khi lần đầu hẹn hò với người yêu cũng là stress đấy ạ :))