Loạt bài về Kỹ Nữ Việt Nam ngày xưa (loạt bài nhiều phần từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê cho đến Nguyễn Sơ 1858) phần 2(2)

  1. Lịch sử

IV. Kỹ Nữ Việt thời Lý Trần

1.    Kỹ Nữ Việt thời Lý

“Châu giang một giải sông dài,

Thuyền ai than thở, một người cung phi!

Đồ Bàn thành phá hủy,

Ngọa Phật tháp thiên di.

Thành tan, tháp đổ

Chàng tử biệt,

Thiếp sinh ly.

Sinh ký đau lòng kẻ tử quy!

Sóng bạc ngàn trùng

Âm dương cách trở

Chiên hồng một tấm,

Phu thê xướng tùy.

Ôi mây! Ôi nước! Ôi trời!

Đũa ngọc, mâm vàng, giọt lụy rơi.

Nước sông trong đục,

Lệ thiếp đầy vơi

Bể bể, dâu dâu, khóc nỗi đời!

Trời ơi! Nước hỡi! Mây hời!

Nước chảy, mây bay, trời ở lại,

Để thiếp theo chồng mấy dặm khơi!”


Trên đây là bài thờ “khóc nàng Mỵ Ê” của nhà thơ Tản Đà. Năm 1044 Lý Thái Tông đem quân đánh Chiêm Thành. Quân Chiêm thua trận, Lý Thái Tông tiến vào kinh đô Phật Thệ (Kandapurpura) bắt được Mỵ Ê và các cung nữ giỏi múa hát (Cung Kỹ - Ca Kỹ) đem về. Bài thơ nói về nỗi lòng của nàng Mỵ Ê vợ vua Chiêm Sạ Đẩu (Jaya Sinhavarman II) trước khi nàng gieo mình xuống dòng Châu Giang để giữ trọn khí tiết. ĐVSKTT chép:

“Mùa thu, tháng 7, vua đem quân vào thành Phật Thệ bắt vợ cả, vợ lẽ của Sạ Đẩu và các cung nữ giỏi hát múa khúc điệu Tây Thiên. Sai sứ đi khắp các hương ấp phủ dụ dân chúng. Các quan chúc mừng thắng lợi”

“Tháng 9, ngày mồng 1, đến phủ Trường Yên, có rồng vàng hiện ỏ thuyền ngự. Khi đến hành điện Ly Nhân, sai nội nhân thị nữ gọi Mỵ Ê là phi của Sạ Đẩu sang hầu thuyền vua. Mỵ Ê phẩn uất không xiết, ngầm lấy chăn quấn vào mình nhảy xuống sông chết. Vua khen là trinh tiết, phong là Hiệp Chính Hựu Thiện Phu Nhân”


Nhà Lý đã nối tiếp các triều Ngô, Đinh, Tiền Lê tiếp tục đưa đất nước phát triển đi lên. Với hơn 200 năm tuổi, nhà Lý cũng chính là triều đại mở đầu cho kỷ nguyên “Đại Việt” huy hoàng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1010 nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La (Thăng Long) đã khẳng định được một vị thế mới của quốc gia, của dân tộc. Đất nước dưới thời Lý ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội. Theo đà phát triển của đất nước thì lực lượng Kỹ Nữ thời Lý cũng đã có những biến chuyển sâu sắc.


Năm 1026, dưới thời vua Lý Thái Tổ có một người Ca Kỹ (con hát) là Đào Thị có tài ca hát, được vua ban thưởng. Tiếng hát của người Ca Kỹ đó nổi tiếng khắp vùng được nhiều người mến mộ, những người làm nghề ca hát như vậy đều được gọi là Đào Nương. VSTT chép:

Vua định số quân ra từng giáp, mỗi giáp là 15 người, dùng một người làm quản giáo, rồi lại đổi gọi là Hỏa đầu, làm Chánh thủ, duy con nhà chèo hát thì gọi là quản giáp. Bấy giờ có con hát là Đào Thị, có tiếng tốt và giỏi tài nghệ, từng được Vua thưởng; người ta mộ dang tiếng thị ấy, phàm con hát đều gọi là Đào nương, bắt đầu từ đây”

Như vậy có thể nói ngay từ thời Lý Thái Tổ thì nghề ca hát trong dân gian đã rất phát triển. Các quy chế như tên gọi, cách xưng hô, phân cấp để phân biệt trong xã hội đối với những người làm nghề ca hát thì cũng đã bắt đầu xuất hiện. Như vậy xét theo tiêu chí làm việc của Kỹ Nữ, thì thời đại nhà Lý vẫn là thời đại của những Ca Kỹ


So với các triều đại trước như Ngô, Định, Tiền Lê thì quy chế, lễ nghi cũng như hệ thống tổ chức trong triều đình thời Lý cũng đã hoàn thiện hơn qua ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Nói đến tổ chức cung đình nhà Lý thì cũng phải nói đến hậu cung với hệ thống cung nữ và phi tần của nhà vua. Dưới thời Lý lực lượng Cung Kỹ đã hoàn thiện, có nhiệm vụ chuyên trách là phục vụ ca múa trong các dịp lễ quan trọng của triều đình hay các hoạt động vui chơi của nhà vua. ĐVSKTT chép:

tháng 6(năm 1028, Lý Thái Tông), lấy ngày sinh của vua làm tiết Thiên Thánh. Lấy tre làm núi Vạn Tuế Nam Sơn ở Long trì: kiểu núi làm thành năm ngọn, trên đỉnh ngọn ở giữa dựng núi Trường Thọ, bên đỉnh bốn ngọn xung quanh đều đặt núi Bạch Hạc, trên núi làm hình dạng các giống chim bay thú chạy, lưng chừng núi có rồng thần cuốn quanh, cắm xen các thứ cờ, treo lẫn vàng ngọc, sai con hát1 thổi sáo thổi kèn trong hang núi, dâng ca tấu múa làm vui, cho các quan ăn yến. Quy chế núi năm ngọn bắt đầu từ đấy”

“Mùa hạ, tháng 5(năm 1044, Lý Thái Tông), đặt phẩm cấp các cung nữ, hoàng hậu và phi tần 13 người, ngự nữ 18 người,nhạc kỹ hơn 100 người.”

ĐVSL chép:

“Mùa đông, tháng 10 (năm 1202, Lý Cao Tông) vua đi chơi ở hành cung Hải Thanh. Ở đấy đêm nào cũng sai nhạc công khảy đàn Bà Lỗ, xướng điệu hát phỏng theo nhạc khúc Chiêm Thành, âm thanh ai oán thảm thiết buồn bả oán hờn. Những kẻ tả hữu nghe đến đều nghẹn ngào rơi lệ”

"Năm đó tháng 10(1206, Lý Cao Tông) ở trong cõi đã loạn lạc mà nhà vua lại thích đi chơi, đường xá mắc nghẽn không còn chỗ nào có thể qua được. Nhà vua bèn ở lại nơi hồ Ứng Minh, sai lập riêng hai cái hành cung là Ứng Phong và Hải Thanh. Rồi ngày ngày cùng bọn cung nữ và những cận thần vào xem chơi, mà lấy làm vui thú. Lại dùng thuyền to làm thuyền ngự, thuyền nhỏ thì chia làm hai đội, sai bọn cung nữ và phường trò chèo đi, tả hữu nghiêm trang, cứ y như là vua ngự đi đâu xa vậy. Lại lấy xấp lụa có bao sáp ong ở ngoài cùng với các loài hải vật đem thả chìm vào trong hồ, xong sai người lặn vào trong nước mà lấy rồi cho là vật của long cung dâng hiến”


Như vậy dưới thời Lý lực lượng cung nữ trong hậu cung nói chung và Cung Kỹ nói riêng đã khá phát triển và hoàn thiện hơn so với thời Tiền Lê. Họ chính là những Kỹ Nữ chuyên phục vụ hoạt động ca múa, nghệ thuật trong cung đình. Nguồn gốc của những Cung Kỹ này ngoài việc tuyển chọn những cô gái có tài năng ca múa trong nhân gian như Đào Nương, Ca Nhi vvv thì ngoài ra họ cũng có thể là nữ tù binh bị nhà Lý bắt đem về trong các cuộc chiến hoặc là những nữ nô lệ bị buôn bán . Cụ thể như các cuộc chinh phạt Chiêm Thành dưới thời Lý Thái Tông(1044), Lý Thánh Tông (1069) hay cuộc chiến với Tống (1075) thì rất nhiều tù binh trong đó có nữ giới đã bị nhà Lý bắt đem về.


Kỹ Nữ dưới thời Lý xét về “tiêu chí làm việc” thì phổ biến vẫn là lực lượng Ca Kỹ, Ca Nhi, Nhạc Kỹ như: Ả Đào, Đào Nương, Cô đẩu vvv chỉ chuyên phục vụ các hoạt động nghệ thuật. Nhưng do nguồn gốc các Kỹ Nữ thời Lý có một số là từ các nữ tù binh, nô lệ nên có thể xuất hiện hình thức Dục Kỹ sơ khai, do những cô gái này có thể bị bắt phục vụ nhu cầu tình dục của binh lính. Xét về tiêu chí “đặc thù công việc” thì lực lượng Cung Kỹ và Gia Kỹ hết sức phát triển. Các vua cuối thời Lý như Cao Tông, Huệ Tông lại là những người thích ăn chơi xa xỉ, ca múa đam mê nữ sắc càng chức tỏ lực lượng Cung Kỹ thời Lý đã phát triển ở mức độ cao, có quy củ. Ngoài ra do sự phát triển của kinh tế đặc biệt những đô thành như Thăng Long hay thương cảng Vân Đồn thì lực lượng Thị Kỹ cũng có nhiều cơ hội để phát triển. Khi lực lượng Thị Kỹ phát triển thì cũng có thể xuất hiện lực lượng Dục Kỹ ở các thành thị, nhất là vào thời nhà Lý thì việc buôn bán qua lại với người Tống đã hết sức phát triển.

2.    Kỹ Nữ Việt thời Trần

“Thiếp xưa con gái nhà nghèo,

Lớn lên ca xướng học theo bạn bầy.

Phong lưu quen thú Hà Tây

Chưa tường án mạnh ngang mày như ai.

Tiệc hoa một bữa khuyên mời,

Mối manh duyên khéo an bài tự đâu.

Tràng Khanh chưa gảy Phượng cầu,

Mến tài Đỗ Mục bởi câu hoa đường.

Duyên kim phận cải xe vương,

Những mừng giây sắn được nương bóng tùng.

Thiên Thai một cuộc kỳ phùng,

Thú vui lửa đượm hương nồng chưa bao.

Chương Đài cành liễu nghiêng chao,

Biệt ly mang nặng biết bao oán sầu.

Duyên may hóa rủi ngờ đâu,

Ngậm hờn nuốt tủi chịu rầu cho xong.

Bẽ bàng đổi khác tư dong,

Tóc xanh biếng chải, môi hồng biếng tô.

Thương xuân vách phấn đèn lu,

Trông gương ngấn lệ mơ hồ, ngại soi.

Tiện hồng thư mới tới nơi,

Chia loan càng xót xa đời biệt ly.

Liễu Hàn tạm bẻ vin đi,

Nhưng châu Hợp Phố phải về quận xưa.

Nỗi lòng trăm mối vò tơ,

Thư dài đến mấy vẫn chưa hết lời”


Trên đây là bài thơ đáp lễ ân tình, đồng thời cũng là nỗi lòng của nàng Ca Kỹ Thúy Tiêu dành cho chàng thư sinh Dư Nhuận Chi. Thúy Tiêu vốn là Gia Kỹ của quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn, sống vào cuối đời Thiệu Phong nhà Trần. Trong một lần Nhuận Chi đến yết kiến, thì quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn đã cho làm tiệc thiết đãi, đồng thời cho đám Ca kỹ ra múa hát làm vui, trong số đó có nàng Thúy Tiêu xinh đẹp(dựa theo tác phẩm Truyền Kỳ Mạn Lục của tác giả Nguyễn Dữ)

Đối các triều đại phong kiến Việt Nam thì người Chiêm vẫn luôn bị xem là đám “man di” không cùng đẳng cấp với mình. Triều Trần cũng không phải là ngoại lệ, năm 1252 để tỏ rõ uy danh của mình thì Trần Thái Tông đã thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt về vợ vua Chiêm và nhiều cung nữ, nô tỳ. Số phận những phụ nữ người Chiêm lần này chắc cũng sẽ như thời Tiền Lê, Lý đều bị đem vào cung làm thê thiếp, Cung Kỹ ca múa các điệu nhạc Chiêm Thành hoặc được nhà vua ban thưởng cho các quan lại, tướng lĩnh có công.

Thời đại nhà Trần đội ngũ Cung Kỹ trong cung đã phát triển hết sức quy mô, cũng như được tiêu chuẩn hóa nhằm phục vụ ca múa trong các dịp lễ quan trọng của triều đình cũng như thú vui của bậc đế vương. Các điệu ca múa trong cung đình nhà Trần đã hết sức đa dạng có tới hàng trăm điệu, trong đó có những điệu mô phỏng và hóa trang như: Nam thiên nhạc, Ngọc lâu xuân, Đạp thanh du, Mộng du tiên, Canh lậu trường...

An Nam Chí Lược – Lê Tắc chép:

“Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bầy tôi đều làm lễ, lễ rồi, xem các con hát múa trăm lối”. Phần này cũng còn cho biết vào ngày Tết Nguyên đán, các quan trong nội cung tập trung trước điện Thiên An để chơi các bài ca nhạc trước đại đình. Rồi ngày 3 Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng xem tôn tử và các quan nội cung đá cầu…Tháng hai, sai làm một cái đài, gọi là Xuân Đài (春 臺), các con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đà”

ĐVSKTT chép:

“Nhâm Dần, năm thứ 5 (1362), mùa Xuân, tháng Giêng, lệnh cho cho các nhà vương hầu cùng công chúa dâng các trò tạp hý vua xét định trò nào hay thì ban thưởng cho... Trong tuồng có các vai quan nhân, chu tử, đán nương, câu nô, gồm 12 người, mặc áo gấm, áo thêu, đánh trống, thổi sáo, gẩy đàn, vỗ tay, vỗ phím đàn, thay đổi nhau ra vào làm trò, khiến người xem xúc động, muốn cho buồn được buồn, muốn cho vui được vui. Nước ta có tuồng truyện bắt đầu từ đấy”

Sứ thần nhà Nguyên là Trần Cương Trung viết trong An Nam Tức Sự:

“Từng dự yến ở điện Tập Hiền bên nước đó, thấy một bọn con hát trai (nam ưu) và gái (nữ xướng) mỗi bên mười người, đều ngồi dưới đất. Có các thứ đàn như đàn tỳ bà, đàn tranh và đàn bầu. Tiếng hát tiếng đàn hòa lẫn vào nhau. Khi hát, thì trước hết ê a (lấy giọng) rồi sau mới có lời. Phía trước điện (Tập Hiền) có biểu diễn các trò đá múa, leo sào (dịch lộng thượng can), múa rối trên đầu gậy (trượng đầu khối lỗi). Lại có người mặc quần gấm nhưng mình lại để trần nhảy nhót hò reo. Đàn bà đi chân không, xòe mười ngón tay ra như những chạc cây để múa, thật xấu xa trăm điều”. … Hơn mười người con trai mình đều cởi trần, cánh tay liền nhau, chân giậm xuống đất, vừa xoay vòng xung quanh vừa hát mãi; mỗi hàng khi có một người giơ tay thì mười mấy người cùng giơ tay, khi bỏ tay xuống cũng vậy. Trong các bài hát của họ, có những khúc như Trang Chu mộng điệp (Trang Chu nằm mộng hóa ra bướm), Bạch Lạc Thiên mẫu biệt tử (Bạch Lạc Thiên mẹ ly biệt con), Vi Sinh ngọc tiêu (Ống tiêu ngọc của Vi Sinh), Đạp ca, Hạo ca ..., duy có khúc Thán thời thế (than thời thế) là ảo não nhất, song nghe tản mạn không thể hiểu được. Khi trên điện bày yến tiệc lớn cần có đại nhạc thì nhạc sẽ cử lên ở sau chái nhà phía dưới, cả nhạc cụ lẫn người đều không nom thấy đâu cả, mỗi lần rót rượu, thì (trên điện) hô lớn “Phường nhạc tấu khúc mỗ!”, ở chái nhà phía dưới liền có tiếng “dạ” và cử khúc nhạc đó. Nhạc thì có những khúc gọi là Giáng Hoàng long, gọi là Nhập Hoàng đô, gọi là Yến Dao trì, gọi là Nhất giang phong, âm điệu cũng gần giống nhạc cổ nhưng gấp rút hơn mà thôi”

Về nguồn gốc của lực lượng Cung Kỹ thời Trần thì có lẽ cũng không khác xa với thời Lý. Phần lớn Cung Kỹ được tuyển chọn từ dân gian, ngoài ra còn là các nữ tù binh và nữ nô lệ.

Truyền Kỳ Mạn Lục – truyện nàng Thúy Tiêu có viết:

“Ả danh kỹ ở Từ Sơn là Đào Thị, tiểu tự Hàn Than, thông hiểu âm luật và chữ nghĩa. Niên hiệu Thiệu Phong thứ năm (1345) đời nhà Trần, nàng được tuyển sung vào làm cung nhân, hằng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay ở chiếu bạc”

Ngoài lực lượng Cung Kỹ đông đảo, quy mô thì lực lượng Gia Kỹ thời Trần cũng hết sức phát triển, thậm chí vượt xa thời Lý. Thời Trần là thời đại của thái ấp và điền trang, nhiều thân vương và quý tộc thời Trần được ban thái ấp và điền trang. Thái ấp và điền trang giống như một lãnh địa thu nhỏ, mà trong đó tầng lớp quý tộc có nhiều đặc quyền riêng, thậm chí là có thể mộ binh lính riêng. Có nhiều đặc quyền như vậy, thì tầng lớp quý tộc không khó khăn gì để có một đội ngũ Ca Kỹ riêng của mình, tùy úy sử dụng những khi cần. Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật là một người am hiểu âm luật, thích xem ca múa, thậm chí ông còn là tác giả của nhiều tiết tấu âm nhạc cũng như các khúc điệu múa hát. Một người như Chiêu Văn Vương không thể không có cho mình một đội Ca Kỹ riêng trong phủ (Gia Kỹ) để thưởng thức khi cần được. Trong truyện Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ cũng có nhắc đến việc tầng lớp quý tộc thời trần có đội ngũ Ca Kỹ (tức là Gia Kỹ) riêng cho mình để sử dụng.

Truyền Kỳ Mạn Lục – chuyện Oan Nghiệt Của Đào Thị có chép:

“Dư Nhuận Chi người đất Kiến Hưng, tên là Tạo Tân, có tiếng hay thơ; nhất là về những bài hát, lại càng nức danh ở kinh kỳ, mỗi bài làm ra, phường hát bội đem tiền tặng biếu rất hậu để xin lấy. Nhân thế Dư càng nổi thanh giá ở chốn tao đàn. Cuối đời Thiệu Phong nhà Trần, Dư nhân có việc, vào yết kiến quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn. Ông Nguyễn thấy Dư đến, lật đật ra tiếp, đặt tiệc ở Phiếm Bích đường thết đãi, gọi mười mấy người con hát ra hát múa ở trước tiệc. Trong bọn con hát có ả Thúy Tiêu là người rất xinh đẹp”

Còn về lực lượng Thị Kỹ thời Trần thì không có tài liệu ghi chép lại, nhưng dựa vào việc phát triển của lực lượng Ca Kỹ, cũng như việc tuyển chọn Cung Kỹ từ dân gian thì có thể khẳng định được phần nào sự tồn tại của lực lượng Thị Kỹ ở những chốn đô hội như Thăng Long hay Vân Đồn.

Xét về “tiêu chí làm việc” thì Kỹ Nữ dưới thời Trần cũng như thời Lý thì chiếm đa số vẫn là lực lượng Ca Kỹ. Ca Kỹ là là những người có phẩm hạnh cao nhất trong giới Kỹ Nữ, thời Lý, Trần những người Ca Kỹ vẫn nhận được sự tôn trọng nhất định từ mọi người, không quá bị khinh rẻ như thời sau. Thời Lý có Đào Thị là con hát(Ca Kỹ), có tiếng tốt được nhiều người mến mộ thậm chí còn được Lý Thái Tổ ban thưởng. Thời Trần có mẹ Dương Nhật Lễ là một Ca Kỹ kép hát, nhưng lại được vua Dụ Tông yêu mến đưa vào cung, thậm chí sau khi Dụ Tông mất thì Nhật Lễ còn được Hoàng Thái Hậu đưa lên ngôi vua, mà không dị nghị gì về thân thế là con một Ca Kỹ kép hát cả.


Link phần trước:

Phần 1(1):

Phần 1(2):

Phần 2(1):

9cf5c717bcf275fc212bd6e969c56d6c


Từ khóa: 

kỹ nữ

,

lịch sử